SỰ SỐNG MONG MANH TRÊN BIỂN CẢ

Ngày đăng: 22/12/2017 12:06:50 Sáng/ ý kiến phản hồi (10)

Địa Trung Hải ngày 24 tháng 2. Con tàu cá bằng gỗ bé nhỏ chở nặng chạy hết tốc lực ra hải phận quốc tế. Sau khoảng 20 giờ chạy máy tàu bị hỏng. Thợ máy phát hiện máy bị cháy, không sửa được vì không có phụ tùng thay thế! Có người lấy ponchos căng trên cọc làm buồm tạm nhưng không hiệu quả vì diện tích bườm quá nhỏ. Máy không chạy, buồm tạm không hiệu lực, thế là tàu mất lái; một tình huống vô cùng nguy hiểm giữa biển khơi. Tàu trôi tự do theo dòng nước. Khoảng 5 giờ chiều. Những đám mây đen dầy đặc cuồn cuộn bay đến che khuất làm bầu trời tối sầm, hứa hẹn một trận mưa to. Biển động. Những con sóng cao 3 – 4 mét ập đến như muốn nuốt chửng con tàu mất lái. Trời đổ mưa to. Nhiều người xuống hầm tàu tránh mưa.  Sau một lúc chao đảo con tàu lật ngang. Rất nhiều người trên boang, chắc phải cả trăm người, rơi xuống biển, còn trong hầm tàu lúc nầy là cả một khối hổn độn, nháo nhào với dụng cụ, can xăng, can nước uống, bao chứa thức ăn, hành lý, người. Tiếng người la hét, kêu khóc hòa với tiếng sấm vang rền. Nước tràn vào như thác qua cửa hầm.

Halik may mắn đứng gần cửa hầm nhưng đang ngần ngừ nửa muốn lao ra ngoài theo bản năng sinh tồn, nửa muốn bước sâu vào trong hầm tàu tối đen tìm người chị ruột tên Falimas cùng đi mà trước đó khoảng 10 phút hắn đã trao một cái can nhựa rổng và dặn chị phải ôm chặt can phòng khi hữu sự. Hắn căng mắt nhìn vào cái khối hổn độn đang dẫm đạp lên nhau đó. Trong tàu tối đen, nguồn sáng duy nhất thỉnh thoảng lóe lên từ cửa hầm tàu những khi trên trời có sét. Một phần cửa hầm tàu giờ đang chìm dưới nước. Một người lao ra cửa hầm tàu đụng làm hắn té xuống. Người đi tiếp theo đạp lên chân hắn, và ngay sau người ấy là một đám đông. Hắn đang chắn đường thoát duy nhất của họ. Con tàu lật ngang đang lắc lư vì sóng biển và vì chuyển động giành giật, xô đẩy của khối người bên trong. Một con sóng vỗ ngang tàu thật mạnh làm tàu lắc lư. Halik hiểu việc tàu lật úp chỉ là vấn đề thời gian. Sợ hãi, hắn nhoài người về phía cửa hầm, đám đông lao đến đẩy hắn ra khỏi tàu. Ra ngoài hắn thấy rất nhiều cái đầu đang nhấp nhô theo sóng nước, và thật nhiều những cánh tay chới với, quơ quào, vùng vẫy để mong ngoi lên được mặt nước. Những người nầy không biết bơi. Còn những người biết bơi cũng không biết phải bơi theo hướng nào để bơi vào bờ và bờ còn cách bao xa vì trời tối đen, thế là họ bơi vòng quanh tàu để thỉnh thoảng được bám vào tàu nghỉ mệt. Sóng vổ mạnh và liên tục. Mỗi con sóng ập đến là những cái đầu nhấp nhô trên mặt nước ít dần, những cánh tay chới với thưa dần, những tiếng ho sặc sụa vì uống phải nước biển cũng ít dần. Những con sóng hất những người biết bơi ra xa, thế là họ phải bơi ngược trở lại vào con tàu lật úp để có thể vịn vào để nghỉ tay một chút, còn người không biết bơi hay bơi kém khi bị sóng hất xuống biển thấy người nào bơi đến gần là họ chộp lấy ngay, bất chấp người nầy là ai, bơi giỏi hay không. Họ bám chặt làm cả hai chìm xuống. Có khi một cái đầu nhô trở lên được, cũng có khi không! Hắn cố bơi đến gần cửa hầm tàu mong gặp chị, nhiều người cũng đang làm như hắn. Trong số đó có Salam, anh bạn mới quen và cũng đi với người thân. Có vài người chui ra được khỏi tàu nhưng trong số những người ấy không thấy chị hắn. Một con sóng lớn ập đến, tàu lắc lư với biên độ cao. Nguy cơ tàu lật úp đã hiển hiện. Hắn vội bơi ra xa, đúng lúc ấy một con sóng cao đập vào làm con tàu lật úp. Những tiếng thét kinh hoàng. Số mệnh những người chưa thoát ra khỏi tàu đã được định đoạt. Phải mấy mươi người còn kẹt bên trong hầm tàu. Bây giờ hắn thấy được đáy tàu màu trắng và tròn. Váng dầu trên mặt biển dính vào làm mắt hắn cay xè, thị lực giảm, mọi vật trong mắt hắn giờ đều có màu vàng, và người hắn trơn tuột. Nhiều người bơi vội đến bám và trèo lên đáy con tàu lật úp, chỗ an toàn duy nhất, đang nhấp nhô trên sóng nước. Phần đáy tàu nhô lên trên mặt nước thì nhỏ mà số người muốn leo lên đáy tàu lại quá đông. Chen lấn, giành giật, la thét, kêu khóc… Chỉ một số ít người trèo lên được đáy tàu nhưng nào yên. Một con sóng ập đến… nhiều người rơi xuống nước. Lại giành giật để trèo lên. Những người trèo lên được đáy tàu cố bám giữ vị trí họ đang sở hữu, một việc làm không dễ vì sóng biển rất mạnh, còn đáy tàu thì tròn và không có chỗ bám. Một số người nhanh chóng hiểu ra vấn đề: nếu liên kết được với người nằm bên kia đáy tàu, hai  người bám giữ nhau thật chặt hai bên đáy tàu thì sẽ được yên vị, và phải bám nhau ở quần áo, vì bây giờ tay, chân, nói chung là cơ thể của mọi người đang trơn tuột vì dính dầu. Thêm nhiều người muốn leo lên đáy tàu. Lúc nầy đáy tàu đã đầy người, một người leo lên được thì tối thiểu phải có một người rơi xuống nước. Và bộ phận cơ thể người bơi dưới nước có thể nắm được ở người đang nằm trên đáy tàu là chân, cụ thể là ống quần. Đáp lại người mới bơi đến muốn trèo lên đáy tàu là những cái đạp, đáp lại những cái đạp là những tiếng chửi. Hắn muốn bơi vòng quanh tàu để tìm chị nhưng lúc nầy là điều không thể, thế là hắn tìm cách trèo lên đáy tàu, nơi cao nhất để tiện quan sát. Hắn bơi đến gần con tàu đợi khi một con sóng vỗ mạnh làm một số người rơi xuống nước thì bơi nhanh đến chỗ đó để leo lên mà không phải tranh giành. Từ đáy tàu ló ra nhiều đầu bu-lông dài khoảng một phân với đường ren đầu bu-lông còn bén, điều nầy chứng tỏ những người tổ chức vượt biên mua vỏ tàu cũ rồi gia cố để đi. Thảo nào lúc trước nước xì vào hầm tàu quá nhiều, hắn và những đi trên tàu phải thay nhau tát nước. Bu-lông cắt đứt người, tay, chân hắn khi va phải. Hắn cố chịu đau dùng tay bám, chân chỏi vào đầu bu-lông để không bị rơi xuống nước. Hàng trăm người đang bơi quanh nhưng trời tối nên không thể nhìn rõ mặt. Hắn mong thấy bóng một người ôm cái can nhựa trắng. Cũng không. Trong tuyệt vọng hắn tuột xuống nước bơi vòng quanh tàu, bơi thật sát những người đang vùng vẫy trong nước hy vọng thấy khuôn mặt thân yêu của chị. Mới bơi được vài sãi tay thì có bàn tay ai đó bám vào áo hắn, rồi choàng tay ôm lấy cổ hắn. Sức nặng của người ấy làm hắn chìm xuống. Hắn cố vùng vẫy mong thoát khỏi thì người ấy càng siết chặc tay quanh cổ làm hắn ngạt thở. Cả hai chìm xuống, chìm xuống sâu. Người ấy vội buông tay ra, thế là hắn được tự do. Hắn lập tức bơi ra xa, cởi áo bỏ và rút ra được kinh nghiệm: Khi đang bơi, nếu có ai đó bám vào người làm bạn chìm xuống, nếu muốn thoát thân bạn chỉ việc hít vào một hơi thật sâu rồi để cho cả hai chìm xuống nước, người ấy sẽ buông bạn ra ngay. Rất đơn giản nhưng cũng rất tàn nhẫn. Hắn tiếp tục bơi vòng quanh tàu tìm chị. Có người chộp vai hắn nhưng trượt vì người hắn trơn tuột. Thêm một cái đầu chìm xuống. Lại có người ôm được hắn, hắn thực hiện kinh nghiệm mới có: hít vào một hơi thật sâu và để cơ thể chìm xuống. Người ấy lập tức buông hắn ra. Lại được tự do bơi tiếp. Lại có người ôm cổ, hắn lại hít sâu, để cơ thể chìm xuống, nhưng lần nầy hắn nghe tiếng người ấy nói, “Anh em với nhau mà làm như vậy à?” Hắn vội quay nhìn lại thì thấy khuôn mặt với cặp mắt mở to vì ngạc nhiên đang chìm dần xuống nước của Malik, người lúc chiều đã cùng hắn tát nước dưới hầm tàu. Hắn vội quay mặt đi, tay quạt nước thật mạnh như để xua đi cảm xúc hối hận đang dày vò. Lúc tàu mới lật úp số người chung quanh tàu phải hàng trăm người, sau 30 phút số người hiện diện quanh tàu ít đi khoảng một nửa. Thêm một giờ trôi qua. Biển vẫn động, sóng vẫn cao, nhưng mưa yếu dần, số người quanh tàu cũng ít đi; tổng số người đang bơi dưới nước và người nằm trên đáy tàu chắc còn khoảng 50. Thêm một giờ. Biển êm, sóng chỉ còn lăng tăng, mưa đã dứt. Hắn bơi đến đáy con tàu lật úp lúc nầy đã có đủ chỗ cho mọi người. Có chỗ cho TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI CÒN SỐNG phía trên cỗ quan tài tập thể! Hắn nằm dài trên đáy tàu, tay bám, chân chỏi lên đầu những bu-lông bén để khỏi bị sóng biển hất xuống nước. Bây giờ hắn mới cảm nhận được nỗi đau từ những vết thương trên người, mới cảm nhận nỗi xấu hổ vì đã tham sống bỏ rơi chị, đã đối xử tàn nhẫn với bạn bè. Mặt hắn ướt đẫm vì nước biển và nước mắt.

Quá mệt hắn thiếp đi. Một người lay hắn dậy, “Dậy, dậy… lính biên phòng đến kìa!” Khalik cố mở to mắt để nhìn. Rải rác đó đây trên bãi biển là những xác người, hành lý, quần áo. Hắn cảm thấy người hắn không chút sinh lực, tay chân rũ rượi. Hai người lính phải dìu hắn đi, nhưng hắn còn kịp thấy thằng bé con nhà Kurdi đang nằm gần đó chân mang giày, đầu đội mũ, nằm ngữa trên cát như đang ngủ. Với một ít cát phủ trên người.

Nguyễn Hoàng Long

(Nguồn hình NET)

Có 10 bình luận về SỰ SỐNG MONG MANH TRÊN BIỂN CẢ

  1. VÕ THI LÀI nói:

    Một cảnh tượng thật đau lòng, nó nhói vào tim người đọc , và rồi nhớ lại cách đâyhơn 40 mươi năm người Việt chúng ta cũng lâm vào hoàn cảnh như thế  .

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Bắt phong trần, phải phong trần

      Cho thanh cao mới được phần thanh cao

      Có phải như lời cụ Nguyễn Du không cô Lài?

  2. Hồ An Nhiên nói:

    Thật đau lòng , không còn lời nào để diễn tả cảm xúc

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Con người với ước vọng nhỏ nhoi, chỉ mong tìm một chốn yên bình để được sống cho đáng sống mà cũng không được! Buồn quá.

  3. Một Lúa nói:

    Chào anh Hoàng Long, cảm ơn bài viết.

    Chuyện thương tâm trên biển đông cặp hông quê ta  còn ghê gớm hơn nhiều, ỏ những trường hợp ghe chở 70-80 chỉ còn 1-2, mà ngay những người nếm vị mặn của bão biển cũng không tưởng tượng nổi. Ngoài thiên nhiên cuồng nộ theo thời theo tiết, còn có thảm họa do con người tạo ra  trên mặt nước lắm khi  phẳng như hồ thu…

  4. Hoành Châu nói:

    Bài viết  hay  thật  sống động  rùng rợn , khiếp vía  thiệt  , số phận  con người vô cùng bé nhỏ trước  đại dương  bao la vô tận ,, ,, Cảm ơn Nguyễn Hoàng Long .
    Hoành Châu (Gia đình C  )

  5. Phạm Thị Trí nói:

    Bên bờ sống chết, con người vì muốn dành sự sống cho mình thì phải nhẩn tâm với người khác…đọc và hồi tưởng lại con đường mình đã trải qua…Mỗi con đường , để đi đến bến bờ …đều có cái giá của gian nan phải trả.
    Cô tự hỏi N.H.L  đã dịch hay tưởng tượng viết ra, kể lại ? Nếu NHL viết , thì phải phục sức tưởng tượng phong phú của NHL., NHƯ EM ĐÃ TRẢI QUA KHỔ NẠN NẦY TRÊN BIỂN…

  6. Nguyễn Hoàng Long nói:

    ĐỊA NGỤC CÓ THẬT phải không Cô?

     

Trả lời Nguyễn Hoàng Long Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác