Sinh Tố Tờ Lờ  (4) 

Ngày đăng: 16/12/2017 09:09:51 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Nhìn từ góc độ nào cũng thấy được tình  trạng  thiếu thốn  bấp bênh trong  một nhà  toàn là phái nữ của  dì Sáu. Người trong cuộc thì thấm thía  hơn cả.  Năm 2000,  Út Ngọc treo gióng gánh tạm biệt Cần Giuộc để lên Sài Gòn thử thời vận đúng một năm. Thời gian chạy  nhanh như những băng chuyền trong các hãng xưởng. Một ngày vào năm 2001, Út Ngọc trở về quê trình bày một quyết định quan trọng:

– Năm nay má đã gần tám mươi  mà không có cái gì nắm trong tay, xương sống má càng ngày  càng cong xuống. Bản thân con cũng đã ba lăm, tuổi xuân đang mùa tàn héo. Con gái của con học lớp 2 và  mỗi năm mỗi lớn.  Con không thể rời khỏi gia đình nầy đi  làm công nhân  như người ta để  gởi tiền về nuôi má.  Trở lại  bán  chè tại thị trấn nầy thì chỉ cầm cự đủ tiền chợ mỗi ngày là mừng hết lớn. Mưa bão thất thường hay rủi má đau yếu thì con biết xoay trở thế nào. Năm con thi đậu vào Cao đẳng Sư phạm ngay thời nhà mình quá túng hụt, hoàn cảnh  khiến con tự nguyện bỏ trường về  bán buôn phụ  tay với má. Nhớ hồi nhỏ theo má đi bán thấy vui vui, còn năm đó về nhà gánh chè mắc cỡ muốn chết.  Cả tuần đầu một mình đi bán, con chỉ ngó xuống bàn chân mà trả lời lí nhí với những người vui tánh trêu ghẹo, cũng không dám nhìn thẳng bạn bè. Con không dám thố lộ nỗi lòng, sợ má nóng ruột mà dang thân gánh tiếp.  Ngày con chính thức gánh chè và làm đủ cách sinh nhai cũng đã mười mấy năm rồi, con nhất quyết mọi giá không cho con của con nghèo khổ để  tiếp tục kê vai gánh chè như đời ngoại và mẹ nó. Con xin má nghĩ lại thương con mà cho theo mấy đứa bạn xóm lấy chồng Đài Loan. Con nguyện cố gắng để gởi tiền nuôi má lúc tuổi già và đứa con gái nhỏ nầy phải ăn học thành tài.

Dì Sáu không nỡ gả con đi xa mù mịt. Nhưng dì biết rằng, còn nắm níu thì chết cả chùm. Dì đành buông núm ruột hiếu thảo của mình trôi nổi về nơi không một bạn bè hay thân thuộc.  Đến Đài Loan được vài tháng, Út Ngọc gởi tiền cho dì mua 5 chỉ vàng trả cho người em dâu  của dì. Nhưng không ai ở Việt Nam biết thời gian đầu của Út Ngọc từng chịu cảnh nước mắt lẫn máu chan cơm. Người ‘chồng xứ Đài’ có những người con ngang trạng với Út Ngọc, họ không thể nào tin một cô gái trẻ đẹp từ đất nước  xa lạ chịu ưng một ông già góa vợ  mà không hậu ý dòm ngó gia tài. Họ thường xuyên  đuổi xô và có khi dùng bạo lực với Út Ngọc, khiến có lần Út Ngọc phải chạy ra bãi biển đông người và trống trải, để bọn người ‘đánh ghen’ cho cha họ không dám làm ẩu. Cuối cùng , ông Đài Loan còn minh mẫn để hiểu lòng người, ông ấy đến văn phòng luật sư làm di chúc nói rằng sau khi ông qua đời sẽ  để lại phần lớn tài sản cho các con của ông với người vợ quá cố.  Chỉ một phần nhỏ cố định cho Út Ngọc và con cô ta, nếu có con với ông sau nầy. Ông cũng cho họ thấy người phụ nữ Việt trẻ và đẹp đã chu toàn bổn phận người vợ và siêng năng làm việc để giúp gia đình ở quê nhà. Gỗ đá cũng biết nghe lời phải. Sau những năm tháng bị nghi kỵ và thù ghét,  Út Ngọc đã chinh phục tình cảm của  thân thuộc và láng giềng nhà chồng, kết nối thân thiện với bạn bè đồng hương, đồng cảnh. Những năm sau đó, ông Đài Loan nầy thường hay đi cùng Út Ngọc về thăm mẹ vợ và luôn có thái độ quý trọng thương mến dì Sáu.

Trời chưa nỡ ngoảnh mặt với dì Sáu.  Vài năm trước khi dì mất,  nhà nước phóng con lộ đi ngang mặt hậu miếng đất. Dân cư dồn trở ra khu mà trước đây nằm ngoài rìa  thị trấn. Nhờ vậy mà bãi đất cỏ hoang của dì trở thành vàng. Dì mướn thổi cát lấp trũng và chia miếng đất  làm  3 nền nhà. Dì  bán 1 nền  được 600 triệu, dì truất 150 triệu để xây nhà trên nền thứ 2. Còn cái nền đầu tiên có căn nhà cũ mà dì sống trước đó với mẹ con Út Ngọc, dì bán giá nửa chỉ vàng cho cô con gái lớn  lúc đó đã có cháu ngoại. Lý do dì làm giấy bán như vậy là tránh mọi sự khiếu nại có thể  xảy ra  sau khi dì mất. Cất nhà cho riêng dì chỉ vừa đủ ở, gọn gàng chắc chắn.  Dì  cho mỗi đứa con số tiền  10 triệu, chưa kể có vài đứa mượn  thêm 10 triệu.  Số còn lại dì giữ để dưỡng già.  Coi như những năm cuối đau yếu của dì Sáu là phần đời hạnh phúc nhất.

Sáu Bờ-rô nói thêm vài lời cám ơn thính giả chú ý lắng nghe đến hết câu chuyện. Thằng Tí thì có tật hay đứng dậy nói chuyện, vừa dợm đứng thì hắn bị Sáu Bờ-rô kéo ngồi xuống:

– Bạn Tí cứ ngồi tại chỗ mà nói, mỏi miệng đủ rồi, không cần mỏi giò.

– Tí tui  quanh năm ruộng đồng, chỉ thấy ngắn gọn  trong vòng thân thuộc  có vài vụ tranh chấp theo dạng nhà giàu cũng  hơi đáng tiếc. Sau đây là những câu chuyện không theo trường phái nào cả. Tuy có tình có tiết, nhưng cũng có thể xem như truyện hoàn toàn hư cấu. Chuyện là, trong thân thuộc  của tui có  người  anh em  làm quan cở vừa vừa và đủ điều kiện đi diện HO. Anh Cả  trong gia đình đó không làm giấy tờ ra đi  mà ở lại Sa Đéc với 2 lý do:  săn sóc mẹ già,  l lo chống đở kinh tế gia đình và giải tỏa áp lực sự công kích của người em  tạm gọi là cậu Tư. Trước 1975, cậu Tư  bỏ ngang  người vợ cưới hỏi và đứa con gái nhỏ ở Thủ Đức  để đi theo hẳn vợ nhì về sống ở Long Xuyên. Cha mẹ và hầu hết anh em của cậu Tư không chấp nhận cuộc hôn nhân mới.

Dòng sông khúc doi khúc vịnh nhưng nước chảy êm xuôi cho đến khoảng thập niên 1990,  cậu Tư nầy trở về Sa Đéc ngỏ lời  chia phần căn nhà cha mẹ đang sống chung với gia đình anh Cả và hai mẹ con là em gái kế cậu Tư.  Dưới danh nghĩa ‘con nào cũng là con’, cậu Tư  bắt buộc anh Cả đang quyền huynh thế phụ  phải giải quyết chỗ ở cho gánh Long Xuyên.  Anh Cả dàn xếp để gởi gia đình cậu Tư tá túc ngôi nhà mà ngày xưa ba anh cho người bà con mượn cư ngụ suốt mấy chục năm.

Bão táp bên ngoài vừa tạm êm vài năm  thì bản thân Anh Cả xảy ra chuyện lớn. Sau một thời gian sống cực nhọc và kế đến  chuỗi ngày khổ tâm, anh ta không chú ý cơ thể anh có sự khác lạ. Một ngày vào khoảng năm chín mấy không nhớ rõ, anh Cả lái xe Honda  tự đến bệnh viện khám bệnh, bác sĩ quen bắt anh nhập viện liền và nhờ người mang thơ tận tay vợ anh. Cả nhà nhận được tin dữ trong sợ hãi kinh hoàng.  Anh Cả được điều trị  một tuần rồi giã biệt cõi đời vì ung thư gan thời kỳ cuối mà phát giác quá trể. Không riêng gia đình anh Cả, bà con thân quyến đều  thương tiếc người trung niên đàng hoàng ưu tú, có vợ con thật hoàn hảo.  Ai cũng nghĩ, nếu anh nạp đơn HO từ những năm 88-89 như bè bạn, thì lúc thử máu hoàn tất thủ tục y tế sẽ sớm phát hiện viêm gan,  chắc chắn  việc điều trị rất dễ dàng. Nhưng tất cả sự việc xảy ra đều nghịch ý, xem như định mệnh.

Phần cậu Tư và gia đình  an nhiên dọn đến tạm trú  một góc nhỏ trong căn biệt thự. Tuy chủ quyền nguyên thuỷ là của ba cậu, nhưng sổ bộ thống kê hộ khẩu từ 1975 đến năm đó đều  do một gia đình khác đứng tên. Dần dà, cậu Tư bắt đầu ló mòi giành quyền làm chủ  vì giá trị 2 mặt tiền của căn biệt thự nằm trên đại lộ sầm uất nhất thị xã.  Thì người bà con cũng đã chuẩn bị phản ứng một mất một còn vì có công gìn giữ lâu nay. Nhất là gia đình nầy có những quen biết rất đáng nể.

Người chiếm ngự thì khăng khăng cho rằng: “Không nhờ gia đình tụi tao ở đây thì căn nhà nầy đã bị tịch thu sau những lần  đánh tư sản, chứ còn đâu mà tranh giành”.  Nhưng năm đó ngay thời chuẩn bị mở cửa hội nhập thế giới,  do đó mọi người phải quên những vụ đánh tư sản hai mươi năm trước. Tuy vậy, luật sư kiện tụng cũng trầy vi tróc vãy để lấy lại căn nhà trả cho những người thừa kế hợp pháp. Được thắng kiện coi như lật ngược thế cờ, tài sản kỷ niệm của cha mẹ tiếp tục  rơi vào cuộc tranh chấp của anh em ruột thịt. Rốt cuộc,  căn biệt thự  đó phải bán, chứ không thể ngăn phòng chia năm xẻ bảy. Kết thúc  tranh chấp dằng dai  bằng việc chia đều số vàng  còn lại sau khi trừ các chi phí. Những kí vàng đã đánh mất tình nghĩa  gia tộc, sức mẻ tình cảm anh em trầm trọng đến mức không thể hàn gắn. Không lâu thì vai thứ hai  trong bi kịch nầy cũng qua đời bởi chứng sơ gan. Tan đàn tẽ nghé, buồn bả do đâu?

– Hồi nảy nghe bạn Tí  mình giới thiệu có vài trường hợp, vậy bạn có muốn kể thêm vụ nào hay nhận lớp cho qua?

– Tuy là toàn chuyện không chủ đề chủ đích, cũng không phải nói lên bài gì đáng học. Nhưng giờ nầy ngưng lại để ăn hủ tiếu vườn của bếp Hai Chích thì quá trể, hỏng chừng nồi nước súp đã cạn từ khuya. Còn cơm trưa thì có lẽ chưa ai vo gạo, lóng tai hoài cũng chưa nghe tiếng  dao chạm thớt.  Thôi thì cảm phiền anh em nghe Tí kể  thêm một câu chuyện cũ xì.

Má tui kêu dì Bốn ở Cần Thơ là chị và có bà con liên hệ hơi xa. Hồi nhỏ hai người học chung và cùng ở trọ nhà ông Mười nhiều năm, vì thế mà má tui và dì Bốn thân thiết như chị em ruột. Má tui có dịp đi Cần Thơ đều ghé thăm dì. Dượng Bốn mất vào năm 1953, nghe nói có một toán lính Pháp đi “ba-trui” qua khu phố hơi vắng  thì nghe có tiếng súng bắn ra. Tuy không làm ai bị thương nhưng toán lính cũng lùng sục khu đó. Họ khám phá dượng Bốn ẩn trong  gác xép một ngôi nhà trống, họ bao vây và kêu dượng đầu hàng, nếu không thì 5 phút sau họ sẽ xạ kích. Sau 1975, nhìn tấm bằng liệt sĩ trên bàn thờ, bà con mới rõ dượng Bốn là cán bộ của Việt Minh trong đường dây hoạt động nội thành. Cũng nhờ các công trạng và quen biết của dượng trước kia mà hai người con trai lớn được những ‘xì-thẩu’ nhờ đứng tên đóng ghe tải chở mướn.

Hai anh nầy theo ghe chiếc ghe đó vượt biên rất sớm, một anh tên là Sĩ  bỏ lại vợ và đứa con trai nhỏ. Những năm đó liên lạc rất khó và không ai nghĩ ra tình trạng “một thế giới phẳng” như hôm nay. Chắc là vì vậy mà anh Sĩ đến Cali không lâu thì ráp vào một bà khác và họ có một đứa con. Không thể đoán chừng cuộc ngang trái nầy do ai lỗi đạo,  chỉ biết một điều là anh Sĩ  không bao giờ trở lại Việt Nam trong những năm dễ dàng sau đó cho đến bây giờ.

Dì Bốn mất vào khoảng năm bảy mấy, dì để lại căn phố rất đẹp trong thành phố Cần Thơ cho các anh chị cư ngụ. Sau khi hai anh ô-đi-ghe thì lần lượt thì hai chị nhỏ hơn đi diện ô-đi-pi do các con bảo lãnh định cư nước ngoài. Chị Lớn sống đơn thân tu bổ giữ gìn căn nhà cho đến khi qua đời cách nay vài năm. Lúc  chị Lớn còn khoẻ, chị có làm giấy di chúc sẽ nhường lại căn phố đó cho con của người em trai,  hành động như chuộc lại phần nào lỗi của anh Sĩ bỏ vợ con ở lại Việt Nam và có vợ khác ở Cali. Lúc chị Lớn nằm liệt bán thân, thì có một chị khác ở Úc bay về ép chị Lớn phải làm lại di chúc nhường căn nhà đó cho con trai của chị, đứa con đó cũng đang thừa hưởng gia tài của dòng tộc dượng Bốn ở vùng Phong Điền.

Có lẽ như con cua lột ngo ngoe, chị Lớn không còn hơi để tranh cãi thiệt hơn, chị bất lực xuôi tay theo ý em gái. Để rồi chị nằm cô đơn những tháng cuối đời trong ngôi nhà lạnh vắng, bà con đến thăm chị Lớn phải qua nhà kế bên mượn chìa khoá cổng, vì người săn sóc chị có giờ đến làm nhất định. Người chị Việt kiều Úc đâu ngờ rằng, sự giành lại ngôi nhà của cha mẹ  mà chị nghĩ là chính đáng. Có thể  đã mang về cho đứa con một lỗi lầm hoặc tạo ra quả nghiệp. Nó chưa kịp tận  hưởng căn nhà đó thì bị đột tử sau một trận nhậu. Nếu vợ nó ở vậy nuôi con, nhang khói phụng thờ ông bà thì nên khâm phục đáng khen. Còn nếu vợ nó bước thêm thì cô ta có quyền mang luôn những gì luật pháp công nhận “của chồng công vợ” mà ghé vào bến mới, thì liệu hương linh của chị Lớn và dì dượng Bốn có còn phảng phất cảnh xưa. Trường hợp đó xảy ra, chẳng khác nào chị giành gia tài cho người mà chị chưa từng quen biết.

 

(Còn tiếp)

Một Lúa

H

Có 2 bình luận về Sinh Tố Tờ Lờ  (4) 

  1. Bạch Lộ NK79 nói:

    Ôi! Anh ơi, những câu chuyện thật là hấp dẫn, lôi cuốn lắm…ráng đọc mới biết những nhân vật có bà con “đầu ông”… Chúc anh Một Lúa với gd cuối tuần vui vẻ và đón một mùa Giáng Sinh an lành hạnh phúc nhé!

    • Một Lúa nói:

      Cảm ơn bạn Bạch Lộ.

      Mến chúc bạn và gia đình luôn ấm áp trong mùa đoàn viên và Năm Mới 2018 an khang thịnh vượng.

      (Nếu bạn không là fan bóng đá thì đừng đọc những dòng nầy, bạn đã làm cho thủ thành Sáu Bờ-rô của tụi tui mất danh hiệu 5 trận liền không để lọt lưới. hihihi!)

Trả lời Bạch Lộ NK79 Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác