PHÁ ÁN TRÔM KHOAI

Ngày đăng: 2/12/2017 11:38:53 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Năm 1975 tôi là thành viên nhóm thanh niên tình nguyện được gửi lên tỉnh Đồng Nai hợp tác xây dựng vùng kinh tế mới. Nhiệm vụ chúng tôi là xây nhà cho dân một khu kinh tế mới tương lai, khu nầy nằm ngay cạnh và vào sâu trong rừng hơn khu vực sống của người dân hiện hữu. Nhóm thanh niên tình nguyện được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ thực hiện một công đoạn: tổ đi đốn cây, chặt cây, tre làm vật liệu cất nhà, tổ cắt và đánh tranh, tổ sản xuất khung sườn nhà, tổ làm nền, tổ dựng nhà, lợp lá… Là dân Vĩnh Long, đã vài lần qua xóm Chằm bên kia sông phía sau chợ Cá Vĩnh Long chơi, đã thấy cách người dân chằm lá dừa nước thành tấm để lợp nhà nên tôi tình nguyện vào tổ cắt tranh-đánh tranh. Làm khâu nầy không vui vì ít người nhưng được cái nhẹ nhàng và chỉ đòi hỏi tí khéo tay. Tổ chúng tôi phải tìm đến những vạt cỏ tranh, chọn tranh đủ chiều cao và đồng đều, cắt sát gốc, trải ra phơi tại chỗ 3 đến 5 nắng, sau đó mới quay trở lại lấy tranh khô về đánh thành tấm có chiều dài khoảng 1m để lợp nhà. Chúng tôi cũng được cung cấp những đoạn tre và lồ ô cắt đoạn có chiều dài 2,5m để sau đó chẻ nhỏ thành nẹp đường kính 1cm, bẻ gập đôi để làm nẹp gắn những nắm cỏ tranh vào. Việc làm nầy gọi là đánh tranh (thành tấm). Đánh tranh khó hơn chằm lá nhiều. Chằm lá chỉ cần chú ý để bản của phiến lá dừa nước thứ nhất và thứ ba giáp mí nhau, tay giữ nguyên vị trí lá khi xỏ dây cột cố định là xem như đạt yêu cầu, còn đánh tranh cũng theo nguyên tắc tương tự nhưng là lấy từng nắm tranh khô (nắm gồm bao nhiêu cọng?) trải mỏng vừa phải (mỏng bao nhiêu là vừa phải?), và thật đều rồi kẹp lại trong nẹp thay vì gắn từng phiến như lá dừa nước rồi kết lại bằng lạt cây lùn. Lúc đầu những tấm tranh tôi đánh có tấm cầm lên trông rất đẹp nhưng khi đưa lên cao cọng tranh rơi xuống lả tả, có tấm cầm lên soi thấy mặt trời!

Làm vài buổi cũng quen. Đi cắt tranh lúc đầu rất gần, sau đó hết tranh phải đi xa 5 – 7km mới có. Vất vã hơn.

Người dân nước ta yêu lao động, yêu đất nên họ tranh thủ đất rừng và nước mưa để phá rừng, trồng rẫy, dù phải đi xa. Nông sản thích hợp nhất cho vùng ấy là khoai lang vì đất rừng mới khai thác rất phì nhiêu, dây khoai sức sống mạnh, có thể cạnh tranh với cỏ nên ít cần chăm sóc, lại nhanh thu hoạch và có nhu cầu cao khắp cả nước. Đầu mùa mưa người dân làm cỏ, vùi cỏ xuống dưới rồi cuốc lớp đất đỏ laterit trên mặt giàu dưỡng chất phủ lên thành luống cao và dài. Cỏ vùi bên dưới theo thời gian sẽ hoai mục, làm cho đất trong luống vừa giàu dưỡng chất vừa tơi sốp, khoai sẽ cho củ to và nhiều. Chúng tôi đến vùng đó công tác được vài tháng thì khoai bắt đầu ra hoa, nghĩa là củ đã to có thể thu hoạch. Đúng lúc ấy lại xảy ra mất trộm. Người dân khiếu nại có ai đó đào trộm khoai khá nhiều. Tôi đến vạt khoai bị đào trộm quan sát thì thấy rất lạ, vì từng đi nhổ khoai, cũng có chút kinh nghiệm (xin xem lại bài TÔI ĐI NHỔ KHOAI) nên thấy kỳ kỳ. Luống khoai có chỗ bị đào banh, có chỗ đào ngầm đến củ. Mà vùng đó chỉ có người dân và tổ đánh tranh chúng tôi lui tới. Tình ngay lý gian. Ngay tối hôm đó ban chỉ huy tập họp tất cả anh em lại nói về việc người dân khiếu nại bị đào trộm khoai và đối tượng tình nghi là chúng tôi, tổ cắt tranh-đánh tranh vì thường xuyên qua lại khu vực ấy. Chúng tôi phải viết tự khai hoạt động những ngày gần đấy nhất. Anh em nghi ngờ nhau. Tinh thần lúc ấy vốn đã thấp do nhiều bạn bị bệnh: sốt rét douống nước suối trong rừng không đun sôi vốn chứa nhiều ký sinh trùng, bệnh lao do lây nhiễm hay do vi khuẩn lao tiềm ẩn trong cơ thể có điều kiện phát tác bởi suy nhược do lao lực, thiếu ăn, cơ thể ghẻ lỡ do côn trùng chích hay da bị trầy bởi rìa lá tranh rất bén cắt mặt, tay gây ngứa, gải riết thành ghẻ và giờ còn bị nghi ngờ ăn cắp. Rồi người dân đổi thái độ thành nghi kỵ, xa lánh. Chúng tôi rất buồn vì tổ chúng tôi đều là sinh viên, có học, có lòng tự trọng, sẽ không bao giờ làm những việc như trộm cắp dù có đói. Mà quả tình lúc ấy chúng tôi đói thật. Xuất phát từ quan niệm ấu trỉ của thành phần lãnh đạo nhóm. Địa phương yêu cầu gởi lên chi viện công trường 100 lao động nhưng các bạn lãnh đạo nghĩ sức sinh viên yếu, năng suất thấp, tiến độ thi công chậm sẽ thua kém các đơn vị bạn (!), thế là các bạn tự ý gửi lên 200 lao động, trong khi công trường đã dự định lương thực, thực phẩm cung cấp chỉ đủ cho 100 người. Và công trường thuộc vùng sâu, một số bạn có tiền nhưng không mua được gì để cải thiện bữa ăn, trừ vài cái bắp, củ khoai.

Hôm sau như thường lệ tôi và một anh bạn trở lại nơi phơi tranh mấy hôm trước để gom mang về. Đi ngang vạt khoai ngoài cùng thấy dấu đất đỏ tươi mới đào, sinh nghi chúng tôi lội vào tận nơi quan sát.

Vốn là dân thành phố sợ rắn nên chúng tôi phải dùng cây vạch dây, lá khoai trước khi bước chân vào.

Gần đến chỗ khoai bị đào một con vật khá to nhảy ngay vào người anh bạn đi trước. Anh bạn sợ chết khiếp nhưng theo bản năng đã quật khúc cây đang cầm trúng đầu con vật, nó chỉ kịp kêu “chét” rồi nằm ra đất dãy chết. Con vật đầu bị bể, máu me tùm lum, răng nhe dài, cơ thể lông lá trông phát sợ. Hai chúng tôi nghĩ nó là con chuột; con chuột cống to nhất mà tôi từng thấy, nặng chắc phải hơn ký! Qua cơn hoảng sợ và giờ bắt được quả tang thủ phạm đào khoai đã làm cả tổ cắt tranh-đánh tranh chúng tôi

mang tai tiếng hai chúng tôi mừng lắm, chúng tôi cho rằng có lẽ con chuột sống trong rừng lâu năm và nhờ những ngày gần đây ăn nhiều khoai nên mới mập, và to như vậy. Sợ bọ chét chuột bò sang ngườichúng tôi tước dây khoai cột con chuột xách đến nhà người dân gần nhất giao cho họ làm bằng chứng để còn đi làm tiếp. Trên đường quay trở lại nhà dân chúng tôi gặp một người vác cuốc đi ngược chiều, có lẽ người ấy ra thăm vạt khoai. Chúng tôi kể lại sự việc, chỉ hướng vạt khoai bị đào, hỏi tên, hỏi nhà người ấy để sau nầy báo lại cho lãnh đạo, nhanh chóng giao con chuột rồi đi làm việc. Người ấy gọi với theo hỏi tên hai chúng tôi.

Mỗi tối, sau buổi cơm chiều chúng tôi có buổi họp tổ báo công, bình công. Hai chúng tôi báo cáo đã phá xong vụ án trộm khoai, anh em trong tổ đều vui . Đúng lúc ấy có người dân đến láng tổ đánh tranh hỏi tên xin gặp hai chúng tôi. Đó là nông dân ban sáng chúng tôi đã gặp và trao con chuột. Trước mặt anh tổ trưởng người ấy xác nhận toàn bộ sự việc chúng tôi đã báo cáo và ngỏ ý mời 2 chúng tôi cùng anh tổ trưởng đến nhà ông ta chơi. Hình như nhà ông ta có tiệc. Lúc chúng tôi đến nhà anh thì thấy mấy đứa bé trong nhà mỗi đứa ôm một tô cháo to, loại tô đựng mủ cao su to như cái vịm, ngồi một góc nhà ăn.

Trong nhà đã có sẵn 3 người đàn ông ngồi quanh chiếc bàn kê giữa nhà nói chuyện, uống trà và hút thuốc lào Xuân Lộc khói mù mịt như hun muỗi. Trên bàn, cạnh cái điếu cày bằng tre còn có mâm thức ăn đậy lồng bàn hẵn hoi và chai rượu đế (Đúng ra phải gọi là rượu khoai mì vì được nấu từ khoai mì. Cũng như ở miền Tây trước đây, người dân nấu rượu bằng nếp nhưng lại gọi là rượu đế vì phải trốn trong những đám đế, đám sậy che chòi, đắp lò chưng cất rượu, không dám nấu ở nhà vì sợ tào cáo bắt!) Ba người ngồi quanh bàn là trưởng ấp, một người là tổ nông hội còn người kia là hàng xóm thân. Gặp 3chúng tôi ông trưởng ấp bày tỏ sự hối tiếc vì đã nghi ngờ oan đám sinh viên, và mong chúng tôi bỏ qua, không chấp nhất những hiểu lầm, tiếp tục công tác tốt giúp dân. Ông ta còn hứa sẽ thu xếp lên gặp lãnh đạo công trường thanh minh cho tổ chúng tôi. Tiếp đó chủ nhà mời tất cả ngồi vào bàn.

Bảy người ngồi vào bàn. Thức ăn chỉ có 2 món: Một dĩa gan, lòng xào mướp và một nồi cháo to nấu với xương. Chúng tôi hỏi chủ nhà hôm nay nhà ta có đám gì? Ông ta cho biết sẵn có thịt “của con cụi được chúng tôi cho khi sợm” nên nói vợ nấu mấy món mời ông trưởng ấp và chúng tôi đến chung vui, giải tỏa những hiểu lầm. Chúng tôi ngạc nhiên:

_ Hồi sáng tụi tui đập được con chuột cống rừng phá khoai nên giao cho ông mà.

_ Không phải. Con nớ tụi tui gọi là con “cụi”, không phải con chuột. Heo cụi á tề!

Hai chúng tôi ngớ mặt nhìn nhau. Chúng tôi vẫn dùng từ heo cúi, vẫn nghe nói thời xưa ở nhà phải bệnh con cúi bằng rơm để giữ lửa… , chúng tôi đã nói như con két mà không biết con cúi, động vật sống trong hoang dã, họ hàng của nhà heo nó ra làm sao!

Tôi không biết ăn nội tạng nên đành uống rượu đế và gắp mướp xào ăn. Không biết anh bạn cùng tổ đánh tranh với tôi cảm nhận ra sao, nhưng tôi cảm thấy miệng đắng nghét (một phần vì lúc nầy buổi chiều tôi hay bị sốt), uống rượu đế mà không nghe vị đắng của rượu! (Nhiều bạn tôi lúc nầy đã nghiện thuốc lá nặng; ở đây có thuốc rê Xuân Lộc xịn hút cũng đỡ, sau nầy về thành phố lúc khó khăn phải hút lá… đu đủ! Thậm chí có bạn hút thuốc lào, còn uống rượu đế với chúng tôi lúc ấy là chuyện nhỏ!) Nhưng phải công nhận món mướp xào buổi ấy ngon hơn món mướp xào, mướp nấu canh tôi vẫn ăn thường ngày. Có lẽ vì có rượu, mà có lẽ cũng vì có mùi thơm, vị ngọt của thịt và mỡ. Sau đó tôi được mời ăn chén cháo và gặm mấy khúc xương. Vì uống rượu không nghe đắng nên hôm đó tôi uống hơi nhiều, chung rượu đưa tới là uống ngay, không ké né trốn tránh. Chung rượu quay vòng thật nhanh, không bị “đắp mô” nên được ông chủ nhà và ba người bạn khen, “Chú ni sộng thiệt tình!”

Trên đường về chúng tôi mắng nhau:

_ Sao mầy ngu thế? Miệng cứ nói “heo cúi” mà khi bắt được con cúi lại nói con chuột.

_ Đúng là ngu. Thịt tới miệng mà không biết ăn!

 

Nguyễn Hoàng Long

                 H1

                H2

Có 4 bình luận về PHÁ ÁN TRÔM KHOAI

  1. Nguyễn Thị Bé ( Xuân Hiệp ) nói:

    Đọc bài viết của bạn làm tôi nhớ tới những năm bao cấp khổ quá nhưng ai cũng tốt bụng không tham lam tranh giành như ngày nay cuộc sống bây giờ đủ đầy mà cứ muốn thâu tóm thêm bất chấp tình người.

  2. Đúng là “đi một đàng, học được một sàng khôn”, nếu cứ ở nhà thì làm sao mà biết là con “heo cúi” lại là con “chuột núi”, phải không Nguyễn Hoàng Long !

  3. Nguyễn Hoàng Long nói:

    Lần đi lao động đó em học được nhiều điều lắm Cô ơi. Khoảng 2 tuần sau vụ con cúi em phải bỏ trốn về thành phố vì bệnh. Nếu ở lại có thể die.

Trả lời Nguyễn Hoàng Long Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác