NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ

Ngày đăng: 17/12/2017 07:31:38 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Hồ văn Ưng là GV trường trung học ở An Giang. Anh vừa gửi một truyện ngắn đầu tay của anh được viết từ thời còn đi dạy. Nay xin gửi cho anh chị em trang nhà đọc và góp ý (SOS)


“. . .Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Đó là truyền thống ngàn đời của người VN nói chung, cũng là của trường chúng ta nói riêng. Một lần nữa thay mặt phụ huynh, chúng tôi kính gởi lời cảm ơn sâu sắc đến quí thầy cô “
Ông phó chủ tịch tỉnh kết thúc bài phát biểu nồng nàn trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt của các quan chức, giáo viên và học sinh trường THPT Lân Can, nhân ngày nhà giáo 20 tháng 11.
Xong lễ hội thì đến liên hoan.
Qua hết bốn tuần bia cạn đáy, không khí trong bàn của các vị có vai vế bắt đầu gần gủi, rộn rả hơn. Mạnh ai nấy chứng tỏ.
Thầy Chất, hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất cảm thấy có nhiệm vụ điều chỉnh, bèn thả một quả bóng thăm dò, rào đón :
– Nghe bài phát biểu của anh Sáu, phó chủ tịch tôi rất tâm đắc, nhưng có mấy chỗ dùng chữ Hán tôi chưa hiểu, tại sao lại dùng chữ vi trong « nhất tự vi sư, bán tự vi sư » , bởi vì vi có nghĩa là làm.
Có tác dụng ! Phân nửa thực khách trong bàn ngừng nói chuyện riêng. Anh Sáu phó chủ tịch cau mày chậm rãi tằng hắng. Thầy Văn, thạc sĩ tổ trưởng tổ văn nhanh nhảu:
– Chữ vi có nhiêu nghĩa lắm, ngoài nghĩa là  làm  nó cũng còn có nghĩa là , chính vì vậy người xưa thường hay nói câu « nhất tự lục nghì » để chỉ sự phong phú của thứ chữ này.  Nhất tự vi sư, bán tự vi sư  dịch sát là  Một chữ là thầy, nửa chữ là thầy , nó có nghĩa : dạy một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy hay học một chữ cũng phải gọi thầy, học nửa chữ cũng phải coi là thầy, cũng được.
– Một chữ là chữ gì ? Nửa chữ là nửa chữ nào ? Thầy Tính tổ trưởng tổ toán thắc mắc.
Thầy Văn :
– Trong văn học người ta gọi đây là một cách nói phóng đại hay cường điệu, nhằm tôn vinh hoặc mạt sát, …để gây ấn tượng mạnh mẻ hơn. Thí dụ để chúc thọ người ta hay dùng câu : Thọ tỉ Nam sơn, nghĩa là sống dai như núi Nam hay :Lỗ mũi em tám gánh lông, chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho  . Thực tế làm gì có người sống dai như núi, làm gì có lông mũi nhiều đến cả gánh. Người Việt ta vốn có truyền thống tôn sư, trọng đạo nên nói như vậy là nhằm tôn vinh thầy cô giáo mà thôi. Dạy nửa chữ, một chữ học trò biết cái gì mà là thầy ?
Anh Sáu, phó chủ tịch gật gù, hầu hết các cái đầu còn lại gật theo.
Thừa tướng tiếu lâm, Thầy Thân (thể dục) hớp một ngụm bia, đâm hơi :
– Nhất tự là chữ O, vì chỉ cần dạy một chữ O thôi, học sinh cũng đủ để tô hết bài trắc nghiệm rồi.
– Vậy bán tự là nửa chữ nào ?
Thầy Dân, dạy giáo dục công dân  mặt đã đỏ gay, châm chọc :
– Ai bảo bán tự là nửa chữ ? Bán tự là bán chữ đấy ! Mấy tay mở lớp dạy cours, dạy luyện thi cấp tốc chẳng phải là thầy thì là gì ? Chúng thường tự xưng là thầy dạy giỏi, dạy chuyên, nhiều kinh nghiệm, chẳng phải hay sao ?
Các  thầy dạy toán, lý, hoá chạm nọc, đưa mắt nhìn nhau, đồng chửa cháy bằng một hớp bia dài.
Chủ tịch công đoàn xởi lởi giơ cao ly, xoa dịu :
– Cũng có ý nghĩa về mặt tiếu lâm. Nào xin mời anh Sáu và các vị cạn năm chục phần trăm dưới. Về mặt công đoàn tôi có một ý nhỏ…
Nhưng anh Sáu đã cạn ly, đặt cái cộp trên bàn, nhìn đồng hồ, đứng dậy nói :
– Tiệc vui của tôi tới đây đã đủ. Chiều còn có công tác khác, nên xin lỗi các thầy. Hẹn gặp các thầy dịp khác, giờ tôi phải về.
Anh Sáu thân mật bắt tay từng người trên bàn, từ giã. Thầy chủ tịch công đoàn nắm lấy bàn tay mềm mụp, lắc lắc hơi lâu.
Anh Sáu về, tiệc cũng dần tàn theo. Thầy Lựơng, dạy vật lý chưa tới đô nên nhướng mắt với thầy Tính, thầy Lực.
– Tới nhà thằng  Sinh  dạy bổ túc làm tiếp tăng hai, bia tao chịu, mồi tụi bây.
Bốn chiếc Honda nổ máy chạy về phía ngoại ô. Trời dìu dịu nắng, gió hiu hiu mát rượi.
Thầy Sinh, phụ trách khối bổ túc văn hoá cấp một, ngồi một mình dưới bóng cây trứng cá, trên mặt bàn có chai rượu chuối và dĩa khô nhái nướng.
Thùng bia, con vịt quay, pa tê, bánh mì được bày ra. Nắng lấm tấm đổ lên bàn những quầng trứng gà nho nhỏ, lắc lư.
– Dẹp bia ! Thằng nào uống đế thì ngồi lại. Bia để đó, mai tao bán.
Thầy Sinh tưng tửng, vừa nói vừa quay sang căn nhà lá của anh thợ hồ bên cạnh :
– Tràng à ! Cho mượn năm bộ chén đủa, năm cái ly uống rượu đế, đem qua đây, nhậu chơi.
Tràng tới. Thầy bổ túc giới thiệu :
– Đây là thằng Tràng, thợ hồ, kiêm thợ tạc, bạn cũ nhưng mới mướn nhà tạm trú như tao, còn đây là Tính dạy toán, đây là Lượng dạy lý, Trung dạy hoá, Lực dạy thể dục. Tao là Sinh. Hôm nay là “ngày vỗ” các nhà giáo Việt Nam, cứ coi chỗ trọ của tao như cái quán nhà lá. Nhậu thoải mái tới chỉ mới thôi.
Tính chỉnh :
– Chưa hết hai ly đã lẹo lưỡi, giỗ chứ sao lại vỗ.
– Sao mầy biết chưa hết hai ly ?
– Cứ nhìn cái chai xị thì rõ, còn hơn nửa xị.
– Xị thứ hai rồi đó. Thầy giáo có chết tập thể hay chết hết đâu mà giỗ. Tao nói vỗ đây là nói nhà nước lấy ngày này để vỗ về an ủi thầy giáo đó. Chỉ có bậc cao quí cấp thấp mới có ngày, như ngày thầy thuốc, ngày thầy giáo, ngày phụ nữ vân vân. Làm gì có ngày lãnh đạo, hay ngày chủ tịch ? Tính nói sai, nói bậy phạt một ly.
Tính ngửa cổ ực một hơi cạn ly, mặt nhăn như khỉ, gắp một miếng thịt vịt.
Năm cái ly được chủ xị Sinh rót đầy. Chào sân một trăm phần trăm. Mạnh ai nấy  nổ .
Một lúc sau không khí trở lại im ắng. Thầy Lương đặt lại vấn đề :
– Giải thích kiểu thầy Văn các từ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, tôi thấy chưa ổn. Nếu cường điệu chỉ cần dùng một vế nhất hoặc bán đã đủ, cần gì phải dùng nhất và bán cho rườm rà.
Trung :
– Thì nói nhiều mới đủ thấm, mầy ! Uống một chầu chưa đủ phải uống thêm chầu thứ hai chẳng phải sao ? Mười mấy cái hè được bồi dưỡng ly luận chẳng phải chỉ lặp đi lặp lại có một vấn đề là tính ưu việt hay sao ? Mấy mụ vợ già cứ lải nhải mãi một chuyện chẳng phải có tác dụng mãnh liệt sao ?
Thầy Lực nheo mắt, lè nhè đâm hơi :
– Tui  nói rồi, nhất tự là chữ O, bán tự là thầy bán chữ như mấy thằng bây …, cho một ly nửa, không say, chưa về.
Sinh trầm ngâm :
– Nhất tự đúng là một chữ, nó chính là chữ Nhất. Có muốn nghe không ? Ai muốn nghe, uống cạn, rót lại đầy ly, tui kể…
Tín chặn họng
– Kể phải hợp lý, sạo kiểu thằng Lực, chủ nhà phải uống hết ba ly.
– Chuyện này của Tàu. Thời xa xưa thiền sư Tề Kỷ, làm được một bài thơ tả mai nở sớm, có câu “ Tiền thôn thâm tuyết lý, tạc dạ SỔ chi khai” có nghĩa là “ Ở lớp tuyết dầy trước thôn, đêm qua có vài nhánh mai mới nở”. Sư đưa cho nhà thơ Trịnh Cốc xem. Ông này góp ý: “ Sổ chi phi tảo dã, vị nhược NHẤT chi ” nghĩa là VÀI nhánh đâu có sớm bằng MỘT nhánh . Tề Kỷ phục Trịnh Cốc sát đất, sửa ngay chữ SỔ thành chữ NHẤT và tôn luôn ông này như là thầy của mình. Đời sau người ta gọi Trịnh Cốc là nhất tự sư tức là thầy một chữ. Sang thời đại chúng ta chẳng hiểu sao nó chuyển thành “nhất tự vi sư”
– Hay và có lý lắm. Nâng ly!
Thầy Tính và thầy Lương đã đỏ chạch con mắt, nâng ly lên rồi hạ xuống.
Thầy Trung (dạy hóa) mặt đã chuyển sang màu cục gạch nhưng vẫn còn tỉnh rụi:
– Vậy “bán tự” là gì ? Nói luôn !
– Chưa biết. Mới biết có chữ nhất thôi !
Tràng chen vào :
– Theo tui  biết, các chữ sư  đó là chỉ thầy chùa.
– Xạo nữa. Mầy chưa say nghe! Trung trấn áp.
Tràng chậm rãi:
– Chưa biết thì lắng mà nghe tui nói. Hệ thống giáo dục ở các chùa lớn ngày xưa người ta đào tạo rất bài bản. Tiểu tăng mới vào chùa phải học qua lớp nghi thức tu hành, giới luật,… gọi là lớp BÁN TỰ, sau đó mới tới lớp đào tạo bài bản sâu hơn về Kinh, Luật, Luận,… gọi là lớp MÃN TỰ

(Còn tiếp)

Hồ Văn Ưng

Có 1 bình luận về NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ

  1. Hoàng Hưng nói:

    Thầy giáo bi giờ uống tới bến như tui hồi hai mí. Đọc bài viết, biết được Việt Nam chưa có luật DUI

Trả lời Hoàng Hưng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác