Con “Dê Trắng” đã khuất sau đỉnh núi mù sương

Ngày đăng: 7/12/2017 08:51:27 Sáng/ ý kiến phản hồi (6)

Không nhớ thời gian nào, độ chừng sau năm 1980 – Thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi gặp Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, hình như trong một dịp Lương Minh dẫn cánh nhà văn, nhà thơ của Hội VHNT, nói tắt (Hội Văn Nghệ) Cửu Long và Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) như Phạm Trung Khâu, Đào Ngọc Chương, Dương Uyên, Nguyễn Bạch Dương (Lê Trung Hiệp), cánh Vĩnh Long; Hàn Vĩnh Nguyên, Nguyên Tùng, Dương Sinh, Thanh Vũ… thuộc cánh Bến Tre. Lúc nầy Lương Minh thường giao tiếp khá nhiều bạn bè văn chương, chưa nhảy phóc vô làm nhà báo chuyên nghiệp. Các bạn về nhà tôi chơi xả láng một đêm; thời buổi đó rất nghèo, cảnh nhà tôi xềnh xoàng lắm, không sao, vẫn vui, tất cả đều “bụi” như nhau, trong ánh mắt, nụ cười cũng thoáng, cũng ấm ấp, cũng lưu lại chút tình.

Lần thứ hai tôi gặp Nguyễn Bạch Dương tại trường cấp 3 Vĩnh Thành B – Cái Mơn, bạn đi một mình với chiếc xe đạp cọc cạch từ Vĩnh Long qua, mang theo túi đệm  vừa xách tay, chứa nhóc ấn phẩm thơ trong đó, hình như tập “Lặng lẽ vần thơ yêu em” mới xuất bản, tôi hướng dẫn bạn vào hội trường có mặt hơn trăm học sinh, giới thiệu nhà thơ với các em để nhà thơ nói chuyện thơ, giao lưu thân mật. Sau phần trình bày qua tác phẩm, các em đặt nhiều câu hỏi, có một câu khá thú vị tôi còn nhớ: “Thưa, nhà thơ Lê Trung Hiệp, với bút danh Nguyễn Bạch Dương có ý nghĩa gì? Đây có phải là một loài cây, hay là…?” Câu trả lời, đại khái: “Ý nghĩa không có gì gọi là cao xa, đại loại không thuộc cây mà là con, do tác giả sinh vào năm Mùi, tuổi Mùi đồng nghĩa với con dê (dê trắng)…” Các em cười vui vẻ, tỏ lòng mến mộ, sau đó, số đông các em mua thơ ủng hộ, có chữ ký tác giả. Kết thúc buổi nói chuyện thơ, tôi kéo Nguyễn Bạch Dương ra quán cóc bên cầu gần nhà thờ Cái Mơn, chia hai chai bia ngồi lai rai trao đổi tâm sự, sau đó chúng tôi chia tay, chiếc bóng nhỏ của bạn theo vòng xe đạp cọc cạch xa dần…

Từ lần quen nầy, mỗi lần thơ tôi gởi về cho tạp chí Cửu Long (viết tay), tôi rất làm biếng ra bưu điện, nên gởi một lần năm ba bài, Nguyễn Bạch Dương (NBD) luôn cẩn thận, rất tôn trọng bài viết của tôi, lưu giữ để đăng dần theo định kỳ, hết bài nhắn tôi gởi cho bài mới. Bao giờ cũng vậy khi tạp chí phát hành vài hôm thì tôi nhận được sách biếu kèm theo tiền nhuận bút, phiếu chi trả với chữ ký NBD rõ ràng, nếu có thư riêng thì trả lời cấp tốc chưa lần nào chậm trễ. Một lần có dip tôi ghé Hội Văn Nghệ Vĩnh Long ở đường Hưng Đạo Vương, gặp nhà thơ Song Hảo (chủ tịch Hội VHNT) hỏi nhà riêng NBD, đến nhà anh vô cùng mừng vui, kéo đi cà phê và lê la giới thiệu bạn bè, chụp hình kỷ niệm (bài nầy viết gấp đêm nay không kịp soạn ảnh kèm theo). Nguyễn Bạch Dương chơi với bạn là chí tình chí nghĩa, tôn trọng bạn, cư xử mẫu mực, khiêm tốn, không kiểu cách, màu mè, khoa trương.

Là con người sống lạc quan cho tới cuối đời. Tôi gặp bạn lần cuối cùng tại Sài Gòn trước vài tháng bạn mất, lúc đó Nguyễn Bạch Dương đang bị bịnh ung thư phổi hành hạ, nhưng nghe có người đến thăm thì từ trên lầu đi xuống, dẫu đau đớn vẫn tươi cười ngồi tiếp chuyện. Nghe nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên kể lại, anh em văn nghệ Bến Tre đến thăm khi chuẩn bị ra về, rỉ tai nhau rủ đi ăn cơm. NBD đoán biết liền cười nói: “các bạn không thể nán lại ăn với tôi một bữa cơm cuối cùng sao?” Tôi đến thăm cũng vậy, nhưng thấy bạn ngồi ôm ngực cố vui lúc trò chuyện, tôi phải tìm cách hợp lý kiếu từ để bạn được nghỉ ngơi. Và rồi không bao lâu sau  Nguyễn Bạch Dương ra đi vĩnh viễn về với cõi thơ, chừng tôi nghe tin được thì con “Dê Trắng” đã khuất sau đỉnh núi mù sương trên thảo nguyên mênh mông xanh ngát xa rồi.

Cái Mơn, đêm 05/12/2017

            Phong Tâm

 

Có 6 bình luận về Con “Dê Trắng” đã khuất sau đỉnh núi mù sương

  1. Trầm Hương Ptt. nói:

    Khi một người đã trở về cùng cát bụi, họ không mang theo bất cứ cái gì với mình, điều quan trọng là người ấy đã lưu lại gì với thế gian…trong lòng người thân, gia đình bè bạn..Đọc trang nhà TPH, hôm nay, tôi cảm thấy nhà văn Nguyễn Bạch Dương đã sống xứng đáng với một kiếp người  ! Nếu có linh hồn, chắc ông sẽ mĩm cười khi đọc những bài viết tưởng nhớ ông.

    • Phong Tâm nói:

      Tôi rất đồng ý đánh giá một con người đầy tính nhân ái của Trầm Hương Ptt. Bởi lẽ, trong mỗi chúng ta suốt cuộc sống trên đời nầy, có ai dám tự cho mình toàn vẹn mà không có ít nhiều sai trái. Cả các vị được bao người sùng thượng, họ “trước khi hiển Thánh” đã chắc gì không từng phạm phải sai lầm. Điều quan trọng là mình có biết được sai lầm của mình chưa? Ai rồi cũng về với cát bụi, hãy tôn trọng vong linh của người đã khuất và việc làm tốt mà họ để lại. Chuyện nhỏ nhặt tư riêng… nếu có, cũng chỉ là nếp gợn đời thường, kể cả người đang sống. Cám ơn ý nghĩ đẹp của Trầm Hương Ptt cho ta nhiều điều để suy gẫm.

  2. My Nguyen nói:

    Bài viết thật cảm động, chân tình, ấm áp…của những người mang nghiệp văn chương. Nhà thơ Nguyễn Bạch Dương đã vĩnh viễn ra đi nhưng đã để lại trong lòng những người mến mộ một phong cách sống thanh cao, chuẩn mực…

    Xin cảm ơn huynh Phong Tâm về bài viết này. Kính chúc huynh luôn khỏe.

    • Phong Tâm nói:

      Là một nhà thơ khi đã phủi tay, gần như không ai nhắc tới, trừ những người quen thân có  kỷ niệm với anh. Một lẽ, Nguyễn Bạch Dương trọng tình nghĩa những người sống ngang mình, không nhìn lên ngó xuống khoe khoang. Có lẽ My Nguyen cũng từng biết qua cách sống của anh ấy. Cám ơn em đã tôn trọng một tâm hồn như vậy.

  3. Luong Minh nói:

    Không ngờ anh Phong Tâm có trí nhớ tốt như thế. Nhờ anh nhắc lại tôi mới nhớ bạn bè văn nghệ kéo về Cái Mơn thưởng trăng vui quá. Anh Đào Ngọc Chương lần này có làm bài thơ “Đêm trăng Cái Mơn” có đọc liền cho mọi người nghe, không biết anh có gửi báo nào không. Hồi năm ngoái anh hỏi tôi, có ai còn giữ bài thơ của anh. Trời ơi , hơn 30 năm rồi ai mà nhớ.

    • Phong Tâm nói:

      Lâu rồi cũng quên, Lương Minh nhắc tên bài thơ “Đêm trăng Cái Mơn” là tôi nhớ liền, ý bài nầy nói về sông nước, cô gái dưới trăng, qua cầu nước ngập. Bởi sau khi báo Văn nghệ Bến Tre, tiền thân của (tạp chí Văn nghệ Hàm Luông) đăng, tôi có gặp Đào Ngọc Chương nhắc lại và khen bài thơ hay. Lúc đó, hình như còn báo xếp khổ rộng (giấy xấu) chưa đóng thành tập như ngày nay. Không biết Hội VN Bến Tre còn lưu giữ không. Tuy nhiên, cũng khó để tìm ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác