Tình Cũ Nghĩa Xưa  (Phần 7) 

Ngày đăng: 24/11/2017 10:54:15 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Hai Thành ngẫm nghĩ rồi  lật ngược từng trang của quyển nhật ký để  rà kỹ  tất cả những dòng mẹ viết trong chương  cuối. Anh  ghi ra một số ‘nốt’ cần lưu ý  trên tờ giấy khác.  Hai Thành  không bỏ qua những tờ giấy trắng của phần  còn lại để tìm bất cứ điều gì có thể  sáng tỏ nghi vấn đang lớn dần trong anh.

Ngồi thật lâu trong chiếc ghế mây có tay dựa kết liền lưng, quyển nhật ký đang mở trên bàn trước mặt.  Ánh mắt không còn sinh lực của anh như đang nhìn vào một cõi mông lung nào đó. Hai Thành tin rằng em mình  trốn nhà đi theo  chủ đích của nó. Nhưng nguyên nhân cái chết của mẹ thì Hai Thành  chưa đoán được phía  mà anh cho là vẫn còn khuất lấp.

Hồi trưa hôm qua, ba anh có nói sơ chuyện  thằng Rõ con của chú Hai Ghi  cũng trạng tuổi với Út Kỉnh, thằng nhỏ đó đã bỏ nhà đi mất hơn một năm rồi vẫn  không có tin tức. Còn anh Tư Cang  mà mẹ nhắc tới trong nhật ký  thì Hai Thành chỉ nghe trong đám tang của mẹ, họ hàng cho biết anh Tư Cang mất trước mẹ không  lâu. Việc thằng Rõ bỏ nhà ra đi rất gần cái chết của anh Tư Cang và sau đó là của mẹ anh.  Tại sao hai người không đau yếu, chết rất nhanh mà không nghe ai để tâm thắc mắc.  Có thể nào thằng Út Kỉnh đọc thơ của mẹ và nắm hết tất cả mấu chốt của chuỗi sự việc  trọng đại?

Căn nhà thanh vắng  vang lên thanh âm gõ đàn của chiếc  đồng hồ quả lắc  làm cho Hai Thành ngáp dài  mệt mỏi.  Anh đặt bó thơ vào két sắt khoá lại rồi đi về phòng. Đêm quá khuya, Hai Thành khó khăn tìm lại giấc ngủ an lành như trong quãng đời niên thiếu tại căn nhà hạnh phúc nầy.

Ông chủ Dìn đã rời nhà từ sáng sớm, Hai Thành thức dậy thì được dì Thuần cho biết là khoảng 1-2 giờ trưa ông hẹn tại nhà để quyết định mọi chuyện.  Hai Thành hiểu lời nhắn, ý của ba mình kêu anh án binh bất động chờ ông.  Tranh thủ giờ rảnh, Hai Thành  lên xe chạy  mời anh Tư Tam Quốc đến  dùng điểm tâm ở một nhà hàng không quá ồn ào.

– Anh Tư à, trước hết tôi xin anh đừng gọi tôi là cậu. Tiếng đó có vẻ phong kiến và không còn hợp trong thời nầy.

– Lúc mới quen, cậu Kỉnh đôi khi có nhắc anh Hai Thành  với lòng kính phục. Cậu ấy ao ước sau nầy học giỏi mọi thứ để thi vô trường Công chức Đông dương, ra trường hạng cao để  làm  Chủ sự phòng như anh Hai Thành. Nghe qua,  tôi đã hơi hơi  nể phục cậu.

– Thế giới hiện tại đều quan niệm  công chức là người phục vụ cho dân hay có nơi còn gọi là công bộc. Họ  ăn lương từ thuế  của người dân đóng góp, chứ không là cậu hay ông theo kiểu nhà giàu hộ lớn hay quan chức phong kiến. Đời sống dân thường thì tôi nhỏ hơn anh Tư mấy tuổi. Anh gọi tôi bằng chú em hoặc  là Hai Thành cho thân mật tình láng giềng. Bây giờ tôi xin phép nói rõ mục đích sáng nay. Thời gian cấp bách, đêm rồi tôi mạn phép xem quyển nhật ký của má tôi để trong tủ khóa. Tôi ghi ra một số “nốt”, tôi tìm anh trước nhất sáng nay trước là uống cà phê như bạn bè, hai là hỏi thêm chút chuyện.  Xin hỏi anh Tư có nghe em Kỉnh nhắc tới  anh Tư Cang.

– Tôi nhớ là không. Nhưng ban nhạc Bảy Rùm của sư phụ tôi đảm nhận nhạc lễ cho đám táng Tư Cang. Tội nghiệp cho vợ chú ấy còn quá trẻ, cứ la khóc xỉu hoài, vợ chồng  họ mới có đứa con đầu khoảng 2-3 tuổi, nhìn bé chít khăn mà ai cũng rưng rưng. Trong số người đến phúng điếu và đưa tiễn lần cuối,  tôi thấy ông chủ Dìn đi với người đàn bà dáng vẻ quý phái chắc chắn  là má cậu và cậu Kỉnh  thì sau nầy tôi mới biết.

– Anh Tư Cang là cháu kêu má tôi bằng dì, má anh ấy là chị con nhà bác của má tôi. Tuy đã khác họ nhưng chúng tôi dính líu ruột rà cũng còn gần lắm, lúc tôi còn ở đây thì anh em cũng thường khi gặp nhau như bạn bè cùng trang lứa. Mấy năm nay  tôi rất mừng  khi nghe ba nói  anh ấy làm cho chành nhà mình.  Vậy mà lúc tôi về thọ tang má thì mới hay tin anh mất trước không lâu. Nỗi đau mất mẹ đột ngột đã lấn át mọi việc khác, và cũng vì trưởng nam bận rộn tiếp đãi và trả ơn đáp nghĩa sau đám, tôi quên việc phải  đến gia đình anh Tư Cang  để chia buồn. Lần về dự đám tụng niệm cầu siêu 49 ngày của má, tôi có nhơn ra một buổi đến nhà anh Tư Cang thắp nhang bàn thờ, tôi xin lỗi chị Tư và dì dượng Hai vì sự vô tình của tôi. Tôi có gởi chị Tư một bao thư tiền tôi tặng riêng cháu bé. Tôi cảm thấy gia đình anh không niềm nở hỏi thăm như thời gian trước, tôi chào ra về mà rất  giận cho lỗi của mình. Sáng hôm sau thì dì Hai đem bao thư tiền của tôi đặt trên bàn thờ má tôi, dì nói rằng đám qua rồi thì không có lệ nhận phúng điếu. Nỗi buồn đó hôm nay tôi mới tâm sự với anh, tôi không dám nói ra sợ gây thêm ưu phiền cho bà con dòng họ.

Anh Tư Tam Quốc ngồi im một lúc, anh nhìn tách trà bốc khói vừa được Hai Thành rót đầy:

– Tôi kéo đờn cho ban nhạc lễ mấy  năm nay, ít khi nghe ai nói việc bà con đến viếng thăm muộn với thật tâm  xin lỗi mà chủ nhà  ra mặt không vui và phản ứng gay như vậy, cho dù trước đó họ từng mâu thuẩn hay thù hằn tranh chấp.  Trong đám tang của chú Tư Cang, tôi thấy có điều lạ như vầy. Chiều hôm đó, người đại diện tang gia đến rước ban lễ nhạc chúng tôi mà không nói rõ giờ liệm,  vì vậy chúng tôi tới đám hơi sớm. Ban nhạc dọn đồ lên nhà, nhưng nhạc cụ vẫn còn trong hòm rương và bao vải. Chúng tôi ngồi uống nước quanh chiếc bàn dành riêng cho ban lễ nhạc. Chưa xong ly trà thì có người yêu cầu chúng tôi ra khỏi khu vực đó để sư phụ của anh ta làm việc. Tụi tui hơi bất mãn chưa nhút nhít thì sư phụ Bảy Rùm đứng dậy xách bình trà  và kêu chúng tôi ai cầm ly người đó dời ra trại đang dựng trước sân. Chúng tôi nhìn vào nhà thấy họ dùng vải che kín. Sư phụ của tôi cho biết có vị đạo sĩ đang trục bùa ngãi ra khỏi người chết trước khi cử hành nghi thức liệm xác.  Chú Bảy  còn nói thêm đó là một tông phái bí truyền từ một xứ nào đó du nhập vào nước ta, càng lúc càng thất truyền, hiếm hoi người học nghệ. Sư phụ căn dặn từng người chúng tôi không được buông lời đá động bất cứ việc làm của họ.

Hai Thành cảm thấy da nổi gai ốc, tuy rằng anh chưa đồng ý hay phản bác  đúng sai.

– Anh Tư từng trải giang hồ, anh nhận xét thế nào về cái chết của anh Tư Cang?

– Tôi thấy  mọi người đến thăm viếng đều ngỡ ngàng đau xót khi họ hay tin Tư Cang qua đời. Và gia đình cũng đau đớn khôn xiết  vì anh ấy đang khoẻ mạnh sân sẫn. Còn việc bùa ngãi thì tôi  phải nói là bán tín bán nghi, mặc dù  tôi cũng từng chứng kiến nhiều hiện tượng mà khoa học không chứng minh được. Truyền thuyết  có nói Tôn Tẩn và Khổng Minh là những người luyện được môn “Sái đậu thành binh” là  khả năng  vãi ra nắm đậu thành một đoàn quân ma. Cũng như việc  sắp đá bày ra trận thế “Thất tinh Bắc đẩu” làm thay đổi cảnh quan và ánh sáng, khiến cho  đối phương đi  vào hay bị bao vây trong trận không tìm được cửa  ra. Theo Tư tôi, nếu có thì chỉ  là một công phu về bùa chú “mà mắt” để cầm chân đối phương trong thời gian ngắn. Công  dụng  giúp quân  ta rút lui tẩu thoát, chứ không có khả năng sát hại địch quân.  Câu hỏi về anh Tư Cang, tôi biết có bấy nhiêu đó.

Hai Thành chuyển đề tài:

– Nhiều bạn tôi biết anh là người kể chuyện nơi công chúng rất đa dạng và có duyên. Nhờ vậy mà anh có biệt danh là Tư Tam Quốc?

Gặp người đồng điệu biết lắng nghe như một người bạn cũ, Tư Tam Quốc tâm sự:

– Trước tôi có một anh và một chị, nghe ba má nói anh chị của tôi chết lúc còn nhỏ. Má tôi nói lúc mới sanh cho tới gần thôi nôi,  má sợ tôi khó nuôi nên không dám đặt tên.  Theo truyền thống ông bà lúc cúng thôi nôi, má tôi bày  những món tượng trưng cho sĩ nông công thương trong cái sàng cho tôi chọn nghề tương lai. Lúc đó thằng nhỏ  không dòm ngó cái sàng mà bò xẹt ngang lượm cuốn Tam Quốc Chí rồi ôm cứng ngắc, không ai gở ra được.  Tôi có biệt danh Tư Tam Quốc từ lúc mới một tuổi chứ không phải đến bây giờ như nhiều người lầm tưởng. Năm tôi lên 8 thì ba tôi mất, hai năm sau má cũng qua đời.  Tôi không được đi học, cô bác thân thuộc  dạy chữ nào thì nhớ chữ đó. Tôi dùng sách truyện của ba mà tập đánh vần rồi lần lần tự đọc, có bấy nhiêu đọc hoài thành ra thuộc lòng như cháo. Dòng họ nội ngoại tôi ở cùng xóm và  đám tiệc giỗ quải quanh năm, tôi thường xuyên được  trưởng bối dẫn theo dự đám,  nghe hoài ông bà chú bác tranh luận phê bình các trích đoạn tiêu biểu và nổi tiếng trong truyện xưa sách cũ đã đọc qua. Nhờ vậy mà đầu óc hiểu ra những  kế mưu của người xưa mà nảy nở suy luận. Lớn lên ra đời, tôi đem những gì thuộc lòng kết hợp những lời ca và ngón đàn lục huyền,  giúp cho những đám tiệc kéo dài đêm vui như một nghề nuôi sống bổn thân.

Ngưng một chút để rót đầy hai tách trà, anh Tư Tam Quốc tiếp tục:

– Những  nghệ nhân gần tuổi dưỡng lão mới phục vụ trong ban nhạc lễ, bởi người đời  sẽ không mướn họ đờn ca trong những đám cưới hỏi hay tiệc tùng  hoan sự. Nhưng  Tư Tam Quốc tôi được bà con thương mến mà  bất chấp  thành kiến  vô lý đó. Vì vậy tôi luôn cố gắng trau dồi nghề nghiệp để không phụ lòng mọi người.

(Còn tiếp)

 

Một Lúa 

Có 2 bình luận về Tình Cũ Nghĩa Xưa  (Phần 7) 

  1. My Nguyen nói:

    Câu chuyện lại mở ra những tình tiết khá gay go, những cái chết đầy nghi vấn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác