TÂM SỰ MÔT CÂY BÚT NGHIÊP DƯ

Ngày đăng: 9/10/2017 10:15:49 Sáng/ ý kiến phản hồi (17)

Cầm trên tay quyển Trang Nhà Đất Vĩnh mình bồi hồi với những kỷ niệm. Nhớ ngày nào theo lời khuyến khích của cô Hồng-Khanh mình bắt đầu viết bài cho trang Tongphuochiep-vinhlong.com. Nhờ mấy năm ngồi nhà dịch thuật sách nên câu cú mình viết tương đối ổn nhưng vẫn có phần e dè khi tham gia trang vì hai năm học Tống Phước Hiệp cách nay đã quá lâu, giờ mình không nhớ ai trong trường ngoài cô Khanh và hai bạn học Hùng, Phú lâu lâu mới gặp. Những bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua, mình tìm thấy niềm vui khi tham gia trang bên cạnh thầy cô và thân hữu. Mình cũng cảm thấy ngạc nhiên ở bản thân vì trí nhớ vẫn còn tốt quá. Khi thấy hứng thú với một đề tài mình ghi lại những ý tưởng ban đầu, một thời gian sau (vài giờ – vài ngày) hồi ức quay về thế là mình gõ phím ghi lại, có khi ghi không kịp. Mà cũng lạ, có những lúc hồi ức cứ như được chứa trong tủ, chỉ cần mở tủ là tràn ra. Thế là mình viết. Lúc đầu mình sợ bài không được tiếp nhận nhưng mình nghĩ: Lo quái gì. Bài nếu dở cũng không lo bị cười; vì có ai biết hay thấy mặt mình đâu mà cười? Mình gửi bài, hồi hộp chờ ngày bài được đăng, xem lại bài đăng trên trang, thấy thất vọng bản thân vì … sai chính tả, lỗi kỹ thuật, lúc xưng “mình” lúc xưng “tôi” (thông cảm cho mình vì lúc đầu mình viết bài ở tiệm net, viết xong gửi bài ngay không thể xem lại phần viết lần trước)… Rồi mình xem phản hồi phía dưới bài. Không đến nỗi nào, tạm yên tâm. Cô Khanh lại chỉ mình cách phản hồi trở lại bạn đọc. Mình có thêm niềm vui. Gần đây trên trang mạng xã hội facebook mình thấy đăng phản ánh của một số người chơi facebook khi họ nghĩ có thể trang facebook bán LIKE, chỉ cần tốn một khoảng tiền là sẽ có một lượng lớn LIKE! Có cung tức là có cầu, trong khi mình chơi Facebook rất chân phương, thấy bài, ảnh của bạn đăng hay, vui thì click LIKE hay bình luận, bằng không thì thôi. Không biết các bạn cùng chơi facebook với mình nghĩ sao? Có nghĩ rằng mình vô tâm, thiếu tôn trọng? Cũng như việc phản hồi trên trang nhà. Đọc được bài hay, thú vị  và bài ấy  của bạn hay của người quen, có những điểm khiến mình tâm đắc mình sẽ phản hồi theo hướng vui, dí dỏm vì tính mình vốn ham vui, nhưng trong lòng mình rất lo vì mình nhớ nhận xét của cụ Nguyễn Văn Vĩnh: “An Nam ta có tính cái gì cũng cười… hì một cái mất đi sự nghiêm túc…” nên mình rất hạn chế. Tháng 7 năm 2016, sáu tháng sau khi tham gia trang, mình về Vĩnh Long dự sinh nhật trang lần 4: Vui vẻ, chan hòa. Mình gặp thêm một bạn cũ: Đức Tính. Cũng có lúc mình sợ hết đề tài, sợ cạn nguồn… hứng để viết vì mình không có khả năng sáng tạo. Thế là mình dự định sẽ cắt 1 bài thành nhiều phần để đăng được nhiều kỳ trên trang, để thường xuyên được… “thấy mặt, được tham gia thị trường”. Rồi mình lại nghĩ : Có bài viết cứ đăng trọn. Nếu bài hay cứ để bạn đọc thưởng thức “cho đã”. Còn ăn hết thôi. Truyện viết cho vui mà. Thật ra mình cũng nghĩ đến phương án dự phòng là sử dụng những quyển truyện đã dịch, có quyển mình nhận tiền dịch rồi nhưng chưa in (vì theo quy luật sách in ra dịch giả phải được tặng 10 quyển và chưa thấy sách tặng), có nhiều quyển bị “lái xù”, bỏ của chạy lấy người, bỏ mặc đứa con tinh thần bơ vơ, còn dịch giả thì bơ mỏ. Nói chung các quyển đều hay (hay nên lái sách mới biết hoặc mới được giới thiệu), có nhiều điều để chia sẻ như quyển Stone Soup for the World biên soạn bởi Marianne Larned, với những bài viết về Thượng tọa Nhất Hạnh, Mother Teresa, Nelson Mandela, Martin Luther King Jr., Mahatma Gandhi …. Tiện đây mình cũng xin báo cáo: Nguồn hứng của mình có vơi nhưng chưa đến nỗi cạn.

Trong lần gặp mặt gần đây một thân hữu nhận xét về cách viết của mình: “Cách viết của anh Hoàng Hưng và của Hoàng Long rất giống nhau vì câu văn giản dị, chân phương. Nhưng Hoàng Long khác ở chỗ bài viết cung cấp rất nhiều thông tin, dữ kiện…” Thật ra khi xác định được đọc giả trang nhà đa phần là người tuổi sồn sồn và tuổi cao, một số lại ở xa, nên để câu Like mình cố nhớ và đưa vào bài viết thật nhiều sự kiện trước đây có liên quan để người đọc nhớ lại, để cảm thấy vui và sau đó là cảm giác bồi hồi.

Đến với trang nhà mình được rất nhiều: Được kết nối với bạn bè, được quen biết thêm, được gặp lại những bạn mà mình nghĩ sẽ khó có cơ hội gặp. Như trước đây Quốc và mình học chung lớp, cả hai đều quen, mà là quen thân với Hùng. Nhưng mình và Quốc giống như mặt trời và mặt trăng. Có lần mình từ Sài Gòn về Vĩnh Long sang nhà thăm Hùng mới hay nhà có đám. Ăn trưa xong mình về, Quốc cũng đến đó nhưng đến sau mình một tí. Nhờ trang nhà mình gặp Quốc. Sự kiện nầy không biết phải nói là nhật thực hay nguyệt thực? Cũng nhờ trang nhà mình gặp lại một đồng môn ở trường Nhất Linh ( Phước Long) một việc mà mình đã cố công tìm từ lâu nhưng không thành công vì trường nhỏ, ít học sinh, hoạt động không lâu thì chiến tranh, mọi người ly tán. Anh bạn, học trước mình một lớp, cho biết: “Sau khi đã lục mấy ngàn trang web tìm đồng môn Nhất Linh mà không được, một hôm anh gõ từ ‘Phước Long’ (không nhớ trang web nào) đã chạy ra bài Phước Long, Quê Hương Thứ Hai Của Tôi, có cả hình trường Nhất Linh trên trang TPH.” Anh mừng quá đọc hết bài và sau đó phản hồi liên hệ với mình. Rồi mình liên hệ được thêm một đồng môn Nhất Linh khác. Rất may bạn nầy đang sống tại Phú Giáo, Bình Dương, vùng giáp ranh Phước Long xưa nên mọi tâm tư, thắc mắc của mình về trường Nhất Linh thân yêu, về tỉnh Phước Long được giải đáp cặn kẻ. Mình rất sung sướng khi biết ngôi trường thân yêu hình trăng lưỡi liềm của mình vẫn còn tồn tại, và  giờ đổi tên là trường PTTH Phước Long.

Hôm đến dự buổi Sinh nhật Trang nhà Lần 5 tại Vĩnh Long mình mang theo một số bút bi cho các bạn sử dụng để xin chữ ký của các nhà thơ, nhà văn “xịn”, và chữ ký hay chỉ là ghi tên các bạn, các thân hữu thường gặp trên trang nhà nhưng ít khi được gặp ngoài đời. Tiếc là mấy cây bút không được sử dụng vì hôm ấy chưa có sách. Buổi ra mắt quyển Trang Nhà Đất Vĩnh tại Sài Gòn mình mang phần còn lại của lon bút đến với ý nghĩ đơn giản: lưu lại trên quyển đặc san cô Khanh tặng chữ ký của những bạn quen có mặt. Đúng là “cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar”, chuyện phải đến đã đến: Có người xin chữ ký của “Tác giả Nguyễn Hoàng Long”! Mình thật sự lúng túng. Mình chỉ viết cho vui, chỉ là một cây bút nghiệp dư mà bây giờ lại được xin chữ ký. Mà chữ ký của mình có giá trị gì? Trước đây mỗi năm mình phải ký mấy ngàn chữ (trên học bạ, phiếu điểm, sổ liên lạc… của HS), ký nhiều đến nỗi mình phải nghĩ ra chữ ký chỉ 3 nét để ký cho lẹ vì chúng có mang lại cho mình đồng xu, cắc bạc nào? (Ngoại trừ 1 lần trong tháng khi ký tên trên bảng lương.) Thế là mình ký. Và mình cảm thấy vui.

Mang quyển Trang Nhà Đất Vĩnh về mình khoe với ba và giới thiệu một số tác giả viết về Vĩnh Long để ông tìm đọc. Ông cụ là người Vĩnh Long nên xem một số bài về Vĩnh Long ông rất thích, mê mãi đọc đến khi mõi lưng quá mới chịu bỏ quyển đặc san xuống để đi nằm. Quyển Trang Nhà Đất Vĩnh do cô Hồng-Khanh tặng mình sẽ giữ làm kỷ niệm (thú thật là mình chưa xem hết quyển đặc san) nhưng mình phát hiện một công năng mới của sách: Sưu tra lý lịch bạn bè, thân hữu trên trang nhà. Dù sao mình cũng còn là người mới (!), và ít về quê hương Vĩnh Long, ít có cơ hội giao lưu.

Nguyễn Hoàng Long

H1                        Nguyễn Hoàng Long đang ký tặng độc giả hâm mộ

h2

 

Có 17 bình luận về TÂM SỰ MÔT CÂY BÚT NGHIÊP DƯ

  1. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Anh Hoàng Long nghiệp dư như còn hiếm lắm viết hay và xúc tích vậy mà còn quá khiêm tốn em viết đại nhờ anh Minh động viên vì em rất yếu môn văn hồi còn đi học rất sợ môn văn ít khi được điểm cao em đang nghỉ viết một bài mà mắt hay bị mỏi lại ngại nhưng sẽ cố gắng. Chúc anh đóng góp nhiều bài hay trên trang nhà.

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Mong trang nhà sớm nhận được bài viết của bạn.

      Cho hỏi: Vì có 2 người trùng tên nên tên của bạn phải thêm chữ Xuân Hiệp, có thể giải thích thêm?

  2. Lyhuong nói:

    Hoàng Long ơi, hình 1 rất đẹp nên đóng khung kỷ niệm những ngày làm nhà văn nhe ,Lý Hương cũng gato lắm đó ( không ai thèm xin chữ ký của mình cả ).

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Chị Lyhuong ơi,

      Hôm ấy Long năng nỉ mãi mới có 4 người đến đóng phin xin chữ ký. Lúc phó nháy làm việc một người trốn, ba người kia quên mất nhiệm vụ đóng phin, ngó phó nháy cười. Hỏng bét.

  3. Phan Lương nói:

    Muốn làm cây bút nghiệp dư như anh Hoàng Long hỏng phải dễ đâu nha

    Bài viết đi sâu vào lòng người đọc như vậy là ngang tầm với các vị trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn rùi đó

    Anh viết hay lắm anh Hoàng Long úi ùi ui

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Chết, Chị Táo đừng so sánh như thế. Làm sao dám so sánh khi các thành viên nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã đi vào văn học sử và là thần tượng của nhiều thế hệ học sinh ta? Và mình còn là học sinh của ngôi trường mang tên ngài Bộ trưởng Giáo Dục, một thành viên của nhóm.
      Đã lâu không thấy chị Táo “phóng bút” trên trang nhà. Không lẽ mỗi năm chỉ đến hẹn mới lên? Chào.

  4. Rất vui khi thấy Nguyễn Hoàng Long đã gắn bó với trang nhà TPH-VL qua những kinh nghiệm tốt đẹp mà em đã kể ở trên.

    Không phải chỉ có Hoàng Long nhận được nhiều từ trang nhà mà trang nhà cũng nhận được những bài viết hay từ em, lôi cuốn thêm được nhiều đọc giả cũng như người ái mộ.

    Dù là lính mới nhưng với sự chân thật và nhiệt thành, Hoàng Long đã cùng các anh chị em của trang nhà góp phần vào sự tiến bộ của trang.

    Một điều làm tôi vui nhất là nhờ trang nhà, các em đã tìm lại được người xưa, bạn cũ, nối kết được tình bạn đã bị thất lạc quá lâu, tình bạn ấy sẽ là những viên thuốc bổ đáng quý trong lứa tuổi của chúng ta.

     

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Thưa Cô,

      Đã từ lâu em nhận ra trang nhà là sân chơi bổ ích, tạo môi trường thuận lợi để gặp gỡ, để quen biết thêm. Với em, những hoạt động khi tham gia trang nhà là những viên thuốc bổ đáng quý, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cái lợi khi tham gia trang, với em, sẽ càng to lớn hơn. Chào Cô.

  5. Nguyễn Thị Bé (Xuân Hiệp) nói:

    Anh Hoàng Long thân mến trong lớp em có 5 bạn cùng tên Nguyễn Thị Bé gồm( Bé Xuân Hiệp, Bé Hòa Hiệp, Bé Tân Ngãi, Bé Long Mỹ, Bé Tân Long Hội) nên trường Tống Phước Hiệp thời đó gọi tên phải thêm nơi sinh ra để phân biệt bây giờ các bạn ấy mất liên lạc còn lại 2 người liên lạc thường xuyên đó là Bé Hòa Hiệp và Bé Xuân Hiệp.

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Vui quá. Lớp của bạn là LỚP CỦA NHỮNG CÔ BÉ, mà những năm cô Bé. Chắc cũng do tiền định nên hai cô được trường gắn thêm tên Hiệp (Xuân Hiệp và Hòa Hiệp) ngày nay mới còn gặp mặt. Trước lạ, sau quen. Chào.

  6. hoàng Hưng nói:

    Đã thiệt! hoàng Hưng được so sánh với Hoàng Long. Thật ra hoàng Hưng chẳng biết gì về văn học. Hơn 60 năm cuộc đời. Nhớ lại chuyện gì, viết lại chuyện đó thôi.

    Khoảng hơn hai mươi năm trước, đọc tờ báo tiếng Việt ở gần nhà. Đọc bài viết của chị Hoài Bắc, kể lại “cảnh chồng chúa vợ tôi.” Chị cũng đi làm mỗi ngày 8 tiếng như chồng, về nhà nấu nướng hầu hạ chồng. Chồng vừa ăn, vừa coi TV. Đợi chồng ăn xong, dọp dẹp.  Đến 8 giờ sửa soạn đồ, mời chồng đi tắm. . . Như vậy vẫn còn may. Có hôm nấu xong, chồng gọi điện thoại cho ai, rồi đi ăn. Hôm sau không bao giờ ăn lại đồ cũ.

    Đọc xong, tôi viết lại cho chị. Tôi làm mỗi tuần 60 giờ, mỗi tối giúp đứa con làm bài tập đến 9 giờ đêm. Thứ bày làm nửa buổi, làm xong chạy hơn 30 cây số mua giò heo phá lấu hay những món vợ thích. Ở nhà còn những đồ ăn cũ, tôi ăn đồ ăn cũ, nhường cho vợ con ăn đồ ăn mới.

    Chúa nhật dọn dẹp nhà cửa xong, chở vợ con đi chơi, hay đi ăn ở tiệm Nguyễn Hoàng, vì đứa con thích ăn ở tiệm này. Đồ ăn ở tiệm này cũng bình thường thôi, đứa con chọn tiệm này vì đứa con tên Nguyễn hoàng T.

    Chị chủ bút đọc xong, cho đăng. Lúc đó cell phone chưa thịnh hành. Chị chủ bút gởi thơ đến. Chị nói, lâu lắm rồi chị mới đọc được bài, lời văn rất tầm thường. Chị khuyến khích viết tiếp, bất cứ đề tài nào chị cũng đăng. Cho phép chị sửa lỗi chánh tả, lời văn chị để nguyên.

    Vâng, lời phê của chị chủ bút rất đúng. Lời văn của hoàng Hưng, rất tầm thường.

    Cách đây ba năm, nhớ đến chị. Lần về Cali ghé thăm chị. Chị không biết tôi là ai. Trông chị không còn thần sắc. Về nhà gọi điện thoại hỏi thăm người bạn, người bạn cho biết, chồng chị về Việt Nam, có vợ nhí.

    Ngày xưa tôi có dịp gặp chồng chị. Anh học cao lắm, rất lịch sự.

    Cách đây mấy tháng, người bạn gọi điện thoại cho biết, chị chủ bút gởi lời xin lỗi. Chồng chị đã bị vợ nhí cạo sạch sẽ, đã trở về Mỹ. Chị đã tỉnh trở lại. Chị nhờ người bạn hỏi, có phải, có lần anh Hưng ghé thăm không? Nếu phải, làm ơn xin lỗi dùm.

  7. Viết bài, được người khác đọc và đóng góp phần bình luận quả là thật vui anh Hoàng Long nhỉ? Bài của anh cung cấp rất nhiều thông tin về những kỷ niệm thật xa xưa mà anh thể hiện mạch lạc, tuôn tràn như dòng suối! Hết truyện này rồi lại tiếp nối truyện khác, quả là một tài nguyên vô tận! Đọc những mẫu truyện rất thật của anh, kể lại sự thông minh, chăm chỉ, hoặc nghịch ngợm, lém lĩnh, quậy phá…tất cả hình ảnh thời vàng son, hoa mộng của anh cuốn hút người đọc, nó cũng khơi gợi những kỷ niệm đẹp của độc giả bừng sống lại, rồi cũng bâng khuâng, mơ mộng…như thời mới lớn.
    Cám ơn anh đã cho độc giả có được những cảm xúc khó tìm này. Chúc anh luôn vui, khỏe để sáng tác tiếp nhé!

    • Nguyễn Hoàng Long nói:

      Chào MyNhung Nguyen, người bạn của nhóm 75,

      Với mình, viết bài, bài được đăng, được bạn (đọc) phản hồi là điều vinh dự, là niềm vui lớn. Mình ước, bài viết của mình “.. cuốn hút người đọc, (tạo được sự tương tác nơi người đọc), làm bừng sống lại kỷ niệm đẹp, tạo cảm xúc bâng khuâng, mơ mộng… như thời mới lớn.”

      Mình có ý kiến nầy: tên gọi “người bạn của nhóm 75” dài quá. Có thể đổi danh xưng khác ngắn, gọn hơn được không?

Trả lời MyNhung Nguyen Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác