SÁCH CẤM KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ SÁCH HAY

Ngày đăng: 1/10/2017 10:26:44 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Đó là câu nói của Diêm Liên Khoa , nhà văn nổi tiếng Trung Quốc đương đại. Đây là bài viết của ông phát biểu tại Đại học Duke (Mỹ) ngày 29 tháng 3 năm 2013, sau đó được đưa vào cuốn sách “Trầm mặc suyễn tức” (Nghỉ ngơi thầm lặng) của ông. Việc chuyển ngữ từ tiếng Trung Quốc qua tiếng Việt do cô Nguyễn Thị Tịnh Thy, giảng viên Đại học Sư Phạm Huế. Xin giới thiệu cùng anh chị em (LM)

Diêm Liên Khoa (ảnh nguồn Net)

Một số tác giả lấy “sách cấm” làm vinh dự, một số độc giả lấy việc đọc “sách cấm” làm vui, sách cấm đã trở thành nhãn hiệu nhanh chóng thu hút thị hiếu và thị trường. Là tác giả của “nhiều sách cấm nhất” Trung Quốc hiện nay, Diêm Liên Khoa – “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực hoang đường ” – nhà văn được cho là có hy vọng đạt giải Nobel nhất sau Mạc Ngôn, nhấn mạnh tiêu chuẩn cũng như sự phân biệt nghiêm ngặt của “sách cấm và sách hay”. Đây là bài viết đáng đọc, ít nhất để hiểu vì sao ông không bao giờ cảm thấy câu “có nhiều sách cấm nhất” là lời khen ngợi đối với mình.

SÁCH CẤM KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ SÁCH HAY

Trung Quốc có một câu phổ biến: “Tuyết dạ độc cấm thư, nhân sinh nhất khoái sự” (Đêm tuyết đọc sách cấm là một điều khoái trá trong đời người). Điều này cho thấy sách cấm đã đem lại cho độc giả cảm giác thỏa mãn giống như được nhốt trong một hộp đường, tha hồ nhấm nháp vị ngọt ngào trong chốn im lặng vắng vẻ. Ngày nay, hễ đến bất cứ đâu, mọi người đều giới thiệu tôi: “Đây là nhà văn Trung Quốc gây tranh cãi nhất, có nhiều sách cấm nhất”. Tôi không tán thành lời giới thiệu này, dĩ nhiên tôi cũng không chê bai nó, nhưng tôi hoàn toàn không đánh giá cao kiểu tán dương nghệ thuật như thế.
Bởi vì tôi cho rằng, cấm không thể đánh đồng với giá trị nghệ thuật. Cấm đôi khi liên quan mật thiết đến sự can đảm. Mặc dù chúng ta cũng có thể hiểu được những lời của Goethe – không có can đảm thì không có nghệ thuật! – hiểu rộng ra, có thể nói, không có can đảm thì không có tính sáng tạo trong nghệ thuật; tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng rằng người đọc chỉ dừng lại ở giá trị can đảm của sách cấm và sự tranh cãi về nó, đặc biệt là với các nhà văn và tác phẩm của Trung Quốc, Liên Xô cũ và “thế giới thứ ba”.
Về vấn đề sách cấm và tranh cãi, tôi có một số quan điểm như sau:
Trên thế giới có rất nhiều nhà văn bị cấm, như Solokhov, Pasternak, Nabokov, Lawrence, Borges, Llosa, Miller , Kundera, Rushdie, Pamuk,… là những cái tên nằm ngay cửa miệng mọi người. Nếu chúng ta tra cứu trong thư viện, hoặc mở một trang máy tính, chuỗi tên bị cấm này có thể như một đội quân ùn ùn kéo về, đông không kể xiết. Nhưng sở dĩ chúng ta chỉ có thể nhớ được một số ít cái tên trong đội quân đó là bởi vì không chỉ họ bị cấm, mà còn viết ra những tác phẩm tuyệt vời và vĩ đại nhưng bị cấm. Hơn nữa, những tác giả, tác phẩm này đã phải trả giá hoặc hy sinh tính mạng vì quyền tự do ngôn luận. Chúng ta phải chân thành bày tỏ sự kính trọng của mình đối với những trả giá và hy sinh của họ vì sự khai phóng, tiến bộ, tự do, dân chủ và bình đẳng cho tổ quốc và nhân loại. Nhưng khi chúng ta thâm nhập vào nghệ thuật của các tác giả và tác phẩm đó, thì quả là rất tàn nhẫn để thừa nhận rằng, chúng ta – là chính tôi, vẫn không nhớ nổi họ. Điều này ngoài cái trí nhớ chết tiệt của tôi, rất có thể trách nhiệm còn thuộc về các tác phẩm mà họ viết.
Đôi khi, nghệ thuật rất tàn nhẫn. Nó giống như việc không thể vì người ta quý thời gian mà có thể kéo dài một ngày đến 36 hoặc 48 tiếng. Nghệ thuật cũng vậy, không phải vì nó chịu áp bức của chính trị và quyền lực của một quốc gia, hoàn cảnh và thời đại nào đó mà đặt thêm cho nó một quả cân trong cán cân thành tựu. Nếu đặt thêm như thế, một ngày nào đó cảm thấy nó không đủ cân bằng và vững chãi, quả cân đó sẽ bị nhấc xuống một cách lặng lẽ.
Ngày nay, ở Trung Quốc, mỗi năm có hàng chục cuốn sách bị cấm xuất bản và cấm sau khi xuất bản. Một mặt, chúng tôi rất ghê tởm với chế độ xuất bản và đánh giá này, và chúng tôi sẵn sàng hy sinh tất cả để loại bỏ những cuộc đánh giá như vậy; mặt khác, chúng tôi không vì những tác phẩm này bị cấm mà tôn vinh nó, gắn danh hiệu đó ở trang bìa của tác phẩm hay đeo vương miện đó lên đầu tác giả.
Tôi biết rằng, các nhà văn Trung Quốc hiện nay sau khi rời bỏ mảnh đất quê hương để sang phương Tây hay đến nước Mỹ đều thích nghe khán giả và các phương tiện truyền thông nói rằng ông (bà) này đang gây tranh cãi ở trong nước, sách của ông (bà) đã bị chỉ trích, bị tranh luận, bị cắt xóa, bị cấm xuất bản, vân vân và vân vân. Bởi vì có như vậy, phương Tây và các phương tiện truyền thông mới có thể thu hút sự chú ý đối với bản thân và tác phẩm của họ. Nhưng xin những người bạn đáng kính này tha thứ cho tôi, ở đây, tôi muốn nói rằng – cấm và tranh cãi là một vết nhơ của trong sự đánh giá của Trung Quốc, là mối quan tâm trực tiếp nhất của phương Tây đối với Trung Quốc, nhưng không thể xem đó là thước đo và tiêu chuẩn về thành tựu nghệ thuật cho một tác phẩm xuất sắc.
Mấy năm trước, có nhà văn đã tự nguyện hối lộ nhà xuất bản Trung Quốc 100.000 nhân dân tệ để được cấm và chỉ trích tiểu thuyết của mình. Ví dụ nực cười này cho thấy rằng cấm đoán là trọng tâm của sự chú ý chứ không phải là tiêu chuẩn cao của nghệ thuật. Vì vậy, khi đến một nơi nào đó, được người ta giới thiệu rằng tôi là nhà văn gây tranh cãi nhất, có nhiều sách bị cấm nhất Trung Quốc, tôi chỉ có thể im lặng, vừa cảm thấy không vinh dự, vừa cảm thấy không vui. Tôi xem đó là lời giới thiệu không thích hợp cho một nghi lễ. Nó giống như khi bạn gặp một người thân, bạn chìa má ra để được hôn mà người ấy lại đưa tay ra để bắt vậy.
Thành thật mà nói, các bạn và nhiều độc giả phương Tây khác đã quen biết tôi bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết bị cấm của tôi: “Vì nhân dân phục vụ” (Bản dịch tiếng Việt là “Người tình của phu nhân sư trưởng”). Cho dù bạn đánh giá tác phẩm này như thế nào, tôi cũng không cho nó là tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp của mình. Đó chỉ là một dấu vết, sự kiện và ký ức rõ ràng trong cuộc đời và sáng tác của tôi chứ không phải là một tiểu thuyết hạng nhất. Nếu cho rằng nó tuyệt vời, thì hãy đọc tiểu thuyết “Kiên ngạnh như thủy” (Cứng rắn như nước) của tôi, nếu có dịp. Bạn thích “Kiên ngạnh như thủy”, tôi sẽ rất hạnh phúc, nhưng đánh giá “Vì nhân dân phục vụ” quá cao, tôi chỉ có thể cười, và biết ơn. Và còn nữa, tác phẩm “Nhật hạ lạc” (Hoàng hôn mùa hè) của tôi bị cấm ở Trung Quốc năm 1994 chỉ có ý nghĩa trong văn học quân sự và sáng tác tả thực của Trung Quốc, nếu bàn rộng ra khỏi phạm vi đó thì mất hết ý nghĩa. Ở phạm vi lớn hơn, ý nghĩa của nó sẽ trở nên mơ hồ và sút giảm. Trong các cuốn sách cấm, tôi mong các bạn đọc “Đinh trang mộng” (Giấc mộng thôn Đinh) và “Tứ thư” của tôi hơn là hai tác phẩm đầu tiên. Và khi bình luận về tác phẩm của tôi, tôi cũng mong các bạn coi tôi là một nhà văn, chứ không phải là nhà văn “gây tranh cãi nhiều nhất” và “có nhiều sách cấm nhất”.
Những nỗ lực trong cuộc đời của tôi chỉ là để viết ra những tác phẩm hay, làm một nhà văn giỏi chứ không phải để trở thành nhà văn “có nhiều sách cấm nhất và gây tranh cãi nhất” ở Trung Quốc.
   Nguyễn Thị Tịnh Thy

dịch từ http://cul.qq.com/a/20140313/007784.htm)
                                  GV. Nguyễn Thị Tịnh Thy tại biển Tuy Hòa

Có 1 bình luận về SÁCH CẤM KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ SÁCH HAY

  1. Phong Tâm nói:

    Qua góc hẹp hiểu biết đọc và cảm nhận của mình, cho tôi thấy được rằng: Diêm Liên Khoa ông là “nhà văn thứ thiệt” đầy kinh nghiệm, tinh tế, sâu sắc và hiện đại; không ngại nói thật, cả về mình, quả là bài viết đạt chiều kích ý tưởng. Với góc cận nhìn đơn phương tôi phát hiện ra bài viết thật hay. Theo cá nhân tôi hiểu, có hai phần chính vừa đánh giá vừa giới thiệu; “đánh giá bóc trần thị hiếu” và nghệ thuật “giới thiệu tác phẩm-tác giả”…

    Người dịch, chuyển ngữ từ tiếng Trung qua tiếng Việt, của GV. Nguyễn Thị Tịnh Thy cho tôi cảm giác cũng là “nhà văn thứ thiệt”, bởi qua phong cách chuyển ngữ, cách dùng ngôn từ… mạch lạc, xúc tích, có hệ thống, cho thấy được cái hay cái “nghề” của người viết. Cám ơn Lương Minh giới thiệu thêm một tác giả mới cho trang nhà và người đọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác