NHỚ NỤ HÔN ĐẦU( Tiếp và hết )

Ngày đăng: 20/10/2017 12:33:39 Chiều/ ý kiến phản hồi (9)

Hôm sau ba chúng tôi vào lớp nhìn nhau cười, chẳng ai hỏi thăm ai về chuyện đêm qua. Thế là mọi chuyện lại  êm đềm trôi đi. Tuy nói thế nhưng làm sao với một đêm trăng tuyệt vời thế kia lại không ghi vào lòng chúng tôi những tình cảm rạt rào. Nói là bình thường nhưng làm sao tôi vô tâm với đôi mắt của Quỳnh bối rối nhìn sang nơi khác khi bắt gặp tia nhìn trìu mến của tôi dành cho. Chỉ có điều, tôi và Quỳnh không  nhắc nhở lại sự việc đã diễn ra trong đêm trăng đó để tiến lại gần nhau hơn. Dưới mắt bạn bè, tôi và Quỳnh vẫn mãi là cặp đôi lớp trưởng, lớp phó gắn bó và đẹp mắt.

Đến cuối năm học, vào ngày thi xong đệ nhị bán niên, một chiều mát, hai chúng tôi ngồi cạnh ghế đá  ở góc sân trường, dưới chân ngập xác hoa vàng hoàng điệp, Quỳnh chủ động nói với tôi:

– Sang năm chắc chúng mình không còn học chung nhau nữa !

Tôi trố mắt ngạc nhiên:- Sao vậy ? Quỳnh định chuyển trường à ?

– Không !em muốn chuyển qua học ban B.  Học ban A này sao em thấy không có gì thích thú cả !

– Nhưng Quỳnh đã học 10, 11 ban A rồi mà ? Chuyển được không ?

Chuông báo giờ vào học, câu chuyện bị cắt ngang, những ngày kế tiếp mãi lo văn nghệ cuối năm tôi quên luôn việc xin chuyển, muốn chuyển học ban B của Quỳnh. Sau hai tháng hè không liên lạc gì nhau, ( Tôi đi Sài Gòn giữ nhà cho bà cô ruột ) đến ngày tựu học, chợt nhớ lại ý của Quỳnh đã nói hôm nào, tôi quýnh quáng chạy về Vĩnh Long. Điều đầu tiên tôi rất vội vã là ghé ngay trường để dò danh sách lớp 12 đã được niêm yết. Danh sách lớp 12 gồm có 5 lớp nhưng không danh sách nào có tên Quỳnh. Vậy Quỳnh đã đi đâu ? Tôi tìm đến nhà các bạn mới hay Quỳnh đang chờ trường xét lại theo yêu cầu trực tiếp của ba Quỳnh.

*

Quỳnh sang học lớp 12 B buổi chiều nhờ có ba can thiệp và điểm Toán kết quả cuối năm 11 rất cao, tôi vẫn học buổi sáng.

Không còn Quỳnh làm lớp phó nữa tôi cảm thấy rất buồn. Quỳnh đã cách xa tôi một bước, rồi đây sẽ còn bao nhiêu bước nữa để xa ? Ngẫm lại, tôi thấy thương Quỳnh nhiều. Con đường trước mắt còn dài và rộng mở, em đâu dám để tình cảm trẻ con lãng mạn chi phối học tập của em.. Dần về sau tôi càng hiểu rõ hơn, Quỳnh không hề muốn đoạn tuyệt với tôi, em chạy trốn tôi bằng những bước ngắn đầy nuối tiếc, tạm xa tôi để em có thể điều khiển được nhịp đập con tim mình.

Thỉnh thoảng qua bạn bè, Quỳnh có gởi cho tôi những tờ giấy nhắn tin nho nhỏ dễ thương, hẹn bảo tôi ở lại sau buổi học để Quỳnh nhờ “ chút xịu” công việc, những công việc “ chút xịu” đó không ngoài những việc quen thuộc mà Quỳnh hay nhờ tôi khi ngày xưa mới bắt đầu học chung nhau: vẽ hình và viết tựa tập thơ chép tay, viết chữ trình bày cái bìa tập, thiết kế mẫu thiệp mời sinh nhật, thiệp chúc giáng sinh, chỉ cho Quỳnh cách làm cái nhập đề để viết về thơ mới v.v…Cũng có những lần Quỳnh không báo trước,  khi tan trường tôi mới thấy cái xe jeep quen thuộc do Thượng sỹ Thành đưa rước Quỳnh đậu trước cách xa rào trường. Quỳnh “đặt hàng” tôi vẽ cho Quỳnh thật kỹ lưỡng “ không được làm ẩu, không được qua loa”. Dặn dò xong Quỳnh nhìn tôi cười ngất.. Để trả công, Quỳnh mời tôi lên xe cùng đi đến quán nước mà Quỳnh bảo rằng không nơi nào lý tưởng cho bằng. Quỳnh hồn nhiên thoải mái cười đùa với bác Thành, tôi thì cứ thấp thỏm trong lòng, cứ sợ lúc về trường Quỳnh trể học.

*

Đến đầu 1975, tình hình chiến sự trong cả nước trở nên ác liệt. Dân chúng bắt đầu đi di tản lộn xộn từ các tỉnh miền Trung về Sài Gòn. Học sinh năm lớp cuối trung học như chúng tôi nơm nớp lo âu. Thi đậu hay thi rớt tú tài đều phải ra chiến trường, lệnh hoãn dịch không áp dụng cho những học sinh như chúng tôi. Tôi tăng cường học đêm học ngày, tai lắng nghe tình hình chuyển biến của đất nước, phải nói có lúc tinh thần bị dao động thật sự.

Có hôm tôi thấy Quỳnh hối hả đến trường bằng xe đạp, có hôm đi xe lôi và bằng nhiều phương tiện khác. Hỏi ra, Quỳnh cho biết hậu cứ cấm trại 100%, xe công bị điều động đi làm nhiều việc cấp bách ở nơi khác. Nói chuyện với tôi, nét mặt Quỳnh luôn lộ vẻ đăm chiêu.Tình hình bức bách lắm rồi, ai cũng đều lo lắng. Biết Quỳnh buồn lo, những ngày sau học xong tôi cố tình nấn ná ở lại chờ Quỳnh để được chia sẻ với em.Trong lúc đó bản thân tôi cũng có nhiều chuyện buồn, vào một đêm đầu tháng 4, nằm trong vùng giao tranh, nhà tôi bị hỏa hoạn, tài sản bị thiêu hủy hoàn toàn. Là nhà buôn nên vốn liếng, tài sản gia đình tôi đều nằm trong hàng hóa.Từ cậu học sinh gia đình trung lưu, bổng chốc tôi mất gần như mọi thứ.Tuy nhiên tôi không để khó khăn quật ngã được mình. Tôi quyết tâm vượt qua…

Thỉnh thoảng có lúc vui, sự âu lo biến mất trên khuôn mặt của Quỳnh. Dung nhan yêu kiều lại đẹp vô ngần trong mắt tôi. Quỳnh nắm tay tôi khi hai đứa ngồi trong khoảnh sân rộng đầy bóng mát và hoa cỏ của cái quán mà Quỳnh từ lâu yêu thích. Quỳnh nhìn tôi, mắt như cười:

– Rồi mai phải đi xa, không còn dịp về lại quán nầy, hay quán nầy dọn đi thì làm sao Quỳnh thiếu nó được anh hở ?!

– Tại quen rồi Quỳnh nói vậy thôi. Ở đâu mà không có quán thế nầy. Năm rồi, ở Sài Gòn hai tháng, mình đi khá nhiều chỗ, trên đó có nhiều quán đẹp và lạ…

– Em không cần đẹp, không cần lạ..

– Mình biết !

Trong ánh mắt như muốn cụp xuống vì buồn Quỳnh nói nhỏ với tôi:

– Mình hứa với nhau đi, dù hoàn cảnh thế nào, sắp tới có loạn ly ra sao, mình có đi phương trời nào cũng không để mất tin nhau nghen.

Tôi định nói Quỳnh làm như Mỵ Châu – Trọng Thủy nhưng nghĩ lại thấy vô duyên nên thôi. Tôi dựa đầu vào thành ghế ngước mắt nhìn bầy chim sâu đang vô tư nhảy nhót trên đám lá xuyên nhiều vệt sáng thẳng chiếu xuống sân nói giọng buồn buồn:- Chỉ sợ chỗ Quỳnh thôi, mình học ở đây, quê quán ở đây, nhà của mình Cầu Mới bên sông Măng Thít, có hai cột dây thép cao ở bến phà cũ mà năm lớp 10 có lần Quỳnh và các bạn xuống chơi, mình đã đưa các bạn đến tận gốc cột dây thép để nhìn ngắm cho rõ đó…Nghe nhắc, nhớ lại chuyện thú vị, Quỳnh vổ tay cười như để ký ức sống lại vào những ngày đầu năm học lớp 10 đầy thơ mộng đã qua.

Rồi như người qua cơn mơ giật mình tỉnh giấc, Quỳnh nhỏ nhẹ và nghiêm chỉnh hỏi tôi:- Anh con nhớ cái đêm nguyệt thực tuyệt vời đầu năm qua không ?  Nếu lỡ cách biệt xa nhau, ta cũng còn chung ánh trăng xưa phải không anh ?Quỳnh sẽ nhìn nó mỗi bận trăng tròn để tìm nhau. Nghe Quỳnh nói tôi chợt buồn suýt đánh rơi tách cà phê đang cầm trên tay.

– Chẳng có gì đến bi đát như vậy đâu, hết chiến tranh hòa bình an lạc sẽ tới, chúng ta không phải xa  nhau đâu !

Quỳnh đưa hai bàn tay ngón dài thon nhỏ ôm lấy mặt, có vài giọt nước mắt lăn qua kẻ tay em.

Không như kế hoạch từng đưa ra: Các lớp học từ 6 – 11  nghỉ từ giữa tháng tư, khối 12 tiếp tục học và thi cuối năm rồi nghỉ vào giữa tháng 5. Trưa 30/04/1975 cờ xanh đỏ sao vàng đã bay đầy nội ô Vĩnh Long và các vùng lân cận. Ngủ lại Vĩnh Long đêm đầu giải phóng tôi chợt nhớ Quỳnh quay quắt ruột gan tôi. Quỳnh đã nghỉ trước đó mấy ngày, gia đình em ra sao, đặc biệt vào trưa hôm qua ? Sáng sớm hôm sau như để cầu âu, tôi mượn cái xe của Lân chạy lên thành công binh. Cổng trại đầy bộ đội giải phóng vui mừng trong niềm vui chiến thắng, cờ đỏ xanh sao vàng được cấm đầy một khúc đường trước doanh trại vừa tiếp thu. Không thấy mặt ai quen, tôi lần lũi cho xe quay trở về…

Sau ngày đó, tôi được ở lại trưởng để tham gia công tác văn nghệ báo chí, trường thuở ấy có hoạt động văn thể khá mạnh mẻ. Tôi ở lại trường ngoài công việc chung quán xuyến hoạt động văn nghệ báo chí, lúc nào tôi cũng ngóng trông tin tức của Quỳnh. Gặp lại bạn cùng lớp, tôi càng thất vọng hơn, tin tức về Quỳnh càng ngày thêm xa vắng.

Sau chừng hai tháng được nghỉ, Ty Giáo dục mới cho các trường tập trung học sinh để sinh hoạt chính trị và cho khối lớp 12 làm lại hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp cấp III. Đêm trước hôm ấy tôi nôn nao không ngủ được, nhiều lần ra đứng trên hành lang vắng của trường để nhớ về những ngày học hành tươi đẹp đã đi qua.

Đến trưa hôm sau, không ai gặp Quỳnh, tôi biết người bạn yêu thương của mình chính thức không còn có mặt ở Vĩnh Long. Tôi xuống sân ngồi ngay trên băng ghế hôm nào Quỳnh nói với tôi sẽ sang học lớp B, tôi nghe mắt mình cay và biết rằng tôi đã khóc.

*

Tôi vào học trường sư phạm, sau khi tốt nghiệp loại giỏi đã được Ty Giáo dục cho phép giữ lại để công tác ở Phòng Giáo Vụ đặc trách công tác quản sinh và Thí nghiệm thực hành. Mặc dù làm việc ở bộ phận Giáo vụ nhưng mỗi đầu năm học tôi vẫn thường tình nguyện sang phụ giúp phòng tổ chức cán bộ làm công tác tuyển sinh. Qua đây tôi hy vọng sẽ có lúc tìm ra được Quỳnh của tôi bằng sự hy vọng mỏng manh. Nhưng rồi nổ lực tìm tin tức về Quỳnh trong  tôi ngày một vơi dần. Sau nhiều năm ở lại trường, được phân công qua nhiều nhiệm vụ tôi  xin được chuyển về trường phổ thông. Năm ấy bắt đầu chương trình cải cách giáo dục, thay sách lớp 1 trong cả nước. Tôi như một cán bộ theo dõi điều nghiên cho phong trào công tác tại cơ sở. Thế rồi qua năm, tháng tôi được đề bạt luôn làm Hiệu phó rồi Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở. Chín năm thực hiện cải cách giáo dục đi qua. Các đồng nghiệp, quý thầy ở Ban Giám hiệu trường THSP, CĐSP có dịp ghé trường thăm các đoàn giáo sinh về thực tập ở trường do tôi làm Hiệu trưởng có nhã ý mời tôi trở lại trường cũ, với thời gian đã lâu ở trường phổ thông, có gia đình và con nhỏ, việc quay lại trường sư phạm tôi không còn nghĩ đến.

Vào một đêm, trời cuối năm, có thể ngày rằm tháng mười. Đi dự cuộc họp ở Ủy ban xã về khuya. Không theo mọi người, tôi đi tắt về nhà bằng con đường lộ đá 901. Ánh trăng trải dài trên  đường đi, ngang khu làm việc của Hợp tác xã, nhìn vào khoảnh sân xi măng nằm im dưới trăng tôi chợt nhớ nhiều cái sân gạch của Chẩn Y Viện năm nào. Nhớ ánh trăng vàng đêm nguyệt thực.Tôi bước vào sân, ngồi lên chiếc ghế đá đặt cạnh cột cờ. Trăng sáng huyền hoặc, tôi da diết nhớ đến Quỳnh, gần 20 năm đã trôi qua. Nếu em còn ở bất cứ  đâu, chắc đêm đêm em không quên tìm ánh trăng chung như đã hứa với tôi. Mà sao em không có tin tức gì về tôi chứ, sông Măng Thít, chợ Cầu Mới vẫn chờ bước chân em về, khu Bến đò cũ với hai cột dây thép cao ngất làm sao em quên ?

Tôi đứng dậy ra về, không quên nhìn lại vầng trăng như đêm nào đã quay lại nhìn bến sông, con thuyền trên dòng sông Long Hồ thơ mộng.

Bóng  tôi đỗ dài phía trước như người bạn đồng hành. Tôi nghe vai mình ướt và chợt nghe hơi lạnh phả chung quanh. Quỳnh ơi, nụ hôn đẹp đẻ nồng ấm ta đã dành cho nhau trong đêm nguyệt thực mãi mãi còn đọng trên môi anh với cả tấm lòng thương nhớ…

NGUYỄN GƯƠNG

Trích phần 3. Chương III. Tháng ngày thơ mộng

Hồi ức THÁNG NGÀY QUA

 

 

 

 

Có 9 bình luận về NHỚ NỤ HÔN ĐẦU( Tiếp và hết )

  1. VÕ THI LÀI nói:

    Em  mừng anh Nguyễn Gương đã khỏi bệnh và trở lại trang nhà ,bài viết ” Nhớ Nụ Hôn Đầu ” của anh phần cuối thật cảm động .Hơn 20 năm không gặp lại người xưa nhưng anh hảy hy vọng,rồi có một ngày nào đó anh sẽ gặp người xưa dưới anh trăng vàng đêm nguyệt thực .

  2. My Nguyen nói:

    MN đã đọc câu chuyện từ đầu, một chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn nên thơ của tuổi học trò… Dưới ngòi bút của anh Nguyễn Gương đã khiến câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn từ đầu đến cuối. Tiếc rằng chiến tranh loạn lạc đã làm mất đi những hoài bão ước mơ, trong đó có cả một mối tình tuyệt đẹp.

    Câu chuyện rất hay nhưng đoạn kết lại rất buồn. Tiếc làm sao cho tác giả, đã không được gặp lại Quỳnh, dù chỉ một lần thôi!

    Cảm ơn anh Nguyễn Gương. Chúc anh luôn lạc quan, nhiều sức khỏe…

  3. Nguyễn Thị Bé ( Xuân Hiệp ) nói:

    Tình  dang dở bao giờ cũng đẹp chúc anh luôn vui khỏe với kỷ niệm đẹp tình yêu.

  4. NHA nói:

    Đường Link của bài NỤ HÔN ĐẦU  đăng lần trước:

    https://tongphuochiep-vinhlong.com/2017/09/nho-nu-hon-dau/

  5. Nguyễn Hoàng Long nói:

    Bạn và tôi ra đời và lớn lên trong chiến tranh. Không có gì ngạc nhiên khi chiến tranh đã để lại nơi mỗi người “những vết thương” dù tôi và bạn đều may mắn khi chưa phải cầm súng. “Những vết thương” nầy chỉ là một phần của thú thương đau mà chúng ta đã may mắn được ban thưởng phải không bạn? Chúc bạn vui và chóng khỏe.

  6. THU CUC nói:

    Tôi luôn ngưỡng mộ những mối tình đẹp cho dù có thương đau hay dang dở …..

    Chúc sức khỏe anh Nguyễn Gương .

  7. Trầm Hương Ptt. nói:

    Mừng gặp lại Nguyễn Gương nơi đây, Em khỏe chút rồi cô mừng… Bài viết rất dể thương, chỗ đứng của N.G nơi trang nhà là…Dắt mọi người về ngày xưa…thời mới lớn, tuổi học trò thật trong sáng hồn nhiên…cô đọc để thấy thấp thoáng tuổi thơ của mình. Cám ơn em.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác