PHAN KHÔI NGHIÊN CỨU TIẾNG VIỆT

Ngày đăng: 7/09/2017 06:08:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Phan Khôi là một nhân vật đặc biệt trong làng văn, làng báo Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ông xuất thân là nhà nho nhưng lại sớm có tư tưởng cấp tiến và được hấp thụ tư tưởng vì nghĩa cả. Cuộc đời hoạt động của ông là đời sống của một con người tự do và chính trực. Vì thế mà sau khi những hoạt động chính trị-xã hội bị trở ngại, mặc dù tinh thông Hán học và tiếng Pháp, Phan Khôi không đi vào con đường cầu an của tầng lớp thư lại. Ông bước vào làng báo non trẻ của nước nhà. Sống với nghề báo, Phan Khôi được thuỷ chung với tư tưởng tự do cấp tiến của mình. Phan Khôi không ưa sự phù hoa trong văn chương. Đó là Phan Khôi của mục “Vai ngự sử trên văn đàn” (trên báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1931) để nhặt ra những sai lầm trong thơ văn hay trong các bài báo thời bấy giờ. Tỉ mỉ chuyện dọn vườn văn hẳn là cái duyên dẫn đưa Phan Khôi đến việc nghiên cứu ngữ học về sau này. Một cái duyên khác có lẽ là khi ông giới thiệu bài viết ngắn của Nguyễn Đình về ‘luật hỏi ngã’ trên báo Tao Đàn (số 8, th.6.1939) mà ông cho là “có giá trị về khoa học”. Cho nên sẽ là chuyện hợp lẽ mà thôi khi Phan Khôi bước vào nghiên cứu ngữ học Việt Nam, một ngành nghiên cứu mà những người ở ngoài nghề vẫn chê là vừa khô, vừa khó, và vừa khổ.

viet-ngu-nghien-cuu-ebook-199x300Quyển sách mỏng Việt Ngữ Nghiên Cứu của Phan Khôi do nhà Văn Nghệ xuất bản tại Hà Nội năm 1955, là một tập hợp những bài nghiên cứu tiếng Việt mà Phan Khôi biên soạn trong khoảng thời gian ba năm, từ 1948 đến 1950. Sách đã in ty-pô một lần trong chiến khu năm 1950 với tựa đề Tìm tòi trong tiếng Việt. Mặc dù sau đó, ông không còn làm việc trong ngành ngôn ngữ nữa nên việc nghiên cứu bị bỏ dở, tác giả cũng xem xét lại một số luận điểm và viết những lời bổ di ở cuối mỗi bài, để sang năm 1955 in lại thành sách.
Thật ra thì đây chưa phải là một quyển sách có mạch lạc, mà chỉ là tập hợp một số bài nghiên cứu rời về một số vấn đề ngữ pháp tiếng Việt. Chủ ý của tác giả là để khởi công phân tích một số vấn đề ngữ pháp tiếng Việt trước khi thật sự biên soạn một tập sách hoàn chỉnh về nó (Lời tựa, tr. 6). Dưới đây là tóm lược toàn bộ 12 đề tài mà ông đã hoàn tất trong thời gian ngắn đó:

1 Phân tích vần quốc ngữ: tác giả xem xét lại cách kết hợp các âm và giọng để thành một tiếng, cho nên ông duyệt lại các nguyên âm, các phụ âm, các thanh, tính hệ thống của các phụ âm cuối và các lối hợp vận trong tiếng Việt. Những khái niệm về âm giai, âm hệ trong vần quốc ngữ là những khái niệm ông mượn từ sách nghiên cứu Hán ngữ đương thời, nặng về phân tích âm vận học của luật thơ hơn là phân tích ngữ âm và ngữ pháp. Ông cũng nhầm lẫn khái niệm về âm vị và chữ viết khi ông gọi các đồ vị ch, gi, ngh chẳng hạn là phụ âm đôi, phụ âm ba.

2 Một vài nhận xét trong tiếng ta theo chữ Nôm: đây là một thành quả tiên phong của việc nghiên cứu chữ nôm trong mối quan hệ với ngữ âm tiếng Việt thời cổ. Tác giả phân tích mối tương quan giữa các âm /d/ trong tiếng Việt và âm /đ/ trong tiếng Hán: da (thịt) < bộ nhục bàng chữ đa , dạy (bảo) < bộ khẩu bàng chữ đại…; âm /gi/ trong tiếng Việt và âm /k/ trong tiếng hán: kiang >giang, kả > giả, ka > gia…; âm /tr/ trong tiếng Việt và âm /l/ trong tiếng hán: lô > tro, lăng > trăng, lại > trái; âm /gi/ trong tiếng Việt và âm /tr/ trong tiếng hán việt: trọng >giọng, trận >giận…Tác giả nêu lên một số giả thuyết về ngữ âm học lịch sử căn cứ trên tự dạng chữ nôm. Đấy là một bước tiến mới mẻ ở nơi một nhà nho như ông.

3 Tiếng đệm: bài này tìm hiểu hệ thống các từ phức trong tiếng Việt, gồm các từ láy (thẹn thò, bệu bạo…), từ kép (đất đai, làng mạc, tre pheo, vắng tanh, lạnh ngắt…). Cũng theo quy cách đi tìm những quy luật của hiện tượng ngôn ngữ này, ông cố đưa ra những khuôn âm thường đi với nhau trong các từ thuộc loại này, chủ yếu là các từ láy.

4 Con, cây, cục, cái: tác giả theo phép thực nghiệm quy nạp mà tìm hiểu tính cách và vai trò của bốn từ này, và ông cho là chúng đều là những tiền danh tự chứ không hẳn là mạo tự, quán tứ hay loại tự như trước đó thường gọi.

5 Tiền danh tự và mạo tự: bài này là bước nối tiếp của bài trên, nhắm mở rộng việc tìm hiểu vai trò của các tiếng mà tác giả gọi là tiền danh tự. Ông rút ra được kết luận là các tiền danh tự có công dụng cá biệt hoá tính chất của danh từ đi sau nó.

6 Thời gian và không gian trong ngữ pháp: bàn về tính cách của tiếng Việt khi biểu diễn khái niệm về thời gian và không gian, qua đó phản bác quan niệm của Trần Trọng Kim khi bàn về loại phó từ chỉ thời gian và vị trí mà tác giả cho là không sát hợp với tính cách của tiếng Việt.

7 Trên, dưới, trong, ngoài, lên, xuống, vào, ra: bàn về các từ chỉ vị trí và phương hướng trong tiếng Việt, nhưng ông không chỉ dừng lại ở công dụng ngữ pháp của chúng mà lại xem xét chúng ở mặt luận lí hay ngữ nghĩa.

8 Kiểm thảo về đại danh từ: tác giả biện bác về các lối dùng đại danh từ trong tiếng Việt. Phần lớn những biện bác này cũng chỉ ở trên bình diện luận lí hơn là ngữ pháp.

9 Mấy đặc điểm trong tiếng Việt: đưa ra ba đặc điểm của tiếng Việt; nói theo trật tự thời gian, theo yêu ghét chủ quan, và thường có chủ từ tổng hợp.

10 Hư tự trong truyện Kiều: bàn về một loại từ đặc biệt trong tiếng Việt qua một tác phẩm truyện Kiều, vì ông cho rằng Nguyễn Du dùng tiếng Việt chính xác lắm. Các từ đâu, bao, bấy, dầu, dẫu, mặc dầu được đưa ra làm điển hình để ông rút ra những quy cách sử dụng loại phó từ này trong ngữ pháp tiếng Việt.

11 Đề nghị về danh từ ngữ pháp: đưa ra một số đề nghị dùng các thuật ngữ ngữ học Việt Nam cho phù hợp với tính cách của bộ môn nghiên cứu và của bản thân tiếng Việt: những thuật ngữ nay đã quen dùng thì đã được đưa ra từ sách của Phan Khôi; ngữ pháp thay cho ‘văn pháp’, ‘văn phạm’,’mẹo’, từ thay cho ‘tự’, phó từ thay cho ‘trạng từ’, hình dung từ thay cho tĩnh từ, ngữ ngôn để chỉ khái niệm tiếng nói như một đặc tính của loài người, và ngôn ngữ để chỉ một tiếng nói cụ thể.

12 Phụ lục: Một phương pháp dạy văn pháp tiếng ta: đưa ra một lối phân tích cú pháp theo phương pháp đồ giải mà tác giả đề nghị từ năm 1948. Đây chính là một nỗ lực phân tích cấu trúc câu theo đúng tinh thần tiếng Việt mà không bị ảnh hưởng của ngữ pháp tây phương. Phương pháp của Phan Khôi là dùng đồ hoạ để chia câu nói ra thành từng tầng bậc chính phụ, làm nổi rõ ngữ nghĩa qua cấu trúc câu.

Tính đến thời điểm 1948-1950, khi sách được biên soạn, việc nghiên cứu tiếng Việt mới chỉ ở bước sơ khai. Tình hình nghiên cứu tiếng Việt ở đầu thế kỉ XX hãy còn thưa thớt, số người nghiên cứu đếm trên đầu ngón tay. Kể về công trình về ngữ pháp tiếng Việt thì mới chỉ có một bộ sách Việt Nam Văn Phạm của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm là được phổ thông, nhờ được dùng trong nhà trường (1). Trong hoàn cảnh như thế, Phan Khôi không tham khảo được gì nhiều trong khi nghiên cứu. Đấy là chưa nói đến một yếu tố khác cũng cần để ý, là điều kiện sách vở của những người kháng chiến như Phan Khôi hẳn cũng thiếu thốn mọi bề. Những yếu tố này sẽ khiến cho công trình nghiên cứu của Phan Khôi nhiều chất khám phá dựa trên trực giác và suy luận nhiều hơn là tham khảo tư liệu. Nói thế không phải là bảo những phát kiến của Phan Khôi trên đường tìm tòi là hoàn toàn bắt được từ thinh không. Chúng ta có thể thấy thấp thoáng trong mấy trang sách dấu vết của những ‘cọ sát tư duy’ giữa tác giả và các đồng nghiệp cùng ngành nghề, hoặc giả một vài quyển sách hiếm hoi của giới nghiên cứu Trung quốc buổi ấy, và nhất là quyển sách của Trần Trọng Kim. Giá trị đầu tiên của quyển sách mỏng này nằm ở điểm: đó là kết quả của công phu lập luận, của trực giác khoa học là chính. Điều này cũng khá phù hợp với tính cách của Phan Khôi -một người đặt nặng tinh thần luận lí, tinh thần độc lập tư tưởng, không bị trói buộc trong những câu thúc của xã hội.
Trước Phan Khôi, bộ môn nghiên cứu tiếng Việt chưa làm sáng được tính cách hệ thống của tiếng Việt theo nghĩa là những quy tắc ngữ pháp của chính nó, mà không phải là do sự áp đặt phương pháp mô tả tiếng Việt theo mô hình của tiếng Pháp, như trong công trình của những tác giả người Pháp trước kia hay như Trần Trọng Kim khi viết Việt Nam Văn Phạm. Phan Khôi đã phê phán Trần Trọng Kim rải rác trong suốt quyển sách chính là phê phán lối nhìn tiếng Việt qua đôi kính phân tích ngữ pháp tây phương cổ điển. Để có thể mô tả tiếng Việt, việc cần làm là hãy quan sát nó, vận dụng những thao tác ngôn ngữ để nhận ra những quy luật của tự thân nó; nói cách khác, hãy tìm đến tiếng Việt như một đối tượng mới gặp lần đầu.
Phan Khôi đã dùng những thao tác như thế trong các bài viết mà rút ra được một số kết luận mới mẻ ở thời kì đó. Phân tích ngữ pháp cũng như bao nhiêu việc biên tập khác trước kia, ông rất sùng tín vào luận lí. Theo đúng phép hoài nghi khoa học, nhiều khi Phan Khôi đã bắt đầu từ chỗ bắt đầu: ông không bị vướng mắc vào những quan niệm sẵn có, mà muốn tìm đến đối tượng nghiên cứu với thái độ tỉnh táo, khách quan. Hãy lấy bài thứ tư làm một minh hoạ điển hình: trước tiên, ông quan sát cách dùng của bốn từ cây, con, cục, cái trong lời nói để nhận ra những sắc thái riêng của bốn từ này là những tiếng đặt trước danh từ chỉ sự vật theo từng hạng loại (tr.72); sau đó ông khái quát hoá một bậc mà nhận ra tính cách chung của cái và con là để chỉ định tình trạng chứ không phải để phân biệt giống (tr. 75); cuối cùng ông nhận thấy cái còn có những sắc thái rất riêng khác (tr.75-76). Đến cuối bài ông đề nghị một cách gọi tên các từ này là ‘tiền danh từ’ dựa trên những tính cách chung và riêng của chúng. Lập luận suy diễn và quy nạp đều khúc chiết, sáng sủa, và rất thuyết phục, ‘rất Phan Khôi’. Cùng lối tiếp cận như thế, tác giả xem lại từ loại gọi là đại danh từ (bài 8), hoặc những hư tự trong truyện Kiều (bài 10).
Có khi óc duy lí đưa lập luận của tác giả đến chỗ nghiêm khắc quá đáng mà thành khiên cưỡng. Ông bắt bẻ chúng ta nói ‘ngồi dưới đất’ là không trúng cách mà phải nói là ‘ngồi trên đất’ (tr. 101) hoặc như không nên nói ‘xuống thuyền’ mà phải ‘lên thuyền’ (tr.104), hoặc nữa là khi ông đặt vấn đề tiếng Việt không có đại từ trung tính như nễ và ngã hay I và You là những quá đà của óc duy lí. Ấy vậy mà đôi lúc sự quá khích của Phan Khôi lại có những nét đáng mến, vì nó thể hiện một phong cách, một cá tính con người. Hãy đọc lại một đoạn trang viết về đại từ xưng hô cụ lớn để thấy lại khẩu khí con người chính trực đến nghiêm khắc của Phan Khôi (2). Những nhận xét sắc bén của tác giả về đại danh từ hẳn nhiên là đã đi quá phạm vi ngữ pháp, nhưng bù lại nó cũng phản ánh con người Phan Khôi.
Phan Khôi cũng là một trong số những người đầu tiên tìm hiểu chữ nôm như là một hệ thống đồ vị để qua đó tìm ra ra mối tương quan giữa chữ viết và lối phát âm. Khi tìm hiểu về chữ nôm, Phan Khôi tiến xa hơn các tác giả Việt Nam trước ông cũng đã từng tìm hiểu về chữ nôm. Qua một số những hiện tượng trùng lắp, ông nhận ra mối quan hệ giữa chữ nôm và lối phát âm cuả người xưa. Từ đó ông nêu ra một số nhận xét về nguyên tắc chính tả chữ nôm. Những kết luận của tác giả về mối quan hệ giữa cách phát âm tiếng hán và tiếng Việt, giữa chữ nôm và lối phát âm tiếng Việt, là những ý kiến xác đáng của một người uyên bác về Hán-Nôm. Cũng nhân khi tìm hiểu về chữ nôm, Phan Khôi nhìn ra được giá trị của việc nghiên cứu ngữ âm học lịch sử (mà ông gọi là “cổ âm học”), và “mong người khác thấy sự ích lợi lớn của nó mà dựng ra nhiều lối khác nữa để nước Việt Nam cũng có một ngành cổ âm học của mình thì sẽ có ích lợi cho ngôn ngữ văn tự, cho học giới tương lai nhiều lắm” (tr. 39). Tiếp nối những gợi ý như thế, giới nghiên cứu hán-nôm về sau đã đi xa hơn: đã có những công trình quan trọng về ngữ âm lịch sử tiếng Việt (Nguyễn Tài Cẩn, Lê Văn Quán…). Nhưng không vì thế mà giá trị những gợi ý của Phan Khôi và những người ở thế hệ ông bị suy giảm.
Một đóng góp khá quan trọng của quyển sách là nó gợi ra những câu hỏi lớn về những hiện tượng ngôn ngữ quen thuộc của chúng ta, nhưng cho đến thời Phan Khôi nghiên cứu vẫn chưa có những lời giải nào. Những từ mà ông gọi là “tiếng đệm” chưa được nghiên cứu thấu đáo. Trần Trọng Kim xếp chúng vào từ loại ‘tĩnh từ’, và có xem xét cách cấu thành một tiếng ‘tĩnh từ ghép’ bằng lối dùng những thể cách biến thanh và biến âm của tiếng đệm đi kèm với ‘tĩnh từ’ đơn. Phan Khôi đã mở rộng thêm hướng nghiên cứu khi ông cho rằng loại ‘tiếng đệm’ này không chỉ là loại ‘tĩnh từ’ mà có thể là danh từ, động từ. Về cách cấu tạo, Phan Khôi cũng đi tiến thêm xa khi ông chỉ ra những mô hình biến âm và biến thanh có tính toàn diện hơn. Loại tiếng này về sau sẽ gọi là “từ láy”, cũng sẽ được nghiên cứu kĩ hơn, nhưng về đại thể thì những mô hình nêu ra từ sách Phan Khôi đã không thay đổi nhiều. Có khác chăng chỉ là vấn đề định danh mà thôi. Trong sách, ông dùng lại tên gọi ‘tiếng đệm’ trong sách Trần Trọng Kim, nhưng ông đặt chúng vào một phạm trù ngữ pháp rộng hơn có tên gọi là “thành từ” để chỉ chung loại từ ghép có cấu trúc chặt chẽ, chẳng hạn:’non sông’, ‘làng mạc’,’đất đai’,’chơi bời’,’‘chễm chệ’… Đây là một khái niệm mới, có giá trị khoa học, và sẽ làm cơ sở cho một hướng tìm tòi lâu dài về sau.
Những ý kiến của Phan Khôi về tiền danh từ (bài 5), phó từ thời gian và không gian (bài 6), các loại phó từ chỉ phương hướng (bài 7), đại từ (bài 8) duyệt lại một cách triệt để những khái niệm mà trước đây các sách ngữ pháp theo phương pháp tây phương đã không nêu ra được các sắc thái riêng của tiếng Việt. Đây là những phê phán gián tiếp quan điểm Trần Trọng Kim thuở ấy đang là quan điểm ‘chính thống’ trong học giới. Những đóng góp của thế hệ sau về ngữ học Việt Nam đã giải quyết rốt ráo những nhược điểm nghiêm trọng của quan điểm Trần Trọng Kim, và đã chứng nhận tính cách xác đáng của những luận điểm đề ra trong sách Phan Khôi. Hẳn nhiên là những vấn đề trên đây đã chưa có thể nào giải quyết trọn vẹn trong mấy bài ngắn ngủi mà chính Phan Khôi lúc đó cũng chỉ xem là những tìm tòi, gợi ý cho một công trình dài lâu.
Bài tìm hiểu về cách dùng hư tự trong truyện Kiều là một bài đặc sắc. Trước hết là ở việc tác giả bàn một vấn đề ngữ pháp dân tộc biểu hiện qua ngôn ngữ của một nhà văn. Đấy là hướng nghiên cứu mới mẻ mà không mấy ai quan tâm vào thời ấy. Tác giả tìm hiểu ý nghĩa ngữ pháp của một số trợ từ mà ông mượn thuật ngữ của giới nghiên cứu hán ngữ, là hư tự ‘bao’, ‘bây’, ‘bấy’, ‘đâu’,’dầu’,’dẫu’, ‘mặc dầu’. Để nêu lên được ý nghĩa khái quát của các trợ từ này, ông cũng đi từ việc tập hợp các câu Kiều có dùng các hư tự này và làm những thao tác phức tạp cần thiết của một phân tích thực nghiệm. Những kết luận rút ra trong bài là những kết quả như thế. Tác giả làm việc tỉ mỉ, nhưng không sa xuống tủn mủn, ông đã “thâm nhập nhi thiển xuất”, là một trong những điều kiện cơ bản của nghiên cứu khoa học. Được như thế phải nói là nhờ vốn học thâm thuý và tinh thần tìm tòi cái mới nơi ông. Đọc ông có cái thú vị của những khám phá chứ không phải là những kiến thức lặp lại đâu đó. Mà những thú vị thì có thể nhặt ra từ một kết luận lớn (như ý nghĩa ngữ pháp của hư tự đâu trong truyện Kiều, chẳng hạn), hay từ một khám phá nho nhỏ ở bên lề cuộc tìm kiếm (chẳng hạn, ông nhận thấy truyện Kiều từ đầu đến cuối không hề dùng trợ từ nếu).
Cuốn sách nhỏ của Phan Khôi còn đưa ra việc định lại thuật ngữ ngữ học Việt Nam, từ những khái niệm cơ bản của ngôn ngữ (từ) đến những thuật ngữ ngữ pháp trên cơ sở xác lập các từ loại của tiếng Việt. Những ý kiến của ông lúc bấy giờ là một sự lay động lớn cho một cuộc lên đường mới mẻ. Thuật ngữ “ngữ pháp” không chỉ đơn thuần là một cái tên gọi cho khác người, mà chính là một thuật ngữ chuyên chở một nội dung rất khác. Phan Khôi xem “ngữ pháp” là việc tìm hiểu ngôn ngữ sống do con người dùng hằng ngày. Ông cũng nói thêm là tiếng Việt không phân biệt ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết như trường hợp hán ngữ chẳng hạn, phân biệt văn ngôn và bạch thoại. Vì thế,“…ngữ pháp tức là văn pháp, phép tắc cho sự nói tức là phép tắc cho sự viết, hễ nói đúng thì viết đúng… ngữ bao hàm được văn chứ văn không bao hàm được ngữ…” (tr. 145).
Một số những đề nghị khác cũng là kết quả của những thay đổi về mặt quan điểm như thế. Đây là trường hợp của những thuật ngữ từ, thành từ, tiền danh từ, phó từ, định từ. Có những thuật ngữ ông đề nghị nhưng thế hệ sau không theo, nhưng không ai phủ nhận được quan điểm xác đáng của ông khi đưa ra những thuật ngữ mới là để xây đắp một phương hướng mới cho nghiên cứu ngữ học nước nhà ở thời đại mới. Hãy lấy khái niệm về ‘từ’ trong sách: trước hết, đấy là một đơn vị của ngôn ngữ. Một từ khi nói lên thành tiếng có thể đơn tiết, như chim, sạch, nhưng cũng có thể đa tiết, như chim bắt cô trói cột, sạch sành sanh. Như vậy, ‘từ’ là một khái niệm ngữ pháp bao hàm hai mặt khác nhau của đơn vị ngôn ngữ là tiếng (mặt âm thanh) và chữ (mặt ghi chép). Đây chỉ là đôi thí dụ về mối tương quan giữa quan điểm nghiên cứu và thuật ngữ mà Phan Khôi gợi ra trong khi ông nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt.
Cuối sách là một phụ lục, trong đó ông đề nghị một lối dạy ngữ pháp mới mà ông nói rõ là đã được gợi ý từ một quyển sách ngữ pháp tiếng Hán của một tác giả Trung quốc, Tân trước quốc ngữ văn pháp của Lê Cẩm Hi. Gần ba mươi trang sách đã là một bản cương yếu quan điểm mô tả ngữ pháp tiếng Việt của Phan Khôi ở thời điểm 1948 mà ông đã thuyết trình trước một hội nghị văn hoá năm đó. Mở đầu, tác giả nêu rõ quan điểm mô tả ngữ pháp của ông là: “cú bản vị” (dựa trên câu làm căn bản) và “đồ giải” (dùng đồ hình để giải thích). Đây là một bước tiến rất lớn so với sách của Trần Trọng Kim trước kia, vốn là cú pháp “từ bản vị” – chỉ dựa theo lối phân tích cú pháp cổ điển của Pháp mà chú trọng phân tích từ loại. Ngữ pháp cú bản vị là hệ thống ngữ pháp lấy câu nói làm cơ sở phân tích, bởi vì các từ kết hợp với nhau trong những kết cấu khác nhau, và ngữ pháp là những phân tích về những cấu trúc đó. Năm 1948 ở Việt Nam chưa hề biết đến ngữ pháp cấu trúc, nhưng quan điểm mà Phan Khôi đề nghị chính là phương hướng phân tích ngữ pháp cấu trúc vậy. Phương pháp cấu trúc phân tích câu theo cơ cấu kết hợp của các thành phần, cấu trúc của các tổ hợp như thế là hệ thống những cấp bậc chính phụ khác nhau. Phan Khôi châm chước theo phương pháp Lê Cẩm Hi của Trung quốc mà phân tích câu tiếng Việt ra thành những thành phần sau:
(a) thành phần chủ yếu gồm có ‘chủ ngữ’ và ‘vị ngữ’;
(b) thành phần liên đới gồm có ‘tân ngữ’ và ‘bổ túc ngữ’;
(c) thành phần phụ gia gồm có ‘hình dung từ phụ gia ngữ’ (gọi tắt là ‘hình phụ’) và ‘phó từ phụ gia ngữ’ (gọi tắt là ‘phó phụ’).
Mỗi thành phần của câu sẽ được làm nên từ chín từ loại khác nhau xếp thành năm nhóm, là:
1. Thực thể từ: gồm ‘danh từ’, ‘đại danh từ’;
2. Thuật thuyết từ: gồm các ‘động từ’;
3. Khu biệt từ: gồm các ‘hình dung từ’ và ‘phó từ’;
4. Quan hệ từ: gồm các ‘giới từ’ và ‘liên từ’;
5. Tính thái từ: gồm các ‘trợ từ’ và ‘thán từ’.

Những thành phần trên đây kết hợp với nhau trong một sơ đồ cấu trúc hai tầng chính phụ. Tầng trên cho thấy mối quan hệ chủ yếu trong một câu gồm có hai thực thể từ sắm vai trò chủ ngữ và vị ngữ.Sau vị ngữ có thể có thành phần liên đới với nó – tức là tân ngữ. Tầng dưới của sơ đồ cú giải cho thấy những thành phần phụ gia có vai trò làm bổ túc cho các từ hoặc nhóm từ đảm nhậm thành phần chính của câu. Phan Khôi đã lên một sơ đồ tổng quát như sau: (xem ở dưới)

PhanKhoi 1                     Hình 1: Sơ đồ cú giải tổng quát do Phan Khôi thực hiện
Xin mượn lại một vài ví dụ trong sách để minh hoạ cho lối phân tích cú pháp bằng đồ hình mà Phan Khôi đề nghị. Câu sau đây: “Chim bay về núi” có thể phân tích theo sơ đồ như sau: Thành phần có quan hệ chính yếu là “chim” (làm chủ ngữ) và “bay” (làm vị ngữ); ở mối quan hệ bậc hai thì “về núi” là phó từ. Phan Khôi làm đồ giải câu trên như sau:
Chim || bay
|
về núi

Một câu khác nữa: “Mặt trời mọc ở phương đông” có cấu trúc như sau: danh từ “mặt trời” làm chủ ngữ, động từ “mọc”; vị ngữ “mọc” lại có phó từ “từ phương đông” bổ nghĩa cho nó.
Mặt trời || mọc
|
từ phương đông

Một trường hợp khác là một câu phức: “Anh em thợ, đương mùa nóng nực này, ở bên cạnh lò lửa, dùng các thứ đồng, gang, sắt, đúc súng đạn cho chúng ta”. Ông phân tích theo sơ đồ như sau: ở tầng trên là thành phần chính của câu: “Anh em thợ | đúc súng đạn”; tầng dưới cho thấy các thành phần bổ túc của hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ ở trên:

Lối phân tích cú pháp như trên là dựa theo chức năng của các thành phần trong câu chứ không lẫn lộn giữa tính cách của từ (từ loại). Từ Trần Trọng Kim đến Phan Khôi là một quãng cách rất dài của bước tiến trong cách mô tả ngữ pháp tiếng Việt. Giới nghiên cứu và giảng dạy ngữ pháp đã chấp nhận và phát triển phương pháp phân tích cú pháp do Phan Khôi đề nghị. Lí do giản dị là ông tin tưởng phương pháp này phù hợp với đặc điểm loại hình ngôn ngữ chúng ta. Phương pháp phân tích ngữ pháp bằng đồ giải do Phan Khôi đề nghị năm 1948 trên đại thể là thứ ngữ pháp cấu trúc nếu xét trên cách tổ hợp câu, và là ngữ pháp chức năng nếu xét trên vai trò của các thành phần câu trong mối tương quan. Tương quan như thế nào trong nội bộ mỗi câu thì lối giải thuyết của tác giả chưa phải đã hoàn toàn thoả đáng. Chính tác giả cũng tự nhận như thế khi ông viết lời tựa cho ấn bản 1955. Ngày nay chúng ta không thấy cú pháp đồ giải do Phan Khôi đề nghị đâu nữa thì chẳng phải nó không có giá trị nào, mà thật ra nó đã biến tướng vào trong đồ giải phân tích cú pháp tạo sinh rồi. Chúng tôi cố ý dùng mấy thuật ngữ ngữ học hiện đại, cốt để nêu ra đây sự liên tục và tiến bộ mà Phan Khôi đã góp công mở đường.

Nhìn lại giai đoạn phát triển ngữ học Việt Nam sau Phan Khôi, chúng ta dễ dàng thấy bóng dáng những nét chính của phương pháp này trong các sách Khảo Luận về Ngữ Pháp Việt Nam của Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê (Huế, 1963) và Nghiên Cứu về Ngữ Pháp Tiếng Việt (hai tập) của Nguyễn Kim Thản (Hà Nội, 1963-64). Cả hai bộ sách sau này đều tiếp nối và phát triển những tìm tòi mở lối của Phan Khôi về những vấn đề phương pháp luận: đi tìm một hướng nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt phù hợp với đặc tính của nó là loại ngôn ngữ đơn tiết không biến hình, và ngữ pháp cú bản vị. Các tác giả phân biệt rạch ròi hai mặt của phân tích ngữ pháp: phân tích ‘từ tính’và ‘từ vụ’ của các thành phần cấu tạo nên câu nói, và khi phân tích câu thì cần phải tìm ra các thành phần chính phụ và các thành phần chỉ các mối quan hệ trong câu nói. Các tác giả về sau cũng tiếp nối công trình đề ra từ Phan Khôi mà hoàn chỉnh các thuật ngữ ngữ học tiếng Việt cho phù hợp. Nói thế là thừa nhận rằng giá trị của những phát kiến trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học có tính cách lịch sử của nó. Đặt trong mối tương quan kế thừa và phát triển, chúng ta mới nhìn nhận được những giá trị của những tìm tòi về tiếng Việt của Phan Khôi -cho dẫu là bỏ dở dang như ông thú nhận.
Đã gần nửa thế kỉ đi qua, có thể những tìm tòi của Phan Khôi ngày nay đã đi vào kỉ niệm của lịch sử ngữ học nước nhà. Nhưng con người Phan Khôi thì vẫn hãy còn sinh động trong những trang viết. Ngay ở lời mở đầu sách có một đoạn ngắn cho thấy sự thành tâm của Phan Khôi đối với công phu tìm tòi nghiên cứu: “Tôi mong rằng…sẽ được nhiều lời phê bình thảo luận, để bổ cứu cho sự sai lầm thiếu sót của ý kiến một người, và nhờ đó công việc phân tích càng đầy đủ tinh vi hơn… Công việc này là công việc vĩnh viễn, không phải chỉ làm mười năm hay một trăm năm. Hễ thời đại tiến hoá thì ngữ ngôn phải tiến hoá, ngữ ngôn tiến hoá tức là dân tộc tiến hoá.” (tr. 6) Ngày nay, những câu như thế đã thành sáo ngữ nghề nghiệp của những kẻ ‘biên tập’ xuất bản hay của chính các tác giả. Ở vào những năm tháng trước kia, những suy nghĩ như thế ở một người thuộc hạng ‘tiên chỉ’ trong làng chữ nghĩa là điều đáng trọng, nếu chúng ta biết là đến cuối thế kỉ XX có kẻ nghiên cứu ‘đội mũ cánh chuồn’ hãy còn đem ‘nhân dân’ ra như một thứ quyền lực để mong lấy điểm tựa bảo chứng cho cái gọi là bài nghiên cứu của họ và cũng là để uy hiếp tinh thần những ai khác ý kiến với họ (3).
Ở một chỗ khác, khi trả lời một nhà thơ trẻ muốn cách mạng việc gieo vần cho thơ, ông bảo rằng “ anh cứ làm đi và đưa ra công chúng đi, hễ công chúng nhận thì thơ anh sống, mà công chúng chối thì nó chết. Ngữ ngôn luôn luôn biến hoá, đó là một quy luật nhất định.” (tr. 25) Những suy nghĩ kiểu đi chệch ra khỏi nếp nghĩ quan phương như thế này dường như hãy còn xa lạ đối với xã hội chúng ta, vì chúng bị kết án là ngang ngạnh, vô chính phủ, như chính bản thân tác giả nó đã từng phải chịu tiếng.
Bàng bạc trong những trang sách là tấm lòng thành đối với sự phóng khoáng, tiến bộ, cho nên ông không chịu được cái não trạng “người nói cứ bám khư khư lấy cái chỗ mình ở, cứ một mực chủ quan, làm cho khẩu khí có vẻ tủn mủn và văn chương đôi khi có vẻ câu thúc không phóng khoáng.” ( tr. 99). Xin trở lại câu chuyện cụ lớn như một minh hoạ về con người Phan Khôi. Bình sinh ông vốn không ưa thói bất công trong xã hội. Thái độ ấy đưa đến hệ quả tất nhiên là ông phủ nhận tuyệt đối tư tưởng nho phong kiến, xem đó là tác nhân đưa đến hủ bại của xã hội chúng ta ngày nay. Nhân khi bàn về nguyên uỷ cách xưng hô bằng ‘cụ lớn’, tác giả đã xuôi dòng suy nghĩ của mình mà bàn sang chuyện xã hội ngôn ngữ học hoặc là dân tộc tâm lí học mà buông lời thống thiết: “Nghề thế, đã tôn bợ người khác lên càng cao thì tự mình lại hạ xuống thấp và càng thấp. Xưng mình bằng tôi, nghĩa là tôi tớ, đã nhũn lắm và đê tiện quá rồi còn chưa lấy làm đủ, xưng là con là cháu. Trong khi không gọi người đẻ ra mình bằng cha mẹ, gọi bằng anh chị, cậu mợ, chú thím, mà lại xưng con xưng cháu trước mặt những kẻ không đẻ ra mình, không đẻ ra cha mẹ mình, gẫm mà xem, có đáng tủi thân không ?” (tr. 112). Quá quắt lắm chăng? Thiết tưởng chủ trương ấy chỉ là hệ quả của một quan điểm xã hội cấp tiến, chủ trương xoá bỏ chế độ gia tộc của thời phong kiến mà ông cho là đã làm cho con người Việt Nam chúng ta bẩn chật, hèn hạ đi. “Chính bản thân cái chủ nghĩa gia tộc đã là không tốt đẹp gì thì khi đem những tiếng xưng hô trong gia tộc áp dụng ra cả xã hội cũng không tốt đẹp gì. Nói rằng coi hết thảy người trong nước là bà con họ hàng với nhau, nhân đó càng thương yêu nhau, chỉ là nói thế thôi, nói nghe cho lịch sự thế thôi.” (tr. 115-6). Lập luận của Phan Khôi nếu có phần thậm xưng thì bù lại cũng phản ánh một bộ mặt đáng buồn của xã hội nửa phong kiến nửa nô lệ của chúng ta thời ấy. Nhưng mà ở đây không phải là chuyện quá khích hay thậm xưng, mà là một biểu hiệu của chút lòng “tiên ưu” của một kẻ sĩ. Thấy điều phải mà không đủ đảm lược để nói lên thì còn đâu là sư ‘lương thiện trí thức’, cái khí phách của kẻ sĩ nữa ?
Ở trên đã nhắc đến tinh thần duy lí trong lập luận của tác giả. Nói thế e rằng chưa đủ chính xác. Trong một con người Phan Khôi có hai phong cách rất khác biệt nhau: một tâm hồn thi nhân bên cạnh một nhà lí luận. Tâm hồn thơ là gì nếu không phải là một tâm hồn tinh tế biết cảm nhận những vẻ đẹp, vẻ sâu sắc của đời. Nhưng Phan Khôi không ưa những thói phù hoa nhảm nhí thường thấy trong làng văn làng báo. Thứ văn chương ‘mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây’ không phải là thứ văn chương ông chuộng. Cũng như bao nhiêu nhà nho, ông cũng là một người làm thơ và bình thơ thâm thuý, nhưng rồi chính ông cũng thấy thơ Việt Nam đến buổi ấy cằn cỗi, vì vậy ông đã là người đi đầu trong việc làm mới thi ca ở đầu thế kỉ XX. Nghĩ như thế và sống như thế, nào phải chỉ có mình ông! Cao Chu thần ngày trước chẳng từng ngán ngẩm cho thứ ‘nhai văn nhá chữ’ trong làng văn thơ mũ cánh chuồn đó sao!
Thuở còn làm báo ở Nam Kì, Phan Khôi thường bị đồng nghiệp ganh ghét và bỉ báng ông là một kẻ kiêu ngạo, tự phụ. Nhiều người muốn lên giọng đánh giá sự nghiệp Phan Khôi, nhưng đã không hiểu được cái tâm thành của ông. Có nhà viết văn học sử sau này lại còn tìm cách cắt nghĩa thái độ “bất mãn thường trực” của Phan Khôi theo kiểu phân tâm học, bằng cách giải thích từ những kỉ niệm buồn đau thời tuổi trẻ của nhà văn (4). Thiết tưởng bây giờ chúng ta không thể bằng lòng với lối phân tâm lạ đời và nguy hiểm đó. Theo lối phán đoán chủ quan và phiến diện, làng văn làng báo trước kia thường quên một chi tiết trong đời riêng của Phan Khôi: ông là một người suốt đời giữ được khí tiết nhà nho cương trực, không thoả hiệp với điều mà thời đại hôm nay gọi là “chà đạp nhân quyền”. Ông là phần tử hoạt động hăng say trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, của phong trào duy tân ở Quảng Nam, một nhà báo tiền phong và nổi tiếng qua phong cách bút chiến rắn rỏi, khúc chiết mà mục tiêu của ông thường chỉ là đấu tranh cho một phong thái tự do, bình đẳng.
Ông có kiến thức quảng bác, lại có nhiệt tâm tìm kiếm cái đúng cái tốt, nên văn bút chiến đã là một sở trường của ông trong sự nghiệp làm báo. Nhưng tính cách nổi bật của văn bút chiến Phan Khôi là ở chỗ ông chuộng sự tinh xác, sự minh bạch, sự liêm khiết trí thức. Đó là Phan Khôi của loạt bài tranh luận về Nho giáo với Trần Trọng Kim, và của bài “Cảnh cáo những nhà học phiệt” để nhắn nhủ Phạm Quỳnh. Cho đến cuối đời, Phan Khôi vẫn là người như thế. Bài viết “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” là khí tiết, là tâm can của một người yêu tự do, yêu tiến bộ, và không thoả hiệp với lề thói muốn độc quyền chân lí, nhất là chân lí dựa nhờ trên quyền uy chính trị đảng phái. Người ta không thể kì vọng ở một người đã một đời đấu tranh cho lẽ công bình ở đời lại phải quy phục cường quyền.
Là đứa con tinh thần của Phan Khôi, sách Việt Ngữ Nghiên Cứu cũng còn là bản phóng ảnh của con người tác giả, một con người tiêu biểu của truyền thống kẻ sĩ dân tộc. Phan Khôi là một nhà nho xuất thân nhưng lại thường xuyên đứng ở hàng ngũ những người đấu tranh cho tiến bộ, cho cái mới. Từ phong trào duy tân với Đông Kinh Nghĩa Thục và Trung Kì Dân Biến thất bại, ông chuyển sang hoạt động báo chí và sớm trở thành một kiện tướng trong làng báo tiền phong. Xông xáo trong trường văn trận bút nên Phan Khôi đã tham gia những trận bút chiến vang dội trong học giới thuở ấy. Nhân đây tưởng cũng nên nhắc đến ‘mối duyên văn tự’ giữa Trần Trọng Kim và Phan Khôi. Cả hai tác giả cùng thế hệ, cùng có sở học uyên bác, và không chừng cũng liên tài ái tài nhau mà dẫn đến mấy trận tranh luận hiếm có trong học giới chúng ta trước nay.
Trong bao điều tốt đẹp mà ông đã cống hiến cho làng văn làng báo từ những năm tháng xa xưa, lòng trân trọng của ông đối với quốc văn là một điểm không ai biết ông mà không thấy. Khi bắt tay tìm hiểu về phép làm văn quốc ngữ là ông không ngừng xây đắp tinh thần Việt Nam trong khi xem xét tiếng Việt. Từ những năm xưa, trên báo Phụ Nữ Tân Văn (1931), Phan Khôi giữ mục “Ngự sử trên văn đàn” và đã gây ảnh hưởng lớn trong công chúng, khiến họ phải thận trọng hơn đến chính tả quốc ngữ. Trước đó, Phan Khôi đã mở mục “Phép Làm Văn” để dạy thế hệ trẻ viết quốc văn, nhân đó ông dò dẫm phát kiến -trước Trần trọng Kim- những quy tắc của ngữ pháp tiếng Việt. Từ năm 1930, khi viết những bài phê bình sách Nho giáo đến năm 1948, khi phê bình phương pháp mô tả ngữ pháp tiếng Việt trong Việt Nam Văn Phạm, thái độ và phong cách của Phan Khôi vẫn là thái độ của một chính nhân “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” mà thôi.

Nhìn lại công trình nhỏ bé của Phan Khôi ngày hôm nay chính là để đặt lại chỗ đứng của ông trong sự nghiệp chung. Việt Ngữ Nghiên Cứu, mặc dù là một phác thảo dở dang về ngữ pháp tiếng Việt, sẽ vẫn là bằng chứng của một công phu trí tuệ sắc bén và cấp tiến. Quyển sách khiêm tốn của Phan Khôi đã đánh dấu cho một bước biến chuyển của nghiên cứu ngữ học Việt Nam ở buổi đầu. Ngày nay, nhìn lại quyển sách để thấy lại những bước tiến trên đường tìm kiếm mà lúc đó, trong hoàn cảnh khó khăn, Phan Khôi đã làm được một số việc mở đường quan trọng. Tính đến nay đã gần tròn nửa thế kỉ, ngữ học Việt Nam đã tiến một bước dài, nhưng chúng ta không thể và không được phép quên rằng Phan Khôi đã là người thuộc thế hệ đặt nền móng cho những thành tựu về sau. Chúng ta, người có học không có quyền bội bạc với những công trình của người đi trước, vì kiến thức chúng ta đây là kết quả của kế thừa và phát triển mà thôi.

  Đoàn Xuân Kiên

images1353747_phan_khoi

(1) Trong khoảng nửa đầu thế kỉ XX, có những công trình ngữ học sau đây do các nhà nghiên cứu phương tây thực hiện: A. Chéon với công trình Notes sur les dialectes Nguồn, Sắc, Mường (1905), L. Cadière với công trình: Le dialecte du Bas-Annam. Équisse phonétique (1911), H. Maspéro để lại một công trình lớn: Études sur la phonétique historique de la langue annamite (1912). Các tác giả Việt Nam thì -theo chỗ chúng tôi hiểu- mới chỉ có Nguyễn Đình với “Luật hỏi ngã” (1938), Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ & Phạm Duy Khiêm với Việt Nam Văn Phạm (1940), Lê Văn Nựu với Lược khảo Việt ngữ (1942), Trà Ngân Lê Ngọc Vượng với Khảo cứu về tiếng Việt Nam (1944). Cũng có thể kê thêm Bùi Đức Tịnh, Vài nhận xét về văn phạm Việt Nam (1948).

Có 6 bình luận về PHAN KHÔI NGHIÊN CỨU TIẾNG VIỆT

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Thưa Thầy Xuân Kiên,

    Chúng em thường chỉ biết đến nhà thơ mới Phan Khôi đầu TK XX qua bài thơ Tình già ( 1932 ), sau này được biết thêm học giả cấp tiến Phan Khôi là cháu ngoại của Tổng Đốc Hà Nội Hoàng Diệu, nay được Thầy cung cấp thêm kiến thức về quyển Việt ngữ nghiên cứu ( 1955 ) và những phân tích giá trị của Thầy, chúng em có điều kiện xâu chuỗi các hiểu biết rời của mình lại, thêm mở rông tầm mắt.

    Em thích những nhận xét của Thầy: ” Tỉ mỉ dọn vườn văn hẳn là cái duyên dẫn đưa Phan Khôi đến việc nghiên cứu Ngữ học, … ngành nghiên cứu vừa KHÔ, vừa KHÓ, vừa KHỔ … ” và câu kết nhân văn ” Chúng ta không có quyền bội bạc với những công trình của người đi trước vì kiến thức của chúng ta là kết quả của kế thừa và phát triển “

    • Đoàn Xuân Kiên nói:

      Cảm ơn Hạnh đã chịu khó đọc một bài viết khô khốc. Hồi năm 1994, khi tôi viết bài này, PK còn đang chìm trong bóng tối.Tôi đã đọc và quý cuốn sách và con người viết ra nó. Nay thì tình hình đã khác, cho dầu những oan khốc sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Có một nhà nghiên cứu (Lại Nguyên Ân) đã thu thập khá đủ các bài báo  (sự nghiệp chủ yếu của PK) in thành nhiều tập. Hạnh và các bạn quan tâm đến PK có thể vào  trang web này: http://www.viet-studies.net/Phankhoi/index.htm

  2. Cám ơn tác giả Đoàn Xuân Kiên đã chia sẻ bài viết về Phan Khôi, đọc để học hỏi và để mở mang thêm kiến thức, để biết thêm về các nhà văn, nhà thơ lớn của văn học VN. Về vấn đề văn phạm nói chung, tôi cũng có nhiều thắc mắc vì có rất ít sách vở để tham khảo. Tôi còn nhớ, suốt quãng đời đi học, tôi chỉ được học văn phạm vào năm lớp nhất (lớp năm bây giờ) và có mua một cuốn sách giáo khoa về văn phạm của một tác giả nào đó mà ngày nay tôi đã quên tên, do thầy giáo của mình chỉ định. Sau đó, trong suốt những năm trung học, văn phạm hầu như chẳng được đề cập đến trong các giờ Việt văn.

    Khi học ngoại ngữ Anh, Pháp thì văn phạm lại là phần chính, rất quan trọng, rất rõ ràng và  có hệ thống. Không nắm vững được văn phạm, không có thể nói và viết đúng ngoại ngữ mình học. Tôi tự hỏi tại sao ngày xưa, thời của chúng tôi, khi học Việt văn, văn phạm lạI không được chú trọng và không được giảng dạy đầy đủ. Không hiểu sau này có sự thay đổi gì trong việc giảng dạy văn phạm tiếng Việt trong các trường hay không.

     

    • Đoàn Xuân Kiên nói:

      Thế hệ mình vẫn có giờ văn phạm đấy chị ạ. Chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn (1945) đã ghi quyển Việt Nam Văn Phạm (Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ & Phạm Duy Khiêm)  là sách giáo khoa chính thức. Chỉ có điều là chẳng ai muốn tốn thì giờ để học và dạy, vì sách rất … tây. Mà thầy trò từ  mấy thế hệ sau 1945 đến chị em chúng ta đều học theo lối  “direct method” (!) từ việc đọc tiểu thuyết, sách báo, và nói năng theo chuẩn mực của mọi người! Sau 1954, cả hai miền vẫn có những nhà ngữ học đấy, nhưng chẳng bộ giáo dục nào quan tâm xem có gì mới, có ai đáng được thay thế sách Trần Trọng Kim hay không. Ở ngoài Bắc thì nhiều thành tựu hơn, nhưng lại thành ra nhiều trường nhiều phái quá. Ở ngoài Bắc đã từ lâu, thầy trò kháo nhau: “Bão táp phong ba chẳng qua ngữ pháp!”  (ngữ pháp = grammar). Thế là trường học cứ tiếp tục học ngữ pháp theo lối “direct method” (trong ngoặc kép vì không phải phương pháp của Longman bên Anh!).

      Từ khi đất nước mở toang ra thế giới, tiếng Việt chúng ta lại có nhiều “direct method” quá, báo chí thông tấn và trí thức đi học nước ngoài vẫn theo thói quen làm dáng trí thức, nói tiếng Việt như tây, đẻ ra nhiều từ, nhiều lối nói lai căng.

      Cộng vào đó là những chuẩn mực ngôn ngữ hằng ngày bị sai lệch nhiều: truyền hình, truyền thanh quốc gia thì theo chuẩn của thứ tiếng nói sai lệch dấu giọng (“bà cho cháu cái kẹo” thành “ba chó chảu cải kèo.”! Ở trong Nam có thể thấy một số xướng ngôn viên phát âm “người” thành “ngừ”!

      Thứ tiếng việt ngọng líu lo hiện nay đang được trân trọng thả nổi. Vì rằng “bão táp phong ba chẳng qua ngữ pháp”! Theo cái đà đó mà có một nhà văn trong nước thổ lộ thế này: Hình như môn này và môn triết trong nhà trường chỉ dành cho người dở hơi!…

  3. Trầm Hương Ptt. nói:

    Đọc và ngưởng mộ công trình nghiên cưú của anh Đoàn Xuân Kiên, anh đã theo bước người xưa để bày tỏ tâm ý vấn đề trong sáng cuả tiếng Việt. Lúc tôi học ĐHSP các giáo sư Trương văn Chình, Lê ngọc Trụ cũng có dạy những giờ ngữ pháp , cách phát âm… nhưng tất cả đều gửi lại sân trường vì chúng tôi ít khi dùng đến khi đứng lớp , đồng ý với anh chúng ta dạy và học theo lối ” direct method” từ việc đọc tiểu thuyết ,sách báo và luyện học sinh khả năng thuyết trình, qua những giờ giảng văn… theo chuẩn mực của thế hệ đương thời … của những năm trước 1975…Hy vọng sẽ còn được đọc những nghiên cứu cuả anh trong tương lai.

  4. Đoàn Xuân Kiên nói:

    Cảm ơn chị Trí đã quan tâm. Chị nhắc đến thầy Chình khiến lòng tôi bồi hồi nhớ lại những ngày xa xăm.. Thầy là vị giáo sư tôi ngưỡng phục, và cũng có duyên được đàm đạo với thầy suốt thời gian sau khi tôi ra trường cho đến khi thầy đi Pháp  (1970-1982). Chính thầy Chình đã cho tôi đọc quyển sách mỏng của cụ PK in năm 1955 (nhắc đến trong bài viết). qua một bản phóng ảnh đi vòng vèo từ Pháp vềSG (trước 1975)…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác