Mì Quảng

Ngày đăng: 28/09/2017 06:19:12 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

Nói về món ăn của nước Việt thì rất nhiều, phong phú. Mỗi miền đều có vài món chiêu bài mà nhắc đến hầu như ai cũng biết. Hôm nay tôi nói đến món mì Quảng, món ăn rất bình dân, giản dị mà sao hấp dẫn, lôi cuốn người ăn quá chừng. Trong số người mê món mì Quảng có … tôi. Hồi còn nhỏ, mỗi sáng chủ nhật, má tôi thường cho bọn tôi đi theo ra chợ ăn sáng. Khi má tôi ghé vào hàng cháo lòng hay bún bò, tôi không thích ăn mấy món mà nhà thường nấu, xin má cho ăn mì Quảng. Từ hàng cháo lòng, bún bò đầu chợ, tôi phải chạy ù thật mau để tới hàng mì Quảng cuối chợ.

Khoảng cách không gần nhưng vì thích mì Quảng nên tôi chịu khó … chạy. Khi vào Saigon học, nhà ở bên hông chợ Trương Minh Giảng, sáng sáng, tôi thường băng qua đường, tới gánh mì Quảng gần trường Vạn Hạnh để ăn cho được tô mì Quảng mới đi… tới trường. Nói như vậy chắc có thể hiểu má tôi không biết nấu mì Quảng nên khiến tôi cứ … hèm. Sau này, khi lớn lên, muốn học nấu mì Quảng mà người dạy thì mỗi người chỉ một cách, nấu xong, thử, tôi vẫn không tìm ra hương vị tô mì Quảng in trong trí nhớ của tôi. Tình cờ, cách đây lâu lắm, tôi đọc bài “Vĩnh biệt mì Quãng” của Tưởng Năng Tiến đăng trong Đàn Chim Việt, sau đó đọc tiếp bài “Mì Quảng ơi… tạm biệt” của Du Lam trên cùng trang báo, tôi rất thú vị vì ý nghĩ của tôi về mì Quảng tương tự như Tưởng Năng Tiến. Tiếp đến, đọc bài của Du Lam, trong tôi có thêm vài ý tưởng về cách làm tô mì Quảng.  Thế là với khẩu vị tô mì Quảng trong trí nhớ, cái nhìn về mì Quảng của tôi, cộng thêm những ý vừa được đọc qua 2 bài viết, tôi vào bếp làm thử món mì Quảng độc đáo, dễ mà khó này. Nấu xong, thử, tôi tạm hài lòng với cách nấu mới nghĩ ra. Vì mỗi người, mỗi quán, mỗi gánh mì nấu hơi khác nhau nên khó mà so sánh. Đây chỉ là cách nấu mì Quảng của tôi.
I/ VẬT LIỆU

– 300gr tôm (nhỏ)

– 500kg thịt heo (thường là thịt ba chỉ)

– 1kg xương heo

– Đậu phụng (nếu dị ứng thì không cần bỏ vào)

– 200gr hành ta củ

– Bánh phở hoặc bánh đa (giống bánh phở nhưng dai như mì Quảng)

– Bột nghệ

– Bắp chuối

– Xà lách

– Rau thơm , tía tô

– Dầu ăn

– Bánh tráng

 

image1                                    Vật liệu

 

II/ CÁCH NẤU

Xắt mỏng củ hành, bắt chảo dầu phi hành cho vàng (xắt nhiều hành vì còn xào tôm thịt).

Cho 3 muỗng canh bột nghệ vào nồi chứa 3 lít nước, đem đun sôi, bỏ bánh đa vào, đảo qua cho bánh đa nằm trong nước. Bánh mềm, vớt ra cho vào 1 thau nước lạnh, xả sạch nước bột, đổ ra rá cho khô nước. Rưới dầu + hành phi vào bánh đa luộc với bột nghệ, đảo đều dầu, để bên. (dầu nhiều thì bánh đa không dính nhau, hành phi làm cho mì quảng dậy mùi thơm).

image2                                            Nước nghệ

image3                                           Sợi mì Quảng 

Lấy một chảo khác, phi hành vàng, bỏ ớt bột (hay hột điều) vào để làm mặt, sau đó đổ tôm thịt vào xào cho chín. (có thể thêm đậu phụng sống xay nhuyễn để tạo vị béo, nếu dị ứng với đậu phụng thì không cần xào thêm đậu phụng). Có thể cho thêm chả cá xắt lát vào tô mì Quảng.

 

image4                                                       Nồi mì Quảng

Nước lèo : Xương heo trụng sơ, thả vào nồi nước nhỏ, vớt bọt cho trong nước, nấu lấy  nước ngọt để làm nước lèo. Cho hành củ xắt mỏng vào nước lèo, nêm nếm vừa ăn.

 

image5                                             Rau ăn kèm

Sắp rau sống dưới tô, bỏ mì vàng vào, chan nước tôm thịt kho đánh trên mặt, bỏ bánh tráng bóp nhỏ, đậu phụng rang giã dâp dập, ít lát ớt, sau đó rưới nước lèo vào xâm xấp

(Mì Quảng không chan nhiều nước lèo mà chỉ xâm xấp) và … ăn.

 

image6                                         Sắp đặt tô mì Quảng

 

III/ THÀNH QUẢ

 

image7                                        Tô mì Quảng đã hoàn tất

 

Chúc quý vị thành công và ngon miệng !

Bài viết và hình ảnh: Hương Cau

Có 1 bình luận về Mì Quảng

  1. Lần đầu tiên được ăn mì Quảng ở nhà mợ Tân tại Đà Lạt làm tôi nhớ mãi. Mợ Tân nấu ăn rất ngon và tôi may mắn được thưởng thức tài nấu ăn của mợ trong suốt thời gian làm cô giáo ở Trần Hưng Đạo. Mì Quảng của mợ nấu cũng gần giống với của Hương Cau tuy nhiên thịt được thái miếng và tôm nguyên con thì mợ đem bằm nhỏ rồi mới nấu. Năm 2013, tôi được thử lại mì Quảng tại một tiệm ăn tại Đà Nẵng, cảm thấy thất vọng vì không tìm được hương vị mì Quảng của mợ Tân ngày xưa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác