CHÚA GIÊ-SU VÀ NỮ THẦN ASTARTE (Between Astarte* And Christ)

Ngày đăng: 8/08/2017 08:47:46 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Giữa những khu vườn và những dãy đồi nối liền vùng phụ cận Beirut với những dãy đồi Li-băng, có một ngôi đền nhỏ, cổ kính, xây bằng đá hoa cương, có cây ô-liu, hạnh nhân và dương liễu bao quanh. Mặc dù ngôi đền cách quốc lộ chưa đầy một cây số; nhưng chỉ một số ít người yêu thích cổ tích quan tâm đến nó mà thôi. Đó là một trong những nơi thanh vắng u tịch bị lãng quên ở Li-băng.Cũng chính nhờ cái cảnh u tịch đó mà ngôi đền đã là nơi nương tựa cho những tín đồ, là chốn Thiêng Liêng, là nơi nương náu cho nhưng cặp tình nhân cô đơn.

Thoạt bước vào đền, nhìn lên tường phía Đông, người ta thấy bức tranh Phê-ni-xiên và những dòng chữ chạm khắc vào mặt đá, lâu ngày vài dòng trên đó đã mờ hoặc bị xóa. Tượng nữ thần Ishtar, nữ thần tình ái và sắc đẹp, ngồi trên ngai, xung quanh có bảy trinh nữ khỏa thân, mỗi người một tư thế khác nhau. Nàng thứ nhất cầm một ngọn đuốc, nàng thứ nhì cây lục huyền cầm, nàng thứ ba một lư trầm hương, nàng thứ tư một bình rượu bồ đào, nàng thứ năm một cành hoa hồng, nàng thứ sáu một vòng nguyệt quế và nàng thứ bảy đeo cung tên. Tất cả đều cung kính chiêm ngưỡng nữ thần Ishtar.

       image1                                            Nữ thần Ishtar

Trên bức tường thứ hai thì có một bức tranh khác, kiểu dáng mới hơn bức tranh trước, biểu tượng Chúa Giê-su bị đóng đinh trên Thập tự giá, bên cạnh Ngài là Đức Mẹ buồn thảm và Mary Magdalene với hai người phụ nữ khác đang khóc lóc nức nở. Bức tranh kiểu Byzantine nầy cho thấy nó được chạm khắc vào thế kỷ thứ V hoặc thứ VI sau Công nguyên.

Trên bức tường phía Tây có hai ngách hình tròn, qua đó nắng chiều có thể vào phòng rọi lên hai bức tranh, khiến chúng trông lóng lánh như kim nhũ.

Giữa đền có một bệ bằng đá cẩm thạch hình vuông, trên mặt có ghi mấy dòng chữ cổ, trong đó một số bị che lấp bởi những lớp máu đã hóa thạch. Điều nầy chứng tỏ người xưa đã đặt những tế vật trên mặt bệ đá để dâng cúng những vị thần linh, sau khi đã xức nước hoa, rượu nho và dầu ô-liu lên trên.

Trong ngôi đền không có gì khác ngoài sự thinh lặng bí ẩn của vị nữ thần, và bằng vô ngôn hình ảnh những vị thần đã thể hiện những chuyện bao đời trước, những chuyển di  của các dân tộc, từ quốc gia nầy đến quốc gia khác; và những bước thăng trầm của các tôn giáo. Những hình ảnh như vậy đưa thi sĩ viễn du đến một thế giới xa cách ngàn trùng với thế giới họ đang sống và làm cho các triết gia tin rằng con người sinh ra đã mang sẳn trong lòng họ một thứ tín lý tôn giáo nào đó. Họ cảm nhận có sự hiện hữu vô hình mà mắt họ không nhìn thấy được; nên họ nghĩ tưởng và phát họa ra những biểu tượng để biểu hiện những bí ẩn chất chứa sâu kín trong tâm hồn họ thành những lời ca và hình ảnh. Bằng cách nầy, con người hy vọng nói lên được khát vọng cao cả của mình trong cuộc sống và mục đích thiêng liêng nhất của mình sau khi chết.

Trong ngôi đền hoang phế đó, tôi gặp Salma mỗi tháng một lần, và hàng giờ chúng tôi ngắm nhìn những hình ảnh lạ lẫm, chạm khắc trên tường, nghĩ về Chúa Giê-su bị đóng đinh trên Thập tự giá. Chúng tôi mường tượng trong đầu mình hình ảnh những thanh niên và thiếu nữ Phê-ni-xiên đã sống, yêu và thờ phụng cái đẹp qua hình tượng nữ thần Astarte, họ đốt hương trầm và xức nước hoa nơi bàn thờ nàng. Rồi lòng đất mẹ sẽ đón rước họ trở về chẳng sót lại một thứ gì, ngoài cái tên mà bước thời gian cũng thường nhắc nhở trước khuôn mặt của Vĩnh Hằng.

0 chuong 1

Dùng lời nói khó mà ghi lại được hết những kỷ niệm trải qua hàng giờ, giữa tôi và Salma-những giây phút thiêng liêng: vui sướng và đớn đau, hạnh phúc và buồn thảm, hy vọng và ưu phiền .

Chúng tôi thường âm thầm gặp nhau tại ngôi đền cổ. Chúng tôi ngồi tại ngưỡng cửa, dựa lưng vào tường, ôn lại những ngày qua, bàn chuyện hiện tại. Bất giác, chúng tôi thấy sợ tương lai. Rồi dần dà chúng tôi cũng bộc lộ những gì đã giấu sâu thẳm ở đáy lòng, cùng nhau thở than về căn bệnh tình đã làm chúng tôi đau khổ, lòng dạ nát tan. Chúng tôi tự an ủi nhau bằng những hy vọng mong manh, những giấc mơ hoa bướm xa vời. Thỉnh thoảng chúng tôi lau nước mắt cho nhau, nén lòng quên đi dĩ vãng, gượng cười để quên đi những gì là sầu thảm, chỉ giữ lại Tình yêu ở đáy lòng. Ôm lấy nhau thật chặt khiến chúng tôi cảm thấy gần như tan biến trong khát khao dục vọng, cháy bỏng trong sức nóng của tình yêu. Salma âu yếm hôn tóc tôi bằng nụ hôn thanh khiết, làm lòng tôi thấy lâng lâng ngập tràn những tia hạnh phúc. Đáp lại, tôi cũng hôn những ngón tay búp măng tinh khiết như những cánh hoa huệ trong khi nàng lim dim đôi mắt, nghiêng nghiêng cái cổ trắng ngà và đôi má ửng hồng trông như màu nắng bình minh, tỏa khắp triền đồi. Chúng tôi im lặng, ngắm nhìn về phía chân trời xa, nơi những đám mây đã nhuốm màu hoàng hôn.

0 chuong 2

Lời tâm sự của chúng tôi không giới hạn trong phạm vi trao đổi tình cảm mà thỉnh thoảng chúng tôi cũng lái câu chuyện sang những vấn đề có tính chung chung, đôi khi cũng trao đổi quan điểm về những vấn đề thời sự, thảo luận nội dung những quyển sách chúng tôi đang đọc, nhận xét về cái hay cái dỡ, những vấn đề xã hội được đề cập trong đó. Đôi khi Salma cũng đề cập đến vị thế của người phụ nữ trong xã hội, ảnh hưởng của các thế hệ trước lên cá tính của họ, mối liên hệ vợ chồng trong xã hội ngày nay, những chứng bệnh tinh thần và sự sa đọa đe dọa cuộc sống lứa đôi của họ.

Tôi nhớ có lần nàng tâm sự, “Văn nhân, thi sĩ cố gắng tìm hiểu thực chất của người phụ nữ; nhưng cho tới giờ, họ chưa hiểu được những bí ẩn chôn giấu ở đáy lòng nàng bởi vì họ nhìn nàng bằng một nhãn quan tình dục nên chẳng thấy được gì ngoài hình dáng bên ngoài, hoặc họ quan sát nàng qua mức khuếch đại của tấm kính đố kỵ đàn bà nên họ chẳng tìm thấy được gì khác hơn ngoài sự yếu đuối và sự phục tòng.”

Vào một dịp khác, nàng vừa chỉ vào hai bức tranh trên tường vừa nói , “Trong lòng miếng đá nầy, các thế hệ qua đã khắc ghi hai bức tranh miêu tả bản chất dục vọng của phụ nữ và đưa ra ánh sáng những góc khuất của tâm hồn nàng, chập chờn giữa yêu thương và sầu thảm, giữa chiếm đoạt và hy sinh-giữa nữ thần Tình ái Ishtar trên ngai và Đức Me Maria trước Thập tự giá. Đàn ông mua vinh danh; nhưng đàn bà lại là người phải trả”. Không ai biết được sự sắp xếp gặp gỡ của chúng tôi ngoài Cao Xanh vời vợi bên trên; và những đàn chim sẻ bay lươn trong vườn. Dường như thỉnh thỏang mấy con chim cũng núp đâu đó lắng nghe những lời thì thầm tâm sự của chúng tôi. Salma cũng thường dùng xe đi đến một khu vườn có tên là Thượng Quan, rồi từ đây nàng ung dung thả bộ theo con đường đất nhỏ hẻo lánh để đi đến ngôi đền gặp tôi đang sốt ruột chờ nàng. Với vẻ mặt an nhiên tự tại, nàng bước vào đền, nương dưới bóng cây dù cầm trên tay.

Chúng tôi không ngại có ai nhòm ngó, cũng chẳng sợ bị lương tâm cắn rứt. Khi tinh thần được thanh lọc bằng lửa thiêng và tẩy gội bằng nước mắt thì nó vượt lên trên cái mà người đời gọi là xấu hổ và ô nhục. Nó thoát ra khỏi  lề thói và luật pháp đầy tính nô lệ, và những hủ tục phản lại tình tự của con tim. Trong tinh thần đó chúng tôi thấy chẳng có gì phải hổ thẹn với Đất Trời.

Bảy mươi thế kỷ qua, xã hội loài người đã quy phục những luật lệ hủ bại đến nỗi ngày nay không thể nào hiểu được ý nghĩa đích thực của luật tối thương đối với hành vi con người. Mắt con người đã quen với ánh nến yếu ớt nên không thể nào nhìn được ánh sáng mặt trời. Mỗi thế hệ phải nhận lấy những tâm bệnh di truyền và mắc những chứng bệnh do người khác lây sang. Vì thế chúng trở thành những căn bệnh tự nhiên. Thét rồi người ta không xem chúng là những thứ bệnh mà coi chúng như những tặng phẩm Trời ban cho người đàn ông đầu tiên (Adam) . Hễ ai mà trong người không mắc phải mầm bệnh thì họ cho rằng người đó thiếu sót và đáng xấu hổ.

Còn những ai có ý nghĩ không hay cho Salma, rắp tâm bôi nhọ tên tuổi nàng do nàng thường từ nhà chồng đến ngôi đền gặp tôi thì họ chỉ là những kẻ yếu đuối bệnh hoạn. Họ cho những người hơn họ là kẻ tội phạm và những ai biết tự trọng là kẻ phản loạn. Họ giống như loài sâu bọ mò mẫm trong bóng đêm, không dám xuất hiện giữa ban ngày, sợ bị dẫm nát dưới bàn chân của khách qua đường.

Một người bị tù oan, có thể phá tan ngục thất mà không hành động thì đó là kẻ hèn. Salma sa vào vòng “tù tội” một cách bất công và nàng không thể nào tự mình giải thoát ra khỏi vòng lao lý ấy. Liệu nàng sẽ bị kết tội chỉ vì qua khung cửa của ngục thất mà dám nhìn những cánh đồng xanh và bầu trời thênh thang ở bên ngoài? Liệu người ta sẽ coi nàng như kẻ phản bội khi nàng bỏ nhà chồng đi đến ngôi đền ngồi cạnh bên tôi, giữa nữ thần Astarte và Chúa Giê-su? Hãy để cho người ta muốn nói sao cũng được, Salma vượt qua những đám đầm lầy đã từng nhận chìm linh hồn của chính họ để bước vào thế giới vắng tiếng tru của chó sói và tiếng rít gió của loài rắn lục. Người ta có thể nói gì về tôi mặc lòng vì linh hồn của một kẻ đã từng thấy bóng dáng Tử thần thì lẽ nào y lại sợ không dám nhìn mặt một tên đạo tặc, một người đã thấy thanh gươm Damoclès** lơ lửng trên đầu  và máu tuôn chảy dưới chân thì sá gì một hòn sỏi ném ra bởi lũ trẻ bên đường?

Người dịch : Nguyễn-văn-Chương       

(Chapter VIII : Between Astarte And Christ The Broken Wings  Kahlil Gibran)_________________________

Ghi Chú :

Thuở hồng hoang mông muội, lúc khoa học chưa phát triển, đứng trước một vũ trụ bao la và hùng vĩ, con người tự cảm thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối; nên trước những hiện tượng thiên nhiên, họ nghĩ rằng phải có ai đó đầy quyền lực tạo ra. Nhân vật siêu nhiên đầy quyền lực huyền bí ấy họ gọi là Thần. Vì vậy, ở mỗi dân tộc họ có một tên gọi riêng cho các vị thần ấy, như ta sẽ thấy dưới đây trong phạm vi bài nầy .

*. Astarte : Trong thần thoại Phê-ni-xiên, Astarte là nữ thần của Mặt trăng, của sự phồn thực và tình ái, tương đương với Aphrodite trong thần toại Hy-lạp, nữ thần Tình yêu và sắc đẹp, giống như nữ thần Venus trong thần thoại La-mã.

Ishtar : giống như Aphrodite trong thần thoại Hy-lạp.

**. Damoclès :   Damoclès là một thị thần của bạo quân Denis, thời cổ Hy-lạp. Damoclès luôn nịnh bợ ca tụng Denis là một bậc quân vương giàu sang, uy quyền và sung sướng nhất đời.

Một hôm Denis bảo Damoclès : “Ngươi có bằng lòng ở vào địa vị của ta để hưởng đời sung sướng ?”. Damoclès vui vẻ nhận lời.

Tức thì Denis hạ lệnh cho Damoclès ngồi vào chiếc ghế ngai vàng giải nệm cẩm nhung, trong gian buồng đầy châu báu ngọc ngà. Người ta cũng quàng lên đầu Damoclès một vòng nguyệt quế; người ta đốt trầm hương thơm ngát và bày trên bàn những sơn hào hải vị, lại thêm những tỳ nữ hầu tiệc. Damoclès đắc chí, trong lòng lấy làm vui sướng vô hạn; nhưng bỗng trông lên, Damoclès thấy trên đầu một thanh gươm treo lơ lửng bằng sơi lông đuôi con ngựa. Lúc nầy Damoclès đâm hoảng sợ, tay run đánh rơi cốc rượu đang cầm và xin khước từ tất cả.

Người ta thường dùng quán ngữ The sword of Damocles (L’ Épée de Damoclès)  để chỉ mối nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với kẻ đang hưởng vinh hoa phú quý.

Luôn tiện, tôi cũng xin kể thêm những vị thần sau đây để các bạn đọc tham khảo. Ai chưa biết thì đọc để biết, bạn nào đã biết rồi thì đọc lại cũng không hại gì.

Trong Thần thoại Hy-lạp có 9 Nữ thần  (Goddess hay Muse), phân bổ trong các lãnh vực như Văn chương, Nghệ thuật và Khoa học :

  1. A. Calliope (văn học, diễn thuyết)
  2. B. Clio (Sử học)
  3. C. Euterpe (Âm nhạc)
  4. D. Melpomene (Bi kịch)
    1. Terpsichore   ( khiêu vũ )
    2. Erato         ( Ai ca )
    3. Polyhymnia    ( Thi ca trử tình )
    4. Urania        ( Thiên văn )
    5. Thalia        ( Hài kịch )

    Ai được nữ thần nào giáng phúc cho thì có thiên tài về bộ môn đó.

Có 4 bình luận về CHÚA GIÊ-SU VÀ NỮ THẦN ASTARTE (Between Astarte* And Christ)

  1. Hoành Châu nói:

    Ngay cuối  đoạn   I   trong Chương 8  người đọc mới hiểu và thông cảm cụm từ ” những cặp tình nhân cô đơn “   hay tuyệt Thầy  ạ ! . Nàng này ,,trước hôn nhân đã khổ , sau hôn nhân  lại tiếp  khổ  bên cạnh tình đời oan trái ,cái hay của tác phẩm là thể hiện được rạch ròi những cung bậc tình cảm éo le trái nghịch  trong tim đôi tình nhân này : vừa vui sướng  đớn đau , vừa hạnh phúc buồn thảm và vừa hy vọng ưu phiền  .
    Cảm ơn Thầy đã cho chúng em một dịch phẩm tuyệt vời , những từ xưa ngày nay dường như không còn  sử dụng nữa Thầy vẫn dịch  trơn tru  tăng phần dễ hiểu cho người đọc ‘
    Mong đọc tiếp  CHAPTER  tới nữa  của  Thầy . Chúc Thầy được sức khỏe tốt  và vui bên mái ấm gia đình .                    Em Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Em vẫn mong có ngày cầm trên tay tập truyện dịch của Thầy, có chữ ký của dịch giả tuyệt vời, thưa Thầy Văn Chương.

  3. VÕ THI LÀI nói:

    Kính thưa thầy, đọc qua bản dịch của Thầy em cám ơn thầy rất nhiều đã giúp chúng em mở thêm tầm hiểu biết. Em học thầy năm 1972, 45 năm chưa được gặp lại thầy chĩ nhìn thầy qua hình. Rất tiếc hôm SN trang nhà không đến dự được nên em không gặp thầy, nghe tin có thầy xuống em tiếc lắm. Em hy vọng có dịp gặp lại thầy. Kính chúc thầy nhiều sức khỏe, vui vẻ hạnh phúc bên gia đình.

  4. Lê Liên nói:

    Dạ, Thưa thày.

    Em cảm ơn thầy đã cho chúng em bài dịch rất hay.

    Em tâm đắc thêm ở phần ghi chú. Rất tuyệt!

    Kính chúc thầy có nhiều sức khỏe và an vui cùng mái ấm gia đình ạ .

    Kính thư,

    Em, Lê Liên

Trả lời Hoành Châu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác