Trước bệ tử thần (Chapter 7 : Before The Throne Of Death) The Broken Wings by Kahlil Gibran)

Ngày đăng: 24/07/2017 09:56:51 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

0 chuong 1               

Thuở ấy, hôn nhân chỉ là thứ dịch vụ thương mại không hơn không kém, nó khiến người ta chế diễu, đàm tiếu, mà kẻ lãnh đủ lại là người thiếu nữ và bậc phụ mẫu của cô ta. Người con gái bị coi như một thứ hàng hóa, tầm bằng cái bàn cái ghế, chuyển đi từ nhà nầy đến nhà khác, rồi vất bỏ vào một xó xỉnh nào đó trong nhà. Thế thì người phụ nữ còn gì là vinh hạnh và vui sướng nữa? Với lớp bụi thời gian, tấm nhan sắc của nàng sẽ mỗi ngày một phôi pha, cuộc đời nàng sẽ từ màu hồng thắm chuyển dần sang màu xám xịt của chiều hôm.
Trong xã hội văn minh ngày nay, nhận thức về người phụ nữ có khá hơn; nhưng đồng thời nó cũng làm cho họ đau khổ hơn vì sự tính toán biển lận của người đàn ông cũng càng ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Trong xã hội ngày xưa, người phụ nữ may mắn còn được người khác phục vụ; nhưng trong xã hội ngày nay họ lại là những tiểu thư khốn khổ. Trong xã hội xưa họ là những kẻ mù lòa đi giữa ban ngày; nhưng nay họ có cơ hội được mở mắt ra to hơn, nhưng lại phải đi trong bóng đêm. Trước kia họ chất phác, chân quê mà vẫn thấy dễ thương, đức hạnh mà giản dị, nữ nhi mà kiên cường, quyền biến mà vẫn giản đơn. Liệu một ngày nào đó cài đẹp và sự hiểu biết sẽ kết hợp lại nơi người phụ nữ, sự quyền biến sẽ kết hợp với đức hạnh, sự yếu đuối của thể xác sẽ kết hợp với sức mạnh của tinh thần? Tôi là một trong số những người cho rằng sự diễn tiến của tinh thần là một quy luật đời sống của nhân loai, nhưng con đường tiến tới sự hoàn thiện vẫn còn nhiều cam go. Nếu người phụ nữ đạt được nhiều tiến bộ ở lãnh vực nầy mà chưa có được ở những lãnh vực khác là bởi vì những con dường lên đến đỉnh núi không thiếu những ổ mai phục của bọn đạo tặc hoặc những hang ổ của bọn sói rừng. Tại đây, trên đỉnh núi nầy, xuất hiện một tình cảnh chập chờn giữa hư và thực. Họ cầm trong tay vùa là nắm đất quá khứ vùa là hạt giống tương lai; nhưng cũng từ nơi đây, trong mỗi thành phố người ta hy vọng sẽ tìm thấy được một phụ nữ tượng trưng cho người phụ nữ trong tương lai. Tại thành phố Beirut, Salma Karama là biểu tượng cho hạng người phụ nữ như vậy ở Đông phương trong tương lai. Nhưng như nhiều người khác trước nàng, Salma đã trở thành vật hy sinh cho hiện tại. Như một đóa hoa cuốn theo dòng nước, nàng bị ném vào dòng đời, gánh chịu không ít lao khổ.
Công tử Bey Ghalib đã thành vợ chồng với Salma; hai người sống với nhau trong một ngôi nhà tráng lệ, bên bờ biển tại Ras Beirut, nơi cư ngụ của hầu hết các danh gia vọng tộc. Viên ngoại Karama vẫn ở một mình trong ngôi nhà hiu quạnh giữa hoa viên cây trái, tựa như một mục tử đơn độc giữa bày cừu.

0 chuong 2

Tháng ngày kỷ niệm hôn lễ mà người ta gọi là tuần trăng mật đã qua, để lại cho nàng nhiiều đắng cay buồn thảm như chiến trận bỏ lại trên chiến địa những đầu lâu của những anh hùng tử sĩ. Nghi thức hôn nhân nghiêm cẩn Phương đông làm cho tâm hồn tuổi trẻ hân hoan, vươn lên cao như con đại bàng vỗ cánh vượt khỏi chín tầng mây. Nhưng khi cuộc vui đã hết, họ như đá sỏi, bị ném xuống lòng biển sâu trước sự vô cảm của người đời hay họ như những dấu chân ai hằn sâu trên cát chờ những con sóng biển sẽ đến mang đi về nơi chân trời xa.
Mùa Xuân, mùa Hạ rồi mùa Thu đều rủ nhau đi qua, riêng tình yêu của tôi dành cho Salma, từ nống ấm đầu đời mà một người yêu dành cho một người yêu lại biến thành một ngưỡng mộ câm nín; thứ tình cảm câm nín của một trẻ mồ côi hướng về linh hồn người mẹ hiền. Tuổi thanh niên đầy sinh lực của tôi đã biến thành một nỗi sầu mù lòa không còn nhìn thấy gì khác ngoài bản thân mình; nỗi đam mê làm tôi rơi lệ đã từng là một thứ tình yêu cháy bỏng, tinh luyện từng giọt máu lấy từ tim tôi. Những tiếng thở dài đã trở thành những lời nguyện cầu thành khẩn của tôi mong cho Salma có được hạnh phúc, chồng Salma được vui và người cha của Salma được an bình. Nhưng tình cảm và van xin của tôi, tất cả đều vô ích vì căn bệnh của Salma là thứ bệnh trầm kha, gốc rễ của nó nằm ở tâm hồn sầu muộn của nàng thì chỉ có thể chữa khỏi bằng cái chết mà thôi. Về phần người chồng của nàng, anh ta là một hạng đàn ông thụ hưởng mọi thứ xa hoa trong cuộc sống mà không biết chán; dù được vậy mà anh ta cũng không vừa lòng tham muốn của mình; y lúc nào cũng thèm khát những cái mà y không có. Bởi thế y bị lòng tham cấu xé cho đến những ngày cuối đời. Nhưng dù tôi có cầu mong cho tâm hồn cụ ông được thanh thản cũng vô ích bởi người con rể vừa mới chiếm được gia sản và trái tim của Salma thì y đã bỏ mặc cha nàng trong cô đơn và quên lãng, mong sao ông cụ chết sớm để y thừa kế gia tài.
Ý đồ của Bey công tử giống hệt ông chú, vị Tổng Giám mục địa phận, chỉ khác mỗi một điều là tham vọng của vị Tổng Giám mục kín đáo hơn vì được che chở dưới lớp áo của một tu sĩ và chiếc thánh giá bằng vàng óng ánh đeo trước ngực, còn người cháu của ônng ta thì hành động công nhiên trước mắt bàng dân thiên hạ. Vị Tổng Giám mục đến giáo đường vào buổi sáng, thì giờ còn lại, ông ta dùng vào việc  bòn rút tiền bạc của các cô nhi quả phụ và các người nhẹ dạ non lòng; trong khi đó công tử Bey, suốt ngày đi tìm kiếm những thú vui nhục dục, tìm cách thỏa mãn ham muốn của mình, khắp hang cùng ngõ hẹp, những ngóc ngách tối tăm.
Ngày chủ nhật, vị Tổng Giám mục đến nhà thờ rao giảng Phúc âm; nhưng suốt  tuần lễ ông không hề thực hành những điều ônng ta đã rao giảng mà lại chú tâm vào những thủ đoạn chính sự của mính. Mặt khác đứa cháu của ông ta suốt ngày lợi dụng ảnh hưởng của ông chú mình như một cách mua bán để chạy chọt, ăn hối lộ của những kẻ mua danh cầu tước, mong leo lên bậc thang xã hội cao hơn.
Vị Tổng Giám mục là một tên đạo chích, ẩn mình trong màn đêm; còn cháu ông, Bey công tử, là một tên điếm đàng kiêu mạn, lộ diện công khai giữa ban ngày.
Con người bị hủy diệt giữa kẻ điếm đàng và người lương thiện, giống như bày cừu phải chết giữa móng vuốt của bày sói, và con dao của tên đồ tể. Tuy nhiên người dân phương Đông lại đặt niềm tin vào những người nầy để sa vào vực thẳm; và  thời gian nghiền nát họ tựa như chiếc búa sắt đập nát tan tành những lọ hoa kiêu hãnh.
Vì sao tôi viết những trang giấy nầy bằng những lời lẽ u uẩn dành cho những kẻ khốn khổ, ở những xứ sở nghèo nàn thay vì những trang giấy ấy cần được dùng  để viết những chuyện dành cho người phụ nữ sầu muộn, mang trái tim tan nát;  và mô tả những bóng ma cứ đeo đuổi ám ảnh họ? Tại sao tôi dư nước mắt đi khóc những dân đen thấp cổ bé miệng bị áp bức trong khi đó tôi lại không dành những giọt nước mắt của tôi để tướng nhớ đến thân phận một người phụ nữ yếu đuối mà cuộc đời đã bị cứa nát bởi lưỡi hái của tử thần? Nhưng hình ảnh một người phụ nữ tay yếu chân mềm bị xâu xé như thế; phải chăng đó là biểu tượng của một quốc gia bị một số tăng lữ và kẻ cầm quyền bóp nát? Phải chăng một cơn bão tố vô hình đã đưa một người phụ nữ trẻ đẹp đến nấm mồ? Một người phụ nữ đối với một quốc gia tựa như một ánh lửa đối với cây đèn; nếu dầu cạn thì ánh đèn có còn cháy sáng được không ?
Thu đã đến, gió thổi làm cho lá vàng lìa cành tựa như giông bão dập vùi bọt Đại dương. Mùa Đông  đến khóc than nức nở khi tôi có mặt tại thủ đô Beirut mà không có được một người bạn bên cạnh; ngoại trừ những giấc mơ; đôi khi chúng nhấc hồn tôi lên cao đến đỉnh trời đầy ánh sao, rồi lại đem chôn vùi chúng thật sâu vào lòng đất.
Một tâm hồn bất an thường đi tìm sự thư thái nơi cô tịch bởi nó chán ngấy thế nhân tựa như con nai bị thương cố xa lánh tên mục tử và chạy ẩn mình cho đến khi vết thương lành hẳn  hoặc là nó phải từ giã cõi đời.
Một hôm người ta bảo rằng viên ngoại Karamy ngã bệnh; vì thế tôi quyết định đến thăm và động viên cụ. Tôi đi lần theo con đường vắng, giữa mấy hàng cây ô-liu lá màu xám xịt, còn đọng những giọt mưa chiều lấp lánh. Tôi tránh không đi theo con đường cũ, rộn ràng ngựa xe huyên náo.

0 chuong 3                
Tới nơi, khi bước chân vô nhà tôi thấy ông cụ nằm chèo queo trên chiếc giường gỗ mun, nhưng thân hình gầy gò, nét mặt xanh xao. Cặp mắt sâu hoắm trông như hai cái vực, u tối đầy những bóng ma gieo rắc khổ đau bệnh hoạn. Khuôn mặt ông cụ, mới ngày hôm qua đây vẫn còn giữ được cái vẻ dí dỏm vui tươi, bây giờ thì đã trở nên buồn thảm. Khổ sở và dằn vặt nội tâm đã làm cụ mòn mỏi. Hai bàn tay cụ với những lóng tay trang nhã trước kia bây giờ đã trở nên gầy gò khẳng khiu, trông như những cành khô run rẩy trong cơn phong ba.

Tôi đến bên cạnh và hỏi thăm sức khỏe cụ. Ông cụ quay quay về phía tôi, trên đôi môi hiện rõ nỗi buồn; nhưng ông cụ gượng cười và với giọng yếu ớt thều thào, ông cụ tâm sự, “Con ơi! Con hãy đi sang phòng bên kia để an ủi Salma. Con hãy lau sạch những giọt nước mắt cho Salma và cố an ủi nó. Rồi sau đó con đưa Salma qua đây ngồi lên giường cạnh bác”.

Qua căn phòng đối diện, tôi thấy Salma đang nằm trên chiếc trường kỷ, hai tay ôm đầu, úp mặt lên chiếc gối, cố không để cho tiếng thổn thức vang xa, sợ cha  nàng nghe được. Lặng lẽ đến bên cạnh, tôi bèn cất tiếng gọi tên nàng trong tiếng  thở dài sầu muộn hơn là một lời thì thầm tâm sự. Nàng giật mình mở mắt nhìn tôi  như vừa tỉnh cơn ác mộng. Nàng liền ngồi dậy, chăm chăm nhìn tôi như tự hỏi liệu đây là bóng ma hay người thật đến đây lúc nầy.

0 chuong 4.1              
Im lặng một hồi lâu, như có một ma lực huyền bí nào đó nó mang chúng tôi về lại với những kỷ niệm trước đây khi chúng tôi trong cơn say men tình. Salma lấy tay gạt nước mắt và nói trong nghẹn ngào, “ Anh ơi ! Anh có thấy thời gian đã làm  chúng mình thay đổi nhiều lắm không? Anh có thấy cuộc bể dâu đã xô đẩy chúng mình vào vực sâu khủng khiếp không? Chính tại nơi đây mùa Xuân đã kết hợp chúng ta lại với nhau trong tình yêu thương; nhưng giờ đây cũng tại nơi nầy mùa Đông đã đẩy chúng ta vào một hoàn cảnh buồn thảm như thế nầy! Mùa Xuân rạng rỡ bao nhiêu thì mùa Đông nầy lại u buồn bấy nhiêu”.
Nói lên những lời nầy, nàng có ý nén lại những thổn thức, không muốn cho ai nghe. Rồi nàng lấy hai tay bụm mặt lại như thử nàng không muốn nhìn thấy hình ảnh của quá khứ, ẩn hiện đâu đó trước mặt nàng. Tôi bèn đặt tay tôi lên mái tóc của nàng và bảo,” Nào Salma, chúng mình hãy là những chiến sĩ can trường, đối mặt với kẻ thù có vũ khí trong tay. Chúng ta hãy lấy lòng ngực của chúng ta để đương đầu với lưỡi kiếm. Nếu lỡ bị giết chết, chúng ta hãy chết như những vị thánh tử vì đạo; còn như thắng thì chúng ta hãy sống như những người anh hùng. Đương đầu với thử thách khó khhăn thì lúc nào cũng cao cả hơn là bỏ chạy cầu an. Thà làm con thiêu thân bay lượn nhởn nhơ quanh ngọn đèn cháy sáng rồi có chết cũng  còn đáng khâm phục hơn là mang thân con chuột chũi, suốt đời cứ chui rúc trong ngõ ngách tối tăm. Một hạt giống mà chịu không nổi cái lạnh của mùa Đông thì mầm của nó sẽ không sao đủ sức xuyên thủng lớp đất để thành cái cây, sống huy hoàng trong mùa Xuân.
“Nào Salma ! Chúng ta hãy vững vàng cất bước trên con đường cam go khúc khuỷu nầy. Mắt của chúng ta hãy luôn hướng về phía mặt trời để khỏi nhìn thấy những đầu lâu nằm rải rác trong hóc đá hoặc  những con rắn lục nằm ẩn mình trong bụi gai; nếu sợ hãi chặn chúng ta lại giữa đường, hay bóng ma đêm tối diễu cợt chúng ta thì khi chúng ta can đảm leo lên được trên đỉnh núi thì hồn thiêng đất trời sẽ cùng ta hát khúc khải hoàn. Hãy tươi tỉnh và vui lên Salma! Hãy lau sạch những giọt nước mắt và xóa bỏ hết những nét u sầu trên mặt em đi, Salma! Em hãy đứng lên và đi đến giường ngồi cạnh cha em. Giờ đây sự sống của người tùy thuộc vào sự sống của em và và nụ cười của em sẽ là một phương thuốc thần dịu chữa lành bệnh cho người.”
Hiền từ và dịu dàng nhìn tôi, nàng nói, “Phải chăng khi anh khuyên em nên nhẫn nại thì chính anh cũng cần nó? Có khi nào một người đang đói lại đi san sớt phần ăn của mình cho một người đang đói khác? Hay có khi nào một người ốm dau lại đi lấy phần thuốc của mình đem đi cho người bệnh khác?”.
Nàng đứng dậy cúi đầu dắt tôi vào phòng cha nàng. Salma ngồi kề bên ông cụ, nàng mỉm cười và cố tạo nên nét mặt tươi tỉnh trong khi ông cụ cũng cố làm ra vẻ mình hiện cũng đã khỏe hơn. Nhưng cả hai đều thầm hiểu được nỗi khổ của nhau và cùng nghe ra những tiếng thở dài của nhau. Họ như hai lực đối nhau, ngấm ngầm làm mòn mỏi lẫn nhau. Tâm bệnh của người cha làm ông nhũn ra trước cảnh thương tâm của người con gái nhân hậu, âu lo vì người cha đang lâm bệnh. Hai linh hồn: Một cái đang lên đường chuẩn bị ra đi; một cái đang nấn ná ở lại với trần thế; nhưng cả hai đều đứng trước cái chết và tình yêu; còn tôi, tôi đứng giữa hai người với trái tim nặng trĩu. Bàn tay định mệnh đã trói buộc ba chúng tôi  lại với nhau rồi bóp nát: một ông lão giống như một ngôi nhà bị cơn giông bão hủy hoại, một người con gái trẻ, nước da trắng muột như nhành hoa huệ bị lưỡi hái cắt ngang, một thanh niên tựa như một cây non yếu ớt, oằn mình dưới sức nặng của những sương tuyết- cả ba chúng tôi như những thứ đồ chơi nằm gọn trong bàn tay của định mệnh.
Viên ngoại Karamy khẽ cử động, trông có vẻ yếu đuối dưới tấm đắp, ông cố đưa tay về phía Salma. Bằng một giọng trìu mến thương cảm, ông cụ thều thào, “Salma con! Con hãy cầm lấy bàn tay nầy của cha ”.

image5             

Salma đưa tay ra nắm lấy tay ông cụ và ông cụ cũng âu yếm nắm chặt lấy tay Salma. Rồi bằng một giọng nói thều thào yếu ớt, “Cha đã sống cả một đời người; cha cũng đã nếm đủ mùi đời. Cha đã bình tâm sống qua các chặng đời gian khó. Mẹ con đi xa khi con vừa lên ba. Mẹ con để lại cho cha một đứa con như một báu vật vô giá. Con khôn lớn qua từng thời kỳ như chị Hằng trải qua các tuần trăng và khuôn mặt của mẹ con cũng phản ảnh trên khuôn mặt của con như ánh sao in hình trên mặt nước hồ thu phẳng lặng. Lời nói và cử chỉ của con giống y như của mẹ con để lại, lấp lánh như những món nữ trang bằng vàng. Con à, cha cũng được an ủi vì con giống hệt mẹ con, cũng thông minh và xinh đẹp. Nhưng giờ đây cha già rồi; cầu mong được yên nghỉ trong đôi cánh êm ái của tử thần. Con hãy an vui, con gái yêu quý của cha, bởi qua con cha hy vọng sẽ vẫn sống sau khi cha lìa khỏi cõi đời nầy. Với cha, việc ra đi ngày mai hay ngày một nào đó có khác gì nhau vì những ngày tháng nầy đều mòn mỏi héo úa , rụng rơi lả chả như những chiếc lá mùa thu. Ngày tháng cuối đời cha dang tới vì chúng biết linh hồn của cha muốn đoàn tụ với mẹ con.”
Khi nói những lời nầy, gương mặt ông cụ trông có vẻ vui tươi và rạng rỡ những tia hy vọng. Rồi ông lòn tay dưới gối kéo ra một bức ảnh lồng trong khung bằng vàng, góc cạnh của nó đã sờn, màu cũng bạc vì trôi theo những chiếc môi đã từnng hôn nó. Không rời đôi mắt khỏi khung hình, ông tiếp, “ Salma! Con hãy đến gần bên cha để cha chỉ cho con thấy hình ảnh của mẹ con. Hãy đến đây, con yêu quý của cha, con sẽ nhìn thấy mẹ con trong khung kính nầy”.
Salma đến gần bên người cha và lau sạch nước mắt cố nhìn tấm ảnh đã bạc màu. Sau một hồi lâu ngắm nhìn tấm ảnh, nàng đưa nó lên môi và hôn đi hôn lại nhiều lần; đoạn nàng cất tiếng kêu lên, “Ô mẹ! Mẹ yêu dấu của con!”. Nhưng nàng không nói gì thêm mà chỉ đặt đôi môi mấp máy vào bức ảnh như muốn trút cả hồn mình vào đó.
Mẹ là một tiếng đẹp và đáng yêu luôn đậu lại trên đôi môi của một người. Càng đáng yêu hơn nữa là tiếng kêu “Mẹ ơi!” trong thinh lặng. Một tiếng kêu đầy thương yêu và hy vọng, một tiếng nói dịu hiền, phát đi tự đáy lòng. Mẹ là nguồn sống; Mẹ là tất cả của đời người: Mẹ là nguồn an ủi khi ta gặp khốn nguy, nó cho ta sức mạnh khi ta yếu đuối. Mẹ là nguồn cội của tình thương yêu bao dung. Kẻ nào mất mẹ là mất nơi nương tựa, là mất đi hầu như tất cả mọi thứ dấu yêu trong cuộc đời.
Mọi vật trong trời đất đều có biểu tượng người mẹ. Mặt trời là mẹ của đất, nuôi đất bằng ánh sáng và hơi ấm của mình, nó không bao giờ từ bỏ bầu trời vào ban đêm mà không ru đất ngủ bằng lời ca của đại dương, bằng tiếng hót của chim muông hay bằng tiếng róc rách của suối khe. Đất cũng là mẹ của cỏ cây hoa lá. Mẹ đất sinh và nuôi dưỡng, chăm sóc chúng cho đến ngày chúng lớn khôn. Rồi đến phiên mình, cây và hoa cũng trở thành bà mẹ hiền của quả và hạt. Mẹ là nguồn cội của sự sống, là hồn của Vũ Trụ bao la, xinh đẹp, tràn đầy yêu thương và bất tử.
Salma chưa bao giờ biết mặt mẹ mình vì bà đi xa khi Salma vưa mới lên ba. Bởi vậy, Salma rất xúc đông bật lên tiếng khóc khi nàng nhìn thấy mẹ qua khung ảnh. Bất giác, nàng kêu lên, “Mẹ ơi!”. Vì tiếng mẹ nằm sâu trong con tim chúng ta, nó đến với đôi môi chúng ta những khi buồn vui tựa như hương thơm tỏa ra từ lòng của đóa hoa, khi trời quang mây tạnh cũng như khi mưa bão.
Salma ngắm nhìn tấm di ảnh của mẹ, rồi nàng ôm chặt tấm ảnh vào người, vừa hôn vừa khóc than, thở dài ảo não, kéo dài cho đến khi kiệt sức, nàng quỵ xuống bên giường người cha. Ông cụ đặt tay lên đầu nàng và âu yếm nói, “Con yêu quý ! Con vừa nhìn thấy hình ảnh mẹ con trên tờ giấy. Bây giờ cha sẽ kể cho con nghe lời mẹ con muốn nói với con.”
Salma liền ngẩng đầu lên nhìn, trông tựa như con chim non nằm trong tổ nghe tiếng mẹ về. Nàng chăm chú nhìn và ngoan ngoãn lắng nghe cha nàng kể chuyện.
Ông cụ nói, “Khi ông ngoại con mất thì mẹ con còn bế con trên tay cho con bú. Mẹ con rất buồn và khóc than thương xót; nhưng mẹ con khôn ngoan và can đảm chịu đựng . Sau khi xong việc tang lễ, mẹ con ngồi bên cha cũng tại căn phòng nầy, cầm tay cha và nói, “Faris, cha em đã mất rồi. Từ nay mình là nguồn an ủi của em trên cõi đời nầy. Con tim chất chứa tình yêu nhiều ngăn ngách tựa như cây bách hương có nhiều cành khác nhau. Nếu mất đi một cành lớn, cây sẽ đau đớn nhưng nó không chết. Nó sẽ dồn tất cả nhựa sống cho cành bên cạnh để lớn lên thay cho cành bị chết.”
“Salma con ! Đó là những điều mẹ con đã nói với cha khi ông ngoại con đi xa. Nay con cũng phải nói như vậy khi tử thần mang thân cha về yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng; và linh hồn cha sẽ về nơi nước Chúa.”
Salma trả lời ông cụ mà nước mắt tuôn trào, “Khi ông ngoại mất thì cha thay chỗ ông ngoại. Giờ đây ai thay chỗ cha khi cha phải ra đi? Mẹ con hưởng được sự chăm sóc của người chồng phẩm hạnh, thành thật yêu thương  vợ. Lúc ông ngoại chết, mẹ con cũng có được một đứa bé trong vòng tay để an ủi. Ai sẽ là nguồn an ủi cho con khi cha ra đi, thưa cha? Cha vừa là người cha vừa là người mẹ và là người bạn thân tình của con. Ai là người sẽ thay chỗ của cha nếu cha phải ra đi ?”
Rồi Salma quay sang tôi, dàn dụa nước mắt, nàng nắm lấy vạt áo tôi và nói, “Thưa cha, đây là người bạn duy nhất của con sau khi cha ra đi . Nhưng làm sao chàng có thể an ủi con trong khi chính chàng cũng đang đau khổ  như con? Có thể nào một trái tim tan nát lại có thể tìm được niềm an ủi nơi một trái tim nát tan? Một người phụ nữ sầu muộn không thể nào tìm thấy được sự vỗ về an ủi nơi người bạn sầu đau; tựa như con chim không thể nào bay được với đôi cánh gãy. Chàng là người bạn tinh thần của con; nhưng con đã trót đặt lên vai chàng một cái gánh nặng của khổ đau, khiến cho lưng chàng phải còng, mắt chàng chẳng nhìn thấy gì ngoài bóng tối. Chàng là người anh con yêu quý, và chàng cũng là người yêu quý con. Nhưng cũng như những người khác, chàng chia sớt cùng con nỗi buồn và giúp con vơi đi nước mắt. Điều nầy càng làm tăng thêm cay đắng và đốt cháy tim con.”
Lời Salma sắc nhọn như những mũi kim chích vào tim tôi, tôi cảm thấy đau đớn hết chịu nổi. Ông cụ ủ rũ lắng nghe nàng nói và run rẩy như ngọn đèn trước gió. Đoạn ông duỗi tay ra và khẻ nói, “Con ơi ! Hãy để cho cha ra đi được êm ái. Con hãy để cho cha ra đi, đừng cản cha lại vì mẹ con đang gọi cha về. Salma! Con hãy nhìn ngoài kia trời đang yên, bể đang lặng, con thuyền sẵn sàng ra khơi, con đừng trì hoãn cuộc hành trình của cha, hãy cho cha về lại quê quán cha xưa. Hãy để cha yên nghỉ cùng với những người đang yên nghỉ. Hãy để giấc mộng của cha được kết thúc và linh hồn cha tỉnh thức cùng với bình minh. Linh hồn con hãy ôm choàng lấy linh hồn cha trong giây phút ly biệt nầy. Hãy cho cha xin con nụ hôn hy vọng, chớ để một giọt đắng cay u sầu nào rơi xuống thân thể cha, e rằng cỏ hoa sẽ từ chối nguồn dinh dưỡng nầy. Con đừng nhỏ giọt khổ lụy lên tay cha nữa vì chúng sẽ mọc thành những gai nhọn trên nấm mồ của cha! Con cũng đừng viết lên trán cha những dòng khổ lụy đớn đau, e cơn gió mai thổi qua và đọc được. Nó sẽ không mang tro cốt của cha về với đồng cỏ xanh. Này con yêu quý ! Lúc sinh thời cha yêu quý con và cha cũng sẽ yêu quý con khi cha nằm dưới nấm mồ. Hồn thiêng của cha luôn luôn ở bên con để phù độ cho con.”
Đoạn viên ngoại quay qua tôi, hé mở đôi mắt, vì vậy trên khuôn mặt ấy tôi chẳng thấy gì ngoài mấy đường nét xanh xao chạy quanh đôi mắt ông cụ. Đoạn ông cụ nói, “Này con trai của bác! Con hãy làm người anh ruột thịt của Salma như ngày xưa cha của cháu đã cư xử như vậy với bác. Con hãy giúp em con qua cơn đau khổ, đừng để nó khóc than,vì khóc than cho người chết là một sai lầm. Con hãy kể chuyện vui và hát cho em nghe những bài hát ngợi ca cuộc sống, giúp nó quên đi mối sầu. Con cũng nên nhắc với ba con về bác. Con hãy hỏi ba con để biết những ngày niên thiếu của bác; và nói rõ rằng bác rất yêu mến người, qua sự có mặt của con trong những giờ phút cuối đời bác.”Rồi ông cụ im lặng. Trong phòng lúc bấy giờ không còn nghe thấy gì ngoài dư âm những lời nói vừa rồi của ông cụ. Đoạn ông cụ nhìn tôi, rồi nhìn Salma và thì thầm, “Đừng gọi Bác sĩ đến sợ rằng họ sẽ dùng thuốc mà kéo dài thêm bản án đời cha trong ngục tù nầy. Tháng ngày lưu đày của cha xin cho qua; linh hồn của cha xin được tự do ở tầng trời. Và cũng đừng mời linh mục đến bên giường cha vì những lời kinh nguyện cầu nào có cứu vớt được cha nếu cha là kẻ có tội và đâu có thể nào giúp cha được  về với nước Chúa nhanh hơn nêu cha chẳng có tội gì. Ý muốn con người không thể thay được ý Trời tựa như nhà thiên văn không làm thay đổi được đường đi của các vì sao. Nhưng sau khi cha qua đời, các con cứ để cho các thầy thuốc và linh mục làm gì thì tùy họ vì thuyền cha đi cũng sẽ đến được bến bờ. Vào nửa đêm, cái đêm khủng khiếp ấy, viên ngoại mở mắt sâu hoắm, mệt mỏi cố chống lại bàn tay tử thần . Ông cụ cố nhìn Salma lần cuối khi nàng quỳ gối bên giường. Ông cố cất tiếng mà nói không nổi vì thần chết đã làm ông nghẹn lời. Nhưng cuối cùng ông cụ cũng thều thào được mấy tiếng, “Ôi con ! Đêm tối đã qua rồi…Bình minh đang đến…Salma con !”
Rồi ông gục đầu xuống, khuôn mặt trắng bệch, đôi môi ông cố gượng nở một nụ cười trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Salma cầm tay ông lạnh ngắt, có ý thăm dò  Nàng ngẩng đầu lên nhìn ông; gương mặt khuất lấp dưới tấm màng tử thần. Salma uất nghẹn đến nỗi lệ nàng tê cóng  không chảy nổi thành dòng. Nàng như bất động không khóc nổi thành tiếng, chỉ biết chăm chăm nhìn ông nằm đó, cứng đơ trông như pho tượng bằng đất nung. Rồi Salma cúi xuống, quỵ sụp, đến nỗi trán chạm phải sàn nhà. Nàng thì thầm, “Chúa ơi ! Xin Ngài hãy xót thương và chữa lành cho đôi cánh gãy chúng con!”
*   *   *
Viên ngoại đã ra đi; linh hồn ông ấp ủ ở cõi Vô Cùng; thân xác ông cũng về lại với cát bụi. Công tử Bey chiếm giữ hết cả gia sản của ông. Còn Salma, đứa con gái yêu quý của ông, bây giờ đã trở thành tù nhân, khổ lụy một đời. Còn tôi giờ đây lạc loài giữa thực và mơ, chúng như loài chim ưng săn đuổi, hành hạ tôi đêm ngày. Tôi cố quên mình qua trang sách và kinh điển người xưa để lại. Nhưng cũng vô vọng vì như vậy cũng chẳng khác nào dùng dầu xăng để chữa lửa. Tôi chẳng thấy gì qua cuộc lữ của thời gian, ngoại trừ sự bi ai và bóng ma đen tối. Sách Job kể chuyện chiến đấu mà theo tôi thì còn hay hơn là tập Nhã Ca của David, những bài Ai Vãn của nhà tiên tri Jeremiah còn đáng yêu hơn là những bài hát của Vua Solomon. Sự thất sủng các quan Tể tướng đã gây ấn tượng tronng tôi còn sâu đậm hơn là vẻ huy hòang của đế quốc Abbasid mà họ phục vụ; bài đoản thi Ibn Zurayq cảm kích tôi sâu sắc hơn Rubaiyat của Khayyam; vở bi kịch Hamlet của kịch tác gia người Anh  W. Shakespeare gần gũi với hồn tôi hơn bất cứ tác phẩm nào khác viết bởi những nhà văn phương Tây.
Bởi lẽ đó mà sự vô vọng đã làm mắt ta yếu đuối, nó khiến ta không còn nhìn thấy gì ngoài cái bóng ma lạnh lẽo tàn phai, nó cứ đeo đuổi bịt kín tai ta khiến ta không nghe được gì bên ngoài, ngoại trừ tiếng đập bứt rứt của con tim.

Người dịch : Nguyễn Văn Chương

Hình : nguồn Net

Có 4 bình luận về Trước bệ tử thần (Chapter 7 : Before The Throne Of Death) The Broken Wings by Kahlil Gibran)

  1. Hoành Châu nói:

    Thầy ơi , bài dịch của Thầy là một tuyệt phẩm , em nghĩ đoạn bi kịch này  là phần kiệt xuất trong tác phẩm ,,nó diễn tả được nội tâm sâu thẳm  của từng nhân vật  ,,,đoạn sáng của tác phẩm là đây  !! Hay thiệt đấy Thầy ạ .CHÚC THẦY  hạnh phúc bên mái ấm gia đình .                       Em  Hoành Châu (Gia đình C  )

  2. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Bao oan trái trói buộc cuộc đời Salma.

    Sẽ không công bằng, nếu câu chuyện dừng ở đây, thưa thầy Chương.

    Em mong được đọc tiếp Thầy ạ!

  3. Chắc chắn thày Chương đã bỏ ra rất nhiều thời giờ để dịch một trong những đoạn dài nhất và khó nhất trong cuốn truyện của Gibran vì đề cập nhiều đến cảm xúc lẫn tâm linh.

    Dòng văn trôi chảy, mượt mà khiến người đọc có cảm tưởng đây là câu chuyện viết bằng Việt ngữ chứ không phải được phiên dịch. Cám ơn thày Chương và xin gởi lời thăm hỏi.

  4. Lê Liên nói:

    Thưa thầy,

    Khi nhỏ, dù không quy y, nhưng em vẫn sinh hoạt (Oanh Vũ) trong gia đình Phật tử. Rồi học sinh Phật tử ( lên trung học) và các hội đoàn khác… Em đọc tác phẩm này, nhưng không hiểu rõ về sách Job, Nhã Ca của Davit, Ai vãn của Jeremiah, vua Salomon….mà không biết hỏi ai?

    Bây giờ đọc lại truyện dịch của thầy, em hiểu sâu hơn,  vì em đã có diễm phúc học kinh thánh. Đoạn văn trên cho em nhiều cảm xúc. Sự liên thông tâm linh không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ thô thiển của em … Chỉ biết nó làm em thương cảm hơn với những nhân vật trong truyện.
    Em cảm ơn thầy, vì qua đoạn truyện này, thầy đã mang lại cho em ý thức được thân phận con người trước giờ ly biệt!
    Em hiểu mình đang ở cõi tạm, em sẽ chuẩn bị gì khi trở về cõi vĩnh hằng? Em lại có thêm động lực để sống tốt hơn. Em cảm ơn thầy rất nhiều.

    Thầy ơi! Em mong thầy thân tâm thường an lạc ạ .

    Trọng kính.

    Em, Lê Liên.

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác