NHỮNG CÂY CẦU ĐÔC ĐÁO Ở SÀI GÒN (Phần cuối)

Ngày đăng: 16/05/2017 11:30:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Quận 8 còn một cầu ít nơi khác có là cầu dạng chữ U. Sở dĩ phải xây cầu dạng này vì chúng tạo độ thông thuyền cao, ghe thuyền lớn có thể lưu thông bên dưới được. Do chiều rộng kinh hẹp, nếu muốn xây cầu dạng thông thường (chữ i) ngang qua kinh với độ thông thuyền cao thì cầu phải xây với độ dốc rất lớn, xe chạy qua cầu rất nguy hiểm, nếu không muốn nói là không chạy được. Cầu xây dạng chữ U sẽ có chiều dài gần gấp 3 lần cầu dạng chữ i bình thường, tạo độ dốc vừa phải, các loại xe có thể chạy qua cầu được. Cũng có cầu chữ U chỉ dành cho người đi bộ. Quận 8 có nhiều cầu chữ U nên chúng được gọi bằng số: cầu Số 1, cầu Số 2… Ngày nay những cây cầu dạng này đang được thay dần bằng những cầu đi bộ xi măng cốt thép vững chắc, trên cầu có bồn hoa, bồn dây leo tạo cảnh quang tươi mát.

Khu Chợ Lớn (Q6) trước đây có cây cầu kiến trúc khá độc đáo là cầu Ba Cẳng, và do dáng vẻ độc đáo của nó cầu Ba Cẳng từng được lên ảnh bìa tạp chí Thế Giới Tự Do. Có thể nói đây là dạng cầu đi bộ đầu tiên ở VN vì được xây dưới thời Pháp thuộc cùng bởi một công ty Pháp đã xây chợ Bến Thành. Cầu Ba Cẳng được người dân gọi như thế do nó được xây tại một ngã ba sông nên có ba chân (một dạng cầu Chữ Y), đồng thời cũng là ba lối bậc thang xi măng cốt thép đi lên. Nhờ xây dạng vòm nhịp nên cầu có độ thông thuyền cao, ghe thuyền to có thể lưu thông bên dưới. Về đêm, người có óc tưởng tượng nhìn từ xa sẽ thấy cầu Ba Cẳng giống chiếc dĩa bay đáp trên mặt đất, nhất là những dịp lễ khi cầu được giăng đèn xanh, đỏ chiếu lấp lánh.  Người dân khu vực lân cận thích lên cầu đứng trò chuyện, hóng gió. Cầu đã sập vào năm 1990. Cầu Ba Cẳng còn gắn liền thành ngữ “Dân chơi cầu Ba Cẳng” hàm ý những tay giang hồ trọng nghĩa, chơi với bạn rất tốt và sẵn sang nhường phần hơn cho bạn.

Cầu Bình Lợi: Một địa chỉ những người chán sống ở Sài Gòn hay tìm đến là cầu Bình Lợi. Đây là cầu hổn hợp đường bộ, đường sắt. Cầu được xây vào đầu thế kỷ XX, là cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn. Đoạn sông ở đây khá rộng, lòng sông sâu, nước chảy xiết nên người chán sống đến đây nhảy xuống sẽ được như ý. Cầu Bình Lợi đã đi vào cửa miệng dân Sài Gòn qua câu… rủa: “Mầy đi nhảy cầu Bình Lợi đi!”

Cầu vượt nội thành đầu tiên, đúng nghĩa, ở Sài Gòn là cầu vượt trước chợ Bến Thành nối sang vòng xoay Quách Thị Trang. Cầu vượt bằng sắt làm theo thiết kế của hãng Eiffel được làm vào đầu thập niên 1970 nhưng sau vài năm phải gỡ bỏ vì thiếu thẩm mỹ, và không có nhu cầu sử dụng; chỉ những người muốn đứng trên cầu nầy ngắm cảnh Sài Gòn và những du khách muốn sang khu vực vòng xoay để ngắm thật gần tượng tướng Trần Nguyên Hãn và tượng nữ sinh Quách Thị Trang. Ngày xưa dân Sài Gòn không gọi cầu nầy là cầu vượt mà gọi là “cầu nổi”; cầu nổi chợ Bến Thành. Xét cho cùng cây cầu nào nếu chưa sập thì chắc chắn là phải nổi, nhưng hiện nay có khá nhiều cầu, và em họ của cầu là cống, tuy chưa sập (chìm) nhưng đã mất công dụng giúp xe, người vượt sông, rạch, hay vượt qua những khoảng cách (cầu vượt). Đó là những cây cầu giờ đang nằm trên cạn.

Những cây cầu trên cạn: Đi một vòng thành phố các bạn có thể bắt gặp khá nhiều cầu, cống giờ nằm trên cạn. Gần nhất và dễ thấy nhất là cầu Hàng, Q4. Trước giải phóng cầu Hàng nổi tiếng với du đảng cầu Hàng cùng với những anh chị cực kỳ liều mạng, những tay “chơi chết bỏ!” Cầu Hàng đã đi vào văn chương miền Nam trước giải phóng, trong truyện của những nhà văn như Duyên Anh hay Nguyễn Thụy Long. Cầu Hàng cách cầu Tân Thuận khoảng 500 mét, gần đầu đường Trần Xuân Soạn. Cầu Hàng  giờ chỉ còn vết tích là hai thành cầu. Phía sau chợ Xóm Củi, Q8 có cầu Phát Triển bắt qua rạch Ụ Cây cũng cùng chung số phận. Nhỏ và mới xây chỉ được vài năm như cái cống hộp trên đường Dương Bá Trạc, Q8, thế cho cây Cầu Ván tận cùng đường Dương Bá Trạc trước đây, giờ cũng đã nằm trên cạn. Một lần sang quận 6 trên đường đến siêu thị bán sỉ METRO Bình Phú tôi gặp một cây cầu cạn, thành cầu màu xi măng còn mới tinh. Nếu xây mới cây cầu nầy chắc phải tốn tiền tỷ.

Do đô thị hóa quá nhanh (gần như tự phát), thiếu quy hoạch, dân số thành phố giờ đã là 13 triệu, nhu cầu nhà ở tăng cao, một mét vuông đất có giá từ hàng chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng thì hiện tượng nầy sẽ ngày càng phổ biến, và không chỉ ở tp. HCM. Theo một thông báo của chính quyền thành phố cách đây mấy năm, ở một quận vùng ven một công ty địa ốc nước ngoài đã tự ý san lấp hơn 30.000 mét vuông mặt nước (kinh, rạch, hồ, ao). Với giá đất nền trên trời như hiện nay, việc đòi công ty nầy moi trả số mét vuông mặt nước ấy trở về nguyên trạng, theo tôi, khó hơn việc nước Mỹ gửi người lên sao Hỏa! Và đó chỉ là một trong mấy mươi quận, huyện của thành phố. Chúng ta sẽ phải trả giá cho cái tội “dám chiếm nhà của Bà Thủy”! Mà hình như TP.HCM đã phải trả giá rồi. Phần nầy không hình minh họa vì thiễn nghĩ người đọc có thể dễ dàng thấy những cây cầu như vậy ngay trong thành phố mình đang sống.

NGUYỄN HOÀNG LONG

0 cau 1               H1

0 cau 2                      H2

0 cảu 3                                H3

0 cau 4                             H4

0 cau 5                          H5

Có 4 bình luận về NHỮNG CÂY CẦU ĐÔC ĐÁO Ở SÀI GÒN (Phần cuối)

  1. Những cây cầu này rồi đây sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Cám ơn Nguyễn Hoàng Long đã nhắc nhớ

    cùng với những hình ảnh của ngày nào mà tưởng chừng như đã quá lâu rồi.

  2. Trầm Hương Ptt. nói:

    Cây cầu tuổi thơ của cô là cầu Ba li cao, cách trường tiểu học Bình Tây độ 1 km ( cô đoán như vậy , vì khi gia đình cô chạy loạn từ Đức hòa về Chợ lớn, khi ấy cô còn nhỏ lắm, trí nhớ cũng quên đi ít nhiều, , từ nhà, nơi gia đình  cô mướn, có thể nhìn thấy cây cầu nầy.. Vật đổi sao dời, đôi khi tự hỏi cây cầu nầy có còn tồn tại không !! Hôm nào Long rảnh, đảo một vòng xe quanh Sàigon, viết về nhưng hàng me của Sàigon, cho người xa xứ như cô sống lại tuổi thơ..

    • Cô ơi, đơn đặt hàng của Cô khó đáp ứng quá vì “Con Đường Có Lá Me Bay” hình như không còn tồn tại ở đất Sài thành hiện nay. Em hiện có cảm hứng với đề tài NƯỚC vì đang là mùa mưa mà. Em đã nghĩ ra tựa rồi. Đó là “SÀI GÒN hay VENICE?”

      • Phạm thị Trí nói:

        Hay quá, viết đi Long.. Về đề tài…Con đường có lá me bay, nếu cô viết , chỉ là những con đường xưa trước 1975, còn nơi em, người sống và lớn lên ở S.G.. em viết sẽ sâu sắc hơn, thực tiển hơn, cập nhật hoá hơn về những hàng me …BÂY GIỜ GẦN NHƯ KHÔNG CÒN MẤY, NHƯ TUỔI ĐỜI THẾ HỆ CÔ BAY THEO NHỮNG LÁ ME !!!

        Chờ đọc bài viết của em về Nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác