NGƠ NGẨN TÂY HỒ

Ngày đăng: 22/05/2017 12:11:44 Sáng/ ý kiến phản hồi (4)

Tây Hồ trong đoản văn này là Hồ Tây ở Hà Nội, (không phải Tây Hồ ở Hàng Châu bên Tàu). Rộng hơn 500 hecta, Hồ Tây vốn là một phần của sông Hồng, là không gian của thư giãn, vui buồn, hạnh phúc, chia ly, mộng mơ và thi ca. Đã bao lần ngắm Hồ Tây từ phía đường Thanh Niên, ra Hà Nội lần này, tôi quyết định đánh một vòng chu vi hơn 18 km của hồ. Phương tiện là xe gắn máy, rẻ tiền và tiện lợi.

Nói thêm, thuê xe máy là cả một nghệ thuật. Đa phần người cho thuê xe đều tinh vi, bần tiện, chỉ để lại rất ít xăng trong bình, nhiều khi chưa kịp tới trạm xăng thì xe chết máy.

Đáp lại, khách thuê cũng đành… bần tiện theo, tính toán sít sao để khi trả xe, xăng cũng gần hết. Cho bõ ghét!

Sau bao thăng trầm, Hồ Tây giờ đã được bao quanh bởi đường nhựa, uốn éo, lên xuống để tránh nhà cửa, nhiều căn hình thành từ xâm lấn bờ hồ, từ sự thờ ơ, bất lực của người gác luật. Nhiều đoạn đường mới, được mang tên các nhà văn hóa như Đặng Thai Mai, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Tô Ngọc Vân. Thật may, có lẽ vì quá rộng, Hồ Tây vẫn còn đủ thơ mộng. Phía Nhật Tân thật lắm biệt thự, cũ có, mới có, xây dở dang cũng có. Trà rượu trong quán tre dân dã trên hồ sen, xanh ngắt, mát rượi, rất dễ tức cảnh sinh tình, thi ca lai láng hoặc… buồn ngủ.

Ngang qua làng Yên Phụ, tiếng hát dân ca mượt mà đã dẫn tôi tới đình Yên Phụ, nơi thờ Uy Linh Lang Đại vương, hoàng tử nhà Trần. Tưởng hội hè gì, hóa ra là một ban nhạc gồm năm nữ ca sĩ, áo dài khăn đóng màu đỏ cờ, say sưa đàn hát, gõ trống giữa sân đình, để ghi hình. Nhóm dân ca trình diễn rất chuyên nghiệp, trái ngược hẳn với nhóm quay phim khi sử dụng duy nhất một máy quay, lại là máy chụp ảnh. Ca sĩ phải hát đi hát lại nhiều lần giữa trưa nắng chang chang để cậu quay phim lăn lộn tác nghiệp… Lời ca đang vút lên, mượt mà, sâu lắng thì bỗng thấy một bà xông vào sân diễn, trên tay là cây bút và cuốn hóa đơn. Bà la toáng: “Này, tiền cúng đình của anh chị ghi tên ai?”. Âm nhạc tắt lịm. Từ linh thiêng tuột rơi xuống phàm tục. “Nhóm Bách Hợp!” – chàng quay phim độp lại, không hiểu có kịp bấm tắt máy quay hay đã để lọt bà chằng vào phim?

Vòng về đường Thanh Niên, gửi xe mười ngàn đồng, vào thăm chùa Trấn Quốc, ngôi

chùa có tuổi đời hơn 1.500 năm, cổ xưa nhất Hà Nội. Tại cửa chính điện, gặp hai Phật tử, một nam một nữ, áo tràng nâu, đứng chắp tay nói chuyện với một vị cao tăng, gương mặt phúc hậu. Do cung kính, cả hai đều không dám nhìn về sư thầy, họ đứng quay ngang, nói chuyện như với khoảng không, tưng tửng. Câu chuyện xoay quanh việc đang có quá nhiều du khách, ta có, Tây có, vãn chùa với trang phục hở hang, cần phải chấn chỉnh ngay. Đang trong cuộc giáo huấn, bỗng có cho hai nữ du khách, nói tiếng TQ, váy ngắn cũn, bước tới cửa điện thờ. Trước sư thầy, hai Phật tử mời ngay họ ra ngoài. Không thương tiếc. (Tuy nhiên, lúc sư thầy vừa lui vào hậu điện, lại lòi ra một bà Tây, quần soọc, mông to, lững thững bước vào điện thờ. Hai phật tử coi chùa ngoảng mặt làm ngơ. Hết linh!)

Khi trò chuyện, tôi mới được biết, vị cao tăng chính là hòa thượng Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc. Sư ông cho biết, cuối năm 2016 vừa qua, Trấn Quốc được báo Daily Mail (Anh quốc), bình chọn vào top 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Nỗi buồn của sư ông là khách thập phương tới chùa ăn mặc hở hang, không hợp với chốn linh thiêng. Để xảy ra chuyện này, không chỉ từ ý thức của du khách mà còn do hướng dẫn viên buông lơi.

Ông kể, mình về đây từ năm 1983, thuở ấy, chùa hãy còn hoang sơ, trẻ con ngày nào

cũng đến tắm ngay trước cổng chùa. Cả lũ trần truồng, nhảy qua, nhảy về trên con đường hẹp để phóng xuống nước, vui đùa, la hét. Rất phản cảm! Nhà chùa phải mở lối đi khác.

Cả thầy và đệ tử, hàng ngày chỉ dám ra vào chùa lúc mờ sáng hoặc tối trời, khi không có đám trẻ tồng ngồng.

Sư ông còn cho biết, trước đây, dù mưa hay nắng, ngày nào cũng có nhiều người lẻn vào chùa để câu cá trong Hồ Tây. Nhìn cá giãy đành đạch trên sân chùa, không đành lòng!

Chùa đã phải nhờ tới lực lượng trật tự bên ngoài vào can thiệp nhưng số kẻ sát sinh nhờn mặt, không giảm nhiều. Thầy kể, có hôm, còn thấy một anh mặc quần màu công an vào chia cá với lũ câu trộm. Chùa phải làm hàng rào sắt sát mép hồ, lát sân gạch, phát quang cỏ cây, không cho lũ đi câu có chỗ trú núp. Đến nay, hiếm hoi lắm mới còn kẻ vào chùa câu cá. Nam mô A-di- đà Phật!

Đang rong ruổi phía Thụy Khê – Bưởi, khoan khoái, thầm phục vì sắp giáp vòng hồ,

bỗng con xe chết máy. Thôi rồi! Y như lúc vừa ngoạn cảnh vừa chập chờn lo nghĩ: hết

xăng! Do mải đi lòng vòng, lượng xăng không hợp với âm mưu. Cũng lạ là suốt dọc

đường bao quanh Hồ Tây, không có bất cứ một trạm xăng nào.

Hì hục đẩy xe, kệ những bản nhạc thánh thót vang ra từ các quán cà-phê thơ mộng. Vã mồ hôi vì dẫn xe gần cây số, không tìm ra chỗ đổ xăng lẻ vỉa hè. Đành ghé vào một xe nước mía bên đường. Cô em đang bào thân mía, trạc đôi mươi, tóc nhuộm từng lọn, có cả màu rất hiếm là tím, xanh và bạch kim, trông rất hiện đại, duyên dáng. Vốn tính rụt rè, tôi nép mình nhỏ nhẹ hỏi đường đến trạm xăng gần nhất. Thiếu nữ vẫn mải mê bào vỏ mía, lưỡi dao thoăn thoắt vuốt dài cả thước theo thân cây. Nhìn hơi ê răng, không biết giận hờn ai? Sợ cô nước mía không nghe rõ, tôi mở miệng lần nữa. Vẫn không nhìn lên, cô em vung dao phạt ngang thân mía, cây đứt lìa, ngọt xớt, cùng với đó là một tiếng quát: “Rẽ trái!”. Tôi thật ân hận, phạm lỗi lớn khi không uống một ly nước mía của cô nàng!

Tôi đẩy xe, không biết đâu là trái phải…

Nếu can đảm, có dịp dạo một vòng quanh Hồ Tây, có thể bạn sẽ có những trải nghiệm

“ngơ ngẩn Tây Hồ” hơn tôi?

Trần Vọng Đức

0 du 1                                              H1

0 du 2                                     H2

             0 du 3                     H3

0 du 4                  H4

0 du 5H5

Có 4 bình luận về NGƠ NGẨN TÂY HỒ

  1. Hoành Châu nói:

    Bài viết  NGƠ NGẨN TÂY HỒ  thật dí dỏm  làm người đọc phải để   lại  vài nụ cười   thời cuộc  . Cảm ơn  Trần Vọng Đức   đã bộc bạch  cảm xúc  rối loạn vì   đã từng ngơ ngẩn rồi lại  ngẩn ngơ trên  bước đường Tây Hồ  .Mong đọc thêm  nhiều tác phẩm mới  lạ  của tác giả nhé !.                                                           Hoành Châu (Gia đình C )

  2. Đọc bài “Ngơ ngẩn hồ Tây” của Trần Vọng Đức, tôi lại nhớ ngay đến Phương Nga của chúng ta, cũng lối viết dí dỏm, khôi hài khiến người đọc không thể không khỏi mỉm cười vì cái nhìn tinh tế của tác giả trước những sự kiện phải nói là cười ra nước mắt. Hy vọng còn được đọc nhiều đoản văn thú vị của tác giả.

     

    • PhươngNga nói:

      Cô Kính Mến

      Mấy ngày nay trò ách xì liên tục, nghĩ thầm chắc ai nhắc mình.

      Vậy mà đúng thật, chị Hoành Châu inbox cho em nói: Cô nhắc em đó.

      Cám ơn cô. Em đang viết dở dang chuyện cũ của em về những năm đầu ở Mỹ.

  3. Phạm thị Trí nói:

    Cám ơn anh Trần Vọng Đức đã cho đọc một bài viết khi đi viếng cảnh Tây Hồ…Người thật việc thật qua bút pháp của anh khiến tôi đọc cũng “ngẩn ngơ” Ptt.

Trả lời PhươngNga Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác