“Tô Định” kể lại chuyện xưa

Ngày đăng: 15/03/2017 11:23:58 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Hôm 8/3, trong buổi họp mặt tại cà phê Yulo, Ngô Mỹ Dung lớp 12C (NK75) được các bạn nhắc lại ngày xưa từng thủ vai Thái thú Tô Định trong vở kịch Hai Bà trưng. Lúc đó, dường như máu văn nghệ nổi lên Mỹ Dung không ngần ngại đứng lên biểu diễn trước các bạn. Tôi thấy đây là câu chuyện hay, nên nhờ Mỹ Dung thuật lại (SOS)

to dinh

                                             Tô Định do Văn Ngà đóng (ảnh minh họa)

Năm 1974, tôi là cô bé học sinh lớp 11 C trường Tống Phước Hiệp. Vì học khối C nên  khả năng viết báo, văn nghệ cũng gọi là bậc trung. Lớp có bạn Phan Các Chiêu Hằng thì văn chương là nhất rồi,  tài ca múa thì có : Ngọc Gõ , Hương Lan , Ngọc Hương … nhiều lắm, còn các nàng viết văn thơ lớp C thì kể sao cho hết giấy. Lúc bấy giờ mà học C là khoái văn nè! Vậy nên lớp có ban học tập, ban văn nghệ, dĩ nhiên Chiêu Hằng là trưởng ban. Nhắc kỷ niệm nhóm Văn nghệ lớp C tôi khi đó, ngoài tập diễn ở hội trường Khánh tiết ( lầu 1) . Chúng tôi còn luân phiên chọn đến nhà riêng tập kịch, tập múa và ca hát . Nhớ có lần tập kịch và múa tại nhà tôi cả nhóm được má tôi chiêu đãi đá bịt (chè đậu xanh nước cốt dừa cho vào bọc và để tủ đông) . Cứ mỗi dịp tất niên , sắp nghỉ hè( bãi trường) trường tổ chức hội diễn văn nghệ là các lớp đều có tiết mục tham gia. Riêng đợt kỹ niệm ngày lễ Hai Bà Trưng , năm đó cô Võ thị Ngọc Dung làm Hiệu Trưởng Tống Phước Hiệp. Hội diễn văn nghệ lần nầy tổ chức ngoài trời ( sân cầu lông) để nhiều học sinh được xem. Tôi nhớ lúc bấy giờ thầy Đoàn Xuân Kiên( trưởng ba Du Ca Vĩnh Long)  và  thầy Ngô Quang Vỹ chịu trách nhiệm văn nghệ trường. Thầy Kiên là người soạn kịch bản, thầy Vỹ tìm diễn viên trong nhóm học sinh chúng tôi. Sau thời gian chọn xong 2 vai Trưng Trắc và Trưng Nhị trong số hai bạn xinh đẹp là hoa khôi nhà trường (dễ quá,con gái trường Tống đều xinh đẹp ). Riêng vai Tô Định thì thầy Vỹ cho hay chưa tìm ra người đóng vai, điều này khiến còn băn khoăn và ngần ngại mãi . Bạn lớp tôi “xúi dại ”  giao con Mỹ Dung đóng vai Tô Định được . Chẵng hiểu tôi có ” lợi thế” gì? À rõ rồi : là xấu nhất lớp chứ gì?. Thầy Kiên nói, giao vai Tô Định cho Mỹ Dung thầy yên tâm ( vụ nầy lạ nha chưa thử vai mà giờ nghĩ lại biết thầy nói ngọt thôi ) . Thấy tôi còn phân vấn , thầy Kiên bảo chỉ thử vai thôi, thầy sẽ chỉ thêm. Để trấn an tôi, nhóm bạn luôn theo sát tôi lúc tập diễn. Ngoài các bạn tập kịch, các bạn khác như: Chiêu Hằng, Ngọc Gõ , Ngọc Hoa , Hương Lan, Thuý Hiền… múa quạt, họp ca bài Ngàn thu áo tím .h1                                Mỹ Dung 12C(NK75) người đó vai Tô Định khi xưa 

Ngày 8/3/2017 vừa rồi chúng tôi hợp mặt bạn Tống Phước Hiệp niên khoá 1974- 1975 . Bạn bè gặp nhau sau hơn 40 năm, người vẫn xuân xanh (chưa biết gì ?) người cháu con đùm đề, cũng có bạn đã đi xa  … Ngần ấy năm xa cách mới thấy tình bạn thời cấp sách xưa cũ xiết bao thương yêu, quý báu và thắm đượm tình thân . Ký ức về tình bạn thời đi học chân thật , vô tư, không chút điểm tô không vụ lợi. Sau khi nói cười, hỏi han trong buổi cơm thân mật (có nhận quà của “đại gia” Cần , ăn bánh bông lan của bạn Liên khéo tay ) ; màn hai còn kéo nhau đi vào quán cà phê cắt bánh sinh nhật mừng bạn bè tuổi 60 ( do ban tổ chức chuẩn bi), hoành tráng , nghí ngố như hồi trung học. Sau khi ôn cố tri tân , nhóm bạn động viên : Mỹ Dung diễn Tô Định nha! Tôi đứng dậy như kẻ lên đồng, tay quơ, miêng ca ” Như mổ gia đây là quan Giao Chỉ Thái Thú. Mổ sang đây đã 6 năm trời, đem văn minh Trung Quốc ; mà gieo rắc khắp Nam , Bắc , Đông , Tây. Chằng nệ hà Nam man tối dạ (Tô Định khoát lác đồng thời cừời to đắc thắng ). Đó là câu vào đầu mở màn vở kịch mà tận bây giờ tôi không quên lời thoại. Tôi nhớ như in, giọng thầy Kiên thị phạm : tay phải thầy vổ ngực , tay trái lần lượt chỉ xoay bốn phía …. Sau đó thầy cười, thầy dặn cười sao cho nham hiễm đúng nụ cười của kẻ đắc thắng.

Cảnh 1 là kiệu khiêng Tô Định ra sân ( hậu trường là phòng y tế của chú Hài) lời Tô Định nói xong là hai con voi ( sử dụng xe Lamberta ) phủ vải có đầu voi chở hai bà Trưng đi ra .

Tô Định thì ngồi kiệu được ngừoi khiên ra sân . Bạn Cẩm Vân vai tướng quân dẫn đầu quân Tàu kéo ra trước ( bộ võ phục, Cẩm Vân mượn của đoàn cải lương ) ăn vận oai vệ lắm . Quân sĩ hai phe gồm 50 bên ta và 50 quân Tàu . Lúc dàn trận hai đội kéo ra đầy sân , ngoài ra còn trống kèn đánh theo nhịp lời thoại của người diễn nên không khí thêm sôi động . Khi diễn tôi đứng, tay cầm kiếm nên diễn nhập tâm . Lời thoại đối đáp ăn ý , đội hình quân sĩ khi đồng loạt sáp trận giữa 2 phe . Cảnh quan quân Tàu ào ào bỏ chạy khi hai bà Trưng đánh đuổi . Loa vang vang tiếng bà Trưng hô to: Lòng ta chung một Giang san, lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam.

Sau khi vỡ kịch hạ màn, bạn bè kéo tôi về lớp. Nhỏ Ngọc Gõ đưa gương nói: Mi soi nè. Biết sao không, tôi oà khóc bởi hình ảnh trông thấy là ông tướng có râu và đôi chân mày sếch ngược trông hung tợn vô cùng ghê tởm . Thời khắc đó, cảm giác xấu hổ khiến tôi tự nhiên oà khóc nức nở như vừa bị chế nhạo ? Cảm giác hụt hẩng khó tả. Lời bạn nào nói bên tai, bởi vậy thầy Vỹ nói lúc hoá trang đừng cho Mỹ  Dung soi gương! Nhỏ Anh Đào nói nhóm bạn đứng gần loa nghe giọng Tô Định mi cười khi diễn vang lên làm nổi gai, nổi ốc ?

Những điều vừa kể trên giờ nghĩ lại chúng tôi thấy được sự tận tụy của thầy cô thời cũ. Chỉ là văn nghệ học đường nghiệp dư thôi mà thật chu đáo hướng dẫn học trò tận tình. Đặc biệt vở kịch do thầy Đoàn Xuân Kiên viết lời và kiêm luôn đạo diễn . Tổng kết hội diễn văn nghệ kỹ niệm tôi còn nhận thưởng đột xuất từ ban tổ chức, giờ nhớ lại tôi vô cùng cảm kích bạn cùng lớp , lớp đàn em đóng vai quân sĩ . Nhất là tôi không được soi gương nên ” hùng hổ” công diễn tới cuối vỡ kịch ( he he).Cuối cùng tôi xin nói lên ở đây, nay tuổi cao, khi nhớ, khi quên  dù cố gắng tôi vẫn không viết được đầy đủ, chưa kễ đủ sự có mặt và công sức của tất cả cộng sự, nhóm văn nghệ lớp C.  Tôi nghĩ rằng , dù sao đi nữa thì vài dòng hồi ức ghi vội cũng góp chút tư liệu lưu trử, là kỷ niệm” quý hiếm” của một thời học sinh đáng nhớ trong tôi.

Vĩnh Long 14/3/2017

Ngô Mỹ Dung lớp 12C(NK75)

 

 

 

Có 6 bình luận về “Tô Định” kể lại chuyện xưa

  1. Huỳnh Thị Thu Hằng (NK 75) nói:

    Đọc bài của Mỹ Dung thấy nhớ thời học sinh da diết, bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về, ngày đó thật vui …..Có lẽ vai Tô Định ngày xưa của bạn quá thành công nên được nhiều học sinh của trường biết đến và …nhớ dai nhất cho đến tận bây giờ…

    Cảm ơn bạn đã cho tụi mình sống lại chút hồi ức ngày nào.

  2. ngyễn gương nói:

    Tháng 03/1975 là TTK đại diện học sinh Nguyễn Thông nên tôi có về dự lễ nầy ( thời điểm nầy Phước Long và Ban Mê Thuộc đã thất thủ ). Chiến sự sôi sục nhưng hoạt động ở học đường vẫn duy trì. Tôi nhớ buổi lễ diễn ra vào sáng ngày nắng đẹp. Mọi người trầm trồ  khi hoạt cảnh bắt đầu. Tôi chú ý đến Bà Trưng nhiều hơn. Bạn thủ vai hơi gầy nhưng rất đẹp      ( bên má có nốt rùi nhỏ, chẳng biết tôi có nhớ nhầm không ).

    Sân trường hơi hẹp cho hoạt cảnh nầy nên hai bên chỉ huyết chiến ngắn. Phải lồng được võ thuật vào chắc hoành tráng còn hơn.

     

  3. Diệp Bích Ngọc nói:

    Bạn Mỹ Dung thật đa tài ,bạn làm tôi như nhớ lại thưở nào như đang xem các bạn khối C biểu diễn văn nghệ ở trường . Đã hơn bốn mươi mà bạn nhập vai y như hồi xưa giọng còn sang sảng vai Tô Định …. thật sống động ,thật vui .Lần họp mặt năm nay nhiềm niềm vui ,bao kỉ niệm thân thương sẽ còn nhớ mãi . Các bạn từ xa ở Sài Gòn cũng về còn mang thêm quà ,bánh tặng các bạn….,các bạn từ các huyện nữa …đúng là tuy xa mà gần .Tôi mong sao những lần họp mặt thật đông vui hơn ,các bạn trong khối luôn khỏe ,an lành ,hạnh phúc .

  4. Đoàn Xuân Kiên nói:

    Lời thầy Kiên nói hồi nẳm quả là hổng sai! Tô Định nhập vai tuyệt hảo. 42 năm rồi mà dường như ánh mắt của Tô Định vẫn còn lanh quá mà! Mỹ Dung và các bạn có còn giữ được hình ảnh ngày lễ hội Hai Bà trưng năm 1974 đó không? Và kịch bản của màn diễn ngoài trời bữa đó có ai còn giữ nổi không hè? Một ngày rất đáng nhớ của TPH, đúng như bạn Nguyễn Gương nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác