Bàn tay định mệnh

Ngày đăng: 28/02/2017 10:28:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

0 CHUONG 1

Kahlil Gibran được người đời biết đến như một nhà tiên tri, một hiền giả của thời đại. Ông sinh năm 1883, trong một gia đình không lấy gì làm khá giả tại Bsharré, một thành phố truyền thống với loại cây tuyết tùng (Holy Cedar) .

0 CHUONG 2 Cha là Kahlil Gibran, mẹ là Camila, ái nữ của mục sư Estephan Rahmé, thuộc dòng Maronite. Thật ra tên đầy đủ của cậu bé là Gibran Kahlil Gibran. Tên nầy thường thấy ở các bản văn viết bằng tiếng Ả-Rập. Nhưng trên các bản viết bằng tiếng Anh, ông lại chỉ dùng Kahlil Gibran.  Cha ông tính tình khó chịu lại thường rượu chè say sưa nên mẹ ông quyết định đưa ông, hai em ruột Mariana, Sultana và Peter, người anh cùng mẹ khác cha, vượt biển sang Mỹ, định cư tại Boston, tiểu bang Massachusetts, năm 1895. Có thể nói Kahlil Gibran là một kết hợp nhuần nhuyễn giữa tâm hồn một thi sĩ với tâm hồn một nhạc sĩ, giữa tâm hồn một nhà văn với tâm hồn một nhà triết học. Ông có cái nhìn sâu sắc vào đời sống tâm linh của con người. Tác phẩm của ông phần lớn miêu tả và phân tích nội tâm của con người hòa nhập với thiên nhiên, với vật hữu hình cũng như với vật vô hình.  Mỗi lời ông nói ra là một lời thiêng; mỗi câu chuyện ông kể là một bài ngụ ngôn ý nhị, nghĩa lý uyên áo thâm trầm. Đông và Tây, xưa cũng như nay, đều coi ông như một nhà tiên tri, một nhà văn hóa lớn của nhân loại.  Ông mất năm 1931 tại New York, Hoa kỳ, để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị mà Đôi Uyên Ương Gãy Cánh (The Broken Wings) là một, trong đó có chương  Bàn Tay Định Mệnh (The Hand of Destiny) nầy .

0 CHUONG 3

BÀN TAY ĐỊNH MỆNH (The Hand of Destiny)

Mùa Xuân năm đó tôi ở Beirut, Li-băng. Mùa Xuân thật kỳ diệu. Trời bây giờ ở vào tháng tư, mặt đất xanh màu cỏ non, hoa nở đầy vườn trong thành phố, cảnh vật hiện ra trông có vẻ kỳ bí của mặt đất, như muốn bộc bạch tâm tình cùng với trời cao. Những cây hạnh đào và táo khoác lên mình những mảnh xiêm y màu trắng trinh bạch, tỏa hương thơm ngát, ẩn hiện mơ hồ đứng xen lẫn giữa những ngôi nhà trông giống như những tiên nữ, khoác lên mình một loại xiêm y màu trắng ngà trông giống như những cô dâu mà thiên nhiên gửi đến để kích hoạt trí tưởng tượng và khơi nguồn cảm hứng cho thi nhân.

0 CHUONG 4

Mùa xuân ở Li Băng Xuân ở đâu cũng đẹp, nhưng không đâu đẹp bằng ở Li Băng. Xuân ở đây như linh hồn một vị thần, rong chơi khắp nơi trên tráí đất, nhưng khi về lại Li Băng thì tỏ ra quyến luyến, trò chuyện với các vị vua chúa, các đấng tiên tri, lượn bay lững lờ trên trời cao, và cùng với các dòng sông, hòa ca những bài ca bất tử của vua Solomon, và qua hình bóng những cây tuyết tùng để nhớ lại thời huy hoàng xưa.  Beirut mùa Xuân thì đẹp hơn Beirut vào những mùa khác; bởi mùa Đông ở đây không có bùn lầy và mùa Hạ không có bụi bặm. Giữa hai cái thái cực ấy -những cơn mưa ướt át của mùa Đông và cái oi bức của mùa Hạ- Beirut trông giống như một ngư nữ, ngâm mình dưới hồ nước rồi lên bờ hong làn da trắng mịn dưới ánh mặt trời.  Một ngày nọ, giữa tiết trời tháng tư, tôi đến thăm một người bạn, ở khá xa cái thành phố đông đúc nầy. Khi chúng tôi đang chuyện trò với nhau thì có một cụ ông khả kính, ăn mặc giản dị, tuổi chừng sáu mươi lăm, bước vào nhà. Tôi cung kính đứng dậy chào và bạn tôi giới thiệu là viên ngoại Faris Effendi Karama. Sau đó anh bạn giới thiệu tôi với ông cụ, kèm theo những lời xưng tụng.  Cụ ông nhìn tôi chằm chằm một chập, rồi đưa tay lên trán có mấy sợi tóc bạc phơ , như để nhớ lại một hình ảnh xa xưa nào đó. Đoạn ông cụ bước đến gần chỗ tôi, tươi cười bảo: “Đúng rồi. Cháu là con một người bạn thân của ta, hồi nhỏ hai người thường đi chơi với nhau. Ta rất sung sướng qua cháu ta được gặp lại Người ”  Lời nói của cụ ông làm tôi vô cùng xúc động. Tự nhiên, tôi cảm thấy như bị một sức mạnh đâu đó kéo tôi xích lại gần với ông hành động tựa như bản năng của con chim hướng dẫn nó bay về tổ, trước khi cơn bão ập đến. Hai đứa tôi  ngồi trò chuyện cùng ông và ông cụ làm chúng tôi cảm thấy rất thích thú với những câu chuyện ông kể về tình bạn giữa ông và cha tôi, gợi lại những kỷ niệm ngày còn trai trẻ hai người thường chơi chung với nhau, kể lại những chuyện đã qua mà bây giờ còn in sâu trong tâm khảm của ông. Một người lớn tuổi, nhớ lại những ngày qua phải sống kiếp tha hương, mong mỏi được về lại quê nhà. Giờ đây ông cụ thích kể lại những chuyện tuổi thơ, như thi nhân thích ngâm lên những vầng thơ hay nhất của mình. Ông sống lại đời sống tinh thần của  quá khứ vì hiện tại đối với ông như bóng câu qua cửa và tương lai thì dường như chỉ là cõi hư vô mịt mờ đầy chết chóc.  Sau một tiếng đồng hồ trao đổi tâm tình, những kỷ niệm xa xưa dường như những bóng cây lướt qua bãi cỏ, viên ngoại Faris Karama đứng dậy nói lời từ giã ra về. Khi tôi bước đến gần ông để nói lời chào tạm biệt, tay phải ông nắm lấy người tôi, tay trái ông đặt lên vai tôi và nói: “Đã hai mươi năm rồi ta không gặp được thân phụ cháu, nhưng ta hy vọng qua việc thường đến thăm cháu nó cũng bù đắp được khỏang thời gian xa cách bao năm qua”  Để đáp lại tấm thịnh tình, tôi cung kính cúi đầu cảm ơn và chào giã biệt ông, theo cung cách một đứa con tiếp đãi người bạn của cha mình.  Khi viên ngoại Faris Karama ra khỏi nhà, tôi yêu cầu bạn tôi kể lại cho tôi nghe thêm nhiều chuyện về ông. Anh bạn dè dặt cho biết,  “Ở thành phố Beirut nầy, tôi nghĩ ông ấy là người duy nhất mà nơi ông, phú quý sinh ra nhân từ và nhân từ lại làm nên phú quý. Ông là một trong những người hiếm hoi đến với đời nầy và khi ra đi không làm ai buồn phiền. Bất hạnh thay, những người như thế thì thường hay bị khổ lụy; bởi họ không có đủ mưu mẹo để tự mình vượt qua khỏi thói đời nham hiểm. Faris Karama có một ái nữ, tính tình giống như ông. Hai cha con sống  trong một khu nhà sang trọng, ngoại ô thành phố. Về sắc đẹp và sự thùy mỵ dịu dàng thì nàng ăn đứt. Nhưng nàng cũng khổ lụy như cha mình vì cái gia sản kết sù của người cha đã đặt nàng bên bờ vực thẳm khiếp sợ kinh hồn.”  Khi anh bạn tôi  dứt lời, tôi để ý thấy vẻ mặt anh chùn lại, và vẻ hối tiếc hiện rõ trên khuôn mặt.  Rồi anh bạn kể tiếp, “Faris Karama là một người tốt bụng với một tâm hồn cao cả, nhưng lại thiếu ý chí. Ông chạy theo dư luận quần chúng như một kẻ mù lòa. Họ muốn ông lặng thinh như một người câm. Còn cô con gái con ông thì quá nhu nhược, luôn luôn vâng theo lời cha mà không coi trọng sự cao quý và sức mạnh của tinh thần mình. Tất cả đó là một điều bí ẩn éo le nằm trong cuộc sống của hai cha con cô gái nầy.  “Sự trớ trêu kỳ bí nầy bị môt người đàn ông nham hiểm, đầy tham vọng, biết được. Người đó là vị giám mục của địa phận, nhân danh Phúc âm, ông ta giả dạng làm ra vẻ một người nhân từ. Trong giáo phận,  mọi người đều nể sợ ông, về mặt đời cũng như về mặt đạo. Như những con thú thịt đứng trước mặt một tên đồ tể, mọi người đều quy phục và khiếp sợ  ông ta. Vị giám muc nầy có một đứa cháu hư hỏng, hung dữ như loài bọ cạp lúc nào cũng chực chờ  đánh nhau  vói loài rắn độc, nơi hang động và nơi đầm lầy.  “Chẳng chóng thì chầy, một ngày nào đó vị giám mục nầy cũng đặt đưa cháu của mình lên bên tay phải và cô con gái của ông viên ngoại Karama bên tay trái, rồi buộc sợi dây hôn nhân lên đầu họ, trói buộc một nàng thục nữ trinh trắng  vào với một tên vô lại thô bỉ-đặt trái tim của ngày rực sáng vào lòng đêm đen mịt mờ.  Đó là tất cả những gì mình có thể nói cho bạn biết về viên ngoại Karama và ái nữ của ông. Xin anh bạn đừng hỏi thêm gì nữa. Nói về một thảm họa, thì làm cho nó tăng thêm giống như càng sợ chết thì cái chết lại càng dễ đến gần hơn. Bạn tôi quay mặt về phía cửa sổ nhìn vào khỏang không bên ngoài như thử anh cố tìm hiểu cho hết được ngọn nguồn của kiếp nhân sinh.  Tôi đứng dậy bắt tay giã từ và nói với anh bạn, “Ngày mai tôi sẽ đến thăm viên ngoại Karama để làm tròn lời hứa với ông và vì tình bằng hữu của ông với thân phụ tôi.” Anh bạn nhìn tôi sững sờ trong giây lát. Tôi nhận thấy vẻ mặt anh ta đột nhiên thay đổi như thử lời nói của tôi đã giúp anh khám phá được đôi điều mới lạ. Rồi anh nhìn thẳng vào  mắt tôi, với một dáng điệu hơi lạ -một cái nhìn đượm vẻ vừa thương yêu vừa thương hại và cũng  có đôi chút sợ sệt- cái ngắm nhìn của một nhà tiên tri thấy được nơi sâu thẳm của linh hồn nhưng điều mà chính linh hồn cũng không thể nào hiểu nổi. Đôi môi của anh bạn mấp máy nhưng không nói lời nào. Chia tay anh, tôi bước ra cửa, đầu óc nghĩ ngợi lan man. Anh bạn quay mặt đi nơi khác, nhưng tôi để ý thấy đôi mắt anh bạn vẫn theo dõi tôi với cái nhìn thật kỳ lạ mà tôi không sao hiểu hết cho đến khi linh hồn tôi thoát khỏi cái thế giới cân đo đong đếm nầy, đến một nơi mà người ta chỉ có thể hiểu nhau bằng tâm cảm và bằng sự đồng điệu.

(Còn tiếp)

Nguyễn-văn-Chương, dịch

Hình : nguồn Net

Có 2 bình luận về Bàn tay định mệnh

  1. Cám ơn GS Nguyễn văn Chương đã giới thiệu nhà văn nổi tiếng của Hoa Kỳ Khalil Gibran, gốc người Li Băng qua bản dịch một chương của cuốn truyện “The Broken Wings”. Với cách dịch nhẹ nhàng và rất thoát, thày Chương đã khiến người đọc có cảm giác như đang đọc một truyện ngắn của một tác giả Việt Nam. Có dịp để được đọc và biết thêm về các nhà văn ngoại quốc, mở rộng thêm tầm nhìn về văn chương xứ người cũng là điều rất thú vị. Mong là còn được đọc tiếp thêm nhiều chương (chapter) của tác phẩm này.

  2. Hoành Châu nói:

    Kính Thầy ,
    Ngày trước em đã từng đọc quỵển sách  này những hai lần  rồi Thầy ạ , bây giờ gặp lại  thấy gần  gủi làm sao !! Phần chương  dịch thuật  của Thầy thật hoàn hảo trơn tru ,,người đọc không  cảm   nhận được đó là  văn dịch , tưởng chừng như đây là một tác phẩm Việt vậy ., em rất thích . Em chúc  sức khỏe Thầy dồi dào  và mong đợi  đọc những chương kế tiếp  !                           Em Hoành Châu (Gia đình C  )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác