CHUYỆN VUI BUỒN NƠI XÓM TRỌ(Phần 2)

Ngày đăng: 21/11/2016 12:52:53 Chiều/ ý kiến phản hồi (8)

Có một chuyện vui nữa tôi xin kể tiếp, chuyện cũng xảy ra đâu đầu những năm 70, lúc tôi đã học lớp Tám lớp Chín rồi .Như nhiều người đều biết, đường từ Kho Dầu cũ ra Cầu Lầu , cách một con rạch nhỏ là phần ranh giới giữa chùa Pháp Hải và Chẩn y viện , trụ sở của Hội Hồng Thập Tự Vĩnh Long (bây giờ là UBND Phường 4) .Hồi đó, khúc đường nầy thưa thớt nhà, khung viên mỗi nơi đều rộng rãi và xanh mượt màu cây cỏ .Chẩn y viện còn là nơi sinh họat của thanh niên Hội Hồng Thập Tự, với khỏang sân rộng có mấy cây phượng tàng lá xum xuê. Lực lượng nầy họat động rất chuyên trong công tác cứu trợ, cứu thương và các việc từ thiện khác. Nơi đây có nhiều kho chứa thuốc , chứa nhiều vật liệu cần thiết để làm công tác cứu trợ như quần áo, mùng mềm, vật dụng gia đình …Mặc dù không gia nhập lực lượng thanh nhiên HTT nhưng dần dà tôi quen nhiều anh chị em ở đây. Thầy Trần Phú Tôn (GS.TPH) đã có thời gian làm huynh trưởng lực lượng thanh niên nầy .

ngang-kho-dau-cu  Hôm ấy, tôi đạp xe đạp từ nhà ra chợ mua đồ. Xe vừa chạy qua khỏi cửa Chẩn y viện tôi phát hiện ở dưới đường có nhiều cục đá xanh rơi vải. Vừa thấy cũng vừa nghe tiếng ” Rột!” khô khốc dưới  bánh xe trợt trên đường, tôi ngã nhào xuống vì lái xe chỉ có một tay ( tay kia cầm giỏ xách) . Hỏang hốt, tôi đứng dậy thì  thấy máu tung tóe trên áo trắng, quần bị rách, rách cả đầu gối. Tôi kiểm tra lại thân thể , chỉ có vết thương ở gối thôi .Nhưng sao máu cứ nhểu xuống áo ? Đưa tay sờ mặt, sờ cằm, tôi phát hiện cằm mình bị vết thương dài và sâu..Bình tĩnh tôi kéo xe vào lề bỏ mặc xechạy bộ ngược về Chẩn y viện .Người trực sáng hôm ấy là anh y tá Bảy, anh đón tiếp ân cần, nhẹ nhàng lau rửa các vết thương, khâu lại vết rách ở cằm cho tôi… Anh cho tôi cởi quần dài để băng bó lại vết thương ở đầu gối . Trong lúc anh làm việc, tuy mặt rất đau nhưng tôi vẫn đứng và cúi xuống nhìn anh làm .Đến khi xong, như mừng vì hòan thành công việc, anh vụt đứng lên. Đang lúc cúi xuống, gặp cái “ quả tạ “từ dưới tung lên như qủa đấm của Tyson giáng vào mặt mình, tôi ngã nhào xuống giường không còn biết trời trăng gì nữa !

Chút sau “ tỉnh dậy“ ,anh Bảy rối rít xin lỗi tôi. Tôi gượng cười- Không sao đâu, anh em mà , anh giúp em cảm ơn không hết !.Nói là nói vậy chứ tôi cũng phải nằm lại thêm cả giờ vì cái mặt quá ê ẩm và đau đớn. Tôi nhớ khi nằm lại , tôi không buồn mặc quần dài vào và quên luôn hỏi thăm cả cái xe đạp ngòai kia của tôi .

xom-kho-dau

Xóm kho dầu

Nhớ lại mới lúc vào  học lớp Đệ Thất tôi bắt đầu tập tành viết truyện làm thơ, vẽ tranh vui cười, gởi đi đăng báo ở Sài Gòn .Tớ báo lúc âý tôi cộng tác có tên là Mầm Non. Phải nói đó là tờ tuần báo viết cho thiếu nhi khá sạch so với hàng lọat các tờ báo nhảm nhí khác. Nội dung mỗi kỳ báo gồm một truyện bằng tranh ( thường là cổ tích bắt đầu bằng từ ngày xửa, ngày xưa) chiếm gần hết 80% số trang của tờ báo. Hai trang chính giữa ruột báo giành để đăng thơ, phần còn lại truyện cười, tranh vui, tranh đố . Tờ báo tuyển chọn bài cũng dễ dãi nên hể ai có viết bài gởi về là có đăng và được gởi báo biếu .Tôi viết thường nên có  báo biếu gởi về khỏi phải mua .Từ lúc tôi viết báo cũng là lúc có nhiều thư từ gởi về ,thư của tòa sọan của các bạn gởi về tâm sự chia sẽ , có tuần tôi nhận được cả chục lá thư, có ngày nhận được vài ba lá . Ông chủ nhà trọ của tôi có vẽ không vừa lòng ,cứ nhắc tôi – Ông nội mầy đưa lên đây để học chứ không phải để làm nhà thơ, nhà  văn gì nghe! . Nghe ông nhắc nhở tôi hơi rối trong bụng .

duong-vao-nha-tro                                       Cổng đường vào nhà trọ

Ông phát thư của đường Cầu Lầu- Văn Thánh ,dáng người to lớn , mặt tròn ,da nâu đỏ có nhiều mụn, ít nói như chưa từng nói gì với ai, thường mặc đồ đen rộng, nón lá đội che kín nửa phần mặt, tay chống gậy trúc, vai mang túi đựng thư từ sách báo kè kè bên hông . Ông đi bộ rất chậm chạp rất nặng nề, nghe người trong xóm nói với nhau ông bị “dái bọng “ . Quan sát kỹ ông , tôi thấy phần hạ bộ của ông có to thật , nhiều lúc muốn hỏi thăm ông về bệnh tình nhưng rồi cứ đắn đo. Theo chỗ tôi biết, cũng có người bệnh như ông vì chứng ruột đùn, vì nhà nghèo hay có trở ngại vì đó không đi chữa, chịu đựng riết thành quen.

Phát thư cho ai ông cũng đều xin tiền, người nhận thư càu nhàu vài ba tiếng rồi cũng cho, được cái thư từ xa gởi về ( hồi đó đâu có cái a lô nhanh chóng như bây giờ đâu) tâm lý ai cũng mừng, cho nên: Thôi kệ ! vài đồng ăn bánh cũng hết ! Gặp người không cho ông  “cố lì “ đứng đợi trong im lặng . Có khi gia chủ vào nhà đọc thư xong trở ra cửa , vẫn thấy ông còn đó – Thôi kệ vài đồng làm phước. Thằng Tư con tôi thư về cuối tuần nầy mãn khóa.

Tôi biết là làm quen với ông phát thư từ năm học đệ thất đến ngày giải phóng . Thời cuộc đổi thay , tôi rời xóm Kho Dầu quên luôn “ ông bạn phát thư” . Tôi cũng không biết sau ngày 30/4/1975 ông có còn tiếp tục làm công việc của mình không . Ngày trứơc ông làm nghề này chắc cũng do sự chiếu cố giúp đỡ của quan chức nào đó ở  ngành bưu điện cũ  .

img_7835                                              Xóm cầu Lầu 

 Như phần trên tôi đã viết . Con đường Văn Thánh bắt đầu từ Cầu Lầu kéo dài đến chùa Pháp Hải thì chấm dứt bởi cái cống có con rạch nhỏ nằm bên hông Chẩn Y viện .Tuy nhiên người người vẫn quen gọi con đường kéo dài đến chợ Cua cũng là Văn Thánh nốt .Người nơi khác khi nghe nói chợ Cua cứ tưởng nơi đây có bán nhiều cua , nhưng không, người ta gọi vậy vì chợ nằm ngay cái cua quẹo thật gắt trên đường  từ Vĩnh Long về Trà Vinh .Đường Văn Thánh rất nhộn nhịp người vào những sáng chủ nhật .Thanh niên ở các đòan thể kéo nhau đi sinh họat, đi picnic rất đông .Thanh niên Hồng Thập tự thì về tập trung ở Chẩn Y viện, thanh niên Phật tử tập trung ở chùa Giác Thiên . Hướng đạo sinh thì rải rác kéo  nhau về nơi qui định trước.Thời gian từ năm 1970 có một số thanh niên mặc đồng phục hơi lạ .Hỏi ra đó là Thanh niên gia đình Thằng Bờm do báo Thằng Bờm lập ra .Áo sơ mi ngắn tay màu vàng cam,quần sọt màu nâu ,mũ bê rê màu nâu , trên cầu vai có gắn cấp hiệu ,chân đi giày vớ trắng kéo cao .Tiếc rằng báo Thằng Bờm chỉ tồn tại có mấy năm thì người sáng lập là nhà thơ Nguyễn Vỹ qua đời ,gia đình Thằng Bờm tan rã theo,

Nếu ai đã từng đọc báo  Thằng Bờm thời ấy sẽ có nhận định tờ báo rất tâm huyết trong vấn đề giáo dục thanh thiếu niên .Bài vở có chọn lọc kỹ càng, họa sỹ vẽ truyện tranh và minh họa là những họa sĩ có tay nghề cao, nét vẽ đẹp đầy thẩm mỹ .

Đặc biệt là các anh chị thanh niên trong gia đình Phật tử còn chịu trách nhiệm đỡ đầu và hướng dẫn các em ở nhóm Oanh Vũ ( Như sao nhi đồng của phong trào Đòan đội hiện nay ) nam mặc áo sơ mi màu lam, quần sọt có dây quàng lên vai, đầu đội nón nĩ 4 múi, nữ áo cũng giống nam , dưới mặc váy xanh dương  có dây quàng lên  hai vai,,vai mang túi vải xanh có thêu hình hoa sen trắng,  chân mang giày có vớ cao,

tung tăng chân sáo đến chùa trông rất dễ thương .Sau nầy gặp lại một sô em tôi biết khi xưa .tuy là phụ nữ nhiều con ,nhưng các em vẫn giữ được nét thuần thục trong sáng như ngày nào

Vì ham vui nên sáng chủ nhật tôi không đón xe về nhà ở Kho dầu mà đi bộ tà tà ngược lên hướng Cầu Lầu để cùng hòa với không khí vui tươi trên đường .Gặp các bạn đi sinh họat đòan thể họ chào tôi theo cách của đòan thể họ qui định , sử dụng các ngón tay của bàn tay phải ,đưa lên ngang vành tai phải

Nói về bến xe Cầu Lầu  từ ngày ấy tuy là bến xe khá sầm uất nhưng vô cùng nhếch nhác .Khu phố bên phải nối liền chợ làm ăn khá tốt nhờ bến xe nầy .Đường đi Vĩnh Long –Trà Vinh tất cả xe cộ đều phải chạy qua đây (Hồi ấy chưa có đường Cầu Vòng ,còn đường Phạm Thái Bường sau giải phóng vẫn là con đường đổ đất đỏ nhỏ hẹp) Xe chạy Vĩnh Bình (Trà Vinh ) chạy qua ngừng ở Cầu Lầu không lâu .Riêng xe về các quận thì đậu chờ khách khá lâu ,đợi xe sau “ đôn đít “ mới chịu lăn bánh. Bến xe tập trung đông đảo người lao động,mua bán quà vặt, chạy xe lôi, xe làm, khuân vác và khách bộ hành .Trên bến xe, phía dãy phố nằm kề có nhiều hẻm nhỏ đi vào xóm lao động ở phía sau .Xóm nầy có tên gọi là xóm Hòa Hảo vì  có đông người đạo Hòa Hảo trú ngụ . Mỗi chiều đi học về ngang đây tôi thường xuyên nghe tiếng đọc kinh giảng đạo trên loa sắt ở tháp cao được dựng bên cạnh bến xe .Mỗi năm đến ngày kỷ niệm { như ngày sinh của Đức Huỳnh Giáo chủ, ngày khai sáng đạo )  thì xóm Cầu Lầu giăng rợp cờ xí, khẩu hiệu, biểu ngữ bông hoa chào mừng .

Mùa mưa bến xe bị đọng nước đen ngầu, người người lẹp xẹp đi lại khó khăn, có hôm gặp người tốt bụng ở gần đâu đó đổ cả xe trấu xuống để bến xe tạm khô, tuy nhiên chẳng mấy chốc đâu cũng vào đấy …Nói về xe đò đưa khách , trước kia bến xe Vĩnh Long còn nhỏ, tọa lạc tại khu thương xá cũ nhìn sang công viên ( sau nầy làm thương xá mới ) giáp với tòa án ngày nay .Sau đó bến xe dời về Ngã ba Cần Thơ (đúng phải  nói là Ngã ba đi Cần Thơ ) sau giải phóng dời về phường 8 .

Xe khởi hành từ bến xe (Cần Thơ ) chạy về Cầu Lộ ,xuống đến cua ông Quang thì dừng đón khách .Sau đó xe chạy thẳng đến cầu Khưu Văn Ba (Phạm Thái Bường ) quẹo trái xuống Cầu Lầu và dừng lại ở bến xe nầy.Ngòai dàn xe Trà Vinh to lớn, sơn phết đẹp ,chạy nhanh, máy móc còn mới ,xe chạy đường Vũng Liêm cũng còn khá, thì các xe chạy về Minh Đức (Mang Thít ) Trà Ôn , Ba Kè….đều cổ lổ xỉ , như bây giờ chắc không ai chịu lên xe. Băng xe ngồi đối mặt cũ rách, ghế dựa có cái chỉ còn khung sắt, trời mưa không có sáo kéo tránh mưa, mui xe lúc nào cũng chở đồ cồng kềnh, có khi cho cả mươi mười lăm người trèo lên mui ngồi đỡ .Khi xe muốn nổ máy phải quay bằng tay quay (ma-ni quen),xe không chịu nổ máy thì mời khách xuống đẩy, có  khi đẩy thật xa xe mới chịu nổ máy, nhìn lại hành khách hỏang hồn .Mãi mê đẩy mà xe đã lăn khỏi bến hàng trăm mét ! Chiếc xe nào ngoan ngõan nổ máy ngay tại bến thì phun khói mịt mờ khét lẹt cả bến xe, sau đó cà giật, cà giật lăn bánh trong tiếng thở phào của mọi người .

   Ngày nay bến xe Cầu Lầu không còn, đường phố sạch đẹp khang trang, ngày như đêm đã ít tiếng ồn ào.Người ít tuổi,không biết nơi đây, ngày trước là một bến xe náo nhiệt ngày đêm, đông đúc người,có những cửa hàng và cá nhân nổi tiếng trú ngụ như phòng mạch của bác sĩ Võ Tam Anh (Bác sĩ đẹp trai , Giám đốc Bệnh viện cũ ) Nhà may Thăng Long của ông thợ  người Bắc được người trung niên ưa chuộng.Tiệm may Thời Tân, với các cô gái đẹp và mô đen may đồ hợp gu thanh niên nam nữ, Đại lý bia nước ngọt Lý Hiệp Dũ , Đông y sỹ Trần Đắc Thưởng vv..Đặc biệt, ờ xéo bên kia đường với Bến xe là biệt thự khá đẹp của BS Hồ Kiêm Ngọc , người mà cả gia đình rất sùng đạo Phật .Ngôi biệt thự có sân rộng thường xuyên đón tiếp đông đảo các Hòa thượng , Đại Đức , tăng ni tập trung về cúng lễ rất long trọng . Sau giải phóng , biệt thự cải tạo thành Bệnh viện y học Dân tộc Vĩnh Long

Vào năm 2006 ,khi nuôi mẹ bệnh ở bệnh viện nầy. Đêm tôi ra phía trước nhìn sang chỗ chợ và bến xe Cầu Lầu xưa, đèn điện sáng choang nhưng vắng bóng người.Tôi nhớ da diết những ngày tôi còn là cậu học trò ngày ngày đi học ngang đây để thấy thời gian đi nhanh quá

Từ Cầu Lầu đi về xóm của tôi  ở còn có những địa chỉ, con người mà tôi không thể nào quên .Đi qua khỏi cây xăng Shell nhà cửa hai bên đường đã bắt đầu thưa thớt, chung quanh những căn nhà đơn lẽ đều có vườn cây ăn qủa xanh tươi ,khu đất vườn rộng lớn của cô Trầm Thu Phượng, Hiệu trưởng trường Pháp Hải cũng tọa lạc trên khúc đường nầy

Bên kia đường vào con hẽm nhỏ cạnh nước đá Phước Vân là quán cà phê “Giọt đắng” ,quán có một thời nổi tiếng vì chỉ sử dụng nhạc Trịnh Công Sơn qui tụ nhiều sinh viên (SP) và học sinh vào buổi tối .Bên ngòai hẻm, cạnh đường cống nhỏ băng qua đường , có một ngôi nhà cổ kiểu Pháp ,rào sắt rất cao , trong sân có nhiều hòn non bộ và hoa kiểng. Nơi đây là nhà của ông lục sự tòa án với 3 cô con gái đẹp còn đang tuổi đi học. Không học cùng trường nhưng có nhiều lần đi qua lại nơi đây ,có dịp tiếp cận với các cô ,phải nói là ba chị em rất đẹp, đẹp nết đẹp người và làm cho biết bao chàng trai ngẩn ngơ .Với cuộc sống kín cổng cao tường của các cô , khi đi học hoặc khi về ngang đây lúc nào tôi cũng thấy các chàng trai lấp ló bên cổng sắt .

Năm 2014, anh Công giám đốc xưởng mộc Tân Thành Công xuống trường tôi liên hệ việc cung cấp bàn ghế để xây dựng trường chuẩn Quốc gia  .Gặp lại nhau chúng tôi mừng quá, bạn bè từ thuở  mới vào trung học , chúng tôi luôn miệng nhắc lại những năm tháng xưa , nhắc lại từng sự việc, con người, không quên nhắc về ba cô gái cạnh nhà của Công .Đến trưa, Công mời các “ quan chức “ trong trường dùng cơm thân mật .Nghe tôi nhắc lại chuyện cũ với Công, ông hiệu trưởng có chút men trong người hào hứng đứng dậy nói to :- Hai cái ông nầy ,nhậu thì không nhiệt tình ,chỉ lo nhắc lại chuyện đời xưa. – Hồi sáng  tới giờ nghe hai ông nói chuyện ba cô gái đến lần thứ sáu rồi đó .Tôi và Công đang ngồi kế bên nhau, cùng ôm vai nhau cười ha hả …

(Còn tiếp )

            NGUYỄN GƯƠNG 

 

 

                                                                                                

 

Có 8 bình luận về CHUYỆN VUI BUỒN NƠI XÓM TRỌ(Phần 2)

  1. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Mắt mờ, chữ nhỏ, cũng cố đọc đấy bạn Nguyễn Gương.

    Vì cảnh thật, người thật, việc thật,… được bạn quay phim lại rõ nét, hấp dẫn quá!

  2. Anh Gương ơi,

    Hy vọng trong phần kế sẽ được nghe anh nói về một doanh nghiệp ở bên phía bờ sông gần cầu Lầu, rất nổi tiếng với người dân Vãng Long: Lò mắm bà Méo với độc chiêu là món dưa mắm. Thức ăn… nằm bàn của dân trọ học, mà chắc mỗi lần anh về cầu Mới quê anh (?) xin viện trợ khẩn cấp, lúc anh đi, bà cụ thế nào cũng dúi cho anh một keo. Anh do biết thưởng thức “tà áo trắng bay phất phới” nên mất  tiêu chuẩn chai Eau de Cologne. Còn tôi, mỗi lần bà cụ về thăm tôi lại được 2 keo:” keo ruốc chà bông và chai eau de Cologne “để pha  vào nước tắm cho thơm” (cho át mùi khét nắng và hôi bùn?). Đường Văn Thánh còn một nơi HS hay lui tới là miếu cụ Phan với khuôn viên rất rộng. Anh có kỷ niệm nào nơi đó (và đến đó với bóng hồng nào) nhớ kể. Đặt hàng trước.

  3. My Nguyen nói:

    Những chuyện diễn ra ở Cầu Lầu-Văn Thánh được anh Nguyễn Gương hệ thống một cách mạch lạc, nhiều chi tiết hấp dẫn… Bản thân MN là người VL cũng không nhớ hết, ngay cả cái bến xe nhếch nhác Cầu Lầu nếu không được anh nhắc lại chắc cũng sẽ đi vào quên lãng.

    Bài viết với những cảm xúc vui, buồn lẫn lộn… Cảm động nhất là lúc anh nuôi mẹ bệnh ở bệnh viện Y học Dân tộc VL, đêm đêm nhìn đèn đường sáng choang mà nhớ da diết những bước chân của cậu học trò đã từng qua nơi này, trong những tháng năm trọ học.

    Cảm ơn anh NG và chờ đọc tiếp.

  4. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Kg Chị Hạnh ! Cảm ơn chị với lời khen .Phim nầy quay hồi 16,17 tuổi .Tôi học phim Ấn định quay luôn đến tuổi 63 đấy . Chị đọc tiếp đó nghe .

     

     

     

     

     

     

  5. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Kg Anh Hòang Long ! Dù ở trọ 7 năm nhưng ăn cơm chung với chủ ,tôi khỏi xin chi viện .Thương hiệu mắm anh nói thì ai mà không biết ,hết sẩy.Tuy thế tôi chưa sang đây .
    Đền thờ cụ Phan lúc đi học tôi thấy thiêng liêng lắm nên chỉ dám vào đây thư thã và chụp hình cùng bạn trai .

  6. Nguyễn Hoàng Trung nói:

    Thưa anh Nguyễn Gương,
    Anh  có trí nhớ thật tuyệt, khâm phục và ngưỡng mộ anh quá chừng. Bài viết của anh  đầy đủ và thật phong phú, tôi chỉ bổ sung chi tiết ông  già phát thư . Ông có tên thường gọi là ông Sáu Nuông , người mập tướng giống như nhân vật huyền thoại Chín Khùng, thương mặc đồbà ba đen, hay cười. Nhà ông ở phía sau đình Long Hồ, cạnh trường  tiểu học ngang nhà Bác Năm Kế thân  phụ cô Thu Nguyệt ( Nói về ông  chắc cô Thu Nguyệt biết nhiều ) Ông đi phát thư từ Cầu Lầu đến ngã Tư Long Hồ chỉ đi bộ, đồng hành theo ông thi thoảng có ông thầy bói mù, tay cầm chuông có tiếng thanh , trong và ngân. Chúc anh vui khỏe, chờ đọc phần tiếp theo. Chào anh.

  7. NGUYỄN GƯƠNG nói:

    Kính gởi Anh Hòang Trung !.

    Xin cảm ơn những lời nhận xét của anh .Hôm lâu rồi chị Th Nguyệt  có ghé cùng  đi ăn cháo. Nghe nói dự định viết lọat  hồi ức nầy chị có cho biết ông phát thư ở gần nhà .Hôm ấy trời tối chị gấp về nên không hỏi được nhiều . Chúc anh vui .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác