Lẽ nào bà Chúa lại đạo thơ ?

Ngày đăng: 20/08/2016 04:55:48 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Dưới đây là bức thơ của một học sinh cũ của cô Hồng Khanh tại TPH đã gởi cho cô sau khi đọc bài “Hai bà chúa thơ nôm đạo thơ ” và đọc hai phản hồi của cô về bài viết này. Đây cũng là những ý kiến đứng đắn và dựa trên căn bản vững chắc để bênh vực cho những gì tác giả đưa ra.

unnamed
Kính cô. Em cũng là 1 học sinh từng học cô năm đệ tứ . Thấy bình luận của cô ở bài viết về 2 bài thơ Nôm, em xin mạo muội có vài ý kiến như sau :

A /- Hiện em có 3 quyển sách văn học VN xuất bản khá lâu :

– THẾ HỆ DẤN THÂN YÊU ĐỜI của Thanh Lãng . Ông viết lời tựa tại Sài Gòn  ngày 4/8/1967.

– VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU của Dương Quảng Hàm . Ông viết lời tựa tại Hà Nội tháng 6 năm 1941 .

– VIỆT NAM THI VĂN GIẢNG LUẬN của GS Hà Như Chi . Ông viết lời tựa ngày 3 tháng 2 năm 1951 .

Dĩ nhiên em cũng còn nhiều sách Văn Học Việt Nam, nhưng ra đời sau 3 quyển nêu trên nên em không kể ra .

B /- Tại trang 295, em đọc được cụ Dương Quảng Hàm đã viết :

…..1.) Những bài đích- xác của Lê Thánh Tôn( như Thơ cho sứ- thần hoa sen ), vì lời văn cổ- kính và dùng nhiều chữ nho thật là khác hẳn với giọng thơ kim .

2.) Những bài không chắc là của ngài làm ra. Những bài nầy hoặc vịnh các hạng người hèn-hạ ( Thằng mõ . – Thằng ăn mày ) hoặc các vật tầm-thường ( Cái nón. – Cái chổi ) mà lời văn chải chuốt không khác gì lời văn thơ kim . Xưa nay ta vẫn cho những bài ấy là của ngài, vì phần nhiều những bài ấy tuy vịnh nhân-vật tầm thường mà trong ngụ ý tả chí-khí, thái-độ một ông vua hoặc một ông tướng, hình như khẩu-khí một bậc đế-vương. Nhưng biết đâu những bài ấy lại chả phải của hậu nhân làm ra mà đem gán cho vua Lê Thánh-Tôn chăng ? ( Em nhấn mạnh ) ( hết trích ) .

C/- Tại trang 168, em đọc được Linh mục Thanh Lãng đã viết :

….2.- Tác giả .  

 Ai là tác giả Hồng-Đức Quốc âm thi ? Chắc chắn là Lê-Thánh-Tông và Hội Viên Hội Tao-Đàn đã cùng xướng họa với nhau mà thành ra có Hồng-Đức Quốc âm thi , Phần chủ yếu chắc hẳn, cũng là của Lê-Thánh-Tông. Nhưng phân tích đề chỉ định đích danh bài nào là của ai, thì hơi khó, chưa có ai làm nổi, cho nên tôi đề nghị hãy cứ tạm coi Hồng-Đức Quốc âm thi là một công trình tập thể của hội Tao-Đàn .( hết trích )

D/- Tại trang 325 em cũng thấy bài CÂY ĐÁNH ĐU, trích trong Hồng Đức Quốc âm thi, mà em đã chụp ảnh đính kèm kính gởi cô xem .

E/- Em cũng hiện có vài quyển chuyên khảo THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG của các học giả tên tuổi như Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Tài Cẩn …. – Dài quá nên em không tiện trích dẫn – Các GS đều thống nhất ý kiến là chỉ một phần nào không nhiều lắm là do chính bà sáng tác, mà trong số đó lại bị người đời sau cải biên lung tung.Gây rất nhiều dị bản. Còn lại, đa số là do người đời sau, hay các nhà nho viết ra nhằm đùa vui giải trí với nhau, nhưng không dám để tên mình bèn gán hết cho bà. Nhất là những bài quá thô tục, bài ĐÁNH CỜ NGƯỜI, bài TRÁI MÍT… là những thí dụ

F/- Những ngày văn học viết bằng Quốc Ngữ còn sơ khai, mà các học giả thời đó đã “cẩn thậnđặt nghi vấn. Từ đó đến nay, xét về “Văn Bản Học”, chưa ai trưng ra được bằng chứng nào mới hơn, thuyết phục nhất, để bác bỏ những sưu tầm của quý GS, Học giả thời trước .

G/- Chúng ta đều biết mạng tìm kiếm trên Internet, suy cho cùng cũng là lấy “tài khoản” của người nầy “trả” cho người kia . Vì vậy những bài viết trên Internet dù cho trưng trích đủ thứ, mà không theo nguyên tắc “Văn Bản Học”, thì xem như là để tham khảo không được phép khẳng định .

H/- Trong quá trình tìm tư liệu trên mạng. Em đã gặp không ít  tranh luận gay gắt nhau, mà không ai trưng được bằng chứng thuyết phục. Cũng trích dẫn không chỗ nầy cũng chỗ kia , mà các địa chỉ trích dẫn đó lại không có gì đáng tin cậy hết . ( Em được biết, thí dụ như quyển GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ, dịch giả đã cho in luôn cả phần chữ Hán bản gốc có những dấu khuyên, dấu gạch chân, bằng mực son, để người xem có thể tra cứu chỗ nào nghi ngờ do tự dạng Hán Nôm. Người xưa cẩn thận như vậy mà còn nhầm lẫn sơ sót dẫn đến tranh luận. Huống chi những đường link mơ hồ trên Internet ) .

K/- Trở lại 2 bài thơ Nôm được đề cập. Qua sự phân vân, nghi vấn, của các học giả đầu tiên mà em nêu trên, em nghĩ, cho đến nay, không có bằng chứng nào chứng minh được 2 bài  “CÂY ĐÁNH ĐU” ( được gán cho là của vua Lê Thánh Tông ) và “ ĐÁNH ĐU” (có sách lại viết là ĐU TIÊN ? ) ( được gán cho là của bà Hồ Xuân Hương ), thì bài nào trước bài nào sau ? Và đích thị tác giả là ai ?

Bài QUA ĐÈO NGANG TỨC CẢNH hay có sách chỉ viết ĐÈO NGANG, về “Văn Bản Học”, các cụ ngày xưa cũng không có bản viết tay nào đúng là bút tích của bà Huyện Thanh Quan, các cụ cũng chép lại theo truyền khẩu, và đã được Văn Học Sử Việt Nam khẳng định hơn nửa  thế kỷ nay . Cho nên câu chuyện được “internet” kể về xuất xứ bài thơ từ tên của 2 nhân vật, thì lại cũng là một “giai thoại” truyền khẩu ( em học và  đọc gần hết đời người của mình, mà cũng mới biết trên đời nầy lại có câu chuyện thú vị đó ) .

Bằng cảm tính, em quyết không thể nào tin được nhân cách của 2 bà Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan là những người “đạo thơ”.

Bằng cơ sở  “Văn Bản Học”, em chỉ tin những sách đã được kiểm duyệt, in ấn đàng hoàng và có niên đại xưa nhất .

L/- Em xin kể thêm một thí dụ : Về bản dịch CHINH PHỤ NGÂM. Dù ông Phan Huy Chiêm, được sự ủng hộ của học giả Hoàng Xuân Hản, cũng không có trong tay bản viết tay nào của cụ Phan Huy Ích để chứng minh bản diễn Nôm CHINH PHỤ NGÂM đang lưu truyền hiện nay là không phải của bà Đoàn Thị Điểm . Cho nên giả thuyết của học giả Phan Huy Chiêm ( thân phụ của cô Phan Ngọc Tần ) gây sôi nổi một thời gian dài, cuối cùng không được ai theo .

M/- Sau cùng, em xin phép cô, em được nói lên tiếng nói của lòng mình, rằng :” Thế hệ của em – và cả của cô- sẽ đau lòng biết bao nhiêu, khi người ta truy tìm được bằng chứng thuyết phục một cách tuyệt đối, 2 bà đã “đạo thơ” ! May sao, điều đó đã chưa xãy ra” .

Em kính chúc cô và quý quyến được vạn an.

Nay kính thư .

Học trò cũ của cô .

Thương Thơ

Có 4 bình luận về Lẽ nào bà Chúa lại đạo thơ ?

  1. Văn Hừng nói:

    Có thể đã có người  đau lòng khi …chưa gì mà  hậu sinh nói tiền nhân đạo thơ đấy.

     

  2. Cám ơn em đã gởi thơ cho cô. Cô rất đồng ý với em về câu cuối của lá thơ :” Thế hệ của em- và cả của cô- sẽ đau lòng biết bao nhiêu, khi người ta truy tìm được bằng chứng thuyết phục một cách tuyệt đối, hai bà đã “đạo thơ” ! May sao, điều đó đã chưa xảy ra.”

    Cô chúc em luôn giữ được niềm vui trong việc tìm kiếm cũng như nghiên cứu về văn học nước nhà như em đã, đang và tiếp tục làm.

    Cô Hồng-Khanh

  3. Phong Tâm nói:

     

    Rất đồng ý “Lẽ nào bà Chúa lại đạo thơ”?

    Đọc bài viết trên tôi thấy nhẹ lòng, dầu chưa biết tác giả Thương Thơ là ai, nam hay nữ và nghề nghiệp? Nhưng qua văn phong, cách dẫn chứng, kiểu lý luận và sự cẩn trọng cần thiết của người cầm bút, theo tôi nghĩ đây là người có lối “phát ngôn” thận trọng… có tâm, “có nghề”.

    Tôi rất hợp ý với tác giả: nguồn tư liệu đầy dẫy trên mạng “internet” cũng không lấy gì bảo đảm cho sự chân xác, tất cả vẫn còn là “nghiên cứu”, truy tìm, thì những luận cứ mà chúng ta đọc, nghe, thấy được cũng chỉ là suy luận của lớp người sinh sau mà thôi. Sự hiếu kính đối với người xưa là một đức tính không thể thiếu, là đạo lý của ngàn đời.

    Tôi cũng rất thấm thía với lời tỏ lòng thắm thiết của Thương Thơ với cô Lê Thân Hồng Khanh, rằng: “Thế hệ của em – và cả của cô – sẽ đau lòng biết bao nhiêu, khi người ta truy tìm được bằng chứng thuyết phục một cách tuyệt đối, 2 bà đã “đạo thơ”! (PT nhấn mạnh) May sao, điều đó đã chưa xảy ra”.

    Rất cám ơn tác giả với bài viết “Lẽ nào bà Chúa lại đạo thơ” với góc nhìn nhẹ thoáng hơn.

    Phong Tâm

  4. My Nguyen nói:

    Mấy hôm nay được xem qua các bài viết phản hồi về vấn đề “Hai Bà Chúa thơ Nôm”, tôi thật sự rất nhẹ lòng. Bởi “Lẽ nào Bà Chúa lại đạo thơ?”Tôi rất đồng ý với tác giả Thương Thơ trên hai quan điểm: Bằng “cảm tính” thông qua tài năng và nhân cách của hai Bà, tôi cũng quyết không tin điều đó. Bằng cơ sở “Văn Bản Học”, thì chỉ nên tin vào những sách đã qua kiểm duyệt, in ấn đàng hoàng và có niên đại xưa nhất, như tác giả bài viết này đã nói.

    Đây là một vấn đề lớn mang tính văn hóa, nhân văn…Chúng ta là hậu bối, không thể căn cứ vào một số thông tin thu thập được, rồi đưa ra kết luận vấn đề. Tôi thấy rất không nên.

    Xin cảm ơn cô Hồng Khanh những ngày qua đã có rất nhiều quan tâm, giúp chúng em được an lòng. Xin cảm ơn tác giả Thương Thơ về bài viết thật hay này…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác