NHỮNG ÂM THANH TƯỞNG CHỪNG NHƯ ĐÃ MẤT

Ngày đăng: 23/06/2016 11:31:23 Chiều/ ý kiến phản hồi (6)

Nhớ thuở nhỏ, có những buổi trưa im vắng, tôi được các dì cậu đưa về nhà ngọai ( cách nhà nội một con xẻo nhỏ) là thích lắm, mặc dù không gian, cảnh sắc chẳng có gì ngòai màu xanh cây lá bao quanh.

Nhà ngọai nghèo, chồng trước ngoại mất, chồng sau họat động cách mạng bị đi tù ở Bà Rá không biết ngày về. Nhà ngọai tềnh tòang, vật dụng trong nhà đơn sơ, bàn ghế cái lành cái hỏng, cũ kỷ. Đặc biệt, cậu Ba là tay sát cá và chim chóc. Trong nhà ngọai lúc nào cũng có vài ba hủ cá, “rộng” để dành ăn dần. Bên hè là những lồng chim to nhốt đủ thứ chim do cậu đánh bắt đựơc ở trong vườn và ngòai đồng vắng. Cậu có tài bắn ná thun nên khó có chim nào thoát khỏi tay cậu. Nhớ  có lần gần đến đám giỗ nhà ngọai, trời chiều, hơi xụp tối, cậu qua nhà nội chơi, thấy con diệc và lũ chim bay trên đầu, bay thấp như về tổ. Cậu dùng dàn ná và đạn đất vò giương ná lên nhắm vào con chim to nhất nả đạn. Con diệc trúng đạn , bay lảo đảo qua khỏi đám lá rơi xuống chòm mã. Khi có người chạy ra, diệc chuẩn bị lấy sức  bay đi trốn, bị đè bắt lại. Con diệc bị bắt, sảy cánh hơn 1,5 m. Bữa sau đám giỗ có món cari thịt diệc, ngon như thịt vịt xiêm.

Chơi ở nhà ngọai buổi trưa có những âm thanh quen tai sau nầy ít khi còn nghe thấy, đôi khi lâu lắm mới có dịp nghe lại như tiếng võng kẻo kẹt vang lên giữa trưa. Ở nhà dưới mát rượi và tràn đầy nắng gíó bởi vách nhà làm bằng tre nẹp tre đan. Nghe tiếng gà con kêu chim chip bên tiếng gà mẹ túc con ngòai hè.

Trời xế chiều, cơn mưa quê nghèo chợt đến vội vã, các cậu dì ra cửa sau hú sang nhà gọi mẹ bảo rằng để thằng cháu ở lại chơi, hết mưa sẽ đưa về…Gió thổi ào ào trên máy nhà , lá tre sau nhà xào xạc, những chiếc lá vàng bay khắp sân , chim chóc ở đâu  bỗng kéo về đậu đầy cành cam, cành mít chung quanh nhà ngọai, làm như chỉ có nơi nầy chúng mới đậu được vậy.  Những chú chim sâu, chim húp mật đậu ở cành cây thấp nhất , đưa ức xù lông  vàng óng, dưới lớp lông  xanh đen óng ánh hấp dẫn, đôi chân thì như hai chiếc tăm tre luôn lung lay như đứng  không muốn vững trước ngọn gió hung tợn của cơn mưa chiều….

Mưa tạnh, sân trơn, bước ra sau nhà cảnh tượng càng buồn và hoang vắng . Khói bếp cơm chiều vương lảng đãng bốc lên từ mái lá còn ướt đẩm nước mưa, khói nhẹ nhàng bay lên bám vào những nhành tre, lá tre còn đọng nước. Dưới gốc tre, đám gà nòi lai mặt đen, lông xám, chân chì đứng lố nhố bên đống cà ràng ông táo hư bể được người nhà mang ra để từ hồi nảo hồi nào làm cho không khí càng u tịch hơn . Bờ mương nước ròng hiện lỗ chỗ các hang còng, hang thòi lòi..Đàn vịt của ngọai sau mưa đã ùa xuống rạch tìm mồi kêu nhau inh ỏi .

ga

Trong góc nhà, trời đã tạnh mưa nhưng con cóc “chết dầm” nào đó bỗng nhiên nghiến răng trèo trẹo. Các cậu dì thích chí, chọc phá lên . “ Cóc cắn chân, cóc cắn chân thằng nào lạ, đừng ai bồng ẩm nó ” Tôi quính quáng nhảy tót lên giữa bộ ngựa, miệng kêu ử, ử, các dì, cậu vỗ tay cười…

Cảnh quê buồn, nhà ngọai nghèo khó là những nhận định của tôi về sau . Lúc ấu thơ làm gì tôi nghĩ đến . Lúc ấy có lẽ ai cũng sống và suy nghĩ bằng tấm lòng non nớt , yêu những người thân , thương quý những cái gì thường nhật , quấn quit , với mình mà thôi . Có lẽ vì vậy mà nhà văn Nga Erenbua khi viết về tình yêu tổ quốc cho rằng “ Lòng yêu nước ban đầu là những vật tầm thường nhất …Lòng yêu nhà , yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc …”

Những buổi sáng nắng vàng trải khắp sân nhà nội, tai tôi bắt đầu ghi nhận những âm thanh quen thuộc của ngày mới. Có những hôm, chim khách từ sau vuờn bay lướt qua nhà thật thấp kèm tiếng kêu “ khách khách” rõ to, bà tôi bảo hôm nay nhà có khách đến chơi. Chẳng biết có phải vậy không, vì lúc tôi khoảng 5 tuổi thì nhà nội đã ăn nên làm ra  rồi, khách tới không có gì là lạ. ( Con chim khách tôi nhớ, màu đen than khá to, đuôi dài, cánh rộng khi bay ngang nhà ai thì chầm chậm khoan thai để kêu khách! Khách!)

Chạy chơi bên hè nhà,  nếu dừng chân lặng im tôi có thể nghe tiếng chảy róc rách của cái óng bọng dẫn nước từ ao cá tra ra mương xẽo đổ thoát ra sông lớn, tiếng ồ ồ rồi róc rách như tiếng vui tai quen thuộc mỗi ngày.

Nhìn chếch về phía sau vuờn, trên những tàu lá dừa cong cong của những cây dừa lão, trên các nhánh sầu riêng cao cao ít lá là hình ảnh các anh chị  cu gáy đang ưởn ngực tròn trịa dưới ánh  ban mai , nghe tiếng gáy vang cả khu vườn , tiếng gáy nghe êm tai, như bản nhạc bình dị chân chất đặc trưng của vùng quê xa, hình dáng chim gáy trên nhánh cây cao như bức tranh sơn thủy mà vòm trời xanh, nền trời xanh cộng với mây trắng vắt qua vài sợi làm nền, đã hình thành bức tranh tuyệt tác miền quê trong nắng sớm.

Nắng lên cao nuớc bắt đầu lên, tiếng bìm bịp đâu đó lại đưa về. Tiếng con chim khá to, nghe nói xương cốt nó là thuốc chửa gảy xương, nhức mõi không gì bằng, tiếng kêu nó buồn buồn da diết nhất là nước lớn bắt đầu từ lúc xế chiều..

  Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi

                     Buôn bán chẳng lời, chèo chống mõi mê..

Nếu không là người lớn lên ở miền quê sông nước, người mới đến đây sẽ luôn miệng hỏi con gì , tiếng gì như người quê ra phố lúng túng trước xe cộ ngược xuôi, sắc màu đô thị..

Đến trưa, tôi bị bà ép phải lên võng nằm dỗ giấc ở nhà dưới rộng thênh thang, tiếng gà mái kêu ổ làm mọi người thấy êm ấm quá buổi trưa hè. Tiếng con gà mái cục tát, kêu oang oác sau khi đẻ trứng vàng đánh thức giấc ngủ trưa của em bé trong nôi…và đặc biệt tai tôi nghe văng vẳng tiếng gà gáy trưa. Tiếng gà thân thương không phải ở nhà mà đó phải là tiếng gà của hàng xóm, ở nhà bà ngọai , ở cạnh bụi chuối , bờ tre ngoài vườn. Tiếng gà xa xa tạo nên một miền quê yên bình , sự yên ả đằm thắm qua từng phút giây

Một miền quê không có tiếng gà gáy trưa sẽ như  thế nào nhỉ!  ! .Chắc chắn ở đó là khung cảnh rờn rợn thê lương mang mùi chết chóc.

Một vùng trắng bãi tha ma

Lặng im không một tiếng gà gáy trưa!

Có những hôm, trời chạng vạng tối, đứng ở bến sông, nhìn về phía chùa ở hướng đông, cách chừng cây số, mặt nước sông đầy tràn mấp mé bờ đi, ánh trăng lên sớm như dát vàng lấp lánh cả khúc sông, tiếng trống , tiếng chuông ở chùa ngân lên theo làn gió chướng như ru nhẹ lòng người. Trong sự cảm thụ của đầu óc  trẻ con lúc ấy tôi vẫn cảm nhận có cái gì êm đềm , đạo đức và thiêng liêng.

Tối lại trời lạnh. Gió bấc xào xạc thổi. Đầu hôm vào giường nằm nghe tiếng gió rít bên ngoài , nghe tiếng lá chuối vỗ phành phạch và tiếng kêu lộp bộp của tàu lá khô, tôi rúc mình nhỏ nhoi cạnh bà tôi để ngủ thiếp đi đến sáng.

Sau nầy đi nhiều nơi, phần lớn thời gian tôi sống ở phố thị, ở nhà rồi cũng ở phố chợ, những âm thanh náo nhiệt mà tôi vốn không ưa đã “ thô bạo” nhảy vào cuộc sống hàng ngày. Nhiều lúc nghe lại một âm thanh cũ hay sự việc gì đó cứ nghĩ nó chưa từng có chưa từng đã xãy ra.

Hôm nọ, nghe tiếng gà gáy ở cuối sớm chợ, nghe tiếng gà không êm tai, lục cục, đứt quảng bèn mò đến để xem ai đã nuôi gà. Hóa ra bọn trẻ đang nuôi gà chuẩn bị đá tết. Hèn gì tiếng gáy như lạ như xa, nghe như có hơi ăn thua trong giọng gáy, không như tiềng gáy của con gà ngày trứơc  đứng gáy ở góc bụi tre trong  vườn nhà ngoại.

Hôm mới nghĩ hưu, với mục đích đi tìm lại những âm thanh xưa tưởng chừng như đã mất, tôi về quê dự đám thôi nôi đứa cháu. Đinh ninh sẽ ở lại đến chiều, tìm ra góc vườn nằm võng để nghe lại những âm thanh xưa. Đám vừa xong, xách gối ra võng bên hè dứơi tán cây xanh định nằm thì cũng lúc đám đàn em, cháu dọn thêm bàn nhậu ra hè. Biết mình bệnh, các em cháu không “đá động” gì đến. Nhưng chẳng mấy chốc hai bàn nhậu “không say không về” đã làm náo động cả khu dân cư. Thôi thì đành cuốn gói rút quân vô điều kiện.

IMG_0158 Sau đó chừng một tháng, lại có đám cứơi nhà bên ở trong vườn. Lần này cứ tưởng chuyện sẽ xãy ra trong nhà, sau vườn sẽ là nơi mình chiếm ngự. Nhưng khi vào ăn đám mới hỡi ơi!  Đám có kéo về trống nhạc xập xình. Nhìn mấy cái loa vuông vuông đặt quay tứ phía, rồi nghe bọn trẻ a lô thử giọng tôi phát khiếp!.

Có lẽ không cần nói thêm về những “ hậu quả “ của dàn nhạc nầy.  Ở quê tôi, có đám gì cũng kéo dàn nhạc về gọi là chơi cho “ oách ”. Đám đầy tháng hay thôi nôi con, trúng số đề, đám giỗ, cưới, mừng xin việc được, đều kéo dàn nhạc về làm tuốt. Ở vườn,ở đồng còn đỡ cho nhà lân cận , ở chợ thì sáng ra những nhà hàng xóm  ai cũng lờ đờ và trắng dã con mắt vì bị tra tấn bởi âm thanh không mong muốn.

Tôi nhớ ngày trước ( mà có xa xưa đâu ) Nhà có đám cưới thường trang trí tươm tất  bàn dài trước bàn thờ gia tiên.Các cụ ông ( trên 60 tuổi đã được ngồi ở đây rồi ) thường trực ngồi ở đây đàm đạo trà nước . Cái bàn nầy được coi như Bộ chỉ huy làm việc , các cụ quán xuyến  công  việc ở nhà trên . Thấy có đứa con cháu nào làm càn quấy trong lúc nói năng nhậu nhẹt là gọi vô rầy rà, nhắc nhở. Bọn trẻ biết có “ đài quan sát ” thường xuyên , nên ăn nhậu , vui chơi biết kiềm chế, qui cũ.

Dần dần cái bàn giữa chỉ còn sử dụng vào mục đích lạy hôm rước dâu hay đón rễ  rồi thôi. Các cụ ngồi đó để làm gì nữa khi nhạc trống xập xình nói chẳng ai nghe ai. Có cụ té ho vì tiếng nhạc lớn ép tim, ép phổi quá mức .Tôi nghiệp cho nhiều cụ ông, cụ bà, lên bàn ăn ngồi cách thùng loa vài gang tay, ăn không xong mà nói cũng không được . Có ông xồn xồn đi đám về uể oải lắc đầu : – Ăn cho lẹ, bỏ tiền vào thùng cho  nhanh để về , rùm beng tức ngực quá !

Ờ trên tôi đã nhắc lại những âm thanh kỷ niệm của thời thơ ấu . Tôi đã sống với nó cả quãng  đời tuổi trẻ , Chắc chắn rồi cả đời không thể nào quên. Nhưng rồi đây kỷ niệm xưa sẽ mất, ngày vui xưa sẽ tàn bởi nhiều nguyên nhân khách quan mà ta chỉ còn biết làm người đồng hành với nó. Qui luật cuộc sống là vậy .Chính vì thế ,khi đặt bút viết bài nầy, ở những đọan đầu tiên tôi rất buồn khi hòai niệm về ngày cũ. Nhưng nghĩ lại có gì đâu mà buồn, thế là tôi viết tiếp những đọan bi hài ở phía sau .

Lão ông ngồi chờ nghe tiếng gà gáy âm vang kỷ niệm  của năm xưa sẽ  hóa đá mất thôi ….        Nhưng nói gì thì nói  kỷ niệm xưa mãi không tìm lại được thì phải là gỗ đá đâu mà không biết buồn ?!

 

Cầu Mới. Mùa hè 2016

NGUYỄN GƯƠNG

 

Có 6 bình luận về NHỮNG ÂM THANH TƯỞNG CHỪNG NHƯ ĐÃ MẤT

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Đọc bài của Nguyễn Gương. Tui có nhiều cảm tình : đồng hương ( Cầu Mới – Tam Bình chung dòng sông Măng ), lời văn mộc mạc, dung dị, thêm cái nữa là ảnh minh họa là con gà chạy bộ quá đã !

  2. Anh Gương, Hoàng Long đọc xong bài của anh mà thấy ngùi ngùi. Có những âm thanh đã gây ra nơi chúng ta những ấn tượng sâu sắc, khó quên, và hình như bây giờ “chừng như đã mất”. Xã hội phát triển tạo nhiều tiến bộ, cầu, đường được làm cho nhanh và tiện việc giao thông nhưng cũng mất đi những âm thanh như tiếng còi đò (dọc), tiếng gọi ghe, xuồng xin quá giang… Mong được đọc tiếp bài của anh. Chào anh. Long (cựu hs TPH)

  3. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Tôi đã có nhận xét này từ nhiều phản hồi trước:

    Các nhà văn ở  ” Xóm Cầu Mới”  viết rất hay.

     

  4. Nguyễn Gương nói:

    Cảm ơn anh cả. Nếu anh chịu khó đọc lại bài « Không là máu thịt …»của em phần đầu .gốc em ở Ba kè .Hậu Lộc —Tam Bình .Đây mới là đồng hương đích thực

  5. My Nguyen nói:

    Đọc bài viết của anh Nguyễn Gương nghe một nỗi nhớ quê hương dạt dào và tình quê hương lắng đọng từ lâu trỗi dậy. Những âm thanh quen thuộc tưởng chừng đã mất như tiếng cóc nghiến răng trèo trẹo, tiếng nước chảy róc rách từ ống bọng, tiếng bìm bịp kêu nước lớn, đặc biệt là tiếng gà gáy trưa…đã được anh Gương khơi dậy một cách gần gũi, thân thương.

    Cảm ơn anh Nguyễn Gương về một bài viết rất hay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác