KHÔNG LÀ MÁU THỊT NHƯNG HƠN RUỘT RÀ (P1)

Ngày đăng: 29/04/2016 12:59:08 Chiều/ ý kiến phản hồi (2)

Khi xưa, ba tôi cưới vợ lúc còn rất trẻ, chỉ mười bảy, mười tám gì đó thôi..Sau khi ăn hỏi , qua thời gian chờ cưới gần 2 năm, chưa lần nào ông được ngồi nói chuyện với vợ tương lai ở một chỗ riêng lẽ vắng người. Chưa bao giờ ngồi ăn cơm chung, chưa bao giờ cùng nhau xuống bếp, chưa hề được ngủ lại nhà vợ dù nhà có đông người. “Ông nội” tôi hồi ấy khó lắm.

Thời kỳ chờ đến đám cưới là thời giặc gĩa lan rộng khắp vùng Tam Bình, Ba Kè, Cái Ngang, Ông Tấm, Cai Hóa, Bà Nương ( vùng mà thuở thiếu thời ba tôi thường chèo ghe mỗi ngày cùng ông nội đi bán trà – hàng vải )

Chiến cuộc khốc liệt như vậy nên kế họach cưới hỏi dở dang, vợ tương lai của ba tôi buồn phiền chịu đựng, sinh bệnh rồi đột ngột qua đời. Ba tôi mất vợ chưa cưới khi chưa một lần nắm  lấy bàn tay của bà …

Ba tôi kể lại, thời kỳ nầy là năm máy bay Pháp bị bắn rơi ở Tam Bình. Năm ấy gần tết, bộ đội chủ lực về ăn tết với dân, chủ động không đánh phá quân Pháp để dân ăn tết yên ổn.Nhưng lúc đó, Pháp như đánh hơi được có bộ đội về, một chiếc máy bay “ bà gìa “ hai từng cánh của Pháp cứ bay thấp rà tới rà lui tòan khu vực . Thế là bộ đội không thể nằm im, Kế họach bắn máy bay được đặt ra. Anh bộ đội bồng cây trung liên lên chạc ba  cây bần ven sông ,  máy bay “bà gìa” nhởn nhơ bay dọc theo dòng sông bị quạt cho mấy phát bốc cháy mang theo 2 tên giặc lái rớt xuống cách xa hiện trường . Giặc Pháp điên cuồng bố ráp…Người dân bỏ tết chạy lọan , nhà cửa bị đốt, người bị bắn giết, hãm hiếp, ( Việc nầy chắc anh Cả Lần rành lắm)

 

dodoc2

ảnh minh  họa

ĐỨA CHÁU NGANG HÔNG

Chiến cuộc tạm yên, “ Ông nội ruột ” tôi lúc bấy giờ bị bệnh nhiều lại gìa yếu nên đưa ba tôi về nhà vợ, hai sui gia ( cũng là hai bạn bè ) thỏa thuận: ông già vợ nhận rễ làm con nuôi. Từ đây tôi có hai ông nội. Hai ông cùng là người Hoa, cùng là bạn nối khố nhiều năm nên lời hứa của người xưa như đinh đóng cột . Ba tôi làm phận con nuôi rất trọn đạo được họ hàng thương yêu từ nhỏ đến lúc qua đời (83 tuổi ). Ba tôi được học nghề thuốc , học mua bán, giao thiệp dần dần đã thay thế ông nội quán xuyến tất cả họat động kinh doanh về sau.

Lúc ba tôi về Xuân Hiệp làm rễ, đến sau nầy làm con nuôi trong nhà nội, vì vợ đã qua đời, thì mẹ ruột của tôi cũng có mặt trong nhà nầy với tư cách cháu xa của bà nội, được bà cưu mang. Thân thế của mẹ tôi cũng thật đáng thương. Mới lên 3 tuổi, cha mẹ thôi nhau. Mẹ tôi theo cha, ông có vợ khác, bà ngọai cũng có chồng khác. Ở cùng cha với mẹ kế chưa được mấy năm thì cha lại bệnh mất. Mới 7 tuổi đầu mẹ tôi bơ vơ, nơi trở về là bên ngọai, ở vài tháng lại sang bên nội .Khi bà dì đi lấy chồng mẹ tôi về ở hẳn bên nội. Nhà làm thợ rèn , ông bà nội của mẹ tôi cũng đều gìa yếu , còn bà cô , nhưng bà thì đi vắng nhà suốt ngày, bà tham gia Hội phụ nữ xã. Mẹ tôi hơn 10 tuổi đầu, hàng ngày mặc quần cụt áo ngắn ngang bụng đi bán từng chiếc bánh ít, bánh ú, bánh lá dừa ở bến tàu, đò, trường học, máy chà. Thấy mẹ tôi mồ côi , cực khổ, nhà nghèo..bà nội tôi đã xin phép được mang mẹ tôi về nuôi để phụ việc

Mẹ kể lại thời hàn vi của bà, bà biết thế nào là ăn mặc quần vải bao bố tời, biết thế nào là nấu nước sôi để trụn cho chết trứng rận đeo bám trong quần áo. Biết cái sao chổi mọc sáng rực trên nền trời phía tây nam mỗi khi trời chạng vạng tối, theo những người lớn tuổi hơn, đó là điềm xấu cho người trong vùng được nhìn thấy nó.

 

Ba mẹ tôi cùng ở chung một nhà của ông nội vài năm, cùng xuất thân là phận nhà nghèo nên dễ cảm thông nhau dễ phát sinh tình cảm. Biết chuyện, sau khi nghe hai đàng tự thú , ông nội tôi cho mời cha mẹ hai bên về làm lễ tác hợp cho ba mẹ tôi. Từ đó ở gia đình nội tôi có đôi trẻ phụ việc là con, là dâu ngang hông, nhưng rất mực trung thành.

Năm sau, tôi chào đời (1955) gia sản của ông nội phát triển thấy rõ, có lẽ nhờ sự đóng góp tích cực của ba mẹ tôi- Mẹ tôi được phân công về vườn ( Bà Soi- Xuân Hiệp cách chừng 1km) để tập trung lo cho  heo queó , gà vịt. Công việc chăm sóc vườn không còn nhàn nhã như trước, nào: nấu cám, quết chuối, chăm sóc heo gà vịt, xay lúa, làm cỏ, tưới rẫy. Với 15 công vườn, có khi mẹ tôi làm không xuể phải thuê người để phụ bửa cũi, chặt róc lá dừa , làm cỏ vườn, giữ con( em kế của tôi). Ba tôi quán xuyến tiệm tùng mờ sáng đã ra đi, chiều đỏ đèn mới về.

Vì mẹ tôi bận bịu tất bật như vậy nên tôi được bà chăm sóc ( tôi gọi bà cố vì bà là mẹ của ông nội ). Bà sinh duy nhất có mình ông nội nên rất thương yêu con cháu. Bà thương yêu tôi dù tôi không có chút liên hệ máu thịt nào. Trong gia đình thuở đó chỉ có mẹ tôi có chút bà con xa với bà nội, bây giờ là dâu ngang hông.

Bà cố thương tôi như trứng  từ khi tôi có mặt bên bà. Ngòai việc bú mớm tôi phải cần mẹ, tất cả những việc khác đều do tay bà lo toan cho tôi. Tập đi, tập nói , tập ăn đều do một tay bà . Thức ăn như cơm hầm, và các món khác dành  cho trẻ đều tự tay bà làm cho tôi ăn. Mãi đến khi lớn lên tôi vẫn quen ngủ chung với bà. Bà ngồi ru tôi ngủ mỗi trưa, không bao giờ võng bị ngừng dù bà có làm công việc gì đó.

Đầu những năm 60, hưởng ứng phong trào Đồng Khởi, tình hình an ninh quê tôi xấu đi, đêm  phải nhiều lần  thức giấc chạy xuống hầm tránh đạn. Bà đưa tôi xuống luôn dưới hầm ngủ cùng bà, hầm bít bùng oi nực bà đã thức suốt đêm để quạt mát cho tôi. Những khi tôi bịnh , không là thầy thuốc nhưng bà lo toan tất bật còn hơn cả cha mẹ tôi nữa.

Ban ngày chạy chơi quanh quẩn vòng nhà nhưng chốc chốc tôi lại đi tìm bà  để sa vào lòng bà dăm ba phút mới tiếp tục chạy chơi. Có dịp sang nhà bà ngọai chơi với cậu, dì ( nhà cách một con rạch hẹp – hú nhau đã nghe tiếng ) . Đang chơi bất chợt tôi đòi về vì ” nhớ bà cố quá “. Các dì cậu mất hứng bảo : Mai mốt đừng thèm ẩm nó về bên nầy làm chó gì. Mầy chê nhà bà ngoại nghèo hả mậy !?

Từ tình hình chiến sự quá lộn xộn, chợ Xuân Hiệp mất an ninh, chợ luôn bị hăm đốt ra bình địa. Ông nội tôi sợ quá , ngưng buôn bán về Cầu Mới lập cơ sở buôn bán mới. Mẹ tôi và bà cố thì còn nấn ná để ở lại trông nom vườn . Những ngày đầu xa bà  và mẹ, đêm nằm ngũ với cha ở Cầu Mới, nước mắt tôi chảy ướt dầm cả gối mà không dám khóc (như đã nói ông nội tôi rất khó tính – nhà thì đang ở đậu để chờ cất nhà mới ) Nhớ mẹ thì ít nhưng nhớ bà thì nhiều , đến khi mòn mõi ngủ được thì hình bóng bà cứ lúc ẩn, lúc hiện trong giấc ngủ với những công việc hàng ngày mà bà chăm chút lo lắng cho tôi

Thi thỏang được theo cha hoặc ông nội về thăm vườn, bước ra khỏi đò, leo lên bến nước là tôi chạy ù tìm bà ,ôm bà khóc ròng như để trút hết nhớ thương, một lát sau mới buông  bà ra để đi chơi ..Xế chiều, đò vô rước, lần nào cũng như lần nào , cứ mỗi lần nghe tiếng đò  máy xình xịch chạy đến đầu voi là tay chân tôi muốn rụng rời, lại khóc, lại ôm bà như  không muốn rời …

Có lần đó, chị Hai trong ruộng ra chơi , chị là cháu của mẹ , chừng 12 tuổi, tôi thì lúc đó 7 tuổi .Nghe tôi tâm sự sợ phải xa bà , chị bày cách lấy muối bỏ vào bếp để làm cho đò hư vì xui xẻo, tôi được ở lại mai về ..Nghe lời chị tôi tôi bỏ muối hột vào bếp  lửa đang đỏ , muối nổ lép bép mà đò cứ lạnh lùng xình xịch chạy vào. Phát hiện và biết chuyện bà và mẹ ôm tôi cùng khóc

Đã hơn 50 năm qua rồi hình ảnh bà tôi đứng trên bến sông nhìn theo con đò đưa tôi về Cầu Mới như còn in đậm trong tâm trí tôi. Hơn 60 tuồi đầu nhưng  cứ mỗi lần có dịp về thăm quê, đứng trên thềm nhà cũ tôi lại khóc….(CÒN NỮA)

NGUYỄN GƯƠNG

 

 

Có 2 bình luận về KHÔNG LÀ MÁU THỊT NHƯNG HƠN RUỘT RÀ (P1)

  1. My Nguyen nói:

    Câu chuyện anh Nguyễn Gương kể với một cấu trúc thật chặt chẽ, phản ánh trung thực tình hình ở một vùng quê trong những năm chiến tranh (bởi lúc đó ít nhiều MN cũng đã biết). Lại rất cảm động về chuyện một “đứa cháu ngang hông”, thật đúng với câu “không là máu thịt nhưng hơn ruột rà”, đáng quý biết bao!

  2. Như Thuỳ nói:

    Cám ơn anh Nguyễn Gương, những trang viết về kỷ niệm xưa của anh thật giàu cảm xúc . Mừng trang nhà có thêm một cây bút dài hơi !

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác