TẢN MẠN NGÀY XUÂN

Ngày đăng: 3/02/2016 09:08:01 Sáng/ ý kiến phản hồi (5)

BS Lê thị Bích, người thân của cô Hồng Khanh được cô giới thiệu vào thăm trang nhà với chúng ta. Bà năm nay đã  quá tuổi cổ lai hy nhưng bút lực còn sung mãn, tới đây sẽ mang đến cho trang nhà những bài viết đặc sắc mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa của thế kỷ trước, hữu ích cho đàn em (SOS)

 

Lời Chào Ra Mắt

Xin chào, “Trang Nhà” Vĩnh Long-Tống Phước Hiệp 

Thật vui như đã gặp lâu rồi

  Hẹn ngày “trời đẹp” như trong mộng

  Ta sẽ gặp nhau rộn tiếng cười

   BS Lê Thị Bích

 

h2BS Lê thị Bích và phu quân, BS Vũ Dung (2015)

Ai dè loáng một cái hôm nay đã nửa tháng của mùa Xuân 2016. Đúng như câu thơ của đại thi hào NGUYỄN DU “Ngày Xuân con én đưa thoi”, thời gian như chạy vội, xin hãy chầm chậm ở “Nàng Xuân” tuổi 74 để nghe những “Xuân Em” kể chuyện về Xuân.

Những Xuân còn bỉm sữa thơ ngây quá nên chưa biết gì để lưu lại, từ tuổi thiếu thời về nay biết bao kỷ niệm Xuân vui buồn, giấy bút đâu mà ghi lại cho hết….

Không thể quên được tuổi Xuân13 (tính theo âm lịch), tuổi Xuân đau buồn nhất!!! Má ra đi vĩnh viễn trong cơn bạo bệnh bất ngờ bỏ lại ba và 10 đứa con thân yêu cùng đàn cháu nhỏ thơ ngây. Cuộc cải cách ruộng đất là thủ phạm của cuộc ly tan này! Những Xuân sau cứ đến ngày mồng năm Tết, ngày Má mất là không khí đau buồn lại bao trùm cả căn nhà và lòng người. Sự thiếu vắng bóng dáng của người mẹ thân yêu là nỗi đau không gì tả siết. Giờ đây nghe đâu đó  vẫn còn có những người con phụ bạc cha mẹ lúc tuổi xế chiều thì hai mắt cứ cay cay và lòng lại ước gì mình còn cha mẹ để phụng dưỡng.

Có lẽ ông trời sắp đặt, hai người trên nhau một lớp gặp nhau trong một trường nên lại có 6 mùa Xuân với nhiều mầu sắc. Mùa Xuân năm 1964, tôi học năm thứ hai Y khoa, trời Hà Nội rét buốt, sau một tuần về quê nghỉ Tết, tàu vừa tới ga Hàng cỏ (ga Hà nội bây giờ) đã thấy một anh chàng trên sân ga lao tới cửa ra vào. Lúc này mới thấy mùa Xuân thật sự ùa tới…quên hết giá lạnh ngoài trời, một mùa Xuân bất tận cùng với những tiết học say mê trong giảng đường đại học, càng gắn bó chúng tôi cũng như với các bạn bè thân thiết.

Thế hệ chúng tôi được đào tạo trong ngôi trường có thể nói là danh tiếng, một ngôi trường mà các thầy là những người rất mô phạm và chuẩn mực, là những thầy thuốc hàng đầu ngành Y, được đào tạo từ các nước tiên tiến trở về, chúng tôi rất hạnh phúc vì điều đó.

Thế rồi cuộc sống bình yên bị đảo lộn, năm 1965 Mỹ ném bom miền Bắc, nối tiếp những mùa Xuân ly tan.Tất cả cho chiến trường, tuổi trẻ ra tiền tuyến, sinh viên y khoa cũng không ngoại lệ.

h1BS Bích và phu quân (1966)

Mùa Xuân đầu tiên trong xa cách là năm 1967. Thật không dễ dàng gì khi phải xa nhau nhất là khi ngày Xuân đến, tròn 10 năm trong quân ngũ mà chỉ có một mùa Xuân anh được về xum họp với gia đình. Có lẽ dồn cả 9 năm xa vắng và nhớ thương cho mùa Xuân ấy, hạnh phúc biết nhường nào!

Tuy vật chất ngày ấy thiếu thốn mọi bề vì đất nước còn khốn khó nhưng bù lại tình người giàu có hơn lúc nào hết. Cả năm, ba ngày Tết mới có bánh chưng, dưa hành, cá thịt. Cố sao cho con trẻ có bộ quần áo mới để khoe với bạn bè, tung tăng chào Xuân mới.

Thế rồi chiến tranh cũng đi qua, đất nước ngưng tiếng súng. Niềm vui xum họp, nhà nhà đoàn tụ, người người trở lại quê hương. Tôi cùng con theo chồng về quê nội tại thành phố Huế. Cũng là lẽ thường, “nhập gia phải tuỳ tục”, tôi thật sự lúng túng vì chưa quen phong tục nơi đây. Chỗ thờ tự ở Huế thật sự nghiêm trang, các thủ tục cũng theo trình tự sắp đặt từ ngàn xưa. Từ những cái nhỏ nhất như vái lạy tôi cũng lạ lẫm, cách bày biện mâm bàn như phải có đủ mâm thượng mâm hạ, rồi bàn trong , bàn ngoài cứ coi như là rối tung. Mấy mùa Xuân đầu phải nhờ người nhà giúp để học lỏm. Rồi những năm sau cũng  quen dần và bây giờ tạm coi là thành thạo.

Hai mươi năm, hai mươi mùa Xuân ở Huế, biết bao kỷ niệm buồn, vui, mà giờ này đã 16 Xuân qua vẫn còn lưu luyến mãi trong lòng.  Sao quên được những ngày giáp Tết tại Huế, tất bật trước cả tháng lo sắp đặt cái này cái nọ. Tan tầm ở bệnh viện, mấy chị em lại kéo nhau ra chợ, có ngày đi chợ ba lần mà trên giỏ xe lần nào cũng vẫn đầy ắp đồ đạc. Gần Tết,  trời Huế hay có mưa dầm và rất lạnh, vậy mà có hôm năm giờ chiều còn phải lội bùn ngập chân trong chợ Đông Ba, rét buốt mà vẫn vui.  Càng vui hơn vì những năm sau các con đã lớn, giúp mẹ được nhiều việc. Vân, Nguyệt làm các loại bánh theo khuôn như bánh con cơ , bánh thuẫn v.v….có năm nhà gói bánh chưng thì có bác Yến, chú Huấn giúp, mọi người cùng thức khuya ngồi quanh bếp lửa vui thật là vui.

Một bước ngoặc lớn trong cuộc sống là năm 1995 Vân vào Sài Gòn làm việc sau khi tốt nghiệp. Một năm sau lại đến phiên Nguyệt rời gia đình và ba mẹ, căn nhà trở nên trống vắng. Nhiều lúc nhớ con cứ khóc hoài, nhưng nghĩ các con đã trưởng thành, phải để cho các con bay nhảy, hoạt động ngoài đời thì mới khôn ngoan được nên cũng phần nào an ủi.

Chớp mắt đã đến tuổi nghỉ hưu, lúc đầu thấy lo vì sợ nhàn rỗi quá không biết làm gì để lấp đầy khoảng trống. Không ngờ sức khoẻ bỗng lao dốc vì một cơn bạo bệnh, từ đó Sài Gòn lại là nơi ấm áp, thích hợp cho việc dưỡng bệnh, hơn nữa có con cái ở gần nên tiện cho con chăm sóc khi ba mẹ ốm đau.

Những mùa Xuân đầu kể từ năm 2000 ở Saigon buồn vô hạn. Ít bạn bè, đồng nghiệp để tới lui, không khí đón Xuân cũng không đượm màu sắc cổ truyền như ở Huế. Tất cả đều có sẵn, chỉ một ngày là có thể sắm đủ mọi thứ cần thiết để mừng Tết đến. Việc cúng kiếng cũng không câu nệ như ở Huế nữa, mọi chuyện giản đơn hơn, nhiều thời gian để nhớ và ôn lại những kỷ niệm xưa, chẳng khác gì những thước phim quay ngược thời gian chầm chậm nhưng quý báu vô cùng.

Tết dương lịch vừa đi qua, Tết cổ truyền sắp đến, mọi người cùng bận rộn lo sửa soạn đón Xuân.  Chúng ta hãy tạm quên mọi việc để hân hoan mừng Xuân mới với nhiều niềm vui,  thành công và tràn đầy hạnh phúc trong cuộc sống.

Bài và ảnh BS Lê thị Bích ( 15/1/2016 )

 

 

Có 5 bình luận về TẢN MẠN NGÀY XUÂN

  1. Chào mừng cô đến trang nhà với những kỷ niệm ngày Xuân qua bao nhiêu biến chuyển của cuộc đời, của thời cuộc……với lối viết nhẹ nhàng rất truyền cảm, BS Bích đã lôi cuốn người đọc theo giòng thời gian, lúc vui, lúc buồn, khi đoàn tụ, lúc chia ly để rồi cuối cùng cả đại gia đình quây quần xum họp đón Xuân tại Saigon với đầy đủ con, cháu, dâu hiền, rể thảo. Đó là niềm vui, là hạnh phúc của các bậc cha mẹ đã sống và hy sinh suốt đời cho con cháu.

    Nhân dịp Xuân đến, xin chúc cô chú cùng các em, các cháu những ngày Tết thật vui và một năm mới  nhiều sức khoẻ, an bình và hạnh phúc.

    Lê-Thân Hồng-Khanh

  2. Hoành Châu nói:

    Bài viết hay, hấp dẫn    của BS Lê Thị Bích đã lôi cuốn người đọc , đề cao  tấm   lòng chung thủy ,  bảo vệ  tình yêu thương chân thật để có được mùa xuân bất tận. ,,thể hiện nét đẹp của  người Phụ nữ Á Đông  nói chung   và Việt Nam  nói riêng !
    Trang nhà từ nay có thêm hai Bác Sĩ bảo vệ an toàn thực phẩm cho BẾP ẤM và tăng cường Sức khỏe , Dinh dưỡng  cho các  anh chị em  Trang nhà .Hihi                    Hoành Châu  (Gia đình C  )

  3. nguyễn thị đức tính nói:

    Cô Bích kính mến,

    Đọc bài viết của cô, cháu bồi hồi xúc cảm theo dòng tâm sự ngược về thuở ban đầu của Cô khi gặp được Chú , mùa Xuân đích thực thật thơ mộng cho mãi đến những năm tháng sau này . Cô là bác sĩ mà viết văn quá tuyệt chả thua nhà văn đâu , Cô ạ. Nhìn ảnh thời trẻ của Cô, cháu mới biết em Vân quả là được hưởng nét xinh đẹp lẫn tính cách đảm đang, tinh tế khéo léo của mẹ mình.

     

  4. nguyễn thị đức tính nói:

    Cháu xin kính chúc Chú Cô, em Vân cùng toàn gia những ngày Tết vui tươi và một năm mới tốt lành ạ .

  5. My Nguyen nói:

    Cháu xin chào cô Bích! Đọc “Tản Mạn Ngày Xuân” của Cô, nếu không được giới thiệu, cháu không nghĩ đây là bài viết của một Bác sĩ đã quá tuổi “cổ lai hy”. Lời văn mượt mà, sinh động, đặc biệt là trí nhớ của Cô thật tuyệt vời. Cô đã kể lại từ mùa Xuân của tuổi 13, đến những mùa Xuân ở Huế, ở Sài Gòn… Đặc biệt nhất là mùa Xuân của thời sinh viên với một mối tình tuyệt đẹp, bền vững đến hôm nay. Cháu thật là ngưỡng mộ.

    Năm mới, cháu kính chúc Cô Chú và gia đình dồi dào sức khỏe, hưởng một mùa Xuân vui tươi, hạnh phúc…

Trả lời My Nguyen Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác