CHUYẾN XE CUỐI NĂM

Ngày đăng: 6/02/2016 04:53:57 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Lúc ấy đất nước đang chiến tranh và Ba tôi lại làm công chức ở tỉnh Phước Long (Sông Bé) nên chị em tôi được gửi về nhà dì ở Vĩnh Long trọ học. Mỗi cuối năm, mẹ lại về Sài Gòn mua sắm thêm đôi chút, bổ sung hương vị xuân cho phần nhu yếu khô khan vẫn ăn hàng ngày do tổng cục tiếp tế chở bằng máy bay lên cung cấp, và đón chị em tôi lên Phước Long ăn tết.

Muốn đến Phước Long phải theo quốc lộ 13 lên Bình Dương, Bến Cát, sang ngả ba Chơn Thành rồi quẹo phải sang Thuận Lợi, Đồng Xoài rồi mới đến tỉnh lỵ Phước Bình. Những năm chiến tranh chưa ác liệt có thể đến Phước Long bằng xe đò Bửu Hiệp (nhà xe hãng này ở Sài Gòn nằm trên đường Lê Lai, bên hông ga xe lửa; bà chủ hãng sau là vợ của Nguyễn Bá Lương, chủ tịch hạ viện).

Cuối năm đó chiến tranh ác liệt lắm. Đường 13 bị đánh phá liên tục; cầu sập, đường chỗ thì đấp mô, chỗ thì bị đào. Muốn lên Phước Long lúc đó phải đi theo đường vòng: từ ngả ba  Chơn Thành quẹo trái lên Bình Long, sang Lộc Ninh rồi đi dọc biên giới Việt – Campuchia đi theo hướng bắc để sang Phước Long, và cũng không có xe đò mà phải đi xe cải tiến vừa chở người, vừa chở hàng. Khách đi xe chủ yếu là mấy bà bạn hàng (những người có chức, quyền sợ bộ đội bắt nên chỉ đi bằng phi cơ).

4Thành phần khách đi xe hôm ấy hơi đặc biệt, đa số là mấy bà vợ công chức. Mấy bà cùng nhau về Sài Gòn sắm tết và đã hẹn, đặt chỗ trước trên chuyến xe quay về (đi phi cơ không chở được nhiều hàng). Xe đang chạy trên con đường đá đỏ ngoằn ngoèo giữa rừng và đồng cỏ xanh cao khỏi đầu (lúc này mùa mưa mới dứt), và xe đã cách xa Lộc Ninh khoảng 20 km, gần biên giới Việt – Campuchia thì có hai người ra đón xe. Đó là 2 anh giải phóng, một anh cầm cây súng trường mòn vẹt báng, còn anh kia xách ngược một con khỉ. Không khí trên xe căng thẳng. Anh lơ nhảy xuống tiếp xúc. Hai anh muốn bán con khỉ. Xe đã chật nứt người và hàng thì chỗ đâu chứa xác con khỉ nhe răng phát ớn, rồi còn máu me tùm lum? Không ai muốn mua. Bế tắc.

Các anh giải phóng cần tiền chỉ để mua thuốc hút, và (lý tưởng là) mua được cái đồng hồ Seiko hay Titoni đeo ở cổ tay và cái đài (radio transistor) chạy bằng pin để đeo lủng lặng dưới nách. Và có thể nói đây là cơ hội duy nhất (không có chuyến xe nào khác chạy ngang) để các anh kiếm được ít tiền qua việc bán con khỉ (vì Mặt trận nghiêm cấm xin hay cướp) tiền của dân. Người trên xe (phần vì sợ) không ai muốn dời khỏi chỗ ngồi, nói gì chuyện mua bán? Thế dằng co trên mặt đất không giải quyết được thì giải pháp đến từ trên trời.

Trên trời tiếng máy bay trực thăng bay đến mỗi lúc một gần. Không phải đợi ai bảo, anh lơ và mấy người ngồi gần cửa lôi phắt hai anh giải phóng lên xe. “Vẫn còn ló chân!”, ai đó thảng thốt thét. Vậy là hai anh được lôi té dúi dụi nằm dài trên xe. Bác tài nhanh tay móc ra lá cờ vàng treo lên mui cabin xe rồi rồ ga chạy. Trực thăng bay đến. Ác nỗi nó không bay vụt đi như lúc đến mà cứ bay chầm chậm trên đầu. Người ngồi trên xe có thể nghe tiếng cánh quạt chém gió phần phật. Trên trời trực thăng bay, dưới đất xe vẫn chạy nhưng giờ có thêm hai hành khách bất đắc dĩ. Không khí căng thẳng, không ai dám ho một tiếng (phần vì tiếng trực thăng át). Xe vẫn chạy nhưng đến khúc quẹo thì điều tồi tệ nhất hiện ra: phía trước, non cây số, là một đồn lính với những lô cốt và lá cờ bay phất phới trên nóc đồn. Bây giờ mới gay go thật sự. Trên trời là trực thăng vũ trang, trước mặt là đồn lính với những lỗ châu mai tua tủa, trên xe là hai anh giải phóng với một khẩu súng trường. Xe mà chạy vào đồn là người ngồi trên xe chết chắc! Thế là tùy nghi, mỗi người một cách; ai có đạo đọc kinh, người không biết làm gì thì co rúm người lại, nín thở… chịu trận. Bác tài nhanh trí xuống ga, cho xe chạy thật chậm; chậm như rùa bò, từng mét một. Trực thăng cũng giảm tốc bay chầm chậm trên đầu. Hành khách không ai mặt còn chút máu.

Đột ngột trực thăng bay vụt đi (có lẽ do thấy đã đến gần đồn). Bác tài chỉ chờ có thế lập tức tấp xe vào ven đường. Hành khách cũng không khách khí lập tức đẩy hai anh ra khỏi xe (có lẽ 2 anh cũng không khách khí mà lập tức lủi vào rừng). Xe vọt chạy. Hành khách chỉ thở phào nhẹ nhõm khi xe chạy qua cổng đồn được anh lính gác ở đó vẫy tay chào. Hình như tết năm đó là tết Mậu Thân.

        Nguyễn Hoàng Long

 

PS.:  Nguyễn Hoàng Long, học trò cô Lê Thân Hồng Khanh lúc dạy trường Tống Phước Hiệp.

 

Có 5 bình luận về CHUYẾN XE CUỐI NĂM

  1. My Nguyen nói:

    Xin chào anh Nguyễn Hoàng Long! Bài viết của anh thật hay, thật lôi cuốn, hấp dẫn. Chuyện xảy ra cách nay đã gần nửa thế kỷ, vậy mà đọc bài viết này MN còn muốn…nín thở. Năm mới đến, chúc anh Hoàng Long vui khỏe, hưởng một mùa Xuân đầy phúc lộc.

  2. Nguyễn Hoàng Long là cựu học sinh trường TPH và là học sinh lớp đệ tứ mà tôi giảng dạy. Dù chỉ học tại TPH có hai năm nhưng cũng gắn bó với trường xưa, với cô thầy cũ. Cũng theo nghiệp giáo và dạy cùng môn Anh Văn như tôi, nay đã về hưu và ở tại Saigon. Vì không được thông báo kịp thời nên đã lỡ dịp cô trò gặp gỡ năm 2014, tuy vậy khi nhận được email address của tôi qua một người bạn, Hoàng Long đã có thơ thăm hỏi và từ đó trở đi vẫn thỉnh thoảng có thơ trao đổi. Em thường kể cho tôi nghe những kỷ niệm của em ngày xưa, những kỷ niệm mà người có dịp đọc thấy hay và thú vị. Tôi đề nghị em ghi lại và gởi lên trang TPH-VL để chia sẻ với các bạn đồng môn. Đây là bài viết đầu tiên, hy vọng kể từ đây trở đi, chúng ta sẽ thỉnh thoảng có dịp thưởng thức những bài viết khác của Nguyễn Hoàng Long.

    Cô Hồng-Khanh

  3. Nguyễn Văn Gương nói:

    Nguyễn Gương nói: Càng về cuối năm, càng cận tết. Trang nhà đã xuất hiện nhiều tự truyện chân thật và hết sức giá trị. Ngoài giải trí đơn thuần nó còn cung cấp cho người đọc kĩ năng sống quí báu. Tôi rất thích câu chuyện này và tự truyện Món quà…của cô Hồng Khanh

  4. Hoành Châu nói:

    Đọc bài viết hay , sống động của  Nguyễn Hoàng Long  làm ta nhớ lại một thời kỳ vô cùng phức tạp  đã qua ,,, bằng những  câu chuyện  éo le  rất thật , rất gần ,. Cảm ơn người viết thật nhiều ,,, chúc vui Xuân  cùng  các anh chị em Trang nhà nhé !        Hoành Châu  (Gia đình C  )

  5. vothilai nói:

    Anh long thân mến ! em xem bài viết của anh hơi muộn,bài viết của anh rất thực, rất hay thời chiến tranh là thế có những chuyện thật éo le có lúc làm chúng ta nghẹt thở . Vậy là anh học với cô Khanh trước tụi em một lớp tụi em học cô năm 69-70,mong được xem nhiều bài viết của anh,năm mới chúc anh dồi dào sức khỏe,gia đình vui vẻ, đầm ấm hạnh phúc,phát tài phát lộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác