Đi chùa tạm trú

Ngày đăng: 12/03/2015 11:12:23 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

Kính thưa Cô, Đêm hôm rồi con nằm mơ thấy Cô và Vân. Hai người đều rất ốm. Cô mặc bộ áo quần mầu xanh lục đậm. Vân không hỏi, không nói, chỉ có Cô hỏi con: “Răng mi không viết thư cho Cô”. Lúc đó không biết con ăn gì mà đầy miệng nên chưa kịp trả lời, vừa mới ngửng đầu lên thôi là Cô và Vân đã đi vào trong rồi. Giật mình thức dậy mới biết mình nằm mơ!

nisu 1Mấy lâu nay, từ khi bắt đầu mùa mưa, là con lên ở chùa. Hôm qua trời nắng, con mới chạy về nhà, lau chùi dọn dẹp nhà cửa và ngủ một đêm ở nhà thì đã mơ thấy Cô và Vân. Ngày hôm nay vẫn còn nắng ráo nên con ở nhà mở cửa, phơi hong đồ đạc, chứ mưa dột ngập nên nhà có mùi ẩm mốc. Khi nào mưa con mới lên chùa lại, tối nay con vẫn còn ngủ nhà và có thể con sẽ ra internet café để check e-mail. Con hay được e-mail của chị H nên biết Cô vẫn khỏe, mỗi bữa Cô ăn được hai chén cơm và lên được hai kí làm con mừng và rất yên tâm, vì Cô khỏe, Cô vui là chị H vui.

Từ rằm tháng tư đến rằm tháng bẩy các Sư thầy, Sư cô đều nhập hạ, chỉ ăn ngày một bữa và không ra khỏi chùa. Đây là thời gian thu hoạch thuốc Nam nên các thầy giáo, cô giáo đi chùa khá đông. Các cô phần lớn đều tình duyên lận đận hoặc chưa lần nào kết hôn, các cô bảo là các cô đi “bòn phước”, chỉ có mình con là đi chùa để tránh dột, tránh ngập mà thôi, nhưng không ai biết rõ điều này.

Sống ở chùa rất bận rộn nhưng đông nên cũng vui. Mỗi ngày bắt đầu từ bốn giờ sáng gọi là “đi công phu khuya”. Tụng kinh tức nhiên phải tụng thêm “chú Lăng Nghiêm”, đây là bài chú khó nhất, chả thế mà nhân gian có câu “Đi lính sợ cửa ải, vào sải sợ chú Lăng Nghiêm”. Hễ ai thuộc được chú Lăng Nghiêm là được cạo đầu, được xem là con nhà chùa, lên chức, khỏi phải làm “tiểu”. Chú này khó thuộc mà lại dễ quên, chỉ cần ba ngày không đọc là quên tuốt; thành ra con không thể nào trở thành “con nhà chùa” nổi. Đi công phu khuya mất khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó là đi dọn dẹp (quét dọn, tưới cây) hoặc đi chuẩn bị bữa ăn sáng. Ăn sáng toàn những thứ Cô thích: khoai môn, khoai mì, khoai lang; có bữa ăn cháo hoặc bánh mì (nếu có ai đem cúng dường).

Đến bẩy giờ, nhóm nào đi hái thuốc, phơi thuốc, xắt thuốc, sao vàng khử thổ, ngâm nước gạo v.v… thì đi lên núi, lên rẩy hoặc vào lán bào chế. Ban đầu con ở nhóm hái thuốc, nhưng leo núi có một lần là “khói bốc đỉnh đầu”, chưa kể chuyện hái lầm thuốc vì chưa nhận dạng nổi, làm bao thuốc con hái phải đổ bỏ vì không ai có công ngồi nhặt lại (thuốc đúng rất ít mà sai lại quá nhiều). Sau đó con chuyển qua tổ “chặt” thuốc, chỉ một ngày thôi là tay phồng mọng nước nên chẳng ai cho con sao thuốc sợ lại phỏng tay. Thế là con không còn ở tổ thuốc nữa mà vào bếp. Các thầy cô giáo đều ở trong tổ thuốc, dưới bếp toàn các bà nghèo khổ, lỡ dở tình duyên, nên túm được con để trút bỏ nỗi lòng, than thân trách phận. Con nhờ học được tính dịu dàng, thông cảm, khoan dung của chị H nên chịu khó lắng nghe và an ủi các bà, nhờ vậy mà những việc nặng được các bà làm hết cho. Gạo thì vo từng thúng, dĩ nhiên là con bê không nổi rồi; còn cơm thì không nấu trong nồi mà nấu bằng cái chảo gang to chiếm nửa căn phòng; xúc cơm thì bằng cái xuổng xúc đất; củi đun mỗi cây to và dài bằng cái cột nhà. Dĩ nhiên là bếp nóng hừng hực và khói mịt mù, con chịu không thấu, không thể nào chui đầu vào bếp nên con chỉ lang thang ra vườn hái rau cải, rau thơm; xuống ruộng, xuống hồ hái rau đắng, rau dút, bông súng… cũng may là không có đỉa. Rau nhiều lắm, đủ thứ rau chưa kể người ta còn đem cúng dường giá, măng, bí, bầu, bún, bánh hủ tíu … và trái cây, nhiều nhất là chuối. Ngày nào cũng có chuối, ăn không hết nên có người lấy chuối nuôi giấm, làm rượu chuối đem về nhà bỏ mối nữa đó. Giỏi dang thì lên chùa cũng có thế có đường “làm kinh tế” vững vàng. Con thì chịu thua thôi.

Trong chùa cũng là một xã hội thu nhỏ, cũng có quyền lực như một ông vua. Con biết rất nhiều chuyện, mà có nằm mơ con cũng không tưởng tượng ra nổi. Có điều đây là nơi con trú thân cho qua mùa mưa nên con nhắm mắt làm ngơ.

Mười giờ con đi cúng ngọ, các sư thầy, sư cô chỉ ăn một bữa lúc mười một giờ, sau mười hai giờ thì không ăn gì nữa mà ngồi toạ thiền. Nhà bếp và tổ làm thuốc thì sinh hoạt khác. Buổi trưa chúng con được nghỉ một tiếng, sau đó chuẩn bị buổi chiều, bốn giờ chiều chúng con lại đi “công phu chiều”; năm giờ chiều chúng con đi ăn cơm tối. Sáu giờ rưỡi lại tụng kinh nhật tụng kèm theo kinh Địa tạng và nghe thuyết pháp đến tám giờ tối. Sau đó là thời gian rảnh rang nhất trong ngày để các bà túm lấy con mà kể lể khúc nôi. Mười giờ tối chùa tắt hết đèn và phải nằm im tiếng cho đến bốn giờ sáng hôm sau.

Cô xem con bận rộn như thế thì đâu còn thì giờ để suy nghĩ vẩn vơ hay buồn rầu nữa. Ở chùa mà đừng đi tu, đừng tranh giành quyền lợi, địa vị trong chùa thì cũng vui lắm. Mấy bà được trút bỏ nỗi lòng tâm sự, mấy bà cảm thấy nhẹ nhàng, giải thoát. Con bắt chước chị H thông cảm, an ủi, sẻ chia nên trong bếp có gì ngon thường dành cho thầy trụ trì, con cũng được các bà lén để dành cho chút ít. Việc nặng các bà làm hết, con chỉ chạy lăng xăng có mặt cho có lệ vậy thôi, chứ cầm cái xuổng con cầm còn không nổi thì làm sao con leo lên bệ để xúc cơm chia được. Nồi canh nào cũng vừa to vừa cao không kém chỉ cần đưa mặt đến gần cũng đủ ngạt thở rồi vì hơi bốc lên nghi ngút, chứ nói chi đến chuyện thò tay vào múc canh chia. Vậy mà chẳng có ai phân bì tị nạnh với con hết, trong khi các bà khác chỉ một câu nói thôi, cũng bị bắt bẻ rồi gây lộn um sùm cả lên.

Ở chùa các bà ăn chay mới ba bữa thôi là đã thèm cỗ mặn hết sức. Thế là mỗi ngày con tả một món của chị H nấu cho các bà nghe, làm các bà tưởng đâu con rành nấu nướng và khéo lắm, cứ đòi sau Vu lan (mãn hạ) sẽ tụ tập lại để con biểu diễn cho các bà ăn thử, làm con kiếm đường chạy muốn chết. Con có từng nấu nướng bao giờ đâu, với lại các món của chị H nấu “cao cấp” quá, tốn nhiều tiền lắm, nhỡ các bà ấy hùn tiền lại mà con nấu không xong thì sao? Để khi nào Cô và chị H về, con phải học nấu ăn, rồi tự tay nấu thử một lần từ A đến Z mới được.

Con cầu mong Cô vẫn khoẻ mạnh và an vui. Nhớ Cô và chị H lắm! Trông Cô và chị H về vô cùng.

TÍP TÊ TÊ

 

Có 4 bình luận về Đi chùa tạm trú

  1. nguyễn thị đức tính nói:

    Bài viết rất hay, tên tác giả lạ nhưng giọng kể chuyên lại quen quen, vì duyên dáng quá. Mong tác giả làm.ơn cho biết tên chùa và địa điểm để tín nữ đến đó xin làm công quả, chắc cũng sẽ được hưởng lộc như Típ Tê Tê, bởi thực tình sao tín nữ thấy mình sao giống hệt tác giả bài viết này. Mong lắm thay.. Nếu được sẽ cúng dường …hối lộ Típ Tê  Tê nhiều món ngon vật lạ, chay mặn tuỳ thích. Kính.

  2. Giọng văn rất truyền cảm , chinh phục lòng ng đọc

    Một TIP TÊ TỂất dễ thương và rất thiện

    Chùa cũng là một xã hội rất phức tạp.Hoàn cảnh của TIP TÊ TÊ. mình cũng thấu hiểu vì nhà mình ở gần chùa mà

    Mà chùa nào cũng có điểm giống nhsu vừa tôn nghiêm , vừa thạt giả khó lường

    Nghe giọng văn thì Tip Tê Tê là một ni chăng?

  3. hoàng Hưng nói:

    Tip Tê Tê viết: “Trong chùa cũng là một xã hội thu nhỏ, cũng có quyền lực như một ông vua. Con biết rất nhiều chuyện, mà có nằm mơ con cũng không tưởng tượng ra nổi. Có điều đây là nơi con trú thân cho qua mùa mưa nên con nhắm mắt làm ngơ.” Có thêm được: “Trong chùa cũng là một xã hội đầy phong kiến,bất công thu nhỏ, Sư cả có siêu quyền lực hơn vua.”  Được không?  

  4. Nguyễn Thị Hạnh nói:

    Giọng văn này đọc nghe quen quen, tả thực, hóm hỉnh…, sao giống phong cách viết của bà chị mà ngày hôm qua bọn mình vượt đường xa, ngồi xe buýt, tìm đường đến nhà cho bằng được để thăm và … được thưởng thức bún bò Huế chính hiệu…?

    Típ Tê Tê ơi, bí mật chừng nào bật mí? Thân mến.

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác