TÍNH ĐỐI DỤNG

Ngày đăng: 8/10/2014 11:34:25 Chiều/ ý kiến phản hồi (0)

Về Bến Tre, bên ngoại, trên phà,  bồng bềnh sóng nước, tôi chợt nhớ quê bên nội “Nước mênh mông Trời mênh mông Một đảo dừa xanh ở giữa sông  Ầm ỳ phà nặng người cập bến Biết bao giờ về đến quê hương,..”, rồi gặp ngay những cảnh quen “Những đống rơm vàng xuộm mặt sông.  Những nơi trũng lội đã lên đồng. Cong cong lưng lúa soi eo nước      Chao liệng bên sông tiếng sáo diều…”, chạy quanh quanh chân những hàng dừa xanh ngút ngát là rạch nước lợ trong leo lẻo “ Làn nước vắt trong gợn lăn tăn Bừng lên chấm lửa ơ… hoa Súng”  đẩy đưa tôi đến gặp Trang Lão Thế Hy người từ hơn hai mươi năm về trước đã “đi chỗ khác chơi”, và đã từ cả chục năm trước tôi viết tăng Trang Lão bài thơ lẻ “Suốt một đời/ Săn tìm con chữ / Hốt nhiên được khóc và…     Cười”,

Ông ngạc nhiên chữ “Hốt”, ưng ý chữ “khóc”, ông gật gù mấy ai đã biết khóc,có biết khóc mới biết cười! Mấy năm  gần đây có một nhà thơ dùng chữ “đi câu” để nói về công việc của Ông đã gợi ý cho tôi viết bài TRANG LÃO ĐI CÂU, dùng qua nghề ngư phủ, Ông đi câu để cứu vớt những nỗi đời, để chia sẻ những thân phận lòng tong cong quắt, để cảm thông những luân lạc phù sinh:

TRANG LÃO ĐI CÂU

1

Thả vào bom lửa    Cần câu không lưỡi   Câu thời yên hàn

2

Thả vào thời cuộc   Dây câu không cần   Cong queo thế sự

3

Thả vào cuộc chơi   Câu thơ mắc cỡ    Văn tửng long thong

4

Thả vào câu chữ    Câu sự im lặng

Giọt hồn buốt lắng    Thân xác nổi nênh

5

Ông già lọm khọm câu    Câu nỗi đời đắng chát

Nhai sự đời móm mém     Giữa u u minh minh

6

Mắt long lanh tinh nghịch…

hinhhinhđồng điệu” một “bạn đọc tri âm” nên đã lục tìm cho tôi đọc bài thơ “Lời nói dối nhân ái”.  Tôi đọc đi, đọc lại và tự thấy “Lời nói Thật thường nghịch nhĩ, lắm khi y trang lời nói dối, nhưng người ta vốn đa nghi, nên chẳng mấy ai thèm nghe, ở phía ngược lại Lời nói Dối dễ lọt tai, nhiều lúc y như lời nói thật, nhưng người ta quên khuấy cái giả ngọt giả bùi kia, thế là lọt bẫy, dỏng tai nghe lấy được!.. “Lời nói dối nhân ái” với tôi là độc bản, bởi tôi chưa thấy ai nói dối theo kiểu nhân ái này. Mà muốn “nói dối nhân ái” đâu phải dễ, phải có tầm trí tuệ thấu nhân tâm, phải có tâm “nhân ái” bao dung khắp kiếp người, nặng nỗi thương đời, thương cảnh người chuân chuyên, luân lạc, và đặc biệt biết dùng nhân trí “nói dối nhân ái” như một định đề toán học, để đủ sức khái quát, để dung hợp mọi kiếp người và hóa giải mọi khổ nạn.

Một dịp khác, ở kỳ Hội văn chương tỉnh Bến Tre, cách nay chừng mười năm, tôi gặp một người tự vẽ chân dung mình “Kiểng cội hao hao kẻ sĩ buồn”, tự khẳng định phong cách thơ “Rễ bám sâu vần thơ cổ luận”. Gặp “Kiểng cội” và “Cổ luận” tôi ngờ ngợ, rồi bập vào, thế là nên chuyện, là bởi trong nghề chữ nghĩa tôi là một tay mơ, dù tuổi đã lớn,..những mong gặp được những bậc Kiểng cội để được chỉ dạy, được học hỏi và tôi đã hỏi ra “Kiểng cội” là nhà thơ Phong Tâm, tôi thấy nể, và để làm quen tôi đã biếu ông tập “Góp nhặt thơ” u ơ của mình với những bài tưng tửng, như “Thẳng như tre      Tre xanh      Đời xanh cong cần trúc” hoặc “Bánh Chưng – tròn      Nhân ngãi      Dầy – vuông vợ đãi chồng” hay như “Thơm ngày xưa      Gạo Lức      Giờ lạt muối Vừng ơi” v.v..và v.v… nhiều nhiều bài vớ vẩn kiểu này! Chừng một năm sau, để đáp lại, qua bưu điện, ông Phong Tâm đã cho tôi tập “Lá nắng” (nxb vntphcm, 1996) của ông.

Lá nắng, khối lượng mỏng, dung lượng khá dày, dung chất thì nặng nhẹ cân phân giữa cổ luận và hiện đại, số lượng bài 32, trong đó có 4, 5 bài (tr.22 – 25) nghiêng theo thơ hiện đại phá cú pháp, ngắt nhịp thơ theo hàm  ý, không theo âm vận, dùng chữ nghĩa có vẻ “nấc cục” dễ dàng, miễn là cấu trúc câu biểu đạt cái cần biểu đạt v.v.. và v.v… và hình như tác giả cũng có ý thể nghiệm theo hơi hướng “hậu hiện đại”,…ấy làtôi đồ chừng  vậy, chứ thực ra tôi có biết hậu hiện đại là cái gì đâu…, có chăng là cũng đã đảo qua những thuật ngữ giải trình về cách thức tạo ra “hậu hiện đại”,.. như “giải thiêng, giải tán phân cách giới, giải trung tâm hoặc là phi trung tâm, ..và cảm thức thế giới là hỗn độn Chaos (một trường phái vật lý lý thuyết), phi chuẩn, phi Tây phương, chấp nhân truyền thông, nhưng không biến truyền thống thành gánh nặng”(theo Thơ Việt hành trình chuyển hướng say, Inrasara, nxbtn, tr.39–45 ) kèm 4 phụ bản nhạc phổ thơ xen ngang giữa từng cụm thơ, có lẽ có chủ ý tạo ra một nốt lặng bằng nhạc như một thủ pháp thư giãn cho người đọc?..

Phong thái “Kiểng cội”, phong vị “Cổ luận” gợi tôi nhớ Ông tôi, một hàn Nho cổ lậu vùng Hà nam chiêm trũng, lỡ thời, mất thế ngay từ lúc chót mang nặng nghiệp người, có thói quen, thường thì, sau những buổi gõ đầu trẻ là tôi và mấy anh em con cháu trong nhà, hay ngước mắt nhìn cái roi mây mềm, nhẵn treo trên đầu hồi nhà, ngâm ngợi câu “Nam nhi tự hữu xung thiên chí       Hưu hướng như lai hành xứ hành” (Quảng Nghiêm thiền sư). Hai câu thơ này, cho đến nay, khi đã vượt ngưỡng “cổ lai hy” tôi vẫn không hiểu nội dung nói gì, còn bố tôi thì, thi thoảng, những buổi tối trời, dùng đũa gõ vào miệng bát giữ nhịp đàn, lẩy mấy câu hát Cô đầu ( Ả đào ) “ Hồng hồng tuyết tuyết … mới ngày nào chửa biết cái chi chi…”.  Tôi, hồi đó, còn non dại, bước vào đời trong môi trường nhá nhem cũ – mới này, gần như cả đời học – đọc, đọc – học nhiều,giớ thì đã sáng ra chút chút, và rồi gặp…và đọc “Lá nắng”, lâu lâu đọc lại cho ngấm, để học, để mót chữ và lượm ý!..

Tôi chưa gặp ai, bằng thơ và qua thơ, như Phong Tâm, thấm sự cô đơn của người sáng tạo “Tay ông cố nắn cung trầm bổng       Với một dây đàn – Ai cố nhân” (…đàn dộc huyền, tr.37), thấy “sợi thu khát nắng, trái tim nhảy cẫng, sóng mạch róc rách    Một chút thơ” sống chết với thơ, vì gặp thơ là “Gặp nhau như tiền định”  (tr. 52), bắt chước “Chơi nhà chòi trẻ nhỏ làm thơ” (tr.45) còn là bởi duyên nghiệp “Riêng vần thơ đính ước…” và vì thế “Yêu nhau cho đến chết       Bởi vì em là thơ     Ta không còn ta nữa       Thơ nằm trong xác ve”  (tr. 53). Tôi đã theo cái duyên may, tiếp mạch     Phiêu diêu cõi ta bà       Hồn thơ vừa thoát xác     Nhập vào cánh thi ca        Bay vào cõi nhân  hà       Cát bụi.  Phong Tâm dấn thân vào thơ, chuốc cái cực “Có khi đốt cả đời tro bụi       Vẫn chưa kết tủa được thành lời…” , không từ việc bếp núc thơ “Nếm chất thơ…  –  …”( tr.50), “Một chút thơ…nên lưỡi rách không ngờ” (… tr.41), còn làm một khó là xác định chủ thể thơ “Nếu làm thơ – cứ phải viết về em”, tự nguyện “Sống với thơ, trọn kiếp…” (em ở đây, có thể,  vừa là “em ấy” vừa là nàng thơ), định nghĩa thơ “Thơ là thơ… Thơ không chảy máu tim, có nghĩa gì câu chữ…” tới công việc làm thơ, ấy là việc gắn “thực tại” với “mộng mị” “Thực tại rỗng mòn, sao không tìm đến mộng” để tìm ra con chữ, làm thơ.  “Thực tại” và “mộng mị” là hai điều kiện tạo môi trường thơ xuất hiện với tư chất “Thơ là rung cảm.. Thơ là cõi riêng – đỉnh cao hồn khoáng đại” (…tr. 48), riêng ở câu thơ này tôi nghi ngại chữ đại, có lẽ là chữ đạt – khoáng đạt chăng?  Và đi đến rốt ráo là lúc Phong Tâm nhận ra “Khi những dấu xuôi vẫn in hình ngược dấu” (tr.51), tự biết “Ta đã đi và đã biết quay về      Chưa dừng lại bởi hồn tha thiết sống”.

Đời trong thơ, qua hình tượng  Em bé đồng bằng (tr.38), Phong Tâm rất tỉnh “Đừng hão huyền hạnh phúc      Bóng cuốc nện lưng nghèo…” (…tr.42), chia sẻ những khốn khó, mạt nghèo của kiếp người “Tay không đủ rộng làm hai mái nhà” “Em run giữa bốn vách trời bèo mây” “Khóc qua cơn đói… cồn cào – ngủ yên,  “Nghe em khóc đất cũng mềm” .

Đời thường, con người ta “khi đi (ra)” từ đất, “khi (trở) về” với đất, trực nhận cái vừa mới non tơ, thơ thới, đã vội vàng già cỗi“Một đời, như mới ban sơ    Trở về với đất bao giờ rồi chăng?”, cũng như mọi người cùng biết khi trở về với đất là trở về với cát bụi, chợt nhận ra “Mới thoáng đó em đã là cát bụi       Mà trở thành thiên cổ lúc chưa sinh      Tôi cứ mải ruổi theo nhiều ảo vọng       Để bây giờ đánh mất cả hư không”,..

Giá mà đừng mộng mị, đừng bị ám ảnh, giá mà được như “Em đang khóc, cũng như cười, như không” … “Giá mà” bước đường tôi đang bước tới được cái “như không”, thì tôi chẳng bao giờ còn phải để ý đến cái “giá mà”, “giá mà” bỏ qua được giai đoạn phải trả cái giá “giá mà” thì chắc hẳn sẽ đến tới được cái “như không”. Tác gỉa, qua thơ, dùng cấu trúc thơ “Cổ luận”  để gợi sự giao cảm, tương thông giữa con người với trời và với đất, trong khi con người thực tại luôn sống trong nghịch lý: sống – chết, yêu – ghét, có – không, giầu có – nghèo hèn, tồn tại hay không tồn tại,..Nhưng, nếu  ở một con người nào đó có đủ trí – tri, có đầy nhân –  dũng thì sẽ biết gạt bỏ hết, biết buông thả tất, biết thương rất mực, biết yêu thực lòng , biết “Vì yêu” nên sống đến cạn kiệt đời       cho nõn xanh tự nhú, biết thuận theo quy luật sinh thành trong suốt hành trình sống , biết duy trì trạng thể “bé thơ” thì thực đã!..  Bé thơ chính là môi trường nguyên thủy, ban sơ, thơ ngây, trong sáng, tinh khôi, phổng lớn “Đứa con thơ mới chào đời       Đã thôi nôi ở bên trời xuân  xưa” (tr.31).

Phải chăng, để duy trì trạng thể “đứa con thơ” – vô lo, vô nghĩ theo cách của cảnh giới “bất khả tri”, nên tác giả dùng “cổ luận” đã hàm chứa trong nó tính đối dụng để biểu đạt cái hư giữa cõi thực? Tới đây, tôi không thể không chép lại bài Hư vô (tr.30) đặc tả cảnh giới “bất khả tri”  “Hồn gục xuống, kề bên than xác rữa       Trong thâm u – nghe tiếng gọi vô thường       Chầm chậm với, đợi thêm vài phút nữa        Đây Niết Bàn hay cánh cửa quê hương?”. Cụm từ “cánh cửa quê hương” cho tôi cái hứng!..

Để có thể tiếp tục lạm bàn, xin ghi nhận tương đối về nội dung thuật ngữ ĐỐI DỤNG, ở trường hợp cụ thể, thay chữ “đối lập” đã quen dùng, là bởi mỗi đối tượng, dù là khách thể hay chủ thể, đều có hai mặt ĐỐI LẬP hợp thành một thực thể, được “ngôn từ” diễn giải như “phải – trái, trước – sau, cao – thấp, sang – hèn…hoặc mơ hồ như âm  – dương, tĩnh – động, thực – hư, mờ ảo – hiển hiện, huyễn mộng – hiện thực, (hiện) thực – (hư) ảo…ta – tôi (ở đây cái ta khái quát những cái tôi đơn lập tạo ra đối dụng ta – tôi và tôi – ta ) dùng cùng thời điểm, trong cùng ngữ cảnh, hai mặt đối lập cùng được dùng, mặt đối lập này làm nền để mặt đối lập kia hiển lộ ra, rõ ràng lên. Cách dùng hai mặt đối lập cùng một lúc, ở cùng một thời điểm đã làm bật lên tính KHẢ DỤNG của ngôn từ…. Thực tế đời sống thông qua ngôn từ, đã chỉ rõ rằng không được mà cũng không thể làm được cái  việc là loại bỏ một trong hai mặt đối lập của một thực thể tồn tại, cho nên dùng thuật ngữ chữ đối dụng thay cho chữ đối lập là vì vậy!.. Và đó chính là mục đích tới hạn của ĐỐI DỤNG! Nhờ đối dụng tôi đã nhận ra Cổ luận đã dùng nó để hình thành phong cách thơ.

Đọc tập Lá nắng và những bài thơ lẻ, tôi đã nhặt ra những cặp ĐỐI DỤNG, trong thực thể một bài thơ hoặc trong chỉ một câu thơ, như trong bài Dấu chân, thấy ngay cụm từ đối dụng như  vuông– tròn, âm – dương, tĩnh – động, xuôi – ngược, ngắn – dài , khờ dại – khôn ngoan, rồi “Nếm chất thơ và khỏa mùi ảo”, “cốt cách – lẽ sống”, “Tìm lại chính mình – nếp thời gian tĩnh động”, thực tại và mộng mị, hồn và xác, ấy là do tôi áp đặt việc dùng chữ đối dụng, chứ còn tác giả có thể có chủ ý hoặc không định dùng tới thuật ngữ đối dụng  kia đâu?!.  Tôi cũng theo “Dấu chân” đi       Để dài đường gai góc       Để ngắn ước mơ mòn        Dấu chân ngược      Mách xuôi miền ngược gió      Thấy chênh chang       Chân hút cỏ mơn xanh       Dấu chân ai in giữa miền thăm thẳm       Giữa trong xanh ghi lại dấu chân mình” (ở bài Dấu chân này xuất hiện hiện tượng đối dụng ngược – xuôi, vuông – tròn, tĩnh – động  trong “nếp thời gian tĩnh – động”  “… bụi cát khép hình vuông       Gió xóa… biến vòng tròn).

Ở bài “Hồn xuân”, hai cụm từ “Hồn trôi” và “Thơ dìu”, hay toàn câu “Thơ dìu ta về bến đỗ cội nguồn”, hoặc  câu  “Tôi đông thành khối nhớ em” – cái nỗi nhớ không hình không bóng  là “ hư”, “đông thành khối” là thực , khẳng định “Tôi là chủ thể” của cái hư – nỗi nhớ và cũng Tôi là khách thể của cái thực – “thành khối” của thơ mình… tác giả dùng khái niệm thực – hư làm nền đối dụng.     Ở bài “Xuân động”  tôi thích câu “Đọc câu kinh liệm hồn thơ”  nhưng  lại thấy lướng vướng một chữ “kinh”, kinh là kinh điển, là kinh sách hay là lời kinh câu kệ? Nhưng rồi căn cứ vào chữ “liệm” tôi nghiêng về lời kinh câu kệ! Bởi vì, trong quá trình hủy – sinh, thì phải có việc “Liệm”cái chết xong mới tiếp tục sinh ra cái sống “Nụ mầm đã nghén mùa thương trên chồi” . Thực xuân và rất thơ. Trong bài “Mai nở trong tim” tôi gặp việc đuổi vụ của con chữ  rất lạ “gấp tết” “gấp tuổi”“Hoa gấp tết còn em gấp tuổi” và bởi “gấp” nên phải chớp lấy, chộp lấy, dù chỉ là một tia hy vọng rất mơ hồ “Sợi khói gợn như lời thoáng hẹn”...   Tôi chưa thấy mấy ai, như Phong Tâm viết về sinh thái một cách khái quát con người đơn lẻ đến trọn trái địa cầu “Thở cùng lá biếc – chung buồng phổi xanh”.

Cuối cùng, bài “Buộc thả” (Văn nghệ Hàm Luông, năm thứ 51, tr.57) tập trung  đặc tả tính ĐỐI DỤNG ở ngay đề bài Buộc – thả, chính vì thế tôi liền nêu câu hỏi cũng là câu tự nhủ “Gió cuốn mây trôi đời bất định       Buông thả cho rồi…được rong chơi”. Trong bài “Buộc thả” này, cụm từ  “buộc chặt – thả trôi” là thực, là hiển hiện, còn “hoàng hôn – bình minh” là hư, hư – ảo là đối dụng điển hình “Buộc hoàng hôn chặt thả bình minh trôi”, hay như hai câu “Thơ tình đặt giữa khuôn yêu ” thì, với “khuôn yêu” khô cứng còn “thơ tình” thì lại giẻo mềm, tiếp đến “ Cõi người phù phiếm xa hoa      Trái tim treo ngược ngã ba đường tình” có lẽ vì  “Cõi người phù phiếm” tréo ngoe nên buộc phải treo ngược trái tim lên, với điều kiện nhìn ngược để thẩm thấu  cái sự phù phiếm kia.  Và cuối cùng “Siết quên lỏng nhớ tay mềm     Còn nghe tiếng rớt nổi chìm sau lưng”  thì sự đối dụng đã đến cực chuẩn, rất hiện thực lại rất mơ hồ trong thao tác “siết chặt”  và (lơi) “lỏng” nhưng rồi chợt nhận ra việc “siết chặt” này là không thể, bởi vì “tay mểm” (yếu) làm sao siết chặt cho được! Đến bước cuối cùng “Còn nghe tiếng rớt nổi chìm sau lưng”, khi đã muốn rứt khoát buông lơi, muốn thả trôi tất cả, nhưng ở ngay sau lưng là sự níu kéo vào cuộc luân hồi khi nghe “tiếng rớt” “nổi chìm” của cuộc hằng sinh luân chuyển!  Tính ĐỐI DỤNG” đã được dùng làm bật ra, nổi lên những hình tượng thi ca được nhân hóa và điển hình hóa. Âu đó cũng là một hiện tượng đối dụng trong thơ cần được ghi nhận, thế thôi!

Hiện tại, hiện đại, thế giới phẳng, màn hình cong đã có thể soi rọi đến từng sợi lông, ngọn tóc chẻ làm tư, thì theo “Cổ luận” mãi cũng chán, để làm mới tác giả rẽ bước vào hiện đại, ngả qua “hậu hiện đại” để thể nghiệm nên đã giới thiệu 4, 5 bài, bắt đầu từ bài “Bối rối một tu từ” (tr.22)

Bài “Bối rối một tu từ”(tr.22), là thể nghiệm đầu tiên, chuyển từ “Cổ luận” quen món “đối dụng” ngả sang “hiện đại” với món tu từ “mãi có một tu từ …Ăn” thì việc gặp bối rối là không lạ. Phá lối mòn “đối dụng”,  làm mới “cổ luận” đã nhuyễn bằng cách xắp xếp chữ nghĩa lộn xộn, phá cân xứng, miễn cú pháp, dùng “…cà nhắc một chân       Và tập trung vào một chân       Chân lý    Tự nhiên     Siêu đẳng”, lấy đó làm căn cứ để xiển diễn “mãi có một tu từ     ĂN”, nhưng, có vẻ còn nuối đối dụng nên vẫn dùng trau chuốt – thô phàm, cổ điện – hiện đại,  tu từ –  phổ dụng, ngắn  –  dài “Biết đâu những ngày dài      Chỉ động vật ngày một ngắn”  để kiến giải mỗi một việc ĂN “Người ta sẽ quên trau chuốt mãi có một tu từ… ĂN”. Thực tế việc ĂN ở đời có bao nhiêu cách, kể cả cách Ngồi – bó – gối để cố mà ăn, tìm cái ăn để sống  “Không phải vô duyên cớ mà được sống”. Từ việc ĂN mà “Người và vật bỗng thân”… vì  người và vật có chung phần “con”, nghiệm ra việc ĂN cũng là một phần của thực thể sống  cùng “một chân – Chân lý”, rồi việc “ Ăn trông nồi ngồi trông hướng” theo kinh nghiệm sống trao truyền, có góp gì vào “một chân – Chân lý”?

Bài “Vật thể” (tr. 24), là trải nghiệm “mở trái tim thành sa mạc,  đôi mắt mở to ta thành đại dương, đứng trên chóp gươm, hồn treo ngược, Cứ tưởng hồn ta phiêu trong cõi chết       Nào ngờ sống như mơ”, tự nhận thức “Mơ và thực khoảnh khắc hư  vô”. Thế là rõ, những tái tim – sa mạc, mắt mở – đại dượng, mơ và thực tất cả đều hình như “phi” vật thể, “phi trung tâm”… và phi thực “Ứa máu ra thơ

Bài “Trễ nải” lại là một trạng thể thực – hư, quên – nhớ, “Mùi chanh – gội tóc – long mềm” luân chuyển  “Nợ xuân chưa hứa trả     Còn nợ nào    Trễ nải    Lại vay thêm”. Cái “Trễ nải” có cái lý đến phi lý : “nợ chưa hứa trả”, đã nợ, lại còn vay nợ thêm, nợ chồng nợ chất, cái nợ cứ tiến về phía trước, không thèm lùi mà cũng không có đường lùi, vì có lẽ “lùi” là về “trung tâm” “tiến” là đến “phi trung tâm” theo cách “hậu hiện đại”?

Bài “Chưa hết dại khờ” (tr. 26) chỉ với một câu “Ly thân quá khứ để mua thiền thì có lẽ đó chính là mục đích đích thực của cuộc thể nghiệm “Dẫu làm chim gõ chẳng linh thiêng…Trước bến sông duyên nặng nghiệp trần…Ta khờ ngả ngớn uống đôi chân    Hình như thực ảo xa gần bên anh”. Chỉ một chữ “sông duyên” với việc “mua thiền” đủ để khẳng định tác giả đã nghiệm ra và hướng tới cảnh giới “thiền”, đi đúng hướng “phi trung tâm” của hậu hiện đại, là bởi “còn duyên kẻ đón người đưa”, còn “duyên” thì còn “sinh”, còn “sinh” thì còn “nợ” “Nợ ….chưa hứa trả”, mà “chưa hứa trả” có nghĩa là buông, buông luôn tất cả, có phải vậy chẳng”?

Song, ở một phía khác, hình như cái “Bối rối một tu từ” theo kiểu hậu hiện đại này, có cái gì đó gường gượng, như việc đi cà nhắc một chân, rồi hai chân tới ba chân “Cũng không tìm được miếng ăn”, đành “ngồi – bó – gối…” rồi như “Qua động đất – môi sinh – nhận thức”, rồi bằng cách gắn kết các cụm từ hiện đại, nhằm nâng Ý thơ “một chân  – Chân lý” “Tự nhiên” “Siêu đẳng” lên tầm triết lý, nhưng với riêng tôi, đã từ lâu nghe ở đâu đó, rằng “đọc thơ không phải để hiểu thơ, mà để cảm thơ, và thơ chỉ để cảm thôi, tôi không tin điều diễn giải này, nhưng trước “bối rối một tu từ” thì, quả thực tôi không hiểu, không cảm được, có lẽ vì thiểu trí năng, thiếu lắng cảm chăng?

Bài thơ Xót xa (tr. 59) ở cuối tập, trong khi đang ngon trớn mơ hồ Kiểng cội “nhuốm lượt là” thì vấp phải cảnh cải cách hiện đại “hờn căm” “Tóc em đã nhuốm lượt là tháng năm      Như lòng đất mẹ hờn căm” “Hờn căm” làm mất trớn, tiếc quá!  Xót thất! Giá mà, lại giá mà, cứ tiếp cái mạch “Làm sao gọi gió cùng nằm       Để nghe thu rụng âm thầm rồi im…   …   … Với hồn ngắt một chùm hoa       Hái sao bên dải Ngân Hà lại đi”. Lại đi, phải thế chứ, lại đi, và phải im để nghe, để tiếp tục sống phải đi thôi mới đúng là đời thực!

Nhân đây, thú thật rằng, trong quá trình học đọc thơ hoặc đọc văn, tôi có một thói quen không biết là hay hay dở, chuyên đi “mótchữ”, “lượm ý” của người khác, rồi biến nó thành của riêng mình, tôi cho rằng đó một việc làm rất hỗn, nhưng biết làm sao, tỉ như mót được chữ “Thơ dìu…” (tr.7) tôi phóng  ý “Về cội nguồn “thơ dìu” ta tìm bến     Mới nửa bước chân đã thấy chông chênh      Đường trăm ngả biết hướng nào chốn cũ      Tìm đến muôn nơi lúng túng đi về    Thơ liệu có dìu ta như đã…” , lượm ý  “thời gian không lời… (tr.9) cái sự “không lờ” đã mách bảo tôi liền tiếp mạch  “Dài hơn nỗi nhớ     Ngắn một phương vui     Buồn đu nhịp võng     Chông chênh không lời    Gió chướng chuyển hướng    Người cũng thay mùa     Cuộn hương trông khói    Thương đẩu đâu… người”.

Cũng có khi gặp may, tôi vớt được cả một câu, như “Ai đâu người nghe được tiếng chim”, đọc xong,tôi chợt nhớ Trang Lão có một đoạn văn “… đã hướng sự chú ý của bạn đọc vào cái nghịch lý dễ thương giữa nghề nghiệp rùm beng, chát chúa của ông thợ hàn đồ nhôm, suốt ngày gõ búa lổn cổn lên nồi, soong, thau, chậu giữa chợ búa ồn ào với cái công trình khổ luyện lặng thầm mà ông truyền dạy cho ông nhà văn cái bí quyết khổ luyện để ông nhà văn này tìm được sự nghỉ ngơi thư giãn cho tâm não đó là chỉ lắng nghe phần diễn cảm âm thanh của giọng nói thôi, chứ đừng thèm nghe phần diễn nghĩa của ngôn từ phát ra từ miệng con người. Ông thợ hàn đảm bảo với ông nhà văn rằng một ngày nào đó ông nhà văn sẽ nghe hai con người thô lỗ chửi bới nhau y chang như nghe hai con chim song hót.”  Một người như Trang Lão “Văn – Thơ –Triết – Nhân – Luận”  sẵn có cái tâm rỗng  rang, đầy thương cảm để dung hợp mọi cảnh người, có trí uyên thâm của người hiền, tâm hồn thường vắng lặng để nghe, biết nghe các loại âm thanh của cuộc sống thường hằng đang vật lộn, đang đảo điên, đang cuồng loạn,  đang mê hoảng trong mọi ngóc ngách của cuộc người, nâng “biết nghe” lên tầm  “biết lắng nghe”  để biến những thanh âm nghịch nhĩ thành những cung bậc nhã nhạc mênh mang, vang vang, trong suốt ở tầng thượng thanh cao mờ, xa vắng …sâu lắng tình người!.. Và tôi, một lần nữa, khẳng định lại rằng phải là người có cái “căn (tu) thiền” như Trang Lão mới có điều kiện để biết nghe và biết “lắng nghe phần diễn cảm âm thanh của giọng nói thôi, chứ đừng thèm nghe phần diễn nghĩa của ngôn từ phát ra từ miệng con người, thì một ngày nào đó…nghe hai con người thô lỗ chửi bới nhau y chang như nghe hai con chim song hót”. Nghe được hai con chim song hót đúng là hợp với cảnh người tu tâm, dưỡng tính vừa nhàn tản, vừa thanh cao, vừa u nhã, vừa khoáng đạt, tâm hồn lâng lâng thanh thản, thú vị biết bao nhiêu, thưa Trang Lão!

Tôi, hậu sinh, cái nghiệp phù sinh của mình cứ hay bị vướng vất vào cái ngày xưa, nên khi gặp “Cổ luận”  là nhớ  tới ngày xưa       Ôi ngày xưa ngày xưa       Cái ngày xưa rơm rạ      Cái ngày xưa  Lục Bát       Cái ngày xưa Nho học       Có bao giờ hôm nay       Cái ngày xưa Chấn Thanh       Tiếng sấm       Vọng về đâu nỗi niềm       Cõi không “sư tử hống”       Vòm trời nay sấm kêu       Lục bục       Có lỗi với ngày xưa       Vì tôi chưa biết sống       Thôi! Đừng thèm ngoái lại       Để thong dong tháng ngày      “Bất khả tri dĩ đạo?”      Đạo là đạo là đạo       Không không!?!

Việc lạm bình và bình lạm như trên là do tôi cố ý tự tạo điều kiện dao du để học hỏi với mọi lớp người và để suy ngẫm một cách dùng từ được duy danh định nghĩa là “Tính ĐỐI DỤNG”, kể cũng liều, hẳn nhiên nhiều sai sót! Mong nhận được sự chỉ dạy từ bạn đọc, từ các bậc “Kiểng cội” cao minh, ưu đàm “Cổ luận”. Trân trọng!

Tp HCM 1/9/2014 (tháng tám Giáp Ngọ… một ngày sinh,.. một kỵ nhật…)

ĐINH TRẦN TOÁN

 

Ghi chú: 1/  những chữ trong ngoặc kép, “in nghiêng” là của Phong Tâm;  2/ chữ “Chấn thanh” tôi phiên thành “Tiếng sâm”, là tên một trường học ở Sai gòn hồi 1935 – 1938, nơi cụ Cao Xuân Huy nổi lên “nhà Đạo học”, cùng thời với trường “Dục thanh” ở ngoài Phan thiết.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác