Nữ tiên trần thế (Phần 1)

Ngày đăng: 24/07/2014 10:09:30 Sáng/ ý kiến phản hồi (10)

0 ml 1

Năm 1964, ngôi trường Tiểu học cộng đồng duy nhất tại chợ Quận nhỏ có năm lớp Nhứt. Khoảng trên dưới 20 phòng ốc một tầng trệt được xây tô hoàn chỉnh trên nền bê tông, mái lợp tôn phíp-rô. Công trình kết hợp như hình chữ U có 3 cạnh đều đặn vây bọc sân cờ và những cây trứng cá.
Lớp chúng tôi toàn là nam sinh, giống như những chú trống tơ choai choai một lứa. Một sớm bổng trở thành đàn anh của trường, những anh chàng tân binh lớp Nhứt cảm thấy oai vệ và nổi chút máu cao bồi vườn. Tụi tôi bắt đầu cà khịa với đám học trò nhỏ hơn, hoặc kiếm chuyện rầy rà chọc phá mấy lớp ngang vai vế, thường là hai lớp nữ và hai lớp nam láng giềng khác. Và cũng giống như bầy gà cùng một mẹ, lâu lâu ngứa cẳng phùng xòe, gấu ó lẫn nhau, rồi ríu rít nhập lại bầy.
Lớp chúng tôi đươc thành lập sau ngày tựu trường chừng tuần lễ. Sĩ số gồm các chàng trai đến từ các xã xa xôi, cộng với thành phần “đầu thừa đuôi thẹo” chiết ra từ các lớp có sẵn. Không biết có phải đồng khí tương cầu hay gì đó. Trời qui tụ lớp tân lập nhiều tay ngỗ ngáo, đến nổi có hỗn danh ba gai đi kèm sau đuôi tên lớp Nhứt E. Trong cái đám lố nhố mà thơ văn thường hay diễn tả là những khuôn mặt sáng sủa, chưa biết sẽ ích lợi gì cho mai hậu, nhưng hiện tại thì có rất nhiều sáng kiến chọc phá không ai chịu nổi. Một lớp được hiệu trưởng thăm viếng thường xuyên bằng một câu quen thuộc “đứa nào bày đặt chuyện nầy”. Lúc đó mới thấy cái gan lỳ bọn tiểu quỷ, thà bị quỳ gối cả tiếng trong hoặc sau giờ học. Những chàng có máu Thủy Hử tí hon nầy nhất quyết không chịu cung khai, làm chuyện phản bội huynh đệ.
Tình trạng nầy thực ra chỉ do sự khởi đầu lệch lạc. Vì cứ vài tuần thì chúng tôi lại có ông thầy hay bà cô đến rồi lặng lẽ ra đi trong hai tháng sau ngày tựu trường. Không phải lý do bởi cái lớp ba gai, mà hình như trước khi ba gai, nó đã không được xem là quan trọng.
Lần nầy, nhìn cách xếp đặt của cô giáo mới đến như muốn ăn đời tại lớp Nhứt E “thầy chạy”, chúng tôi linh cảm đang tao ngộ một sư phụ thứ thiệt. Quả đúng như vậy, với thân người thanh mãnh dong dõng cao, da hơi ngâm, mái tóc uốn, những lọn dài xoắn nơi phần đuôi tóc, quấn quanh qua vai một tí. Gương mặt cô có chút đẹp, chút có duyên, chút nghiêm nghị, chút buồn xa vắng. Mỗi khi khuôn mặt hơi dài ấy rắn đanh một chút, kèm theo tiếng chát chúa của  cây thước đập trên mặt bàn, hay tiếng tằng hắng lớn. Cả lớp chúng tôi hình như bất động, riêng tôi không còn nghe được tiếng thở của mình và toàn thân rùng rùng gai ốc.
Hình ảnh một cô giáo trẻ lanh lẹ, hai ống tay áo dài bao giờ cũng gấp lên vài nếp nhỏ. Những ngón tay có lóng dài hơi xương xóc, xoay xoay viên phấn, bàn tay kia thỉnh thoảng loang loáng cây thước bảng. Giọng nói trong veo, âm lượng mạnh mẻ, chất chứa vừa thương yêu như reo vui, vừa quyết liệt như ép buộc. Tôi nghĩ, những đứa học trò từng nghe cô giảng, cho đến bây giờ vẫn không quên được dáng nghiêm trang thần tượng và giọng nói uy lực đầy cuốn hút.
Từ đầu niên khóa đến giờ, tụi tui được vài chữ bỏ bụng. Cho đến khi cô giáo chấp chưỡng môn, thì lớp chúng tôi bắt đầu thực sự ăn học. Suốt hai tháng tiên học phá và được ông thầy lớn tuổi phụ trách dự phòng đến dạy tạm, chúng tôi được đối xử lớt lớt như đám gà con lạc mẹ. Lớp ba gai đang đi vào khuôn khổ, những chàng anh hùng rơm của lớp chúng tôi tàn rụi tự lúc nào. Nghĩ lại việc uốn nắn đám lục lăng lửa chúng tôi, chỉ phần nhỏ nhờ vào gia đình và nhà trường răn đe rầy phạt. Phần lớn còn lại mà ít người biết đến, đó là hoàn toàn nhờ công cô giáo. Ngay những giây phút đầu tiên trước mặt lớp học, cô nhắc nhở chúng tôi năm nay thi tuyển để vào đệ thất. Một cuộc thi ác liệt hằng năm, một thí sinh thường là phải chống lại năm bảy.
Bốn năm tháng trước, đám bạn láng giềng còn nhìn tụi tôi bằng ánh mắt lạnh nhạt không thiện cảm. Cái tụi mà họ cho rằng chỉ tốn cơm cha mẹ, chuyên đi phá làng phá xóm còn học hành thì rất dở. Dưới sự dìu dắt cương quyết của cô, chúng tôi dần dần đảo ngược tình thế. Từ một lớp dở có tiếng, đến học kỳ hai, chúng tôi đã làm cho bốn lớp láng giềng kiêng nể trong các kỳ thi thử toàn khối. Chúng tôi cũng thường xuyên nghe tiếng cười nói đặc biệt vang rất xa của cô trong lớp học và ngoài sân chơi. Một không khí ấm áp của yêu thương bắt đầu phủ trùm lên vạn vật. Cũng lạ một điều, chúng tôi thấy cái đám láng giềng nhìn chúng tôi lâu hơn, đôi khi còn túm tụm vừa chỉ vừa cười, một hiện tượng bất thường không ai hiểu được.
Tháng chín năm đó, ngày đầu tiên chúng tôi trong bộ đồng phục quần ka-ki xanh dương đậm, áo sơ mi trắng có phù hiệu tên trường trung học thêu chỉ đỏ may trên túi áo, giày bata vải bố mới tinh. Thì cũng đươc tin truyền miệng với nhau, cô giáo lớp Nhứt E đã thuyên chuyển về quận Tiểu Cần, quê nhà của cổ. Trong một thoáng bâng khuâng thất vọng, chúng tôi định bụng khoe với cô bao nhiêu lời lẽ. Chưa kịp có cử chỉ biết ơn công lao của cô vực chúng tôi từ chỗ tận cùng hư hỏng và dốt nát.  Rất tiếc cô không ở đây để chia sẻ nổi mừng vui của một đám trẻ vừa vượt qua chặng đầu gian khó. Không biết cô hãnh diện, lớp cô dạy năm rồi có tỷ lệ đậu nhiều và đậu cao hơn bao lớp khác. Cũng không biết cô có hiểu trong lòng chúng tôi, cô là cô tiên có chiếc đũa thần kỳ.

0 ml 2
Tôi không nhớ kỳ thi đó có bao nhiêu thí sinh tham dự, chỉ biết trường tuyển đúng một trăm học sinh cho hai lớp đệ Thất. Suốt bao năm học chung toàn là lục lăng, lần đầu tiên tôi học trong lớp có phân nửa là con gái. Tôi cảm thấy có một cái gì là lạ khang khác mà một thằng nhóc tì mười hai tuổi khó mà cắt nghĩa. Cái lạ đầu tiên là, suốt gần chín tháng láng giềng trong tiểu học, tôi chỉ xem đám con gái ấy không khác gì mấy với đám chúng tôi. Từ ngày khoác bộ đồng phục, con người cảm thấy chững chạc hơn một chút. Hoặc không chừng thoát ra ảnh hưởng mấy thằng “cắt máu ăn thề”  thường ra vẻ ta đây, kỳ thị “nữ nhi thường tình”. Bỗng dưng biết lịch sự hơn, mềm mỏng hơn đối với mấy bạn học gái láng giềng mới ngày nào, nay trở thành bạn chung một lớp.

Hồi còn trong tiểu học, tôi thường dùng cả ngày nghĩ để thang thang rong chơi lối xóm. Có khi giờ cơm trưa lười biếng chạy về nhà. Cùng mấy tên trang lứa tiểu quỉ mê chơi, vào bếp lục cơm nguội mà không biết chủ nhà quen hay lạ. Xế chiều mới mò về nhà, mặt mày xác xơ quần áo dơ bẫn, đôi khi tay chân đầu cổ mang đầy thương tích. Cho đến khi lối xóm gọi tôi thằng học trò trung học, thì quần áo tóc tai cũng theo tánh tình mà dần thay đổi. Tự biết sắm sửa gương soi và lược xài riêng, hai thứ xa xỉ chưa từng có trong đời.
Trường Trung Học Phổ Thông của quận tương đối khang trang, từ cổng chính băng qua sân cờ thấy ngay một dãy bốn phòng học trệt nằm ngang, tường xây gạch, mái ngói còn nguyên màu đỏ rực chạy song song con lộ trãi đá phía trước. Văn phòng hiệu trưởng là hai phòng trệt lớn thẳng góc ngay đầu dãy ngang bên nầy, kéo dài ra gần cận lộ, ngoài nhìn vào bên tay trái. Cuối dãy ngang phía bên kia, đụng khối 2 lầu gồm sáu phòng học khác. Tất cả hành lang rộng rãi và mặt tiền phòng ốc cùng xoay quanh ngó ra sân cờ thênh thang giữa ruột, trên sân chưa thấy bồn hoa hay cây cối, chỉ lô nhô vài đống gạch đá vụn hơi gay gay mắt. Trường là quần thể bê tông gạch ngói trệt và lầu hùng vĩ và mới nhất của quận nhà trong những năm sáu mấy, khi mà cả khu bán buôn chợ quận chỉ có hơn chục dãy phố lầu cũ kỷ khiêm nhượng.
Mấy năm trung học, các lớp chúng tôi dời qua lại, lẩn quẩn ở dãy nhà trệt có cái hành lang dài hun hút. Rất nhiều khi tôi bực mình vì cái âm thanh hỗn tạp nơi hành lang vào những thời điểm đầu giờ hay giữa tiết. Năm nay lớp chúng tôi đóng ngay góc kế khu văn phòng, một không gian tương đối ít ồn ào. Sau bốn năm, đám choai choai lóc chóc chúng tôi nay trở thành những chàng nam sinh trẻ trung. Còn số bạn gái ngồi dãy bàn nửa lớp bên kia, mặt mày tóc  tai cũng đẹp ra, dáng vẻ thanh tú. Hình như người ta càng lớn lên càng ít ồn ào liếng khỉ, mà trở nên thâm trầm nghiêm trang khó hiểu.
Môn Anh văn của tôi rất kém. Nhưng bàn tay thiên hạ có ngón dài hơn. Tôi thường đến nhà chị họ cũng là bạn học nhờ kềm cặp. Thấy thì hơi kỳ, nhưng chúng tôi vừa là bà con một họ vừa ngang tuổi, nên rất thân thiết từ lâu lắm. Trong một buổi học kèm, tôi vừa bước vào cừa định mở miệng chào chị Phương như thường lệ. Bổng như lưỡi bị mất tiêu, ngây người vô hồn trong vài giây. Cái trí óc cũ xì còn sót lại trong lúc ấy nhận ra, thay vì vẫn là chi Phương trên chiếc ghế hằng ngày. Hôm nay rực sáng một cô nữ sinh mặc chiếc áo dài trắng với khuôn mặt đẹp rạng rỡ, dáng dấp thiên thần.
– Anh là anh Lộc, Hậu Lộc, em của anh Tường Lộc?
– Đúng rồi, còn cô là gì của chị Phương.
– Em là em chị Ngoan, chị em học chung lớp anh Lộc, anh của anh.
Những chữ “anh Lộc anh của anh” cô tiên nầy nói chậm lại kéo dài ra như chọc quê anh em chúng tôi có cùng một tên ngộ nghĩnh.
– Em tên H, học dưới anh một lớp, em cũng nhờ chị Phương chỉ dùm Anh văn. Chị nhắn lại, anh có đến thì chờ chỉ đi chợ một lát.
Cử chỉ H rất tự nhiên, lời lẽ dịu dàng  mạch lạc. Miệng cô cười rất có duyên, sau câu nói hơi nheo nheo khóe mắt như để bổ túc thêm một ít tếu ngạo. Lúc nầy hồn vía hoàn về hơi đầy đủ, tôi bước hẳn vào nhà ngồi đối diện cô tiên nhỏ đang ngồi đằng sau bàn học chị Phương. Chúng tôi nói chuyện về lớp của chị Ngoan, lớp của tôi, lớp của cô tiên. H biết rất nhiều về anh em và gia đình tôi, còn tôi thì mắc cỡ thú thiệt rằng, trước đây tôi chưa bao giờ biết có cô tiên như vậy trên đời. Nhờ tánh tự nhiên và lối nói chuyện rất hấp dẫn, H tạo cho tôi sự dạn dĩ, thân mật thoải mái trong lần gặp gở ban đầu. Một điều mà tôi không thấy ở bất cứ bạn học gái, ngay cả chị Phương.
Sau lần “người đâu gặp gở làm chi”, tôi nhất quyết tìm hiểu  về H. Cô tiên nhỏ học cùng buổi chiều, cùng xóm nhà trệt, chỉ cách lớp chúng tôi bởi một phòng học khác. Sau ngày quen H, tôi cảm thấy yêu cái hành lang nầy quá. Tự nhiên thấy nó ngắn lại, đẹp ra và hình như có chút ý thơ đang ẩn tàng trong hàng cột gạch vuông phía ngoài bìa. Chúng đang chống đở mái ngói và cũng bổng thường xuyên chống đở cái vai ốm ốm của tôi.
Trước đây tôi rất thường cúp cái cua Anh văn của chị Phương bằng những lý do quen thuộc, mấy hổm nay tôi bỗng siêng năng đến không ngờ. Cho dù ngày không có lịch học kèm, tôi vẫn lò mò đến nhà chị để làm bộ hỏi nầy nọ mà chẳng cần câu giải đáp. Hình như H cũng vậy, nên chúng tôi thường có dịp gặp mặt tại nhà chị Phương. Dù mỗi buổi chiều đi học, tôi cũng tìm cách cà rà qua lớp cô tiên nhỏ vài lần. Nhà chị Phương chỉ có hai người, bác Ba gái góa bụa lúc mới sanh chị Phương. Bác hay đi Sài Gòn mua quần áo may sẵn cho sạp hàng của bác ngoài chợ quận. Nhà chị Phượng có một khoảng sân nhỏ phía trước trồng vài cây kiểng và một vài cây ăn trái. Một căn nhà rất biệt lập và thanh tịnh trong Xóm Chùa ồn ào bát nháo. Cũng là nơi lý tưởng cho tôi và H đến học kèm và cùng trông nhà những lúc chị Phương chạy ra chợ giúp bác Ba.
Tình cảm giữa tôi và H phát triển nhanh như tiếng sét và được nuôi dưỡng mạnh mẻ như thác ngàn vô tận. Cả hai chúng tôi chưa biết nói ra câu yêu nhau mùi mẫn như trong truyện, nhưng cử chỉ và ánh mắt hai đứa đã nói lên trong thâm tâm chúng tôi yêu nhau nhiều lắm. Thời gian H dự cua dạy kèm tại nhà chị Phương đến gần tết năm đó trôi qua nhanh hơn những ngày tháng trước kia, một điều khác cũng khiến tôi không còn ao ước được nghĩ tết hay mong chóng hè như mấy năm qua.

Ngay trong biến cố Mậu Thân, ba má tôi đột ngột cho anh em chúng tôi dời đi nơi khác. Ngày chúng tôi khiêng giường chõng vật dụng cá nhân xuống ghe, tôi lén ba má phóng xe đạp tới nhà H, người lối xóm cho biết gia đình H đi tản cư chưa về. Mới giữa trưa mà ba tôi cứ kêu bác chủ ghe, ông thúc hối họ đi sớm, kẻo trời tối không nên.

(Hết Phần 1)

 Một Lúa

 

Có 10 bình luận về Nữ tiên trần thế (Phần 1)

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Lớp Nhứt E ba gai hồi nẳm, sau nầy có 1 vài hảo hớn vào một lớp ( không có nữ ) ở trường Tỉnh. Mấy thầy cô gọi là…thôi nhắc lại khổ quá, nói mãi. Nhưng bi giờ, lớp đó tui thấy ai cũng đàng hoàng đó bạn Một Lúa ơi ! Kể cả bạn Một Lúa, không học chung lớp nầy, trường nầy. Nhưng cái đàng hoàng hiện nay, có lẽ xuất phát từ chiếc đũa thần của cô tiên dạy lớp Nhứt E hồi nẳm và 1 vài ông Bụt, cô Tiên ở trường Tỉnh.

    • Một Lúa nói:

      Thời kỳ đó bà con quê mình còn quen miệng pạt-lê Phờ-răng-xê. Người ta gọi lớp Nhất E của tụi tui là “nhấc ơ” cũng có nghĩa là lục nồi ăn vụng. Buồn thiệt.

  2. Phan Lương nói:

    Ui trời ! Anh Một Lúa kể chuyện nghe hay và hấp đẫn lắm luôn á.Cái tình yêu thuỡ học trò bao giờ cũng đẹp và ngây ngô lắm vậy .Rùi kết quả ra sao viết nhanh nhanh lên nhe anh Một Lúa .Năm Mậu Thân chiến tranh ác liệt đã cướp đi sinh mạng và hạnh phúc của bao người , trong đó có những người thân yêu nhất của PL nửa .Sau đó anh có còn gặp lại cô tiên bé nhỏ đó không nhỉ ?

    • Một Lúa nói:

      Lúa viết theo lời kể lại. Tới kỳ giao bài mà chủ nhân câu chuyện  đang đi chơi núi chưa về, gọi phone ngoài tầm phủ sóng. Kiểu nầy phải viết cương rồi tính sau.

  3. Hoành Châu nói:

    Phan Lương  ơi , còn tập 2 là còn cô tiên nhỏ mà, chắc thôi, Sau  biến cố Mậu Thân, nhiều  gia đình có người thân hy sinh, bị nạn, nhà cửa bị thiêu rụi , khổ lắm.Chờ tiếp tập 2 của anh Một Lúa đây,Chúc anh khỏe để viết tiếp .,Hoành Châu

    • Một Lúa nói:

      Tui trong bài nầy là thằng bạn. Hồi đó Lúa cũng ghét nó, bây giờ có giảm xuống nhiều, nhưng chưa thương nổi. hehe

  4. Quách Đào nói:

    Kinh Phật nói Bồ Tát thị hiện ở thế giãn bằng vô lượng nhân dạng, hình dạng để độ người có duyên. Ông Một Lúa thật có phước, chỉ trong 4, 5 năm mà gặp hai bồ tát, sau nầy còn gặp nhiều nữa nhất là vị Ở Luôn Không Thèm Đi Bồ Tát hiện giờ. Bà con chuẩn bị đi. Nếu Ông Một Lúa kể hết, loạt bài thiệt hay nầy phải có vài chục phần đó. QĐ,

  5. Hồ Đạt nói:

    Có 2 chi tiết đắt giá. Một là không có nói yêu nhưng yêu quá trời vì không còn thích nghỉ học nữa, chỉ muốn gần nhau thôi. Hai là mới giữa trưa mà bố đòi chống ghe đi sớm, để thằng con không kịp từ giả người thương. Nếu không phải là chuyện thật khó mà tưởng tượng ra chi tiết này.

  6. NGUYEN TUYET nói:

    Phục anh Một Luá nhớ những kỷ niệm thời anh học cô giáo lớp nhứt rất quí va rất hay , định tỏ nỗi vui  mà cô tiên đã ội xa rồi ! Cô tiên có chiếc đuả thần kỳ đã biến đổi đơi anh . Kỷ niệm thì ai cũng có , mà viết lại thành chuyện ly kỳ lí thú như anh thì không phải dễ. Khâm phục , bái phục  anh diễn tả những nét yêu đơn sơ thời bé tí tẹo mới vưà nhú lớn hay thiệt . À , hỏi thiệt anh nha ,  mấy chục năm xa quê nhà rui , chùng nào dià anh nhớ thăm lại chị ” Hờ ” nhe anh , nhớ có món quà nhỏ kèm theo  , bảo đảm khi anh nhắc lại cái kỷ niệm , chắc là  cả 2 ” Cừ nắc nẻ” quá hà! Hỏng chừng anh bắt chước ông Tây ” Văn minh ”  xin cầm tay chị ” Hờ ” lên nắm chặt và  ” Hun ” 1 cách dễ thương a nhe . hihi  ! Chiện  nhỏ như con thỏ ! Vụ này anh nhớ đi 1 mình thui !! Đừng nói em xuí dại không hè !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác