Tản mạn về nịnh

Ngày đăng: 17/06/2013 11:43:51 Chiều/ ý kiến phản hồi (5)

Đang ngồi buồn không về quê được trong hè này thì thằng bạn là giáo sư đại học Cần Thơ gọi điện qua hỏi tôi Nịnh là gì ?  Chữ này đâu có chi gút mắc , trẻ con cũng biết. Tôi chẳng cần lật tự điển cũng trả lời được. Nịnh là nói tốt cho người nào đó hơn mình mà họ không có đức tính đó. Người đàn ông nhìn một phụ nữ không đẹp nhưng khen cô có duyên, hay khen áo em hôm nay đẹp quá, người ta gọi đó là nịnh đầm. Những người được nịnh trong xã hội thường là thủ trưởng của các đơn vị, công ty được nhân viên khen thông minh, có khẩu tài, viết diển văn hay dù họ biết chắc rằng đã có người chấp bút.

Theo sử sách Trung quốc, kẻ thành đạt, giàu có có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh bợ thì

chưa ai vượt qua được Hoà Thân thời vua Càn Long nhà Thanh. Vua Càn Long hứng chí làm thơ, Hoà Thân hết lời ca ngợi “thơ Hoàng Thượng tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế !” Hoà Thân còn ca tụng “ Công ơn của Hoàng Thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Vua Nghiêu, vua Thuấn”. Nhờ thế mà Hoà Thân từ một tên quan nhỏ đã leo lên đến Tể Tướng và giàu có tột đỉnh.

Một câu chuyện nữa cũng bên Trung quốc là chuyện Triệu Cao, Tể tướng nhà Tần, rất được lòng Tần Nhị Thế, âm mưu giết hại Thừa tướng Lý Tư. Triệu Cao đem dâng vua một con hươu và bảo đó là con ngựa. Tần Nhị Thế hỏi quần thần “ con vật này là con hươu hay con ngựa”. Bọn xu nịnh Triệu Cao tất cả đều tâu là ngựa.

Truyện cổ Việt nam có kể , một tên đầy tớ có thói quen phỉnh nịnh, chủ nói gì hắn đều nói theo và phóng đại tô màu. Đi chơi ở làng bên, người chủ khen “ lúa đồng làng này tốt quá”, tên đầy tớ ca theo “lúa đồng làng ta tốt gấp mười lần”. Chủ khen cô thôn nữ xinh gái. Tên đầy tớ ca theo “ cô nương nhà ta xinh gấp mười lần !”. Khi gặp bà già, chủ nói bà già này xấu xí, tên đầy tớ quen mồm buột miệng “ Bà nhà ta xấu gấp mười lần”(!) Chuyện nịnh này thì không cần biết kết quả cũng biết số phận kẻ nịnh ra sao rồi.

Trong sách cổ có chuyện, một quan huyện trong lúc thăng đường,  vô tình “xì hơi” cái tủng. Quan huyện mắc cở định chữa thẹn  thì tên lính hầu  đã đến bên xum xoe: “Bẩm quan lớn, con nghe như có tiếng đàn, tiếng sáo!”. Một tên thư ký khác thốt lên: “Bẩm quan lớn con thấy thoang thoảng hương quế, hương trầm, hương lan…” Huyện quan tỏ vẻ buồn rầu: “Ta nghe nói trung tiện mà thơm thì ta e chẳng còn sống được bao lâu nữa”. Hai tên thuộc hạ đính chính: “Bẩm quan lớn, dạ, bây giờ mới có mùi thúi ạ!” “Dạ bẩm quan lớn, bây giờ thì thối lắm, thối lắm ạ !”

Tôi nhắc lại những chuyện này cho bạn nghe, anh ta nói: “Những điều ông kể sách vở có viết hết rồi. Bây giờ tôi kể chuyện mới là có người nói khi té sông mình phải nịnh một người nào đó để được cứu vớt.”.

 Trời ơi! Té sông uống nước sặc gần chết còn tư tưởng đâu để mà nịnh. Trường hợp này có nịnh cũng chết đuối. Tôi la lên trong điện thoại: Thôi thôi! Ông kể chuyện mới tôi nghe cười sặc ở trên bờ cũng chết, cần gì dưới nước.

Thái Nguyên

Có 5 bình luận về Tản mạn về nịnh

  1. PhươngNga nói:

    Như vậy, Nịnh có chiều dài lịch sử đáng lưu tâm.  Thắc mắc là, sao mà các trường Cao Đẳng chuyên nghiệp, các trường Đại Học không mở thêm phân khoa, chuyên về Nịnh nhỉ? Đó là một môn khoa học khi hệ thống hoá và nghiên cứu kỷ lưỡng xong, nhận sinh viên, bảo đãm sẽ hốt bạc. Không chừng không đủ lớp mà còn phải mở thêm lớp trên mạng nữa kìa. Cứ thử nghĩ xem, biết bao nhiêu người thành đạt nhờ Nịnh? Vậy mà không ai thừa nhận là mình có trình độ Nịnh. Vì sao?  Vì không có bằng cấp!  Thời nay, chúng ta, ai ai cũng sính bằng cấp.  Có một số người có bằng cấp, như là cử nhân văn chương, kỹ sư nầy nọ, hay tiến sĩ gì gì đó, không lẽ dấu xó bếp? Phải chưng ra chứ.  Không có gì phải trách cứ cả.  Công tình ăn học, dùi mài kinh sử mới thành bậc sĩ phu. Anh giỏi sao anh không ráng lên cho bằng người,  cớ gì mà dè bỉu? Như vậy, nếu tốt nghiệp đại học khoa Nịnh, chắc chắn sẽ có người duới tên của mình sẽ chua thêm văn bằng. Ví dụ:  Mr. Bưng B.- PhD khoa Nịnh.  Tội gì phải chối?  Đúng không các bạn?

              

    • PhươngNga nói:

      Có một điều quan trọng quên nói. Khi nào khoa Nịnh khai trương, tui nhất định phải đăng ký vô học cho bằng được, dù phải sắp hàng sáng đêm.  Tương lai tươi sáng đón chờ tôi sau khi tôi tốt nghiệp, chắc như đinh đóng vô cột đó các bạn.  

  2. Nguyễn Văn Lần nói:

    Khóa “ninh” mở ra phải thỉnh giảng thầy siêu giỏi mới dạy được. Cả Lần cũng chờ xem thầy dạy thế nào mới đăng ký học. Kẻo mất cả chì lẫn chài đó PN ơi !

    Kể cho các bạn nghe 1 chuyện thật 99,99% nè :

    1 phó xếp rất trẻ hào hoa, nhưng kiến thức cao, bản tính tốt. Một quân sư ” quạt mo” nói : Kỳ nầy xếp trưởng nghỉ hưu, em thấy chổ mình chỉ có anh xứng đáng làm xếp ! Quân sư tâng bốc phó xếp lên tận mây xanh,….

    Phó xếp phán 1 câu :

    – Nếu tôi làm xếp thì tôi phải đuổi 1 số người ở đây mới làm việc được !

    – Những ai vậy anh ? Em có thể biết chút chút không ?

    – Nhiều lắm, nhưng người đứng đầu danh sách đó là anh !

  3. Nguyễntuyết nói:

     NT thấy các bạn bàn  đề tài  ” NỊNH ” quá ư là hấp dẫn và  sôi nổi…. chèn ơi , còn muốn mở trường , mở lớp và còn cấp bằng chính thức nưã….nghe mà hay đó ! hi hi , vậy tui ủng hộ là tui nịnh rùi ! NT  đăng ký làm học sinh ngâm cưú và đề nghị thầy cô và nhà trường chú ý trọng tâm các đề tài sau đậy…Đầu tiên phải nói là ” Ghét nịnh ” , kế chuyển sang đề tài .. nhưng  ” Thích nịnh “… và có đôi lúc … ” Bắt buộc nịnh “… rồi thì bị .. ” Từ chối nịnh “… như ” Té sông  hay Té giếng ” gì đó….. thì  ” Thôi rùi “… ” Tạ từ “!!!???… hát câu … Anh đường anh … Em đường em… !!???

  4. Phuong thao nói:

    Anh Thái Nguyên mến,

    Những câu chuyện nịnh để làm vừa lòng cấp trên hay để thăng quan tiến chức mà anh đã kể, có lẻ không còn hiệu lực mạnh vào thế kỷ nầy nữa rồi! Anh phải có đi kèm những “thủ tục đầu tiên” thì mới gặt hái kết quả nhanh chóng và tốt đẹp (tuỳ vào thủ tục nhiều hay ít nữa!). Chớ thời buổi bây giờ, cứ mà xùi bọt mép ra mà bợ… chủ, thì chỉ có ngày đi bán cháo phổi thôi anh ạ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác