Làm đám

Ngày đăng: 12/12/2012 05:21:05 Chiều/ ý kiến phản hồi (4)

 

Dương Phú Lộc là cây bút quen thuộc của trang nhà từ hai năm trước qua truyện ngắn “Khi vợ vắng nhà”, “Tếu táo tuổi 60”. Với lối văn hài hước và đầy châm biếm nên các nhân vật trong truyện đều mang tện của anh. Kỳ này, SOS xin giới thiệu truyện ngắn “Làm đám” viết hồi năm 2009, nhưng đọc vẫn thấy có một vài tật xấu còn quanh quẩn đâu đây (SOS)

 Ông Dương thở phào nhẹ nhõm khi cùng vợ bước chân ra khỏi văn phòng bán vé máy bay. Cho đến bây giờ, sau khi đã đưa tiền mặt cho người bán vé rồi, ông mới tin chắc là ước mơ một chuyến đi về Việt Nam của ông đang sắp trở thành hiện thực. 

Từ lâu rồi ông đã ước ao được về chơi Việt Nam một lần cho biết với người ta, nhưng ngặt nỗi vợ ông thì dữ quá mà ông lại không có lý do chính đáng nào để về. Mấy lần trước, khi ông run run hỏi ý vợ ông thì bà chỉ phun ra một câu tàn nhẫn: “Về làm gì? Về để ôm mấy con bán bia ôm hả?”. Quả thật câu hỏi độc địa này khiến ông ngọng, không sao trả lời được. Bởi vì thực tế bố mẹ ông mất cách nay đã lâu rồi (khi ấy chưa có phong trào Việt kiều về thăm quê hương). Ông có hai người em trai thì một đã chết trước 1975, còn đứa út sống đâu đó tại một khu kinh tế mới ở Phước Long, viết thư xin tiền ông mãi mà không được (mổi lần xin hai ngàn đô, sao ông lo nổi?) nên đã tuyên bố từ ông và cắt đứt liên lạc lâu lắm rồi. Ngay cả cái nhà nhỏ bé ngày xưa của gia đình ông trong con hẻm gần ga Hòa Hưng cũng đã bị thằng út bán đứt cho người ta khi bố mẹ ông vừa mất và nướng sạch vào cờ bạc, số đề… trước khi cùng vợ con khăn gói quả mướp đi lập nghiệp tại vùng rừng núi Phước Long. 

Trong khi đó vợ ông, bà Thục Nữ ,vẫn thỉnh thoảng một mình về thăm gia đình bên bà. Tuy là con út trong nhà, lại sống ở bên Mỹ nhưng phải nói bà chỉ huy tuốt tuột những người ở Việt Nam gồm mẹ già và sáu ông anh bà chị nghèo khổ khác. Bà chỉ huy bằng đồng tiền trợ cấp (gởi về cứ mỗi hai tháng một lần). Ai trái ý bà là bà cúp trợ cấp ngay. Cả nhà xanh mặt. Không ai ngờ được rằng cái con bé út ngày xưa hiền lành, cũng nghèo khổ, cũng ngày đêm ngồi dãi nắng dầm mưa bán thuốc lá lẻ ngòai đầu hẻm, vậy mà được chồng đi vượt biên rồi bảo lãnh qua Mỹ bổng nhiên một bước lên bà, tiền bạc, áo quần ngó bộ xênh xang lắm. Mỗi lần bà về Việt Nam thì cả họ được mát mày, mát mặt. Khi thì Vũng Tàu, khi thì Long Hải, bà thuê hẳn hai chiếc xe 15 chỗ ngồi, chất tất cả lên , cơm nắm, nước suối mang theo (vô nhà hàng ăn thì tiền núi cũng không chịu nổi), bà con dòng họ cứ thế mà tắm biển cho thỏa nổi niềm mơ ước bấy lâu và tạm quên đi một ngày lao động nhọc nhằn….

Đối với gia đình bên Mỹ, bà Thục Nữ cũng cai trị bằng bàn tay sắt. Check lương ông Dương lãnh về nộp ngay cho bà, bà cầm chịch các khoản chi tiêu trong nhà, kể cả việc mua bia cho ông, tuần lễ 2 két, không hơn không kém. Đổ xăng thì bà giao cho ông cái thẻ BP card nhưng khi bill về mà bà thấy ông vào cây xăng 2 lần trong một tuần thì ông phải liệu mà giải thích cho êm xuôi với bà. Nói cho đúng, ông cũng không phải tay vừa gì, ông có máu mê gái và mê nhậu, nhưng mê gái thì điều kiện bắt buộc phải có là tiền bạc rủng rỉnh trong túi, mà điều này không làm sao ông có được nên đành phải tạm quên đi. Còn khỏan nhậu nhẹt thì ông đã được bảo đãm. Mỗi khi vợ ông đi chợ về, ông chạy ra xe, không xách phụ vợ bất cứ một thứ gì vào, hai tay ông chỉ xách hai thùng bia đi vô nhà, râu mép dựng ngược lên tua tủa như muốn nhắn nhủ với trời xanh rằng đừng ghen tuông với ông nhé, lòng ông đang hạnh phúc lắm, lát nữa đây khi ông cùng bè bạn ngồi vào bàn nhậu rồi thì tất cả các chuyện khác chỉ là phù du, tất cả chỉ là vô nghĩa,  ngay cả tổ quốc: tổ Quốc cũng như tổ Cò…. Ngoài ra thật tình mà nói ông cũng chẵng sợ vợ đến thế đâu, nhưng ngặt nỗi ông có cái nhược điểm là rất ngại khi phải cãi nhau với vợ trước mặt bạn bè, người lạ, ông sợ mang tiếng, mặc dù thiên hạ cứ nói ông có tiếng đâu mà mang… Nắm được yếu điểm này của ông, bà Thục Nữ khi cần giải quyết vấn đề gì trong nhà, bà cứ chờ cuối tuần khi ông và vài người bạn sắp sửa nhậu ngòai phòng khách, thì bà đem vấn đề ra đòi mổ xẻ, ngô ra ngô, khoai ra khoai, bà làm dữ lắm và tất nhiên ông  đành phải nhịn. Cứ nhịn miết thế đâm thành quen, cuối cùng bà Thục Nữ trở thành một Sadam Hussen lúc nào không hay, mặc dù dân số trong cái đất nước Iraq thu nhỏ này chỉ gồm có ông Dương và 3 đứa con gái đã lớn nhưng không làm sao có chồng được, bởi vì ai ai trong cái thành phố buồn hiu hắt này cũng đều khiếp vía khi nghe đến tên nhà độc tài Sadam Hussen Thục Nữ.

Trở lại cái khúc mà ông Dương cười tủm tỉm trong lòng khi ông bà vừa bước ra khỏi văn phòng bán vé máy bay. Lý do ông cười là thế này: Bằng toàn những lời nói dối do bạn nhậu vẽ vời cho ông, ông đã dụ được và làm cho bà xiêu lòng. Ông nói ông nằm mơ thấy hương hồn ba ông hiện về xin vợ chồng ông một buổi lể cầu siêu để nơi chín suối, hai ông bà cụ được phần thanh thản, rồi sau đó mới có thể độ trì cho con cháu được. Bà Thục Nữ vốn nắm rõ tính tình của chồng mình, đời nào tin vào lòng hiếu thảo bất ngờ này, nhưng thôi, ông đã nói vậy thì bà cũng chiều, kẻo lại mang tiếng là ăn ở ác đức cả với người chết, cộng thêm bà vừa nhận được cái check bồi thường của bảo hiểm xe trong vụ ông Dương bị đụng đằng sau đít cách nay 2 tháng cũng khá rủng rỉnh, cho nên bà thuận ý để cả hai vợ chồng cùng về thăm quê hương một chuyến. Ngòai ra ông cũng cười thầm về chuyện thông qua tay chủ tiệm sửa xe người Việt, ông đã dấu riêng cho mình một ít tiền mặt mà vợ ông không hề hay biết. Trên đường về, vừa lái xe ông Dương vừa nghĩ tới các quán bia ôm, những tiệm hớt tóc thanh nữ chuyên hớt tóc bằng lưỡi, những quán cà phê uống trên giường… nói tóm lại là những chốn ăn chơi cụp lạc mà bạn bè vẫn kể cho ông nghe mỗi khi họ từ Việt Nam trở lại Mỹ, lòng ông rộn ràng sung sướng khi biết mình sắp sửa được dự phần vào các thú vui ở Việt Nam.

oOo 

Dựa đầu vào thành ghế Taxi, ông Dương nhắm mắt lim dim ngủ. Từ ngày đặt chân tới Sàigòn cho đến bây giờ ông ngủ rất ít. Bao nhiêu khách khứa phía bên vợ phải tiếp, rồi bạn bè thân tình cũ hết thằng này tới thằng khác lôi ông đi uống rượu. Đi tới đâu, tiếp chuyện với ai ông cũng đều được đãi ngộ hết sức trân trọng, người ta không còn ai gọi ông là thằng “Dương tàu hỏa” như hồi ông còn làm công nhân viên ở ga Hòa Hưng nữa, ông thấy cái mác Việt kiều của ông thật là danh giá và ông cần phải cư xử sao cho phù hợp với đẳng cấp “quý tộc’ của mình. Tự nhiên ông ăn nói một cách từ tốn, khoan thai, đặc biệt khi ra khỏi nhà, bất cứ là đi đâu, ông cũng đeo vào người cái “bao tử” (túi bụng), mặc dù bạn bè  bên Mỹ đã khuyên ông đừng, bởi vì cái trò này xưa lắm rồi, nhưng ông không nghe, bởi nếu không có cái bao tử, thiên hạ ai biết ông là Việt kiều ? Phải nói là suốt gần hai tuần lễ ở Việt Nam vừa qua ông như sống trong một thế giới khác, bản thân ông là một con người hoàn toàn khác, rất lịch lãm, rất xứng đáng được sự ngưỡng mộ của thiên hạ. Duy nhất chỉ có một lần uy tín Việt kiều của ông hơi bị giảm sút, đó là hôm đang ngồi tiếp khách tại nhà vợ, bỗng có một con mèo từ trong nhà chạy vào phòng khách, ông làm bộ ra vẻ hoảng sợ và co cả hai chân lên ghế xa-lông, khiến cho người nhà phải nhanh chóng tóm lấy con vật ném ra ngoài cửa, lúc ấy bà mẹ vợ của ông mới hãnh diện nói với khách khứa:

 – Đấy con người ta ở xứ văn minh lịch sự về có khác, chứ thằng rể nhà tôi lúc trước còn ăn cả chuột!

 Mặc dù khi nói câu này mẹ vợ ông rất thành thật, nhưng dù sao ông cũng cảm thấy mình hơi hơi bị xuống giá.

Chiếc Taxi dừng lại trước một tụ điểm mát-xa VIP trên đường Ngô Gia Tự. Ông và hai người bạn nữa chệnh choạng bước xuống xe, cả ba vừa kết thúc chầu nhậu tại quán Karaoke ôm và đang muốn tìm cách thỏa mãn ngọn lửa tình đang ngùn ngụt bốc lên trong lòng, mà theo lời bạn ông thì nơi đây các em sẽ chiều chuộng khách từ A tới Z.

Tiếp ông trong phòng VIP hoàn toàn riêng tư là một cô gái khoảng mười chín, hai mươi tuổi, mặc quần soọc, áo thun sát nách ,trắng như bông bưởi, cô bé có khuôn mặt xinh xắn đến độ ông Dương phải chột dạ nghĩ: Cái cỡ này mà ở Mỹ thì có nằm mơ ông cũng không đụng vào được. Còn đằng này ở đây, chính cô bé lại là người đụng đến ông trước. Cô nhẹ nhàng thay quần áo cho ông, khoác vào người ông cái áo choàng trắng, nhẹ nhàng dìu ông ngồi xuống ghế thư giản để cô bóc trứng gà luộc và trái cây đút cho ông ăn trước khi tắm nước nóng và vào cuộc mát-xa. Ông Dương run run cảm thấy như mình đang ở trên tiên giới, đã từ lâu lắm rồi ông chỉ biết có bà Thục Nữ, mà cái con mẹ la sát này ngàn lần làm sao có thể so sánh được với nàng tiên giáng trần đang hiện diện và tòan tâm tòan ý phục vụ cho chỉ riêng một mình ông. Cho nên ông Dương cảm động lắm. Từ sâu thẳm trong lương tâm, ông thấy xót xa cho thân phận cô bé, chỉ đáng tuổi con gái lớn của ông. Ông thấy hình như mình đang làm một điều gì đó không đúng nhưng ông gạt phắt đi cái ý tưởng này, ông tự nhủ: Băn khoăn làm chi? Trước ông, cô bé đã tiếp cả trăm người, sau ông, cô bé sẽ tiếp cả trăm người khác nữa, băn khoăn làm gì? Ông chỉ thấy tiếc hùi hụi cho một đóa hoa đời không gặp phận… Ông tiếc đến nổi khi đã nằm trên giường mát-xa rồi, khi mà cặp đùi trắng nỏn nà và mát rượi của cô bé ngồi trên lưng ông đang cặp sát vào hông ông, hai bàn tay nhỏ xíu của thiên thần đang liên tục làm các động tác xoa bóp trên tấm lưng xần xùi, hai ba ngày mới tắm một lần của ông, ông bổng bật ra một câu hỏi thật thà như chính bản thân của nổi niềm tâm sự:

–         Xinh đẹp như em sao không lấy chồng mà đi làm cái nghề này vậy?

Cô bé tạm ngưng đôi bàn tay đang thoăn thoắt của mình và tranh thủ đưa cánh tay lên chùi vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt non chọet nhưng mỹ miều trời cho. Từ khi rời Chợ Lách lên thành phố Hồ Chí Minh làm nghề mát-xa để gửi tiền về nuôi cha mẹ, cô đã nghe câu hỏi này hàng trăm lần rồi, hầu như thằng đàn ông nào vào đây cũng chỉ có một câu hỏi ngu ngơ rập khuôn như vậy. Họ hỏi là để có câu chuyện mà nói thôi chứ có ai thật sự quan tâm đến số phận nhỏ nhoi của cô đâu? Ngày còn đi học cô đã ước ao sau này sẽ trở thành cô giáo, nhưng cảnh nhà cứ ngày một sa sút, cả gia đình sống nhờ vào mảnh vườn trồng nhãn hạt tiêu, cha mẹ cô vốn là nông dân rặt, suốt ngày lao động cần cù, đổ bao nhiêu là mồ hôi và nước mắt cho mấy chục gốc nhãn, ấy vậy mà nhãn được mùa cũng chết vì tư thương câu kết với cán bộ xã để dìm giá nhãn, họ chở nhãn về thành phố để xuất khẩu trong tiếng than uất nghẹn của người dân. Thật là một nghịch lý của một xã hội kỳ quặc: Mất mùa chết đói thì tại ông trời, nhưng sao càng được mùa lại càng có nhiều tiếng nấc bật lên trong đêm trường tuyệt vọng??? Giá nhãn như vậy tiền đâu để trả các món nợ phân bón và thuốc trừ sâu? Thế rồi những người nông dân chất phác bắt đầu phản ứng để tồn tại: Họ bắt đầu xé lòng để con cái họ rời bỏ quê nghèo lên thành phố mưu sinh …Đầu tiên cô bé chẳng muốn rời xa cha mẹ đâu nhưng lai rai trong xóm những nhà có con gái lên “làm việc” ở Thành Phố HCM họ bắt đầu khá lên, trong bữa cơm đã bắt đầu có thịt, có cá, làm cho cô bé phải suy nghĩ, so sánh, và  cuối cùng cô  quyết định đi. Mặc dù cô ý thức rất rõ công việc mà mình sắp làm không đẹp đẽ gì đâu. Nhưng có hề gì? Cô chỉ cần nói dối với gia đình về nghề nghiệp của mình và xin nhận hết vào lòng những đắng cay, tủi nhục. Cô chỉ cầu xin cho thôi không còn những tiếng thở dài não nuột của sự ngèo khổ mà vô tình cha mẹ cô đã bao lần thốt ra và làm trái tim cô bật máu.

Không nghe tiếng trả lời từ cô bé, ông Dương cố sức quay người nằm ngửa lên trong lúc cô bé vẫn còn ngồi trên đùi ông, cái khăn lông che đậy phần thân thể chán ơi là chán của ông được cô bé khéo léo giữ nguyên tại vị trí cũ.

– Sao anh hỏi mà em làm thinh vậy?

Cô bé chớp chớp mắt, những giọt mồ hôi nhỏ xíu vẫn rịn ra hai bên thái dương:

– Dạ thì tại hoàn cảnh đẩy đưa vậy thôi.

Nhưng ông Dương cũng như bao nhiêu thằng đàn ông khác mang tiền vào đây đâu có cần nghe câu trả lời này, bằng chứng là ông nói một câu hoàn toàn không dính líu gì đến hoàn cảnh của cô:

– Lát nữa em đi chơi với anh được không? Anh sẽ “ boa” đặc biệt cho em.

Câu này cô bé nghe cũng đã quen tai lắm rồi, từ bao nhiêu cánh đàn ông, thuộc đủ mọi thành phần, cho nên lời đáp lại của cô cũng thuộc lọai bài bản nghề nghiệp:

-Ý đâu được anh! Em phải làm cho hết ca. Ông chủ mà biết em đi vụ này là em bị đuổi đó. Lâu lâu như em có cảm tình với ai thì em chỉ đi được buổi sáng, trong giờ nghỉ ngơi riêng của em thôi.

Ông Dương nhìn chăm chăm vào làn da trắng nhễ nhại của cô bé, trắng còn hơn cả cái áo lụa trắng sát nách mà cô đang mặc, ông nuốt nước bọt ừng ực:

-Vậy sáng mai được không? Anh chờ em ở hủ tíu Hồng Phát, ăn sáng xong tụi mình đi chơi.

Cô bé ra vẻ hững hờ , đưa bàn tay thon nhỏ lên vén lại món tóc mây, thật ra cô vẫn đang theo sát kịch bản mà hai năm miệt mài trong nghề đã dạy cho cô, giọng cô bây giờ hơi pha chút nhỏng nhẽo:

– Thôi hổng được đâu! Sáng em còn phải ngủ lấy sức chiều đi làm. Đi chơi với anh lở mệt đi làm không nổi, tiền đâu đóng hụi chết cho người ta.

Ông Dương thấy lóe lên một tia hy vọng trong câu nói đẩy đưa của cô bé và ông bộp chộp cắn ngay vào lưỡi câu vô hình:

-Em đừng lo. Anh từ Mỹ về đây chơi, không lẽ anh để em thiệt thòi .Anh sẽ bao lương em nguyên ngày mai. Lương em một ngày tới năm trăm ngàn không? (Ông Dương tính tóan trong óc rất nhanh: Gần ba mươi đô chứ mấy! Tha hồ cho ông dày vò ).

Cá đã cắn câu rồi! Vấn đề bây giờ là phải kéo lên bờ, nắm chặt con cá trong tay, kịch bản đã chỉ rõ như vậy. Cô bé phụng phịu nói, trong khi hai bàn tay đang mát-xa cặp đùi của ông nhích dần dần lên phía trên một chút:

-Thôi hổng dám tin mấy ông Việt kiều đâu! Anh nói vậy chứ chút nữa anh gặp mấy cô khác đẹp hơn em rồi anh xù em luôn, mất công em sáng mai dậy sớm ngồi đồng trong tiệm hủ tíu. Không ấy anh lì xì trước cho em đi. Em hứa đúng 9 giờ sáng sẽ có mặt tại điểm hẹn. Chỗ em làm ở đây, em đâu dám thất hứa với anh.

Nghe có lý quá, lại đang rạo rực, đê mê, ông Dương sai cô bé chạy đến chổ treo quần áo lấy cái ví đem lại cho ông. Ông run run rút ra ba mươi đô đưa cho cô gái. Hơi đảo mắt một chút ông nhận ra rằng tiền ông sắp cạn. Lát nữa đây sau khi trả tiền mát-xa cộng tiền “boa” cho ông và hai người bạn, sẽ chẳng còn lại bao nhiêu trong ví. Nhưng không sao! Ngày mai tấm thân trẻ trung, đầy đặn và tươi mát kia sẽ nằm trong vòng tay của ông. Từ trước tới giờ ông chỉ toàn ôm Sadam Hussen, mà bà chằng lửa này làm sao có thể ví với cô bé tuổi đôi mươi căng đầy nhựa sống đang ngồi trên người ông. Nhìn vào chỉ muốn cắn!  Đây có lẽ là tiết mục sáng giá nhất cho toàn bộ chuyến về Việt Nam của ông. Bởi gần hai tuần qua ông cứ phải kè kè theo đít vợ, bất cứ là đi đâu, y như hình vẽ con trâu đi trước cái cày theo sau, đã vậy còn phải chứng kiến cảnh bà nổ với những người Việt Nam. Ông đã nổ, bà còn nổ bạo hơn ông, lắm lúc chính ông nghe cũng phát ngượng. Suýt có lần ông toan lên tiếng phản đối nhưng ông sợ mất công vợ chồng cãi nhau, thì còn ra vẻ Việt kiều gì nữa! Thỉnh thoảng một hai lần bạn tới rủ ông đi nhậu thì ông chỉ được phép ngồi tại mấy cái quán gần nhà, chốc chốc lại có các điệp viên 007 do bà sai phái chạy xe gắn máy xẹt qua để kiểm sóat. Cũng may vợ ông hôm nay có hẹn với Bác sĩ để xâm lông mày nên ông được xổng chuồng và ông không bỏ lỡ cơ hội lao ngay vào các món ăn chơi mà trước giờ ông chỉ tòan được nghe kể. Không, lần này chính ông sẽ có chuyện để kể cho các bạn ông ở Mỹ nghe. Vấn đề là làm sao nói gạt được bà vợ ông để sáng mai ông được tự do một buổi nữa thôi. Chắc ông sẽ nhờ thằng Châu (người bạn chung của vợ chồng ông mà bà Thục Nữ rất tin tưởng) nói dối là chở ông đi thăm ông thầy dạy học cũ cho tròn nghĩa thầy trò.Nhưng lỡ nói tới cỡ đó mà bà vẫn không thả ông ra thì sao? Thì chắc ông sẽ đánh bài liều. Ông sẽ giả bộ đi uống cà phê sáng rồi biến luôn, về nhà muốn làm sao ông thì làm. Cái chính yếu là ông phải ăn được tô phở nóng hổi ngon lành kia, chứ ăn cơm nguội hoài chán lắm rồi.Chỉ mới tưởng tượng ra sáng ngày mai hai đứa ông dìu nhau vào một khách sạn nào đó, tim ông đã đập lọan xạ và lòng ông đê mê, sung sướng.

Ông sung sướng đến độ sau màn mát-xa kết thúc, ông “boa” hậu hĩnh cho cô bé và cao hứng lên, ông rủ hai người bạn vô Chợ Lớn ăn mì vịt tiềm trước khi chia tay, tung cánh chim tìm về tổ ấm….

Tô mì vịt tiềm bốc khói thơm phức được đặt trước mặt ông, ông đang nheo nheo mắt cầm đũa lên chuẩn bị thưởng thức thì bỗng có tiếng điện thọai reo. Đây là cái điện thọai của người nhà bên vợ đưa cho ông sử dụng, bởi vì bà muốn kiểm soát ông 24 trên 24. Ông Dương lật đật thọc tay vào trong túi quần :

-Alô! Anh đây!

-Ông làm gì giờ này chưa về? Sáng mai làm lễ cầu siêu cho ba má ông rồi! Còn chưa chịu về lo công chuyện với người ta?

Ông Dương ngớ người ra: Chết cha! Ngày mai thứ Tư? Thôi đúng rồi, theo chương trình ngày mai là ngày làm đám cầu siêu cho cha mẹ ông. Vậy mà ông quên khuấy đi cái vụ này. Ông ấp úng:

-Ngày mai anh lỡ hẹn với thằng Châu đi thăm ông thầy cũ của anh đang hấp hối trong bịnh viện rồi, hay mình dời lễ cầu siêu lại ngày mốt được không?

Bà Thục Nữ bắt đầu điên tiết lên, giọng bà the thé trong phôn:

-Dời lại sao được! Ở nhà đi chợ mua đồ làm giỗ hết rồi, các thầy trên chùa hẹn sáng ngày mai tới rồi! Ông đừng có dị ngộ quá đi nha! Bữa đó cũng chính ông nhờ Dì Ba lên chùa xin ngày lành tháng tốt, thỉnh sư tăng, rồi ông mời hết thảy bà con …

Ông Dương thấy mình thua buồn. Phải, chính ông hôm đó ngồi trước mặt khá đông bà con, khách khứa, ông đã tỏ ra rất rõ mình là đứa con có hiếu, ông đã nói rất thiết tha về ước nguyện chính của ông khi về quê hương lần này là để trả hiếu cho hai đấng sinh thành, khi mất ông đã không chôn được thì bây giờ ông muốn làm bữa giỗ, trước là cầu siêu cho người quá vãng, sau là để cảm ơn bà con lối xóm đã phụ tay chôn cất cha mẹ ông khi ông xa vắng. Ông nói tha thiết lắm đến nỗi Dì Ba ông, gần tám mươi tuổi rồi,vừa ngồi nghe vừa khóc thút thít và tình nguyện giúp đỡ vợ chồng ông rất nhiều trong việc tổ chức buổi làm đám ngày mai.

Trong phôn, bà Thục Nữ vẫn đang rít lên:

-Về ngay nha! Đừng để tui phải nói nặng nha! Mất mặt thì đừng có trách…về liền nha!

Ông Dương cúp phôn, lòng buồn rười rượi. Sao đời nhiều lúc lại oái oăm thế này? Mỡ gần đến miệng mèo còn bị mất, rồi số tiền đưa trước cho con bé chẳng lẽ bây giờ:

Bắc thang lên hỏi ông Trời

Tiền đưa cho gái có đòi được không?

Ông trời ổng nói là không

Tao còn không được, huống chi là mày!

Nhìn tô mì lừng danh của Hải Ký Mì Gia đã nguội lạnh trên bàn, ông thẩn thờ nói với hai người bạn:

-Thôi ăn lẹ đi tụi bay, tao còn phải về để phụ làm đám sáng ngày mai…./.

 

Dương Phú Lộc

Raleigh, NC

Có 4 bình luận về Làm đám

  1. KiềuOanh nói:

    Bài viết của tác giả Dương Phú Lộc rất hay với lối văn trào phúng, dí dỏm, châm biếm,nói lên “tật xấu” của một vài cánh mày râu khi lâu lâu cảm thấy ngán cơm nguội và thèm 1 bát phở nóng. Tội nghiệp cho nhân vật ông Dương mà cũng đáng đời cho ông. Thiệt đúng là ” Trời hại người ……gian ” mà !wink

    • PhươngNga nói:

      Trong hình của hai ông nầy, KO nhắm coi ông nào là “người ngay” mà bị hại?

    • KiềuOanh nói:

      Dạ ,Chị hỏi thì em trả lời ,

      Nhìn hình 2 ảnh,em thời hoang mang .

       Ai là “kẻ thiệt , người gian?”

      Thật là khó biết ! Em càng phân vân!!??

      Thôi thì chẳng nói xa gần.

      “Người ngay bị hại ” ,không có phần hai anh !!  kha kha kha …wink

                       Chị Phương Nga ơi :  ” Trời thường hay hại kẻ gian.

                                                                 Chị kêu em kiếm anh chàng (nào) bị hai ( hại ) ?

                                                                  Thiệt tình là khó quá tay !!frown

                                                          Vì :  Hai anh không phải “người ngay ” bị hài ( hại ) .    

      Nói đùa cho vui thôi , cả hai ông ấy là “người ngay ” hết thì làm sao bị hại được hở chị  Phương Nga ? (Ý ,có người “hỉnh” lổ mủi lên kìa!)  cheeky

                                            

       

  2. Nguyễntuyết nói:

    hì hì hì , PN đố sao mà cắt cớ  quá  hà , làm cho SOS phải hỏi   ông bạn ta hay mi !!!???

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác