HỢP TAN

Ngày đăng: 19/11/2012 08:19:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (2)

 

Hợp tan là truyện ngắn 3 kỳ của anh Lê An, cây bút quen thuộc trên trang nhà. Phần một này được lấy tên Gặp gỡ, câu chuyện về một nam sinh ở quê lên thành ở trọ học, gặp người đẹp ở tỉnh thành 

Gặp gỡ.


Căn nhà nhỏ của chị Hải kế bên bến nước của một xóm nghèo, với vài chục gia-đình tản-cư từ quê lên, ở ven tỉnh-lỵ bên giòng Cửu-Long. Hầu như ngày nào bà con trong xóm đều gặp chị Hải không sáng thì chiều vì phải xuống bến sông gánh nước, tắm giặt….hoặc mang củi, cây trái ….mua từ những xuồng ghe đem lên nhà. 
Thọ, trọ học ở đây, cũng không ngoại-lệ, cứ chiều xuống là mang xà-bông, khăn, áo …đi tắm. Mỗi lần như vậy nếu gặp nhau là họ trao đổi nụ cười và câu nói Thọ thường nhận từ chị Hải là: “ Cậu đi tắm …hả?” Một câu nói thừa-thải nhưng bữa nào mà chị không nói thì chàng lại phân-vân: “ Bộ chị ấy giận mình sao …cà !”. 
Chị là thợ may, hằng ngày khách khứa vô ra để đặt may hoặc lấy quần áo được làm xong. Khách-hàng thường là phụ-nữ, già có trẻ có, Thọ cũng chẳng quan-tâm cho lắm. 
Hè năm ấy Thọ không về nhà vì phải theo học thêm khoá hè để chuẩn-bị cho niên-khoá tới được tốt hơn 
Như thường-lệ Thọ cùng vài bạn sau khi đá banh xuống bến sông bơi lội, đùa giởn với sóng nước cho buổi tắm mỗi chiều. Hôm nay, họ tắm lâu hơn mọi hôm, đùa giởn ồn ào hơn, trỗ tài bơi lội náo-nhiệt hơn vì lẽ phiá sau nhà chị Hải hướng ra sông thỉnh-thoảng thấp-thoáng hai bóng hồng lạ tha-thướt ra vào… 
Chiều xuống thấp, đêm về! 
Buổi tối Thọ thường đọc sách, làm toán, học bài…Hôm nay, không hiểu sao lòng bồn-chồn không học-hành được mà một thắc-mắc trổi dậy trong lòng…Thọ đi lên đi xuống bến sông, mắt liếc vào nhà chị Hải, một hành-động bất-thường. Đến đêm thì thao-thức, vật lộn với những câu hỏi lởn-vởn trong đầu: “ Họ là ai nhỉ?”, họ là hai cô gái lạ xuất-hiện hôm qua ở nhà chị Hải. Như có gì thôi-thúc trong lòng, chàng tự bảo mình phải tìm cho ra tông-tích. 
Vốn là học-sinh nghèo từ quê lên tỉnh nên Thọ chăm-chỉ học-hành cho tốt để vừa lòng gia-đình, xứng-đáng với những lời khen tặng “học-trò khó siêng-năng” của bà con thân thương của xóm nghèo này ban tặng. Dù đến tuổi mơ mộng tình-ái thường tình của thanh-niên lớn lên, Thọ luôn tự nghĩ rằng mình sẽ chẳng có cô nào chiếu-cố vì ăn mặc đơn-sơ với quần áo cũ mèm, ngày lễ nam-sinh mặc lễ phục quần tây/áo sơ-mi trắng còn nhóm học-sinh nghèo như Thọ thì vận bộ bà ba trắng đứng riêng một góc sân trường, vì tự-ti mặc-cảm nên không ăn nói chửng-chạc, văn-vẻ như bạn bè mà trái lại ngâp ngừng, nhút-nhát, e-thẹn…Thế mà bây giờ Thọ nhất thời thay đổi thái-độ, bạo-dạn lân-la đến nhà chị Hải hôm sau để làm quen hai cô em họ của chị từ Sài-Gòn về đây nghỉ hè. 
Là thị-dân, sinh ra và lớn lên ở Sài-Gòn, đã hun-đúc cho hai cô lối sống dạn-dĩ, cởi-mở, hoạt-bác, vui-vẻ …Đặc-biệt họ rất thân-tình, không khách-sáo, kệch-cỡm. Những ưu-điểm ấy đã thúc đẩy Thọ thích được kết thân với họ. Thọ có linh-tính hình như chị Hải đã nhúng tay vào sắp xếp chuyện này cho những người trẻ tuổi này có dịp gặp-gỡ để kết thân nhau vì vào lúc gỏ cửa nhà chị để làm quen, Thọ thấy họ chụm lại nói nhỏ với nhau và cười khúc-khích ngó về phía chàng. Nhận-xét ấy không sai bởi sau này khi đã thân quen, chị thú-thật vì mến Thọ nghèo mà hiền-hậu, chăm-chỉ, học-hành giỏi, đứng-đắn nên muốn giới-thiệu với mấy cô em họ, biết đâu…có mối duyên lành?!

***


Những ngày hè trôi qua nhanh. Những kỷ-niệm nho nhỏ nhen nhúm khởi đầu cho tình bạn được hình thành trong lòng mỗi người; người ở lại xóm mhỏ nghèo-nàn và những người trở về thủ-đô phồn-hoa nhộn-nhịp với hẹn ước sẽ gặp lại nhau trong mùa tựu trường. 
Thọ thầm so-sánh hai chị em Ngọc và Huyền, hai cô em họ của chị Hải. Cả hai sắc vóc bình-thường nhưng có những nét ngầm thanh-lịch. Cô chị Ngọc tánh tình điềm-đạm, mĩm cười nhiều hơn nói. Cô em Huyền thì liếng-thoáng, líu-lo như chim sơn ca, hoạt-bát, cười nói liền miệng dễ gây chú-ý và cảm-tình với những người tiếp chuyện và chính điều này tình-cảm của Thọ đã nghiêng về Huyền; nàng đang học tại một trong hai trường nữ công-lập nỗi tiếng miền Nam trước 1975 tại thủ-đô Sài-Gòn. 
Không hẳn “thảm thương” như hai câu thơ : 

Người đi một nửa hồn tôi mất 
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

Hàn Mặc Tử

Nhưng gần gần như vậy, Thọ ngơ ngơ ngẩn ngẩn suốt ngày không làm gì được. Chàng mong mau đến ngày tựu trường để có dịp đến thăm hai cô bạn mới. Những buổi chiều đi tắm chàng vẫn thường liếc mắt nhìn lên nhà chị Hải dù biết rằng họ không còn ở đó. Đôi lúc trò chuyện với chị Hải, chàng tìm cách nói khéo để dò hỏi xem cảm nghĩ của Ngọc và Huyền đối với mình ra sao. Hình như nhìn thấu “tim đen” của chàng nên chị trả lời ởm ờ “Tôi cũng không được rõ nhưng….”, chị dừng lại mĩm cười để chàng chờ đợi đôi giây rồi nheo mắt: “ chắc…họ có thể cũng như cậu vậy”. Nghe thế lòng chàng phấn-khởi lên và càng háo-hức tưởng-tượng những tình-tiết lãng-mạn có thể xãy ra trong lần gặp lại sắp đến. 

Người đâu gặp gỡ làm chi 
Trăm năm biết có duyên gì hay không?

(Nguyễn Du)


Tối hôm nay trăng rằm rực-rỡ trên bầu trời không mây, gió thổi nhè nhẹ mang hơi nước từ giòng sông Cửu mơn-man mặt chàng, ngồi bên này bờ sông nhìn sang bên kia bờ hướng Bắc cũng là hướng của kinh-đô ánh sáng – thành-phố của người con gái vừa gặp-gỡ mà đã cho chàng thật nhiều mơ ước, chàng tự hỏi : “Giờ này em đang làm gì và có nghĩ đến anh như anh đang nhớ em không?  (Còn tiếp)

 

LÊ AN

 

*Câu chuyện và tên nhân-vật nếu có trùng-hợp là ngẫu-nhiên ngoài ý muốn của người viết.

 

Có 2 bình luận về HỢP TAN

  1. Nguyễntuyết nói:

    Câu chuyện  miễn bàn , vì  có thể là chuyện cũ cuả tác giả(?) …. thấy tấm hình minh hoạ cuả 3 chàng ngự lâm pháo thủ , 2 chàng ốm , 1 anh chàng gầy , 2 bên có 2 cái tay đưa lên…. trông vui  vẻ  và kỷ niệm cuả 1 thời thanh niên còn đi học vui vẻ với bạn bè.

  2. PhiRom nói:

    Anh Lê An thân mến! ai ai cũng có những kỷ niệm của tuổi học trò thật lãng mạn, một thời vàng son mơ mộng, có tìm lại được cũng chỉ trong giấc mơ ngắn ngủi, rồi cũng tan biến, trong truyện ngắn ” Hợp tan” anh chàng thư sinhThọ vấn vương hai bóng hồng là lẽ thường tình  một chút tình ngây ngô tô diểm thêm trong cuộc sống, rất cám ơn tác giả,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác