Nước trôi dưới suối, đá mòn trên khô.

Ngày đăng: 30/09/2012 12:23:47 Sáng/ ý kiến phản hồi (1)

 

Lâu rồi và thỉnh thoảng, tôi thường nghe câu nói, nước chảy đá mòn. Có một lần người ta đưa ra minh họa, minh chứng như thế nầy. Hằng năm, nhưng không có bốn chữ cứ vào cuối thu  như bài văn nổi tiếng. Mà cũng có thể là vào cuối thu, bởi vì ở đất nước Canada nầy, nếu làm việc ngoài trời, gần chỗ nước nôi ướt át mà đợi đến những ngày cuối năm đông giá mà tổng kết thì lạnh lắm. Thôi thì cứ đóng đại cái mốc cuối thu năm nay đến cuối thu năm tới, thì chu kỳ 12 tháng vẫn tròn vo như chiếc bánh sinh nhật kem đường quen thuộc.   

 

Hai thớt đá cối về hưu trước khi nhà máy ngưng chạy.

 Các chuyên gia và các nhà khoa học không biết dùng dây nhợ máy móc gì để đo đạc cái bức tường hẩm đứng đằng sau khối nước đang chảy ngon trớn trên kia đến đó bỗng hụt chân, cả đám xô nhau nhào xuống vực sâu bên dưới, tung bụi nước mịt mù, ầm ầm ngày đêm dậy sóc. Mấy ổng nói mỗi năm bức tường đứng nơi chân thác Niagara nổi tiếng, bị mài mòn hao hụt mấy phân mấy tấc chi đó. Có ông tính toán xa hơn nói rằng, nó mòn bao nhiêu thì nó càng lùi dần về phía đầu nguồn, rồi sẽ bỏ lại thành phố tuổi thơ thân thương đầy kỷ niệm, mà đã một thời hai đứa kẻ ướt- người khô khắn khít, ngưỡng mộ nhau đến nỗi mang cùng tên cùng họ Niagara mà ai cũng biết. Muôn ngàn năm tới, khi đó con cháu mấy ổng nếu có cơ hội ở trên công viên bờ sông bên nầy. Lúc đó tụi nó chỉ còn ngồi nghe nước chảy róc rách dòng sông phía dưới, ngắm mây trôi hờ hững bên trên, nhớ lại phim ảnh những thác hùng vĩ ầm ầm trời long đất lở của ông bà thời thượng cổ giờ chỉ còn trong sách vở, sẽ cảm thấy buồn man mác.
        
        Thời đại nầy từng phút từng giây quý giá, nên mấy ổng chỉ nói đá mòn vậy thôi, chớ không nói tại làm sao “đá mòn mà tình người du khách có mòn đâu ” cho bàng dân được biết. 
        Có một hôm, thấy đứa cháu nhỏ cầm hòn sỏi láng vo, giống cảnh thời thơ ấu của tôi cũng đã từng lượm chơi và bạn bè trang lứa gọi là đá trứng. Khoảng tuổi thèm khát đồ chơi mà lớn lên trong thời kỳ hơi chật vật, nên tôi chỉ biết lượm lặt món đơn giản khác lạ. Bởi quê tôi là vùng đồng bằng do phù sa mịn màng của sông Cữu Long bồi đắp, nhà cửa phần nhiều bằng cây ván, kiếm được một viên đá trứng không là chuyện dễ, lâu lâu mới có vài viên long tróc ra từ bê tông những nhà phú hộ. Được tụi con nít quê chúng tôi lượm khoe với nhau như là bảo bối.
        Bây giờ tôi mới giật mình khi nghe đứa cháu hỏi, “cái nầy ai làm mà sao nó đẹp vậy”. Trong khoảng lâu lắm, tôi cứ tưởng đá trứng là do núi lửa trong khi phun trào nham thạch, sẵn dịp tuôn theo một số trứng đá trong lòng đất trồi lên bề mặt của thế gian. Sau nầy có dịp xem phim khoa học, tôi được thấy dung nham nóng đỏ rừng rực, bò tới đâu cát chảy đá tan tới đó. Thì những viên đá láng như viên bi thuỷ tinh, có viên còn trong trẻo rõ ràng từng vân đá, làm sao dính líu họ hàng với anh chàng nóng nảy hỏa diệm sơn kia cho được. 
        Nhớ có lần chúng tôi đi chơi dã ngoại ở vùng cao. Là dân đồng bằng lâu năm, lần đầu tận mặt làm quen với núi đồi nên tôi thích lắm. Hình ảnh lạ lẫm làm tôi kinh ngạc sững sờ, trên một bãi rộng ven bờ suối hàng triệu viên đá cuội nằm chồng chất lên nhau. Chúng hầu như cùng màu da và đều đặn anh em cùng kích cở. Sau ít phút bàng hoàng khâm phục thiên nhiên tôi lượm một viên sỏi tò mò xem xét. Viên đá nầy có vẻ rắn chắc, láng cuộn, màu sắc pha trộn hơi đen xám đục chen giữa những lớp trong  hơn nhưng vẫn còn chút nhá nhem mờ tối. Không như những viên sỏi một màu vàng nhạt đục ngầu già cỗi, ít có viên nào mà tụi tôi cho là hoàn hảo ngọc ngà của trong tuổi ấu thơ nơi quê cũ.
        Những viên đá cuội trên bờ suối nầy thuôn thuôn dẹp dẹp có hình hạt đậu Hà Lan, thể tích lớn hoặc nhỏ hơn cở của hai nắp chai bia nhâp lại. Cho dù nhìn bao lâu, tôi không thể hiểu cách nào thiên nhiên làm được một viên sỏi và  tại sao cả bầy nhảy lên bờ nằm như vậy. 
        Sông nước làng quê, nước lớn chảy vô mấp mé tràn bờ, nước ròng chảy ra lòng sông ốm teo lòi hai bãi sình cặp mé. Chỗ nào dòng sông bị uốn cong hay quẹo gắt, trớn dòng nước sẽ đâm thẳng vào bờ, đáy sông di chuyển lệch về hướng đó, áp lực dòng chảy khi mặt sông đầy sẽ giảm thấp phía bờ đối diện, cơ hội cho phù sa lắng đọng, tạo ra cảnh bên vịnh thì lở, bên doi thì bồi. 
        Phù sa lắng đọng ít nhiều là do dòng chảy, nhưng những viên sạn kia đâu phải nhẹ liêu phiêu mà nằm gom trên bờ một cách trật tự dễ thương như vậy. Cảnh tượng như có người bỏ công chọn lựa bãi đá làm tôi nhớ lại những chuyện kể sinh hoạt nông thôn. Thời kỳ thiếu thốn những phương tiện cơ giới, ông bà ngày xưa xay lúa, giã gạo ngay trước sân nhà. Trong quá trình xay giã, không thể làm sạch hay loại ra hết những hạt thóc còn lẫn lộn rất nhiều trong gạo. Nhưng có người biết cách lấy những hạt thóc đó không giống kiểu cô Tấm ngày xưa hơn mày mò nhặt ra từng hạt. Công việc sàng “bắt thóc” hầu như mọị phụ nữ nông thôn thời đó đều biết. Múc số gạo vừa giả xong trong cối, lượng đúng cho việc làm, đổ lên chiếc sàng đan bằng nan tre nhỏ mịn có kẻ vừa đủ cho hạt gạo tấm nhỏ lọt qua. Hai bàn tay nắm vành sàng lắc qua lại, thỉnh thoảng xốc đảo số gạo trên sàng cho tấm cám rớt xuống bên dưới. Thấy gạo đã sạch bụi tấm cám, họ lắc chiếc sàng mạnh hơn, vừa đảo tới vừa giật sàng trở lại theo một quỹ đạo bầu dục nhỏ. Tác động đó làm cho những hạt thóc tuy cân lượng gần như tương đương với hạt gạo, nhưng nó mang thể tích vỏ lúa lớn hơn, vì tỷ trọng chênh lệch nên dưới tác động chuồi đẩy, những hat thóc nầy nổi trên mặt gạo và gom về đúng trung tâm mà chiếc sàng giật lắc tạo ra. Các bà chỉ việc hốt nhóm thóc đó bỏ vào cối xay bốc vỏ trấu lần nữa. 
        Biết rằng không thể đem việc trên khô mà suy luận cho điều dưới nước. Nhưng biết đâu trong những ngày xa xưa, con  suối nầy từng có cơn hồng thủy. Dòng nước hung dữ đó đã vực dậy những viên cuội ngủ sâu trong lớp cát từ phía đầu nguồn  tuôn ào ào xuống thấp, đến chỗ loảng rộng ra hay vị trí địa lý làm cho sức cuốn đẩy của nó giảm ngang bằng sức hút trái đất. Nó đành buông tay cho những chú cuội có cân lượng tương đương nằm lại trên bước đường cuồng nộ, để tiếp tục đẩy những chú cuội nhỏ hơn xa về bên dưới.

        Trong khi ông bà chúng ta vui vẻ hát hò gạo trắng trăng thanh. Thì ở trời tây có ông người Canada biết lợi dụng sức nước làm năng lượng phục vụ cho nhà máy xay xát lúa mì lúa mạch một cách rất hiệu quả và sử dụng rất lâu. Nhà máy nhỏ đó nằm trên vùng cao của khu vực thác  Niagara, nhưng lượng nước của nó chảy vào con sông đổ vào hồ Ontario, Toronto. Hiện tại cơ nghiệp nầy được Thành Phố Toronto mua làm di tích bảo tàng. Xem những ảnh kèm theo, các bạn sẽ thấy nước không đụng đá mà dưới tác dụng gián tiếp của nó đá vẫn phải mòn. 
        Còn hàng muôn ngàn viên đá cuội nằm phơi mình bên dòng suối hữu tình trên kia, tôi vẫn thắc mắc lan man. Riêng bạn ?

Nguyễn Thế Điển

4205  

   
Nhà cối xay lúa mì chạy bằng sức nước, phía dưới thác là guồng và láp truyền động, đưa qua dưới sàn nhà máy.

Thác nước, guồng kéo, bánh răng đổi tua nhiều lần hơn cho láp truyền động. Ống màu xanh bên dưới, turbine kéo máy tiện máy cưa.

Sơ đồ địa tầng kết cấu sườn núi vùng thác Niagara 

Cối xay gạo lức ( công dụng tách vỏ trấu ) Mặt cối trên đang quay ngược. Khi xoay lại phần trên cối hình phểu chứa lúa. Thớt cối trên cố định, thớt dưới có cốt dài xuyên qua sàn có dây kéo truyền lực phía dưới. 

Các loại cối xay, trên tường là bảng hiệu MountainMill, tên thác Decew Falls và năm sáng lập 1872.


Thang xuống hầm turbine


Căn nhà nguyên thuỷ của chủ nhân cối xay, được sửa chửa lại phần vách ngoài. Trên nóc còn giử mái gỗ cedar, kỷ thuật lợp gần giống ngói móc phẳng. Gỗ cedar mịn như thau lau, mền như thông nhưng thớ gỗ có rất nhiều chỉ nhỏ như tóc chạy xuôi. 
Gặp mưa nắng mặt gỗ oxit hóa như khói đèn công dụng tự chống nước. Gỗ cedar dùng xài bên ngoài, có khả năng tồn taị vài chục đến trăm năm trong thời tiết tuyết giá và nắng hè, miển là đừng ngâm quá lâu trong nước.

Có 1 bình luận về Nước trôi dưới suối, đá mòn trên khô.

  1. Nguyễn Văn Lần nói:

    Hình 5, nếu ông Điển không chú thích ảnh thì tui nghĩ đó là lò luyện linh đơn của Thái Thượng Lão Quân ! Vì có người đứng canh, mặt rất ngầu ! Thôi, tôi đi đám tang mẹ bạn Chùm đây. Trưa về, nếu khỏe, đọc kỹ lại cho phản hồi. Vì sợ có người xí phần trước, nên ghi vài dòng để mình lọt vào “top ten” chứ !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác