Đường về quê ngoại trong ký ức

Ngày đăng: 20/06/2012 01:27:42 Chiều/ ý kiến phản hồi (1)

Quê ngoại tôi ở Phụng Hiệp, địa danh còn gọi Ngã Bảy. Tôi thương mến quê ngoại ngay từ lúc bé thơ như bất cứ ai thương gia đình, quê hương họ. Hai chữ quê ngoại mà tôi gặp bất kỳ đâu đó, bao giờ cũng làm cho lòng tôi bồi hồi xao xuyến. Một cảm giác bâng khuâng, khi thì rõ ràng gần gũi, khi thì phơn phớt bao la. Như một khoảng sông vắng lặng sáng sớm mùa đông, hình ảnh bàng bạc xóm làng thấp thoáng ẩn hiện, lúc ánh ban mai chưa xua tan màn sương mỏng.

“Hỡi ơi…con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngả, còn lệ của tôi cũng lai láng…muôn dòng”
 
        Giọng ca trầm buồn tha thiết, âm lượng mạnh mẻ, chất chứa một chút thê lương của danh ca Út Trà Ôn. Tâm trạng tình yêu đơn phương của một chàng thanh niên được gởi gấm trong sáu câu vọng cổ “Tình Anh Bán Chiếu” của Viễn Châu, đã ngọt ngào đi vào lòng người từ lâu lâu lắm. Nhất là dân lục tỉnh thời đó và đến bây giờ, cho dù ai mới nghe lần đầu hay nghe đi nghe lại, trong hoàn cảnh vắng lặng hay ồn ào ngoài bến tàu xe, thính giả đều dâng trào nỗi thương cảm não nuột. Ý tưởng mới mẻ và tội nghiệp của tình yêu đơn phương trong bài hát đó, thể hiện qua giọng ca truyền cảm, đã chuyên chở khung cảnh thôn xóm trù phú yên bình, con người chất phác dễ thương, một vùng sông rạch chằng chịt, sóng nước cuồn cuộn mênh mang. Ít nhiều đã vướng đọng đến từng hóc hẻm mỗi tâm hồn.
                                                             xox
        Quê ngoại của tôi ở Phụng Hiệp, người lớn thường hay gọi địa danh đó bằng Ngã Bảy. Mối thâm tình đang luân chảy trong người, nên tôi thương mến quê ngoại ngay từ lúc bé thơ như bất cứ ai thương gia đình, quê hương họ.
        Với cái tuổi lóc nhóc của tôi mà nghe nhạc cũng giống như vịt con nghe sấm. Chỉ có một chút ấn tượng là vì bài ca có nói đến vùng đất mà mình thân thiết. Lớn lên chút xíu, biết thương nhớ mông lung, mới chú ý cái ngân nga nốt nhạc, ý nghĩa của vẫn là lời ca cũ đó , mà có chút buồn vui theo tâm tình tác giả. Có lẽ từ lúc biết rung động với sắc màu ngoại cảnh, tình yêu quê ngoại nẩy nở bén rể ăn sâu trong lòng một chàng trai vừa đến tuổi lên mười. Bắt đầu từ đó và mãi đến hôm nay, hai chữ quê ngoại mà tôi gặp bất kỳ đâu đó, bao giờ cũng làm cho lòng tôi bồi hồi xao xuyến. Một cảm giác bâng khuâng, khi thì rõ ràng gần gũi, khi thì phơn phớt bao la. Như một khoảng sông vắng lặng sáng sớm mùa đông, hình ảnh bàng bạc xóm làng thấp thoáng ẩn hiện, lúc mà ánh ban mai chưa đủ sức xua tan màn sương mỏng.
       
         Khoảng năm 1962, còn trong cái tuổi mê chơi nên tôi chưa cảm nhận được nỗi “man mác buồn” mỗi khi hè đến. Cứ hể đến tháng tư tháng năm dương lịch là tôi lóng nhóng chờ ba má  nói câu quen thuộc, hè nầy gia đình về Ngã Bảy. Lòng mừng khấp khởi, đếm từng ngày cho mau đến bãi trường để được về quê ngoại. Chớ không như bao đứa bạn học chung lớp ba, mấy đứa giỏi thì nóng lòng chờ kết quả thứ hạng lãnh thưởng, đứa dở thì lo lắng có được lên lớp hay không.
         Con đường  trãi đá từ quận Tam Bình đi Cần Thơ là con đường giao thông đã ghi khắc ấn tượng sâu đậm vào tâm khảm một đứa trẻ bắt đầu có chút trí khôn, khao khác tò mò nhìn ra thế giới. Khi xe rời chợ quận khoảng ngắn là con đường đã lọt thỏm giữa vùng quê, nhà cửa lưa thưa và xơ xác, tiếp nối ruộng đồng vườn tược. Chớ không dầy đặc như xóm lao động nơi tôi ở, mà người ta gọi là Xóm Chùa. Có lẽ xóm tôi mang tên đó từ lúc dân cư cùng nhau xây ngôi chùa gạch tô tường, mái ngói với cặp rồng đang mặt đối mặt tranh quả châu trên nóc. Ngôi chùa là một biểu tượng uy nghiêm, to lớn và sung túc, đứng giữa cái xóm có phân nửa nhà cửa còn đang chấp vá nhiều loại vật liệu như gỗ thiếc đơn sơ.
        Thoáng qua cửa sổ xe, hình ảnh quen thuôc những căn nhà nông thôn nền đất mặt ngó ra con lộ đá, mái và vách được lợp vừng bằng các tấm chằm kết từ những phiến lá mỏng và dài của những tàu lá dừa nước. Hàng ba mái trước, thường được chống đỡ bằng bốn cây cột gỗ làm từ thân những cây sắn, mù u, được lột vỏ và đẻo gọt sơ sài. Mấy cây gỗ nầy, bản thân đã xiêu vẹo sẵn từ lúc còn đứng hoang vu trong vườn, khiến cho mái lá càng tiều tụy chênh vênh. Nhà nào cũng có sân đất nện láng cuộn phía trước, có một vài chỗ bị mài lõm xuống, có lẽ nơi đó hàng ngày có những đám trẻ tụ họp đá cầu tán u, hay bọn con gái nhảy dây đánh đủa. Qua khoảng sân là hàng rào nẹp tre đan mắt cáo chạy cặp theo lề lộ. Đứng sát bên trong hàng rào đối diện cửa cái, bàn ông thiên là một thân cây chôn sâu trong đất, phía trên đầu cột khoảng ngang tầm mắt người lớn, người ta đặt ngay ngắn một miếng gạch tàu có bát nhang và dĩa gạo muối trên đó. Dưới chân bàn ông thiên, thường thấy lẩn quẩn vài cây vạn thọ, lan đất hay đám bông sao nhái, hoặc là bụi bông trang với vài chùm bông tiều tụy, hay một cây mai khẳng khiu, trơ mình dưới cơn nắng cháy da tháng sáu.
        Con lộ đã hẹp té, càng ngày càng bị đám me keo, so đủa lấn hiếp thảm thương. Nhiều lúc xe chạy  giữa hai hàng dừa mà người dân trồng dọc hai bên lề lộ, những cây dừa thẳng hàng liên tục, thân cao khỏi mui xe, tán lá giao nhau đan kín bên trên.  Tuy chưa bao giờ được đi xa hơn, nhưng cái cảm giác của tôi lúc tiếng máy xe êm êm đi vào vùng bóng râm và không khí dịu mát dưới vòm tán lá dừa dầy khít bên trên, trong tâm trí của một đứa trẻ mới tập tành tưởng tượng, hiện ra một khung cảnh hoang vắng như trong truyện phiêu lưu mạo hiểm nơi rừng lá thâm u.
        Giấc mộng đường rừng của tôi chưa được bao lâu thì tất cả lại bừng sáng dưới ánh nắng chói chang. Hai bên đường bây giờ là nhũng thửa ruộng phơi nứt nẻ mấy tháng nay, được nông dân thả nước vào linh láng. Có thửa đang cày vỡ đất, có thửa đã bừa trục bằng thẳng mịn màng, Có thửa mênh mông nước, những gợn sóng lăn tăn đang chấp chóa đùa giởn ánh mặt trời. Xen kẻ những thửa đang cày bừa là từng đám mạ non xanh rờn. Chờ cơn gió thoảng qua, những ngọn mạ dầy khít chen nhau đều đặn, lôi cuốn nhau như đầu ngọn sóng, chạy reo lào xào từ phía xa xa, cho đến tận chân con lộ đá.
        Hổng biết mấy đứa cùng trạc tuổi tụi nó nghĩ sao chớ riêng tôi thì thích nhất là khi xe chạy ngang những cây cầu sắt. Nhìn những thanh sắt to, vuông góc sơn đen ngòm chằng kết dính với nhau bằng những con đinh tán thật to. Vừa nghe được tiếng rầm rầm của những miếng ván cầu to và dầy bị vỏ xe nện lên, khua vào giàn đà sắt đỡ đần bên dưới. Thỉnh thoảng cũng có một vài miếng ván cầu bị gãy mà Công Chánh chưa sửa kịp. Lúc đó tài xế yêu cầu mọi người xuống xe đi bộ qua cầu, trước khi họ kéo hai miếng vĩ sắt thủ sẵn trên xe, lót ngay lằn hai bánh xe, gác ngang trên miếng ván cầu bị sún.     
        Cái cảm giác kích thích khi đặt từng bước chân chính xác trên hàng trăm miếng ván cầu, có miếng long đinh hoặc hở kẻ lớn, phía dưới là dòng nước bị hai hàng cột cầu túm hẹp đang tranh nhau cuồn cuộn chảy. Hồi hộp khéo léo dò dẫm tránh kẻ ván vừa sợ rớt mất dép, vừa hân hoan của một đứa trẻ vừa hiểu ra được sự lợi hại của kỹ thuật trong việc chinh phục thiên nhiên.
       Thời gian đó bến bắc Cái Vồn còn vài chiếc phà trệt nhỏ xíu. Xe đậu bốn năm chiếc lộ thiên hàng giữa là kín sàn. Hành khách chia nhau đứng hai phía hông phà, có mái che mưa nắng, nhưng không che nổi những giọt mưa nghiên. Dòng sông Hậu bao đời vẫn mạnh mẻ cuồng nhiệt, không chú ý những chiếc phà máy đang ì ạch xắn ngang.
       
        Chuyến xe duy nhất mỗi ngày từ quận chúng tôi đến tỉnh, đậu bến cuối cùng  trên con đường ai cũng kêu là Hàng bã đậu. Tôi chỉ còn nhớ chút ít con đường đôi thật to có một vài cây sao dầu, vài cây bã đậu và thảm cỏ cách ngăn giữa lộ, chạy từ bệnh viện lớn Cần Thơ thẳng xuống sân heo. Là  một chỗ mua bán gia súc nằm cuối dãy chợ bến Ninh Kiều. Dọc theo mé sông chợ vải và quầo áo may sẵn là bến đò máy nhộn nhịp đi về các quận như Cầu Kè, Trà Ôn, Tam Bình, Cái Côn…và Ngã Bảy, quê ngoại của tôi.

Nguyễn thế Điển
( Còn tiếp phần 2 : Quê ngoại trong Google )

Có 1 bình luận về Đường về quê ngoại trong ký ức

  1. Hoàng Hưng nói:

    Có đi lộn đò không ? Sao lâu quá chưa tới Ngã Bảy?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài viết mới khác